Nga, làn gió mới cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á?

Thứ Tư, 31/10/2018, 14:55
Nếu không có gì thay đổi, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 13 tại Singapore vào tháng 11. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, từ khi Nga trở thành thành viên của EAS, một vị nguyên thủ của Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Ngoài ra, Tổng thống Putin còn thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Singapore và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ tư.

Sự tham gia của Tổng thống Nga vào EAS là điều được mong đợi từ lâu, vì người ta tin rằng sự hiện diện của người đứng đầu nhà nước sẽ giúp thể hiện thái độ nghiêm túc của Nga đối với nền ngoại giao đa phương ở châu Á nói chung và với cơ chế chủ chốt của một hệ thống an ninh xung quanh ASEAN.

Mặc dù vấn đề của các cơ chế do ASEAN làm trung tâm không phải là vấn đề duy nhất đối với nền ngoại giao đa phương, song điều đó cũng không phủ nhận tầm quan trọng của EAS đối với Nga. Trước hết, sự tham gia của nhà lãnh đạo Nga có ý nghĩa không chỉ đối với một hội nghị như EAS, mà nó còn quan trọng đối với quan hệ giữa Nga và ASEAN. Cơ chế EAS quan trọng như một dự án mang tính biểu tượng của ASEAN, với nguyên tắc “vai trò trung tâm” của ASEAN, khi các cường quốc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng đến với sân chơi của ASEAN để thảo luận về các vấn đề khu vực.

Tuyên bố Sochi của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ 3 khẳng định rằng sự quan tâm hơn của Nga đối với EAS sẽ là một bước đi quan trọng để nâng cấp quy chế quan hệ đối tác Nga - ASEAN lên mức “chiến lược”.

Với ý nghĩa đó, chuyến công du vào tháng 11 tới đây của Tổng thống Nga đến Singapore không thể không thành công. Nó thể hiện vai trò nước Nga là một “tay chơi lớn” trong khu vực và chia sẻ tầm nhìn của mình về một hệ thống an ninh khu vực sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ. Tổng thống Putin được cho là sẽ trình bày về quan hệ đối tác Á - Âu rộng lớn - một ý tưởng của Nga về một không gian trải dài từ Liên minh châu Âu đến ASEAN, với các quy tắc luật chơi chung trong thương mại và đầu tư.

Các nhà bình luận sẽ chỉ ra tiềm năng quan trọng của Nga để đóng vai trò của một “thế lực thứ ba”, với sức hấp dẫn ngày càng tăng trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên.

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 10 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Khái niệm về “thế lực thứ ba” đã tồn tại từ lâu trong những phát biểu của nước Nga về chính trị châu Á nhưng nó đòi hỏi một cách nhìn tổng thể và có phản biện. Xét về tương đối, luận thuyết này có 2 điểm yếu. Thứ nhất, mức độ ảnh hưởng thực sự của Nga ở Đông Nam Á là không lớn, vì khả năng khách quan hạn chế của Nga trong việc đưa ra những đề nghị hấp dẫn cho khu vực.

Mặc dù các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày nay chiếm 1/3 thương mại nước ngoài của Nga nhưng tỷ lệ của Nga không vượt quá 3% thương mại của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Tuy nhiên, đối với khu vực này, Nga từng có một đề xuất độc đáo trong một số lĩnh vực chiến lược quan trọng. Đó là hợp tác kỹ thuật quân sự, an ninh thông tin, khai thác khoáng sản và năng lượng. Tuy nhiên, đề xuất này đã tồn tại nhiều thập kỷ và kết quả vẫn chủ yếu mang tính hình thức.

Sự hiện diện quân sự của Nga ở Tây Thái Bình Dương cũng bị hạn chế một cách hợp lý, bởi một mặt, điều đó làm giảm nguy cơ Nga bị lôi kéo vào các cuộc xung đột khu vực. Nhưng, mặt khác, điều đó khiến cho Nga nằm ngoài cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai, sự nghi ngờ đang gia tăng trong khu vực về tính độc lập của Nga trong các vấn đề của châu Á. Dưới tác động của truyền thông quốc tế, nhận thức ngày càng phổ biến về Nga như một đất nước có mối quan hệ “rất xấu” với Mỹ và điều đó khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, hay nói đúng hơn là phụ thuộc ảnh hưởng của nước này.

Chẳng hạn, Nga không còn giữ quan điểm trung lập trong vấn đề Biển Đông sau khi nước này tập trận với Trung Quốc và nhất là sau khi Nga ủng hộ Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye năm 2016.

Trong bối cảnh này, khái niệm “thế lực thứ ba” vẫn chưa mang lại nhiều hứa hẹn. Để thành công hơn, có lẽ Nga chỉ nên tập trung vào việc duy trì các cơ chế ngoại giao đa phương hiện có. Đối với Nga, nước vốn không có các nguồn lực trong khu vực có thể so sánh với Trung Quốc hay Mỹ thì chiến lược tăng cường khung thể chế có ý nghĩa hơn cả trong dài hạn. Điều này hoàn toàn thực tế nếu diễn ra song song với việc củng cố niềm tin của các nước đối với Nga như một quốc gia tuân thủ các quy tắc hợp tác quốc tế.

Việc tăng cường phối hợp hành động trên thực tế, cùng những sáng kiến mới của Nga trong các cơ chế đa phương ở châu Á có thể mang lại hiệu quả đáng kể đối với ảnh hưởng của Nga ở khu vực Đông Nam Á trong khi chỉ phải bỏ ra chi phí tương đối thấp, cho dù với xu thế đa phương hiện nay, nói về an ninh tập thể có vẻ lỗi thời và ngây thơ.

Khi nói về chính sách hướng Đông của Nga, người ta thường bắt đầu nói về quan hệ song phương của Nga với các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Sau đó là đề cập đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên và cuối cùng mới nhắc tới các cơ chế ngoại giao đa phương xoay quanh ASEAN. Các cơ chế đó bao gồm quan hệ Đối tác Đối thoại Nga - ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); EAS; Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và một số cơ chế khác.

Tất nhiên, một chiến lược như vậy sẽ đòi hỏi Nga phải đầu tư nghiêm túc hơn cho công tác tổ chức, nhân sự của nước này vốn còn khá quan liêu trong các cơ chế đa phương châu Á. Cần phải tranh thủ sự hiểu biết và hỗ trợ của các cơ quan liên quan trong toàn bộ hệ thống chính quyền hành pháp ở Nga nhằm tăng cường sự tham gia của Nga vào hàng chục cuộc đối thoại chuyên ngành trong khuôn khổ các tổ chức do ASEAN làm trung tâm.

Ngọc Diệp (tổng hợp)
.
.