Nelson Mandela: Người anh hùng không có ngày nghỉ hưu

Chủ Nhật, 28/11/2004, 22:03

Nelson Mandela năm nay đã 86 tuổi. Ông rời khỏi chính trường Nam Phi từ năm 1999 nhưng tuần nào hình ảnh ông tham gia các hoạt động xã hội cũng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Đừng gọi cho tôi mà hãy để tôi gọi cho các bạn", đó là lời “cảnh báo” của Mandela với những người muốn mời ông tham gia các hoạt động trước công chúng.

Cuộc đời Nelson Mandela được đánh dấu bằng hàng loạt biến cố đau thương. Là một nhà đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hàng đầu ở Nam Phi từ những năm 1940, Nelson Mandela đã phải ngồi tù 27 năm và bị biệt giam ở đảo Robben, nơi Thủ tướng nước ta Phan Văn Khải đến thăm trong chuyến thăm hữu nghị Nam Phi vừa qua.

Sứ giả của hòa bình

Cho đến nay, điều ông Nelson Mandela ân hận nhất là đã không được gặp mặt mẹ và con trai trưởng trong những giây phút cuối của cuộc đời họ. Năm 1990, Nelson Mandela ra tù với những vết thương ứa máu trên da thịt và trong tim. Ông lại tiếp tục đấu tranh vì những người da đen bị phân biệt đối xử trong xã hội. Năm 1993, ông là người duy nhất ở Nam Phi nhận giải thưởng Nobel hòa bình và một năm sau trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên ở Nam Phi.

Vì quyền lợi sống còn của người da đen, Nelson Mandela đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử lịch sử năm 1993 sau những cuộc vận động, hội họp và di chuyển không mệt mỏi. Những người thân lúc đó chỉ biết lo lắng cho sức khoẻ của một người mới ra tù như ông. Song mọi lời khuyên của họ xem ra đều vô hiệu.

Đến năm 1997, ông chính thức tuyên bố bổ nhiệm người phó của mình là ông Mbeki vào cương vị Tổng thống khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 1999. Lúc đó, Nelson Mandela nói rằng, ông dự kiến rút khỏi những nơi thu hút các ống kính truyền thông để sống cuộc đời của một người về hưu.

Ai cũng nghĩ Nelson Mandela đã về hưu thật, nhưng thực tế, khi vừa rời khỏi ghế Tổng thống, không một tuần nào tên của ông không xuất hiện ít nhất một lần trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trở thành vị đại sứ vĩ đại nhất của Nam Phi, Nelson Mandela thực hiện các chuyến đi khắp thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc gia, tham dự hội họp và liên tục nhận giải thưởng vì những đóng góp vĩ đại của mình, mà nổi bật là thành tựu về đề tài phòng chống căn bệnh AIDS. Không biết bao nhiêu doanh nghiệp nổi tiếng được ông mời đến thăm những vùng nông thôn nghèo khó và đề nghị họ đóng góp tiền xây dựng trường học và bệnh viện.

Năm 2001, khi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ai cũng tưởng ông sẽ nghỉ hoạt động và vui thú cuộc sống điền viên, ngày ngày chữa bệnh. Nhưng không. Nelson Mandela vẫn bận rộn với các cuộc thương lượng hòa bình ở CHDC Congo, Burundi và nhiều quốc gia khác ở châu Phi. Ít lâu sau, cả thế giới lại được nhìn thấy ông qua màn ảnh nhỏ, tay cầm ngọn đuốc Olympic khi nó đến thành phố Cape Town. Sau đó, ông bay nửa vòng trái đất đến Thái Lan để phát biểu tại Hội nghị chống AIDS của LHQ rồi lại bận rộn với các cuộc thương thảo hoà bình ở Burundi…

Các phụ tá của Nelson Mandela đã nhận xét rằng ông là một người "nghiện" công việc và không có thuốc nào chữa khỏi.

Viết hồi ký và hoạt động từ thiện

Trong lần trả lời phỏng vấn tại nhà riêng ở Johannesburg, Nam Phi, Nelson Mandela cho biết ông muốn có nhiều thời gian hơn để viết hồi ký, thư giãn và đọc sách. Tất nhiên, ông vẫn sẽ tiếp tục điều hành các hoạt động nhân đạo thông qua ba tổ chức là Quỹ trẻ em Nelson Mandela, Tổ chức Rhodes/Mandela và Quỹ Nelson Mandela. Phát ngôn viên đảng Quốc hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền ở Nam Phi cho biết, Phó Chủ tịch đảng vẫn thường xuyên báo cáo tình hình cho Nelson Mandela bởi ông không thể từ bỏ các hoạt động ở ANC.

Gần đây nhất, người ta lại thấy cựu Tổng thống Nam Phi tham gia vận động hành lang để nước này đăng cai World Cup năm 2010. Sau đó, tại Cape Town cũng như một số thành phố khác, người ta còn mở các phòng trưng bày tác phẩm hội họa của Nelson Mandela. Các bức tranh phác họa cuộc sống của ông trong thời gian bị cầm tù trên đảo Robben cũng được giới thiệu tại CLB Quân đội ở Quảng trường St James, London (Anh) với trị giá khoảng 3.000 - 4.000 bảng và số tiền thu được sẽ chuyển đến quỹ từ thiện mang tên Nelson Mandela.

Bằng những bức vẽ này, ông cũng đã giúp mọi người hình dung về nhà tù với hàng rào dây thép gai uốn cong cùng vọng gác. Cùng với các bức tranh là lời bình của ông nên hiển nhiên chúng trở nên ý nghĩa và toàn diện hơn. Bộ tranh ra mắt cùng sự phát hành phần I cuốn tự truyện mang tên Con đường đến với tự do (Long walk to freedom). Phần II cuốn tự truyện đang được ông viết tiếp và sẽ kể lại thời gian ông đảm nhiệm cương vị Tổng thống và những bước thăng trầm trong sự nghiệp đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của ông.

Chưa hết, những chuỗi ngày nằm trong ngục Apartheid lại được tái hiện khi cựu Tổng thống Nam Phi đứng ra tổ chức một đêm nhạc ủng hộ phong trào phòng chống AIDS trong 4 bức tường của nhà tù ở đảo Robben, nơi ông bị giam cầm. Xuất hiện trong đêm nhạc có thủ lĩnh ban nhạc U2 Bono, Shaggy, Queen và Macy Gray, người đàn ông 84 tuổi này còn bước lên sân khấu trong giai điệu ca khúc 48864. Đây chính là số tù trước đây của ông. Tác phẩm này do Dave Steward (nhóm Eurythmics), U2 Bono và Joe Strummer (The Clash) sáng tác, nằm trong album "Mandela SOS".

Hạnh phúc cuối đời

Nổi tiếng khắp các châu lục, thế nhưng trong cuộc sống riêng tư, Nelson Mandela là người không may mắn. Ông cưới vợ lần đầu vào năm 1944 nhưng sau 13 năm thì ly dị khi đã có 3 mặt con. Một năm sau, ông cưới bà Winnie, người sau này đóng vai trò then chốt trong quá trình vận động cho sự tự do của chồng. Thế nhưng, bà Winnie cũng là người mang lại nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông Nelson Mandela vì đã phản bội lại ông.

Chuyện kể rằng trong thời gian ông ở tù, theo quy định, tù nhân bị cấm đọc báo, song chẳng hiểu vì động cơ gì, các cai tù ở đảo Robben hàng ngày vẫn bí mật cắt những bài báo viết về những vụ ngoại tình của bà Winnie đưa cho ông Nelson Mandela đọc. Những đồng chí của ông khi đó đã khuyên ông nên ly dị bà Winnie ngay từ trong tù, nhưng ông từ chối và rộng lượng tuyên bố rằng bà Winnie còn quá trẻ và quá hấp dẫn nên khó chống lại cám dỗ quá lớn ở xung quanh. Mãi đến năm 1992, Nelson Mandela mới ly dị bà Winnie sau khi bà bị kết tội bắt cóc và hành hung người khác.

Hạnh phúc đã mỉm cười với người con trung dũng của Nam Phi vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông. Nelson Mandela cưới vợ lần thứ 3 và người phụ nữ này là quả phụ của vị Tổng thống đầu tiên ở Mozambique, bà Graca. Sau 80 năm, cuối cùng vị cựu Tổng thống từng được tạp chí Time bầu chọn là danh nhân của thế kỷ XX cũng đã tìm được một người vợ tâm đầu ý hợp: "Cuộc sống chung là niềm hạnh phúc cho cả hai chúng tôi", Nelson Mandela tuyên bố. Còn bây giờ, khi đã tròn 86 tuổi, ông vẫn tiếp tục cùng người vợ nổi tiếng của mình xuất hiện trước ống kính của giới truyền thông. Có lẽ ông sẽ không bao giờ nghỉ hưu

.
.