Ngoại trưởng Israel trước nguy cơ bị buộc từ chức

Thứ Ba, 18/08/2009, 02:30
Ngài Ngoại trưởng Israel Avidgor Lieberman - Chủ tịch đảng Beitenou, một đảng theo đường lối bảo thủ - gây nhiều tranh cãi trong và ngoài nước của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ phải chấm dứt sự nghiệp ngoại giao của mình đồng thời đứng trước nguy cơ bị bại hoại thanh danh chính trị? Ngày 2/8 vừa qua, ông Avidgor Lieberman bị cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và cản trở pháp luật.

Một quan chức giấu tên của Cảnh sát Israel ngày 2/8 cho biết, cơ quan này đã yêu cầu truy tố Ngoại trưởng Avidgor Lieberman vì các tội danh tham nhũng, rửa tiền, quấy rối nhân chứng và cản trở quá trình điều tra của các cơ quan luật pháp Israel.

Yêu cầu này sẽ được đệ trình lên Trưởng biện lý quốc gia Menahem Mazouz trong vài ngày tới. Ông Avigdor Lieberman, năm nay 51 tuổi, có thể sẽ phải ra trước tòa để biện hộ cho mình trước khi các cơ quan luật pháp đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong trường hợp bị kết tội, ông Lieberman sẽ bị buộc từ chức Ngoại trưởng Israel.

Sau nhiều năm điều tra, hồi giữa tháng 7 vừa qua, một nhóm cảnh sát đặc biệt đã trình một bộ hồ sơ bí mật tới Trưởng biện lý quốc gia Israel. Theo đài truyền hình nhà nước Do Thái thì hồ sơ này tố cáo ông Avidgor Lieberman và con gái của ông là Michal, cùng hai nhân vật khác.

 Từ lâu, Lieberman đã một mực kêu oan và cho rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch truy hại từ 13 năm nay. "Chẳng có nguyên nhân thực sự nào để mở một cuộc điều tra về tôi và nếu những nghi ngờ có một chút cơ sở nào đó thì công việc điều tra chẳng phải kéo dài tới hơn một thập niên như vậy"- ông Lieberman cho biết trong một thông báo phát đi ngay khi có yêu cầu truy tố của cảnh sát gửi lên Viện Kiểm sát.

Tổng thống Palestin Mahmaoud Abbas.

"Từ 13 năm nay, cảnh sát đã truy hại tôi, đến mức mà khi quyền lực chính trị của tôi và uy tín của đảng Beitenou càng tăng thì những âm mưu nhằm gạt tôi ra khỏi các hoạt động chính trị ngày một gia tăng. Tôi sẽ không bao giờ bị kết tội"- ông Lieberman tuyên bố mới đây trước Quốc hội Israel.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số các nhà bình luận thì hồ sơ hiện Cảnh sát Israel nắm trong tay rất có cơ sở. Mặc dù vậy, phát biểu trước báo giới ngày 3/8, ông Lieberman cho biết sẽ từ chức Ngoại trưởng và từ bỏ luôn chức Chủ tịch đảng Beitenou nếu bị kết tội tham nhũng.

Giữa tháng 7/2009, đài phát thanh quân đội Do Thái và nhật báo Yédiot Aharonot đã tiết lộ chi tiết vụ việc. Theo đó, ông Avigdor Lieberman bị cáo buộc tạo ra một chuỗi các công ty, mà một số trong đó hoàn toàn là công ty ma, chủ yếu khai báo đặt trụ sở tại đảo Síp với sự trợ giúp của một số thương gia người Nga và Australia.

Đây là cách để ông Lieberman rửa một số lượng lớn tiền bẩn. Số tiền trên được ông Lieberman dùng cho các chiến dịch tranh cử của đảng mình thông qua một hãng tư vấn do cô con gái Michal của ông điều hành. Theo các phương tiện truyền thông Israel, con gái của ông Lieberman bị nghi ngờ là nắm giữ một số tài khoản ngân hàng ở đảo Síp, những tài khoản này cung cấp tài chính cho các hoạt động tranh cử của cha cô. Từ khi lên nhậm chức tháng 4/009 đến nay, Ngoại trưởng Lieberman đã bị cảnh sát thẩm vấn 5 lần.

Ông Avidgor Lieberman được chọn làm người đứng đầu ngành ngoại giao của Israel sau khi đảng Beitenou về thứ 3 trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 2/2009 với 15 ghế trên tổng số 120. Ông trở nên nổi tiếng là "người mạnh mẽ" sau khi tuyên bố trục xuất những người Israel gốc Arập không trung thành với nhà nước Do Thái.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Lieberman đã gây ra một vụ ồn ào lớn tại Israel và quốc tế khi khẳng định những quan điểm cứng rắn không nhượng bộ trước người Palestin và Syria. Bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, cụ thể là chống người Arập, Ngoại trưởng Israel đã bị tẩy chay tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã từ chối tiếp ông Avigdor Lieberman nhân chuyến thăm Pháp của ông này hồi tháng 5/2009 rồi còn gợi ý cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu cách chức ông Lieberman trong một cuộc hội đàm tại phủ Tổng thống Pháp hồi tháng trước.

Sự cô lập về ngoại giao đến mức chính ông Avigdor Lieberman đã phải rút ra kết luận khi khẳng định mới đây rằng ông cảm thấy như không có quyền đàm phán về số phận của các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây với George Mitchell, đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama về Trung Đông.

Trong một diễn biến khác tại Trung Đông, sau nhiều cuộc họp căng thẳng cuối cùng đại hội lần thứ 6 của phong trào Fatah, Palestin, đã diễn ra hôm 4/8. Vốn bị tê liệt bởi những chia rẽ nội bộ từ rất lâu, công tác chuẩn bị cho đại hội lần này đã hoàn tất với việc lập danh sách khoảng 1.700 đại biểu được triệu tập với mục đích cải tổ lại các cấp điều hành của phong trào này.

Đại hội lần này cho thấy sự loạn cơ chế trong bộ máy của Fatah nhưng đây đồng thời cũng là một thách thức lớn cho đại hội, lần đầu tiên diễn ra trong vòng 20 năm trở lại đây. Hội nghị đảng Fatah lần gần đây nhất diễn ra năm 1989 do cố Chủ tịch Yasser Arafat chủ trì từ Tunisia. Tổng thống Palestin Mahmaoud Abbas, Chủ tịch phong trào Fatah, muốn củng cố và cải cách phong trào này sau những tổn thất nghiêm trọng trong thời gian qua.

Văn kiện đại hội phong trào Fatah lần này đã từ chối thừa nhận Israel như một nhà nước Do Thái và khẳng định mong muốn nối lại đàm phán với Tel Aviv trên cơ sở sáng kiến hòa bình của Arập Xêút năm 2002 theo đó, các nước Arập sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, đổi lại Israel chấp nhận rút khỏi lãnh thổ đã chiếm đóng hồi năm 1967 và thừa nhận quốc gia Palestin với thủ đô là Đông Jerusalem.

Giới phân tích cho rằng xem ra tiến trình hòa bình Trung Đông lại đang gặp thử thách mới với vụ bê bối của người đứng đầu đoàn ngoại giao Israel mới đây, cùng quan điểm cứng rắn của Palestin về đối thoại với Israel được khẳng định trong văn kiện đại hội vừa qua của phong trào Fatah

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.