Người có khả năng kế nhiệm Tổng thống V.Putin

Thứ Sáu, 13/10/2006, 08:00

Nhiều phân tích, đánh giá đã nêu ra người kế nhiệm Tổng thống Nga V. Putin, có thể là Phó thủ tướng thứ nhất Dmitri Medvedev hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov... Nhưng gần đây, dư luận chú ý tới một đối tượng mới: Nữ thị trưởng thành phố Saint Petersburg - bà Valentina Matviyenko.

“Cây thường xanh” trong giới chính trị Nga

Theo điều tra dân ý của Quỹ Công luận Nga, 54% người Nga chấp nhận nữ tổng thống, 57% có khả năng sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống là nữ giới. Khi được hỏi: “Bạn hy vọng vị chính khách nữ nào trở thành tổng thống Nga nhất”, 21% trong tổng số người được phỏng vấn lựa chọn bà Matviyenko – người được mệnh danh là “cây thường xanh” giới chính trị Nga.

 Matviyenko là một trong những quan chức địa phương nổi tiếng nhất tại Nga, chỉ đứng sau Thị trưởng thành phố Moskva Yuri Luzhkov. Chỉ trong tháng 7-2006, đã có đến 723 bài báo, chủ yếu là khen ngợi thành tích của bà.

Bà Matviyenko năm nay 57 tuổi. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị từ chức vụ thư ký Khu ủy thuộc thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg). Sau đó, bà làm Đại sứ Nga tại Hy Lạp. Năm 1998, bà là Phó thủ tướng Nga, phụ trách vấn đề xã hội. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ này, bà đã thực hiện cải cách quy mô lớn.

Năm 2003, bà trở thành Thị trưởng thành phố Saint Petersburg. Việc đầu tiên khi trở thành thị trưởng, bà thu hồi lại công ty khí đốt thiên nhiên tư nhân để thành lập công ty quốc doanh, cải cách mạng lưới giao thông công cộng, tăng cường chống tham nhũng. Tác phong làm việc táo bạo, cương quyết đã khiến bà được mệnh danh là “người đàn ông mặc váy”.

Bà Valentina Matviyenko là phụ nữ có chức vị cao nhất trên vũ đài chính trị Nga. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu công luận Nga thì bà là người có ảnh hưởng lớn nhất trong số những phụ nữ có nhiều cống hiến cho lịch sử nước Nga. Trước đó, cũng theo kết quả điều tra của tổ chức này vào năm 2000 và 2001, bà Matviyenko đã hai lần vinh dự đạt danh hiệu “Người phụ nữ hô mưa gọi gió trên chính trường Nga”.

Xuất thân từ nhân viên ngoại giao

Bà Valentina Matviyenko sinh ngày 7/7/1949, tại Ucraina. Năm 1972, bà tốt nghiệp Học viện Hóa dược Leningrad. Năm 1985, bà tiếp tục học tại Học viện Khoa học xã hội trung ương Liên Xô. Năm 1991, học tại Học viện Ngoại giao Liên Xô, tiếp nhận giáo trình bồi dưỡng dành cho lãnh đạo ngoại giao và giành được học vị cấp quan chức ngoại giao đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Bà thành thạo hai thứ tiếng Anh và Đức.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, bà từng trải qua rất nhiều trọng trách dưới thời Liên Xô trước đây. Năm 1982, bà vinh dự được trao Huân chương lao động Cờ Đỏ. Tháng 4/1999, bà tiếp tục được trao Huân chương Tổ quốc. Bà từng giành học vị Thạc sĩ Học viện Khoa học Quân y Nga. Từ năm 1995 đến năm 1997, bà đảm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Nga. Từ tháng 10/1997, đảm nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Hy Lạp. Ngày 24/9/1998, bà được bổ nhiệm chức Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga và đảm nhiệm chức vụ đó cho đến khi trở thành Thị trưởng thành phố Saint Petersburg. Từ 1/10/1998, bà trở thành thành viên Đoàn Chủ tịch Chính phủ Nga.

Khi trên cương vị là một Phó thủ tướng chịu trách nhiệm quản lý phúc lợi xã hội, bà Matviyenko đã có những đóng góp tích cực làm giảm bớt những mâu thuẫn xã hội và thúc đẩy ổn định chính trị xã hội, hài hòa mối quan hệ quốc gia và xã hội.

Thông cảm với nỗi khó khăn của quân đội trong thập niên 90 thế kỷ trước, ngày 11/5/2001, bà đã trình bày bản báo cáo về vấn đề nâng cao chất lượng đãi ngộ quân nhân lên Hội nghị an toàn Liên bang Nga. Nhờ đó, hội nghị quyết định tăng quy mô lớn chế độ lương thưởng quân nhân cho các lực lượng vũ trang. Giải quyết vấn đề nhà ở cho tất cả quân nhân giải ngũ trước năm 2010. Căn cứ vào cấp bậc quân hàm, lương  quân nhân tăng thêm từ 40 đến 90%.

Về giáo dục, bà Matviyenko đã áp dụng hàng loạt biện pháp cải thiện chế độ đãi ngộ giáo viên. Chính phủ Liên bang Nga quyết định tăng gấp đôi lương cho giáo viên, tiến hành cải cách chế độ cho giáo viên về hưu, lên kế hoạch tăng quỹ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho giáo viên. Để thu hút lực lượng giáo viên, sinh viên nam lựa chọn nghề dạy học sau khi tốt nghiệp được miễn đi nghĩa vụ quân sự. Các ngân hàng có chế độ ưu đãi cho sinh viên các trường sư phạm vay tiền, khoản tiền nợ này sẽ do nhà nước chi trả nếu sinh viên sau khi ra trường đồng ý trở thành giáo viên. Bà còn chú trọng chỉ đạo cải cách giáo dục,  thực hiện giáo dục phổ thông 12 năm. Theo phương án cải cách này, trẻ em 6 tuổi bắt đầu đi học, từ năm thứ 2 cấp tiểu học bắt đầu học ngoại ngữ và tin học. Sau 10 năm học, một phần học sinh sẽ được lựa chọn vào các trường kỹ thuật, số còn lại tiếp tục học nốt 2 năm của cấp phổ thông. Sau đó sẽ tham gia thi tốt nghiệp và vào đại học.

Được sự quan tâm của bà, đến năm 2005, toàn bộ các trường học của Nga đều được trang bị máy tính và xây dựng giáo trình dạy tin học.

Đối với ngành văn hóa, bà Matviyenko đã đề ra phương án giảm thuế, miễn thuế nhằm cứu vớt các nhà xuất bản của Nga, nâng cao tố chất dân tộc.

Bà Matviyenko cũng đặc biệt quan tâm đến tầng lớp nhân dân lao động. Bà Matviyenko đã đề nghị chính phủ áp dụng các biện pháp đưa số trẻ em lang thang lên tới 1 triệu trở về nhà, đồng thời tìm việc làm và cung cấp bảo hiểm y tế cho bố mẹ của các em. Đối với những trẻ em mồ côi hoặc thật sự không thể về nhà sẽ được sắp xếp vào các trại trẻ em mồ côi hoặc các trường học nội trú. Các em có được quyền lợi bình đẳng như những trẻ em có gia đình khác.

Bà quan tâm đặc biệt đến vấn đề lương cho người về hưu, người lao động. Ngay từ năm 1999, bà đã đề nghị tăng hệ số lương cho tầng lớp công nhân, bởi tiền lương của họ quá thấp. Ngày 1/8/2000, Chính phủ Nga quyết định tăng lương hưu trung bình thêm 823 rúp/tháng. Ngày 1/9/2001, Chính phủ Nga tiếp tục tăng thêm 20% lương cơ bản cho công nhân viên chức, tăng từ 823 lên 1.300 rúp/tháng đối với công nhân viên chức đã về hưu

Hoàng Hạnh (Theo Le Monde)
.
.