Ngoại giao mạng và trào lưu selfie của các nguyên thủ

Thứ Tư, 14/02/2018, 14:32
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ làm thay đổi xã hội và cuộc sống của người dân trên toàn thế giới mà nó còn làm mới phương cách ngoại giao, tạo ra những công cụ ngoại giao mới trong đó có mạng xã hội. Những bức hình selfie như một phương thức để các nhà lãnh đạo tiếp cận gần hơn với dân và truyền tải nhanh hơn các thông điệp của chính mình.

Trong một bài viết được đăng tải hồi đầu tháng 12-2017, hãng BBC của Anh đã khẳng định, các nhà lãnh đạo thế giới đang ngày càng có động thái giống người nổi tiếng thông qua việc thể hiện các khía cạnh con người, tình cảm của mình qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và nhờ đó mà tăng vị thế chính trị của họ.

Nghiên cứu từ các nhà cung cấp mạng cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang trở thành nhân vật chiến thắng về chính trị trong cuộc đua truyền thông xã hội. Ông liên tục tự phá vỡ kỷ lục đăng tin trên Twitter, số lượng tweet mới và tweet đăng lại của ông có tới hơn 42 triệu người theo dõi.

Trang Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn thu hút lượng lớn người theo dõi.

Thậm chí, thói quen đăng tweet của người đứng đầu Nhà Trắng còn được cho là “bùng nổ” với tốc độ chóng mặt vào tháng 11-2017 khi ông có chuyến công du 5 nước châu Á.

Riêng trong ngày 7-11-2017, ông Donald Trump đã đăng 51 tweet khi ở thăm Hàn Quốc. Đối với Việt Nam, 3 ngày Tổng thống Mỹ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước là quãng thời gian tài khoản Twitter của ông tràn ngập những hình ảnh đẹp và thân thiện về đất nước, con người Việt Nam. Người đứng đầu Nhà Trắng đã giới thiệu chuyến đi của mình bằng những dòng tweet ngắn và các dòng trạng thái khác nhau trên tài khoản Facebook chính thức của ông.

Chưa hết, ông còn phát trực tiếp (livestream) trên Facebook bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) tại TP Đà Nẵng vào ngày 10-11-2017 để nhận trực tiếp những lời bình luận, sự bày tỏ ủng hộ, tán thành hoặc thậm chí là phản đối các quan điểm trong bài phát biểu của mình.

Khoảnh khắc selfie của các nguyên thủ tại Hội Nghị APEC Đà Nẵng 2017.

Sau đó, Tổng thống Mỹ tiếp tục thu hút hơn nửa triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận khi phát trực tiếp trên Facebook đoạn video có cảnh ông bước xuống chuyên cơ Air Force One tại sân bay quốc tế Nội Bài và cảnh ông ngồi trong xe di chuyển trên đường phố Thủ đô Hà Nội...

Khi trả lời phỏng vấn báo giới về thói quen “nghiện” mạng xã hội của mình, ông Donald Trump cho biết: “Thật lòng mà nói, tôi nghi ngờ về việc mình có thể đạt được vị trí như ngày hôm nay nếu không có mạng xã hội. Khi ai đó nói gì về tôi, tôi có thể sẽ phản ứng “bing, bing, bing” (bình luận trên Twitter) và tôi sẽ xử lý vấn đề đó. Các bạn biết đấy, phải luôn giữ được sự quan tâm của mọi người. Nếu không có mạng xã hội, tôi không chắc là có thể ngồi đây để nói chuyện. Có lẽ tôi sẽ không thể ngồi đây được”.

Đứng sau Tổng thống Mỹ về số lượng người theo dõi Twitter nhưng “Thủ tướng mạng xã hội đầu tiên của Ấn Độ” Narendra Modi lại có tới hơn 40 triệu người theo dõi trên Facebook và 6,8 triệu người theo dõi trên Instagram. Ông Narendra Modi thường sử dụng các trang mạng xã hội để thông báo về nội dung các chuyến công du nước ngoài của ông và chia sẻ quan điểm về các vấn đề mà ông quan tâm. Ông cũng rất chăm chỉ gửi lời chúc mừng sinh nhật tới các nhà lãnh đạo thế giới khác qua trang cá nhân của mình.

Phương thức đối ngoại này của Thủ tướng Narendra Modi đã thể hiện tư duy cởi mở, phóng khoáng và hài hước của giới chức Ấn Độ. Đặc biệt, ông luôn lắng nghe và coi trọng những ý kiến góp ý của người dân trên các trang mạng xã hội của mình. Ông còn đề nghị các bộ trưởng sử dụng mạng xã hội như một phần công việc của họ và yêu cầu các cơ quan Ấn Độ mời những chuyên gia và đại diện từ Facebook, Twitter và Google tham dự các cuộc họp tham vấn về phương án sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong ngoại giao nhân dân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin selfie cùng các binh sĩ Nga tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi selfi cùng các sinh viên Ấn. Ảnh: EPA.

Nổi bật nhất là hoạt động của Bộ Ngoại giao Ấn Độ thiết lập cơ chế xử lý vụ việc thông qua mạng xã hội Twitter nhằm mục đích hỗ trợ người dân. Theo đó, sau khi nhận được khiếu nại từ người dân trên Twitter, Bộ Ngoại giao sẽ vào cuộc để bắt đầu xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ và các vấn đề thường được giải quyết trong vài giờ sau đó...

Và nếu Tổng thống Donald Trump thường được gọi là “Tư lệnh Twitter”, Thủ tướng Narendra Modi là “Ông vua Facebook” thì Tổng thống Slovenia Borut Pahor lại được biết đến với biệt danh “Tổng thống Instagram”. Nói thế là bởi vì cho đến nay, dù nhiều nguyên thủ đã sử dụng mạng xã hội như một kênh giao tiếp hằng ngày thì vẫn chưa có ai vượt qua được sự thống trị Instagram như ông Borut Pahor.

Theo tờ The Guardian, tài khoản Instagram của Tổng thống Slovenia luôn đầy màu sắc, ấn tượng, đời thường và rằng một người đàn ông trung niên (53 tuổi) lại có được hàng chục ngàn người theo dõi trên mạng xã hội dành cho người trẻ là một điều lạ lùng. Hãy thử tưởng tượng hình ảnh ông Borut Pahor đứng tựa vào cầu thang ở dinh Tổng thống Ai Cập năm 2016 một cách tình cờ với chú thích “Nhớ nhà ở Cairo” cũng đủ tạo nên một làn sóng bắt chước ông lan mạnh với hashtag #boruting trên mạng xã hội...

Nhiều nguyên thủ khác như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long... cũng là các nhà lãnh đạo có kỹ thuật tốt khi sử dụng truyền thông xã hội như một kênh giao tiếp của riêng mình.

Ngoài việc sử dụng mạng xã hội, “ngoại giao tự chụp ảnh” cũng đang trở thành trào lưu của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Người áp dụng nhiều nhất và thành công nhất cho đến nay là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tự tin và thoải mái trước ống kính, ông Narendra Modi luôn biết tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ khi chụp ảnh một mình hay với các nhà lãnh đạo khác.

Hãng tin Hindu Times cho hay, Thủ tướng Ấn Độ thường xuyên chụp ảnh selfie với lãnh đạo của các quốc gia mà ông đến thăm. Đôi khi ông còn dùng những bức ảnh này như một món quà đặc biệt. Chẳng hạn, vào tháng 7 năm 2015, ông Narendra Modi đã gửi một bức ảnh selfie chụp ông và Thủ tướng Lý Khắc Cường qua mạng xã hội để chúc mừng sinh nhật người đồng cấp Trung Quốc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long selfie cùng các bạn trẻ. Ảnh: The Bangkokpost.
Bức ảnh selfie của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: AAP.

Là một người yêu công nghệ và là một trong những nguyên thủ quốc gia hiếm hoi biết lập trình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng rất thích chụp hình “tự sướng” khi thì với các nguyên thủ ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, California (Mỹ) năm 2016; lúc thì với kình ngư Joseph Schooling - người đã lập nên chiến tích lịch sử khi giành chiếc HCV Olympic đầu tiên cho Singapore sau khi vượt qua siêu kình ngư người Mỹ Michael Phelps.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - hai nguyên thủ nổi tiếng nghiêm nghị - cũng có những khoảnh khắc rất dễ thương khi selfie. Đó là lúc ông Rodrigo Duterte selfie cùng thành viên phái đoàn trên chuyên cơ đến Việt Nam hồi tháng 9-2016 hay cảnh binh sĩ Nga cùng chụp selfie với ông Vladimir Putin...

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lại “gây bão” trên mạng xã hội khi đăng ảnh cầm bia bế cháu gái trên khán đài sân vận động với lời chú thích “Đa di năng tại sân bóng”. Tờ The Australia cho biết, ông Malcolm Turnbull là một chính trị gia “chăm chỉ” selfie.

Hồi tháng 11-2017, trong thời gian dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, ông Malcolm Turnbull đã cùng đầu bếp Luke Nguyễn, người Australia gốc Việt, đi bộ từ đường Võ Nguyên Giáp ra đường Hồ Xuân Hương đến một tiệm bánh mì vỉa hè, thưởng thức bữa sáng dân dã và chụp ảnh “tự sướng” với người dân.

Chỉ hai ngày sau đó (ngày 11-11), Thủ tướng Australia lại “gây sốt” mạng xã hội khi chia sẻ khoảnh khắc thư dãn, chụp ảnh selfie cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trần Đại Quang bên cạnh những giờ họp căng thẳng tại Hội nghị cấp cao APEC. Bức ảnh này sau đó được bình chọn là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017.

Châu Anh
.
.