Phu nhân ƯCV Tổng thống Hossein Mousavi:

Ngôi sao chính trị mới tại Iran

Thứ Sáu, 12/06/2009, 14:45
Với việc Hossein Mousavi đang trở thành đối thủ chính của ông Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, phu nhân Zahra Rahnavard cũng nhanh chóng nổi lên như một ngôi sao mới trên chính trường Iran.

Theo đánh giá của các quan sát viên, bà Rahnavard không chỉ đơn thuần đóng vai trò là người ủng hộ về tinh thần của chồng mình mà còn là nguồn thu hút đáng kể những lá phiếu từ những cử tri trẻ tuổi trong cuộc bầu cử lần này, là thủ lĩnh phong trào mới đòi bình quyền cho phụ nữ tại Iran…

Thu hút lá phiếu của giới trẻ 

Đúng theo một kịch bản hợp lý nhất đã được vạch ra từ trước, ứng cử viên  Hossein Mousavi tạm thời đứng chờ ở bên cánh gà, trong khi phu nhân của ông chịu trách nhiệm "hâm nóng" sự cuồng nhiệt của đám đông người ủng hộ đang tụ tập đông đảo ở phía dưới bằng những lời kêu gọi ủng hộ cho quyền bình đẳng của phụ nữ cũng như các yêu cầu cải cách khác.

"Chúng tôi yêu bà, Rahnavard!" - các sinh viên của Trường đại học Tổng hợp Tabriz đã hô lên như vậy, trong khi Mousavi đứng bên cạnh vỗ tay. Nếu như các cặp đôi chính trị gia đã là chuyện không quá đặc biệt tại phương Tây, thì Rahnavard được cho là đang viết lại vai trò của một người vợ làm chính trị tại một quốc gia từ trước phe bảo thủ vẫn chiếm ưu thế như Iran. Hiện bà còn được coi là nguồn thu hút sự ủng hộ chính của công chúng đối với chồng mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 12/6 tới.

Các đánh giá đều cho rằng, tỉ lệ số phiếu bầu của tầng lớp trẻ sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Mousavi trong cuộc bầu cử sắp tới nếu ông muốn vượt qua Ahmadinejad. Từ trước đó, các cử tri trẻ - chủ yếu là sinh viên đại học - cũng từng là nền tảng chính cho phong trào cải cách của cựu Tổng thống Mohammad Khatami trong 2 nhiệm kỳ của ông từ năm 1997 đến 2005.

Nhiệm vụ quan trọng của ứng cử viên Mousavi trong chiến dịch tranh cử lần này là phải thu hút được sự ủng hộ đông đảo của sinh viên, và cả giới thanh niên sinh ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Phần lớn những trọng trách này đang được giao cho vợ ông - một phụ nữ 64 tuổi đã lên chức bà - gánh vác.
“Quyền lợi và tự do của phụ nữ sẽ quay trở lại sau 4 năm cầm quyền của Ahmadinejad. Chúng tôi hy vọng việc một chính trị gia theo đường lối cải cách chiến thắng sẽ là hy vọng cho những quyền tự do hơn nữa dành cho phụ nữ" - một người ủng hộ cho ứng cử viên Mousavi đã phát biểu như vậy.

Rahnavard không phải là người phụ nữ nổi tiếng đầu tiên trên chính trường Iran. Trước đó từng có nữ luật sư hoạt động vì nhân quyền Shirin Ebadi giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2003 và Masoumeh Ebtekar - Phó tổng thống trong chính phủ của Khatami.

Nhưng Rahnavard lại là người vợ đầu tiên đóng vai trò chính trong chiến dịch tranh cử của chồng, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của bà đối với xã hội sẽ còn lớn hơn nữa một khi ông Mousavi trở thành tổng thống.

Trong khi phu nhân của cựu Tổng thống Khatami rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, chưa nói đến người dân còn hầu như chưa biết gì về phu nhân của Tổng thống Ahmadinejad. Còn Rahnavard trong phần lớn các hoạt động tranh cử đều là người đứng ra phát biểu trước chồng mình.

Người bảo vệ cho quyền lợi phụ nữ

“Đàn ông và đàn bà tương tự như hai cái cánh” - Rahnavard nói với các sinh viên trường Tabriz về vai trò quan trọng của phụ nữ và đã thu hút được một tràng vỗ tay của đông đảo giới trẻ tại đây - “Con chim không thể bay với một cái cánh hay một cái cánh bị gãy".

"Rahnavard là một biểu tượng cho quyền lợi của người phụ nữ. Bà đang truyền cảm hứng cho phụ nữ đứng lên đòi quyền lợi của mình trong một hệ thống xã hội do đàn ông thống trị tại Iran. Chúng tôi đang khao khát tự do và bà ấy đang khuyến khích chúng tôi làm những điều chúng tôi cần phải làm" - nữ sinh viên trẻ Roya Masoudzadeh vừa phất lá cờ xanh thể hiện cho phong trào cải cách vừa phát biểu như vậy.

Rahnavard thật ra từ trước không còn là một nhân vật quá xa lạ đối với chính trường Iran. Ngay từ những năm 70, bà đã tích cực tham gia phong trào ủng hộ nhà triết học Hồi giáo Ali Shariati, một trong những người có ảnh hưởng chính tới các thủ lĩnh của cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran sau này.

Nhiều năm sau khi chế độ quân chủ do Mỹ hậu thuẫn bị lật đổ, Rahnavard còn là cái tên được biết tới nhiều hơn cả chồng mình trong hàng ngũ các chính trị gia tại Tehran.

Năm 2006, bà bị phe bảo thủ bãi nhiệm vị trí chủ nhiệm khoa tại Trường đại học Tổng hợp Al-Zahra (Tehran) vì những yêu cầu công khai đòi thay đổi luật pháp, cũng như chỉ trích phe bảo thủ không đại diện được cho tinh thần của cuộc cách mạng Hồi giáo.

Giờ đây với vai trò đại diện cho tinh thần của một làn sóng mới tại Iran, Rahnavard còn nhắc tới tương lai không xa khi phụ nữ cũng có thể đứng ra tranh cử tổng thống. "Vì sao một phụ nữ lại không được chấp thuận ra tranh cử tổng thống? Vì sao không có các nữ bộ trưởng trong nội các hiện nay? Đấu tranh loại bỏ tình trạng phân biệt và đòi hỏi quyền bình đẳng với đàn ông là ưu tiên số 1 của phụ nữ Iran hiện nay" - bà Rahnavard đã tuyên bố trước đám đông những người ủng hộ mình và chồng mình như vậy

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.