New Zealand: Lại lùm xùm chính khách gốc nước ngoài

Thứ Tư, 20/09/2017, 17:43
Ngày 13-9, Yang Jian, nghị sĩ gốc Hoa, thành viên đảng cầm quyền Dân tộc (NP) đã tổ chức một cuộc họp báo để bác bỏ cáo buộc ông là “gián điệp Trung Quốc” do ông từng có thời gian theo học và giảng dạy tại 2 ngôi trường trực thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa. Vụ việc đang tạo nên dư luận ồn ào, cũng tương tự như vụ việc một số chính khách mang 2 quốc tịch vừa qua.

Tại cuộc họp báo, ông Yang Jian bác bỏ mọi cáo buộc, nghi vấn về lòng trung thành của ông đối với đất nước New Zealand. Yang khẳng định, dù không sinh ra ở New Zealand, nhưng ông đã tự xem mình là một người New Zealand, tuân thủ luật pháp New Zealand và có đóng góp cho đất nước. Yang “thách” những ai cáo buộc ông làm gián điệp tìm ra bằng chứng để chứng minh.

Nhưng cho dù Yang nói gì thì ông vẫn đang bị Cục Tình báo an ninh New Zealand (NZSIS) điều tra để làm rõ những nghi vấn, cáo buộc của các chính khách đối lập và dư luận báo chí. Vừa qua, hai tờ báo Financial Times của Mỹ và Newsroom của New Zealand đã tự thực hiện cuộc điều tra riêng và phát hiện điều mà họ cho là “quá khứ che giấu” của Yang.

Theo hai tờ báo này, Yang Jian sinh năm 1962, di cư sang New Zealand vào năm 1999. Sự nghiệp đầu tiên của ông ở New Zealand là dạy học môn quan hệ quốc tế tại Đại học Auckland. 12 năm sau, năm 2011, ông trở thành công dân New Zealand và được bầu vào nghị viện. Hai tờ báo phát hiện rằng, trong giai đoạn 1978-1994, Yang từng theo học và giảng dạy tại hai ngôi trường đào tạo chuyên nghiệp của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA): từng theo học và tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Không quân trực thuộc PLA còn ngôi trường thứ hai là Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương ở tỉnh Hồ Nam.

Nghị sĩ Yang Jian.

Theo Financial Times, Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương trực thuộc Cục 3 của Bộ Tổng tham mưu PLA. Cục 3 là Cơ quan tình báo tín hiệu nổi tiếng của Trung Quốc, tương đương với NSA của Mỹ và GCHQ của Anh. Trong những năm gần đây, cơ quan này thường bị phương Tây cáo buộc đứng sau các nhóm tin tặc người Trung Quốc gây ra những vụ tấn công mạng đình đám ở Mỹ và Anh. Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương là ngôi trường chuyên đào tạo ngoại ngữ cho các điệp viên của Cục 3 - cả điệp viên hoạt động công khai lẫn điệp viên ngầm.

Tại cuộc họp báo, Yang thừa nhận từng có thời gian học tập và giảng dạy tại hai học viện kể trên, nhưng khăng khăng cho rằng không có vấn đề gì khuất tất trong công việc giảng dạy tại hai nơi đó. Để chứng minh mình trong sạch, Yang trưng ra một bản sơ yếu lý lịch trong đó ghi rõ ông tốt nghiệp cử nhân Anh ngữ tại Học viện Kỹ thuật Không quân vào năm 1982 và lấy bằng thạc sĩ Hoa Kỳ học tại Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương vào năm 1990.

Bản lý lịch cho thấy trong những năm từ 1982-1987, Yang làm trợ giảng tại Học viện Kỹ thuật Không quân và làm giảng viên ngoại ngữ tại Học viện Lạc Dương từ năm 1990-1993 rồi đến Australia để học tại Đại học Quốc gia Australia. Theo trang tin tức điện tử Stuff.co.nz của New Zealand, Yang thừa nhận, tại Học viện Lạc Dương, ông không chỉ dạy ngoại ngữ mà còn giảng dạy cho các học viên điệp viên Cục 3 cách thức can thiệp và giải mã dữ liệu thông tin trong luồng giao dịch trên Internet và mạng điện thoại.

Ông khẳng định mình không giảng dạy nghiệp vụ tình báo con người trên thực địa. Tuy nhiên, cách Yang giải thích cho việc giảng dạy điệp viên của mình khiến các cơ quan truyền thông quốc tế không đồng tình. Chẳng hạn, ông đồng ý rằng các học viên của ông đều là điệp viên, nhưng ông lại cho rằng ông “không nghĩ họ là điệp viên”, mà “chỉ nghĩ rằng họ thu thập thông tin thông qua truyền thông ở Trung Quốc”.

Phát biểu với báo chí hôm 13-9, Chủ tịch đảng cầm quyền Peter Goodfellow đã thận trọng không vội bào chữa, bênh vực cho Yang cũng như ủng hộ cuộc điều tra của Cơ quan tình báo New Zealand. Ông Goodfellow cho rằng, chỉ khi nào có bằng chứng cụ thể thì mới có thể khẳng định Yang có liên quan đến tình báo Trung Quốc.

Tuy nhiên, nghị sĩ Winston Peters bày tỏ băn khoăn rằng việc ông Yang có liên quan đến cơ quan tình báo Trung Quốc dù là trong quá khứ cũng rất đáng quan ngại và là sai sót đáng tiếc của đảng Dân tộc trong việc sưu tra hồ sơ lý lịch cá nhân của ứng cử viên trong các cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Thủ tướng Bill English cho biết, ông biết về lý lịch bản thân của nghị sĩ Yang nhưng không nghĩ rằng ông ấy cố tình che giấu nó.

Tuy nhiên, tờ báo Financial Times đã đưa ra cái gọi là “bằng chứng” để lập luận rằng ông Yang đã cố tình che giấu lý lịch quá khứ của bản thân. Tờ báo này kể, trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Hoa, ông Yang đã liên tục yêu cầu phóng viên của tờ báo không đưa vào bài báo những thông tin về khoảng thời gian ông học tập và làm việc tại các học viện ở Trung Quốc.

Trong bài phát biểu ra mắt tại Nghị viện New Zealand, Yang đã kể lại khoảng thời gian “khốn khổ” mà gia đình ông trải qua dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976). Yang kể ra những mặt trái của đất nước Trung Quốc của ông thời kỳ trước cải cách kinh tế. Đồng thời hết lời ca ngợi những thành tựu kinh tế của Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Đặng Tiểu Bình phát động cải cách.

Để khẳng định mình trung thành với đất nước New Zealand, Yang dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Tôi không quan tâm đó là mèo trắng hay mèo đen. Một con mèo biết bắt chuột là con mèo giỏi”. Nhưng dù cho Yang có biện hộ gì thì cũng khó đòi hỏi người khác tin tưởng khi bản thân ông đã tạo ra một sự mờ ám khiến người khác nghi ngờ. Chỉ còn cách chờ xem NZSIS điều tra được những gì mà thôi.

An Châu (tổng hợp)
.
.