Người nào của đảng Cộng hòa “thi đấu” với Tổng thống Obama?

Thứ Ba, 30/11/2010, 21:00
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012 hiện đang im ắng lạ. Mặc dù cuộc tranh luận đầu tiên đã được thông báo, báo chí truyền thông đã bắt đầu vào cuộc đưa tin… thăm dò, các "lò dự báo" trong chính giới cũng đã mở máy, thế nhưng vẫn còn một điều chưa ai thấy xuất hiện: đó là những gương mặt nào sẽ đại diện đảng Cộng hòa ra "thi đấu" với ông Obama?

Vào thời điểm này cách đây 4 năm, cuộc đua vào Nhà Trắng đã rất sôi động; ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain đã nộp đơn ra ứng cử. Năm đó, Barack Obama mới chỉ là một TNS "đàn em" cũng kịp "khuấy động phong trào" bằng chuyến đi vận động tới New Hampshire. Hoạt động tuyển mộ nhân sự tài năng cho các ủy ban vận động diễn ra ì xèo như hội chợ... Còn hiện nay, mọi chuyện đang diễn ra khá "đủng đỉnh". Các ứng cử viên "tiềm năng" hiện vẫn đang cân nhắc nhu cầu và kế hoạch vận động quyên góp cho quỹ tranh cử của mình.

Có vài lý do giải thích cho sự "đủng đỉnh" của các ứng cử viên Cộng hòa, trong đó, lý do lớn nhất chính là tính chất vô chừng trên mặt trận đề cử sơ bộ của đảng này. So với các kỳ bầu cử trước thì hiện nay không có ứng cử viên nào vượt trội so với phần còn lại, cho nên không ai trong số họ dám "vỗ ngực xưng tên" mình là "người đi đầu" như trước nữa. Với việc đảng Cộng hòa nắm đa số ở Hạ viện đồng thời tăng số đại biểu ở Thượng viện, từ đó vấn đề trọng tâm nằm ở các cuộc chiến ở Washington chứ không phải là "đấu đá nhau" để giành quyền ứng cử.

Khi bắt đầu khởi động thật sự, các ứng cử viên thuộc thành phần cố cựu của đảng Cộng hòa còn phải đối mặt với một "cuộc chiến" khó chịu với thành phần "nổi loạn" nhưng có quan hệ "dây mơ rễ má" nhiều hơn. Nói chính xác hơn, các ứng cử viên đảng Cộng hòa đang chịu sự phân hóa nội bộ do sự xuất hiện của các nhà hoạt động phong trào Tea Party (đảng Trà). Tea Party đã giành mất của Cộng hòa truyền thống một số ghế nhất định trong kỳ bầu cử 2010 vừa qua, và sự căng thẳng nội bộ đang đe dọa có thể làm ảnh hưởng xấu đến cuộc chơi chung. Nếu để "trôi" quá xa về phía hữu, các ứng cử viên Cộng hòa có nguy cơ đánh mất cơ hội trong cuộc đấu với ứng cử viên Dân chủ.

Giới quan sát Mỹ cho biết, mới chỉ thấy cựu Thống đốc bang Alaska Sarah Palin, cựu Thống đốc Arkansas Mike Huckabee và cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich rục rịch chuẩn bị đến Iowa trong tháng 11 này. Nhưng thời gian dự kiến để thông báo ứng cử thì tất cả đã được lên kế hoạch sang năm sau. Đó chỉ mới là dự kiến, còn ai sẽ chính thức ra tranh cử thì chưa chắc chắn. Ngay cả bà Sarah Palin - người gây chú ý nhiều nhất trên chính trường Mỹ thời gian qua - cũng chưa thật sự cho thấy dấu hiệu chính thức nào của dự định ra tranh cử. Chuyến đi dự kiến sắp tới đến bang Iowa không nhằm mục đích nào khác ngoài việc bán các quyển sách do bà viết. Còn phần lớn ứng cử viên tiềm năng còn lại đều tỏ vẻ hết sức dè dặt, chỉ tuyên bố chung chung rằng "sẽ cân nhắc thận trọng" trong những tháng tới.

Bà Sarah Palin.

Hiện tại, có 2 người gây chú ý nhiều là cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney và Thống đốc mãn nhiệm của bang Minnesota Tim Pawlenty. Ông Romney có vẻ đang "chạy trước" so với Pawlenty nhưng cũng chưa thật sự mạnh mẽ như các ứng cử viên trước đây. Những gì ông Romney làm chỉ mới là xây dựng và củng cố các mối quan hệ bền chặt với các nhà hoạt động của đảng và các quan chức dân cử. Nhưng Romney có yếu điểm là hồi còn làm Thống đốc Massachusetts, ông đã đóng vai trò quan trọng thông qua một kế hoạch y tế tương tự như kế hoạch mà Tổng thống Obama đã ký thành luật cách đây vài tháng.

Xét về thực lực thì Pawlenty còn thua xa ông Romney, vì còn trẻ và được đánh giá chỉ là hình ảnh của Romney cách nay 4 năm (khi đó ông Romney thảm bại và phải rút lui vào giờ chót), nhưng ông này xem ra cũng khá "máu lửa" khi bắt tay vào xây dựng đội ngũ cố vấn ở Iowa để tìm kiếm các mối quan hệ chằng chịt ở đó.

Một vài sự ngạc nhiên thú vị dành cho các "đối thủ" trong đảng Cộng hòa là sự nhiệt tình tham gia của những gương mặt không được công luận chú ý đến. Đó là TNS John Thune (bang South Dakota) đã bắn tín hiệu tham gia cuộc chơi với két sắt có sẵn ở Thượng viện, có khả năng "chạy đà" tốt. Ông này cũng chỉ chờ tới năm 2011 mới công bố quyết định chính thức. Trở ngại lớn nhất của ông Thune là việc ông bỏ phiếu ủng hộ Chương trình Giải tỏa tài sản xấu mà đảng Cộng hòa chống. Kế đến là dân biểu Mike Pence (bang Indiana) được cánh bảo thủ trong đảng Cộng hòa hoan nghênh nhờ những lá phiếu và luận điệu "sặc mùi" bảo thủ. Nhưng ông này lại đang bị phân vân giữa tranh cử thống đốc và tổng thống...

Danh sách còn khá dài và người ta chưa chắc sẽ còn những ai nữa muốn "nhảy lên chuyến tàu 2012”. Trong khi cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng cử viên sẽ bắt đầu tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, chưa xác định ngày tháng cụ thể, người ta vẫn chưa chắc những gương mặt nào sẽ tỏa sáng, trở thành "đầu tàu" cuộc đua, vì cuộc chiến đề cử thuộc nội bộ đảng Cộng hòa luôn diễn ra gay gắt và không thể đoán trước, còn mỗi ứng cử viên tiềm năng thì đều có những nhược điểm riêng

An Châu (tổng hợp)
.
.