Ngôi sao mới trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp

Chủ Nhật, 14/08/2005, 07:14

Hai tháng sau khi bước chân vào điện Matinon, Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin đã thu được những thành công ngoài mong đợi. Chỉ số uy tín của ông trong tháng 7 đã nhảy vọt lên tới 44% (tăng 11 điểm).

Theo nhiều dấu hiệu, đương kim Tổng thống Chirac dường như có ý định chuẩn bị cho De Villepin làm người kế nhiệm của mình. Cho dù thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vẫn còn khá xa (tháng 5/2007), nhưng các hoạt động và những tuyên bố của các chính trị gia hàng đầu đã cho thấy, đây hứa hẹn sẽ là cuộc chạy đua hết sức quyết liệt vào điện Elysée.

Phe cánh tả hiện vẫn đang lâm vào tình trạng chia rẽ nội bộ. ứng cử viên hàng đầu của họ có lẽ chỉ có thể “định hình” sau đại hội của đảng Xã hội (lực lượng chủ yếu của phe cánh tả) sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.

Còn trong thành phần phe cánh hữu, những ứng cử viên nổi bật hiện nay chính là Dominique de Villepin và Nicolas Sarkozy - đương kim Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch đảng UMP cầm quyền, đồng thời cũng là đối thủ không khoan nhượng của Tổng thống Chirac. Sarkozy hiện đang có được sự ủng hộ của giới chính trị gia thiên hữu. Chỉ mới một năm trước đây, ưu thế từ phía Sarkozy dường như có thể dễ dàng nhận thấy ngay trong Quốc hội, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhưng trong vài tuần lễ gần đây, người ta bắt đầu ghi nhận một xu hướng ngược lại. Arno Duben từ Viện Quan hệ chiến lược và quốc tế (IRIS) nhận định: “Có nhiều nghị sĩ từng phản ứng gay gắt một cách tiêu cực trước việc ông Villepin được bổ nhiệm là Thủ tướng, thì bây giờ đã đánh giá về ông với một thái độ thận trọng hơn. Người ta đã nhận ra ở ông hình bóng một chính trị gia có đủ nghị lực và thực dụng không kém gì Sarkozy”.

Sarkozy có những lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ hơn ở trong nước, thì De Villepin lại được sự ủng hộ đáng kể từ bên ngoài, và ông đang biến nó thành một lợi thế không nhỏ cho mình. Điều này có thể được chứng minh qua chuyến đi thăm Anh mới đây của vị thủ tướng mới. Những phong thái, hành vi và uy tín của De Villepin trong chuyến đi này đã chứng tỏ ông là một ứng viên nặng ký trong cuộc chạy đua vào điện Elysée.

Chuyến đi thăm “lịch sử” của Thủ tướng Israel Ariel Sharon cũng là một ví dụ rõ nét khác. Người Pháp - từ trước tới nay vẫn được coi là có thái độ thân Palestine hơn - đã thể hiện một thái độ mềm mỏng hơn so với ông Sharon, khi nhận thức được sự phức tạp trong việc phân định ranh giới giữa IsraelPalestine. Đó là một phần trong kết quả ngoại giao của De Villepin.

Thái độ khôn ngoan này cũng là một phần trong chiến dịch tranh giành số phiếu của cộng đồng Do Thái tại Pháp - quốc gia có số dân gốc Do Thái lớn thứ ba trên thế giới sau Israel và Mỹ. Mới đây, Thủ tướng Pháp đã tới thăm thành phố Vel d'Ive, nơi người Do Thái đã bị tập trung ở đây trước khi đưa sang Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Ông đã đọc thơ và khóc khi tưởng niệm các nạn nhân tại đây.

Một lĩnh vực cạnh tranh hàng đầu khác giữa hai ứng cử viên này chính là vấn đề an ninh. Đây là đề tài từ trước vẫn được coi là “sở trường” của Sarkozy với thái độ rất kiên quyết trong cuộc chiến chống lại tội phạm. Dường như De Villepin đã chủ tâm cạnh tranh với Sarkozy trong lĩnh vực này.

Sau một loạt các vụ khủng bố vừa qua tại Anh và Ai Cập, Chính phủ Pháp đã tuyên bố về một loạt các biện pháp đấu tranh chống khủng bố mới, kể cả việc giám sát chặt chẽ hơn những đối tượng tình nghi và những khu vực có nguy cơ cao. Cuối tháng 8 này, Quốc hội Pháp sẽ bàn bạc về dự thảo luật giám sát bằng camera và lưu giữ thông tin về các cuộc điện đàm.

Trong thời điểm hiện nay, một chính trị gia đồng thời cũng phải được nhìn nhận là một người có khả năng chống khủng bố. Uy tín của các chính trị gia được xã hội cảm nhận một phần đáng kể là từ những thành tích của họ trong cuộc chiến chống khủng bố.

“An ninh có thể sẽ là một đấu trường nữa của De Villepin và Sarkozy - chuyên gia Arno Duben nhận xét - De Villepin nhất định sẽ chứng minh mình có khả năng áp dụng các biện pháp cứng rắn. Ông có thể qua mặt Sarkozy trong vấn đề này, nếu như biết hành động một cách khôn ngoan, đồng thời ít “cao giọng” hơn đối thủ của mình”

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.