Người phụ nữ quyền lực của của CHDCND Triều Tiên

Thứ Ba, 15/09/2020, 20:10
Thông tin về các thành viên trong gia đình và người thân của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hiện nay đều được giữ kín. Điều này cũng không ngoại lệ đối với Kim Yeo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Bà Kim Yeo Jong sinh ngày 26-9-1987 (theo nguồn khác là năm 1989) tại Bình Nhưỡng, là con út và con gái duy nhất của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và vợ Ko Yeon Hee, một cựu diễn viên. Theo hồi ký cựu đầu bếp Kenji Fujimoto của ông Kim Jong-il thì người cha đã yêu thương hết mực cô con gái duy nhất và thường gọi cô là “công chúa”.

Giống như các anh trai, Kim Yeo Jong đã học vài năm tại một trường nội trú ở thủ đô Bern của Thụy Sĩ. Vì lý do an ninh, cô dùng bí danh Park Mi Hyang, trong khi anh trai Kim Jong-un được các giáo viên và bạn học biết đến với cái tên Park Eun. Người ta cho rằng chính những năm cả hai anh em cùng xa gia đình đến châu Âu khiến họ thân thiết.

Sau khi hoàn thành chương trình học ở Thụy Sĩ vào năm 2001, bà Kim Yeo Jong cùng anh trai trở về Bình Nhưỡng. Sau đó tiếp tục việc học tập, đầu tiên là tại trường Bình Nhưỡng dành cho con em của giới tinh hoa chính trị và quân sự, sau đó tại trường đại học danh tiếng của đất nước mang tên Kim Nhật Thành. Ông Kim Jong-il có nhận định rằng, con gái ông muốn trở thành một chính trị gia và thể hiện khả năng xuất sắc trong lĩnh vực này.

Theo nhiều nguồn tin, Kim Yeo Jong đã kết hôn và có cuộc sống hạnh phúc. Chồng của bà là Choi Song, con trai của Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Choi Ryong He (trong hệ thống phân cấp quyền lực ông được coi là số hai, sau nhà lãnh đạo Kim Jong Un). Vợ chồng bà Kim Yeo Jong có 2 con.

Bà Kim Yeo Jong tại Hà nội.

Con đường sự nghiệp

Từ năm 2010-2011, Kim Yeo Jong làm việc cho Ủy ban Quốc phòng Nhà nước và ban thư ký của cha cô, giúp tổ chức chiến dịch đề bạt ông Kim Jong-un lên làm người kế vị cha đang lâm bệnh nặng. Lần đầu tiên báo chí nhắc đến Kim Yeo Jong là vào cuối năm 2011 khi bà xuất hiện trong đám tang cha mình.

Sau khi ông Kim Jong-un được củng cố vị trí lãnh đạo tối cao đất nước, sự nghiệp của em gái ông cũng được tiến triển. Năm 2014 bà trở thành Phó trưởng Ban Tuyên truyền và Cổ động của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, trên thực tế là đứng đầu cơ quan này. Theo báo chí Hàn Quốc đưa tin, ở vị trí này bà là người tổ chức tất cả các sự kiện xã hội lớn trong nước. 3 năm sau, bà được ứng cử làm thành viên Bộ Chính trị, đồng thời bà bị đưa vào sách đen của Bộ Tài chính Mỹ vì “vi phạm nhân quyền”. Năm 2019 bà được bầu vào Hội đồng Nhân dân Tối cao.

Bà Kim Yeo Jong được biết đến rộng rãi vào năm 2018, khi Bình Nhưỡng bất ngờ quyết định hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc, là quốc gia vừa chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa đông ở Pyeongchang. Khi đó, với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, bà đã đến thăm Seoul, gặp Tổng thống Moon Jae In và truyền đạt thông điệp từ anh trai mình. Những bức ảnh này lan rộng khắp thế giới đã biến bà trở thành một nhân vật thực sự của truyền thông. Sau đó, bà cũng tham dự Thế vận hội, đồng thời tháp tùng ông Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Hàn Quốc ở Panmuniom và trong hai cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore và Hà Nội.

Đáng chú ý là sau cuộc đàm phán Hà Nội, bà Kim Yeo Jong đã bị loại khỏi danh sách ứng cử viên Bộ Chính trị. Nhưng, vào tháng 4 năm nay tại cuộc họp của Bộ Chính trị, bà được khôi phục chức vụ của mình trong đảng.

Khả năng nâng cao vị thế

Không nghi ngờ là bà Kim Yeo Jong có ảnh hưởng lớn tại đất nước, trước hết vì bà là người thân của ông Kim Jong-un và thuộc hậu duệ của lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập đất nước. Các chức vụ chính thức của bà cũng góp vai trò nhất định trong việc này. Nhưng, trong trường hợp cần thiết liệu bà có thể củng cố được những vị thế của mình và giữ chức vụ cao hơn trong bộ máy đảng, nhà nước của Triều Tiên hay không?

Với câu hỏi này, ý kiến của các chuyên gia là không thống nhất. Một số người khẳng định điều đó là không thể, bởi mặc dù với thân thế và công lao của mình thì bà vẫn là một phụ nữ. Ngoài ra, về mặt lịch sử, CHDCND Triều Tiên vẫn là một quốc gia phụ hệ, điều này được thể hiện cả trong lối sống gia đình và trong xã hội nói chung. So với nam giới, phụ nữ ở Triều Tiên âm thầm chịu vị trí thấp hơn trong nấc thang xã hội. Và cho dù thực tế là nhiều người trong số họ đang tham gia vào những công việc khó khăn nhất nhưng chỉ có một số nhân vật có mặt trong các tổ chức chính quyền của CHDCND Triều Tiên. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông phương Tây không xem xét nghiêm túc về khả năng thăng tiến của bà Kim Yeo Jong.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn cho rằng em gái của ông Kim Jong-un có cơ hội vươn cao hơn nữa trong hệ thống chính trị của nước này. Và họ đưa ra những lý lẽ riêng. Trong lịch sử chính thức và chính trị tổng thể của CHDCND Triều Tiên, một vị trí quan trọng đã từng được trao cho phu nhân của ông Kim Nhật Thành là bà Kim Jong Suk. Bà được tôn vinh là người bạn đồng hành trung thành của người sáng lập nhà nước, bà tham gia cuộc đấu tranh chống Nhật, là một nữ anh hùng và một người mẹ. Hàng chục cuốn sách đã viết về bà Kim Jong Suk, công lao của bà được mọi người biết đến và chân dung của bà được treo cùng với chân dung của lãnh tụ Kim Nhật Thành và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các văn phòng chính phủ và trong nhà của người dân.

Do đó, bất chấp trật tự phụ hệ, vẫn có sự nhìn nhận về khả năng phụ nữ có thể đóng một vai trò quan trọng trong chính phủ. Rốt cuộc, đã có những tiền lệ như vậy trong lịch sử cổ xưa của đất nước này. Chẳng hạn, công chúa Seondok được biết đến rộng rãi, là người trị vì nhà nước Silla trong thời kỳ từ năm 632 đến năm 647 và đã tự khẳng định mình là một chính trị gia, một chiến lược gia khôn ngoan, người đã bảo trợ cho các nhà khoa học và các nhà hoạt động nghệ thuật.

Bích Nguyễn (Theo TASS)
.
.