Nhật Bản: Bóng hồng trẻ nhất trong tân nội các

Thứ Năm, 17/06/2010, 10:05
Ngay sau khi Thủ tướng thứ 94 của Nhật Bản chính thức nhậm chức (ngày 8/6), dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 bóng hồng trong tân nội các của ông Naoto Kan - Bộ trưởng Tư pháp Keiko Chiba và Bộ trưởng Cải cách hành chính Renho Murata - bởi một trong hai nữ Bộ trưởng là người có xuất thân ngoại quốc, điều hy hữu trong lịch sử chính trường đất nước mặt trời mọc.

Xinh đẹp và tài năng

Sinh ngày 28/11/1967 trong một gia đình có bố là người Đài Loan, mẹ là người Nhật Bản ở thủ đô Tokyo nên tân Bộ trưởng Cải cách hành chính Renho Murata được đặt tên bằng tiếng Trung Quốc là Tạ Liên Phảng (Hsieh Lien-fang). Tuy ông Tạ Triết Tín, bố đẻ bà Renho Murata là người sinh ra và lớn lên ở thị trấn Bạch Hà, huyện Đài Nam, Đài Loan và làm nghề kinh doanh ở Nhật Bản, nhưng vẫn hướng cho con gái học hành để làm công chức. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Tokyo, nhưng phải tròn 18 tuổi, bà Renho Murata mới được nhập quốc tịch Nhật Bản.

Năm 1988, tuy đang học năm thứ 2 tại Trường đại học Aoyama Gakuin, nhưng bà Renho Murata đã được Hãng âm thanh CLARI0N của Nhật chọn là người phát ngôn thứ 14 của mình. Kể từ đó, bà Renho Murata chính thức bước vào thế giới nghệ thuật và nhanh chóng nổi danh với tư cách người dẫn chương trình của kênh giải trí truyền hình Nhật (TBS và TV Asahi) sau khi tốt nghiệp đại học năm 1990.

Vừa xinh đẹp, lại hoạt khẩu nên bà Renho Murata sớm trở thành át chủ bài của kênh giải trí truyền hình Nhật. Mặc dù đang ở đỉnh cao nghề nghiệp khi còn trẻ, nhưng bà Renho Murata vẫn quyết định chia tay kênh giải trí truyền hình Nhật sau khi lên xe hoa với phóng viên Nobuyuki Murata (1993). Ông Nobuyuki Murata hiện là giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học ở Nhật Bản.

Khi được hỏi nguyên nhân rời khỏi kênh giải trí truyền hình Nhật, bà Renho Murata thổ lộ, vai trò của người dẫn chương trình ở Mỹ và Nhật khác nhau - không có quyền biên tập tin, bài đưa lên, ít khi có điều kiện chỉnh lại, gần như cả ngày ngồi trong buồng máy với những bản tin viết sẵn... Bà Renho Murata cho rằng, đối với một người dẫn chương trình, một phóng viên mà không được tiếp xúc, hiệu chỉnh, trực tiếp tác nghiệp thì không thể có tác phẩm hay, thu hút người xem.

Sau khi rời kênh giải trí truyền hình Nhật, bà Renho Murata đã quyết định học tiếng Trung Quốc tại trường Đại học Bắc Kinh (1995-1997). Tuy là người gốc Đài Loan, nhưng khi mới tới Trường Đại học Bắc Kinh, bà Renho Murata không nói được một câu tiếng Trung Quốc nào.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khả năng sử dụng tiếng Trung Quốc của bà Renho Murata khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Bí quyết thành công chính là sự năng động - mỗi khi có điều kiện và cơ hội, bà Renho Murata lại đi du lịch - từng tới tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên và thảo nguyên Nội Mông, vừa học tiếng, vừa tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc.

Sau 4 năm lấy chồng (1993-1997), bà Renho Murata đã sinh hạ được 1 con gái (Thuý Lan) và 1 con trai (Lâm) - sinh đôi. Kể từ đó, bà Renho Murata đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục con trẻ và chợt phát hiện ra rằng, đất nước mặt trời mọc có khá nhiều "chuyện cần bàn" xung quanh lĩnh vực trọng đại này. Cũng xuất phát từ quan điểm này nên bà Renho Murata đã quyết định tham chính bởi cho rằng, nếu không làm tốt lĩnh vực giáo dục, xã hội Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới "vận mệnh quốc gia".

Dù rất bận với công tác xã hội, nhưng bà Renho Murata luôn làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ trong gia đình. Có một chi tiết khá thú vị, đó là từ lâu trong đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã lưu truyền câu chuyện - nữ nghị sĩ Renho Murata không những xinh đẹp, hoạt bát, mà tửu lượng luôn áp đảo đấng mày râu.

Thách thức không nhỏ

Năm 2004 được coi là thời điểm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của bà Renho Murata - giành 920.000 phiếu, trở thành nghị sĩ gốc Đài Loan đầu tiên và duy nhất của DPJ tại Thượng viện. Sau khi trở thành nghị sĩ, bà Renho Murata luôn quan tâm và đề xuất nhiều vấn đề liên quan tới lĩnh vực giáo dục và phúc lợi xã hội. Trước khi trở thành Bộ trưởng Cải cách hành chính, bà Renho Murata là Phó chủ tịch Ủy ban Điều tra chính sách của DPJ, thường xuyên chất vấn những vấn đề liên quan tới thanh thiếu niên, cũng như các lĩnh vực xã hội đáng chú ý khác.

Dư luận cho rằng, sự xuất hiện của bà Renho Murata trong nội các của ông Naoto Kan sẽ tạo nên một sức sống mới, cũng như gây dựng một hình mẫu mới trong DPJ. Bộ trưởng Renho Murata từng theo học và lấy bằng tốt nghiệp (khoa Luật) tại Trường đại học Aoyama Gakuin.

Tuy làm nghề dẫn chương trình, nhưng bà Renho Murata vẫn luôn nghiên cứu luật học. Phát biểu sau khi trở thành Bộ trưởng Cải cách hành chính, bà Renho Murata cho rằng, tuy quan hệ Nhật - Mỹ là nền tảng trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tokyo, nhưng chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan cũng rất quan tâm, chú ý và muốn thúc đẩy mối quan hệ Trung - Nhật.

Giới truyền thông cho rằng, việc giữ 11 Bộ trưởng cũ trong tổng số 17 thành viên nội các mới cho thấy, Thủ tướng Naoto Kan muốn củng cố và đẩy mạnh những chính sách về kinh tế, chính trị cũng như xã hội mà người tiền nhiệm Hatoyama đã đề ra. Sự kết hợp giữa cũ và mới (11 người cũ và 6 thành viên mới) cũng thể hiện nét trẻ trung, nhiệt huyết hơn và khả năng lãnh đạo đối với công việc bởi tân Thủ tướng đang chịu áp lực phục hồi nền kinh tế cũng như giải quyết khoản nợ công lên tới gần 200% GDP

Trang Cường (tổng hợp)
.
.