Nhà lãnh đạo CHDC Đức cuối cùng không hối hận về con đường đã chọn

Thứ Tư, 05/11/2014, 11:30

Nhân sự kiện bức tường Berlin bị phá bỏ cách đây 1/4 thế kỷ, ông Egon Krenz 77 tuổi, nguyên Tổng Bí thư đảng XHCN Thống nhất Đức (SED) kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR), cũng là nhà lãnh đạo cuối cùng của thể chế CHDC Đức đã giới thiệu rộng rãi cuốn hồi ký của mình về một giai đoạn đã qua.

Ông E. Krenz trở thành nhà lãnh đạo tối cao của DDR vào ngày 18/10/1989, thay thế người tiền nhiệm Erich Honecker (1912-1994) tự nguyện từ chức vì lý do sức khỏe. Từ năm 2006,  ông E. Krenz cùng gia đình gồm vợ và 2 con quyết định rời Berlin, chuyển đến cư ngụ ở thị trấn Dierhagen ven bờ biển Baltic, cũng là địa danh thuộc DDR trước đây.

Cuốn hồi ký có tựa đề "Herbst 89" (Mùa Thu năm 1989), do Nhà xuất bản Edition Ost chuyên về các vấn đề liên quan đến CHDC Đức ở Berlin ấn hành lần đầu cách đây 4 năm, rồi liên tục các năm sau đó được tái bản đều đặn đáp ứng yêu cầu của độc giả muốn tìm hiểu lịch sử của DDR.

Phần đầu của cuốn sách dày 414 trang này khởi sự từ các biến cố trong nửa cuối năm 1977, thường được các sử gia hiện đại gọi tên là "Mùa Thu Đức" như vụ bắt cóc rồi thủ tiêu ông Hanns Martin Schleyer (1915-1977), đương kim Chủ tịch Hiệp hội Chủ sở hữu lao động ở CHLB Đức (BDA) và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), do nhóm Đạo quân Đỏ (RAF) ở CHLB Đức thực hiện; hay vụ các thành viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng Palestine (PLO), phối hợp với RAF tổ chức cưỡng đoạt chiếc máy bay chở khách của Hãng Hàng không Lufthansa của CHLB Đức...

Kế đến là sự kiện "Mùa Thu Đức" liên quan đến việc tan rã của DDR. Bắt đầu là các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra ở 2 đô thị trọng yếu là Leipzig và Dresden, rồi lan tới Đông Berlin với đỉnh điểm hơn 1.000 người biểu tình bị bắt giữ trong 2 ngày 7 và 8/10/1989, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm hình thành Nhà nước DDR.

"Khi ấy chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiến hành những cải cách, tuy người dân CHDC Đức luôn có mức sống cao hơn so với tất cả các quốc gia còn lại trong khối Đông Âu. Đó là một thực tế bất chấp sự hằn học của phía CHLB Đức cùng các đồng minh của họ", tác giả E. Krenz cho biết.

Tác giả E. Krenz ký tặng độc giả cuốn sách của mình.

Ngoài những nguyên nhân phát sinh từ sự "bất mãn" trong công chúng, cuốn hồi ký cũng đề cập tới nguyên nhân khách quan khiến thể chế DDR sụp đổ. "Chính Mikhail Gorbachev là kẻ phản trắc đã bán đứng bạn bè và đồng chí, cho dù Ban lãnh đạo CHDC Đức luôn đặt niềm tin vào các quyết sách của Điện Kremlin. Ông ta đã "đi đêm" với các thế lực thù nghịch, áp dụng chiêu bài xóa sổ Nhà nước DDR đổi lấy tiền viện trợ của phương Tây nhằm vực dậy nền kinh tế Liên Xô(!). Ngay cả Ban lãnh đạo CHLB Đức cũng không lường trước được sự tan rã của DDR lại diễn ra nhanh đến thế", ông E. Krenz nhận định.

Cụ thể hơn, vị cựu Tổng Bí thư SED đã đề cập tới việc M. Gorbachev đơn phương cam kết rút nửa triệu binh sĩ Hồng quân khỏi DDR, trong khi quân Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ CHLB Đức từ đó cho đến nay, mở đường cho việc Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục bành trướng sang phía Đông áp sát biên giới Nga. Sự thật lịch sử cho thấy M. Gorbachev đã cố tình dàn dựng các sự kiện, dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xôviết cùng khối Đông Âu.

Về sự kiện từng bị đưa ra tòa sau khi nước Đức thống nhất, rồi bị kết án 6 năm rưỡi tù giam vì tội ngộ sát, do liên quan ít nhiều đến việc bắn hạ những người từ phía Đông Đức cố vượt bức tường Berlin trốn sang phía Tây, ông E. Krenz viết: "Giới tư pháp CHLB Đức cho rằng hành động cản trở người vượt biên là sự bất công. Nhân đây tôi cũng ngỏ lời xin lỗi tất cả các công dân DDR, nếu như có tồn tại sự bất công nào đó khi tôi còn nắm quyền. Đối với bất cứ quốc gia nào, hành động trốn chạy sang nước khác luôn bị khép vào tội phản quốc.

Theo quan điểm của những người từng xét xử tôi, thì sự bất công tồn tại ở tất cả các nước trên thế giới này. Tôi muốn nêu một ví dụ rằng, hiện thời sự việc nêu trên đang diễn ra hàng ngày trên đường biên giới giữa Mỹ và nước Mexico láng giềng, sao chẳng ai nảy ra ý định kết án những người đã ra lệnh nổ súng đối với những kẻ vượt biên cố tình chống đối(?!)".

Ở phần cuối cuốn sách “Herbst 89”, E. Krenz lưu ý độc giả rằng, sở dĩ ông chấp bút viết hồi ký, vì muốn khẳng định Nhà nước DDR là một thực thể có chủ quyền, được luật pháp quốc tế cũng như Tổ chức LHQ công nhận. “Không như những kẻ cơ hội khác, bản thân tôi không bao giờ tỏ ra hối hận về lý tưởng XHCN cao đẹp mà mình đã chọn để cống hiến suốt đời", tác giả E. Krenz kết luận

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.