Nhật Bản: Chính phủ mới sa lầy trong bê bối

Thứ Ba, 26/01/2010, 16:15
Cho dù đã chấm dứt thời kỳ độc quyền lãnh đạo trong suốt nửa thế kỷ của đảng Dân chủ tự do (LDP), chính phủ mới của đảng Dân chủ (DPJ) của Thủ tướng Yukio Hatoyama dường như đã không tránh khỏi "vết xe đổ" của chính phủ tiền nhiệm, khi liên tục phải đương đầu với tình trạng suy giảm chỉ số tín nhiệm cũng như một loạt những bê bối lớn nhỏ mới đây.

Phiên họp thứ 174 của Quốc hội Nhật mới được khai mạc tại Tokyo hôm đầu tuần này là nhằm để bàn bạc các vấn đề xây dựng ngân sách quốc gia, tuy nhiên sự chú ý của các nhà lập pháp cũng như công chúng lại tập trung vào việc giải quyết những bê bối mới gần đây trong chính phủ, liên quan đến đương kim Thủ tướng Yukio Hatoyama cũng như Tổng thư ký Ichiro Ozawa của đảng DJP cầm quyền...

Thông thường, mỗi kỳ họp Quốc hội tại Nhật Bản thường chỉ được nhắc tới trong các bản tin như một sự kiện đơn điệu và buồn tẻ.

Tuy nhiên, phiên họp mới nhất vừa được khai mạc vào ngày 18/1 vừa qua có thể coi là một ngoại lệ, khi mức độ buộc tội và chỉ trích lẫn nhau giữa phe đối lập và chính phủ đã lên tới mức đỉnh điểm. Chỉ còn vài ba tháng nữa (tháng 5/2010), cuộc bầu cử thượng viện sẽ diễn ra, và kết quả của nó sẽ tác động quan trọng đến sự phân bố lại cán cân chính trị trên chính trường.

Phe Dân chủ nắm quyền hiện vẫn đang có được tỉ lệ đa số tại cả hai viện Quốc hội. Thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới không có nghĩa là mọi chuyện đã chấm hết, nhưng vẫn là một kết quả tồi tệ ảnh hưởng đến số phận vốn đã mong manh của chính phủ Hatoyama.

Như đã nói ở trên, chủ đề chính của phiên họp lần này là ngân sách. Việc phân chia "chiếc bánh ngân sách" luôn là cơ hội để phe đối lập chỉ trích, phơi bày những điểm yếu của Chính phủ Nhật trước bàn dân thiên hạ. Tuy nhiên, chính phủ của DJP cho đến trước khi Quốc hội nhóm họp đã tự vơ vào mình không ít điểm trừ vấn đề này.

Năm tháng cầm quyền đầu tiên cho thấy, phần lớn những gì đã được hứa hẹn trong giai đoạn tranh cử (đặc biệt trong lĩnh vực xã hội) đều được đánh giá là khó có thể thực thi. Chính vì vậy, mục tiêu mới hấp dẫn hơn của các nghị sĩ phe đối lập lại nhằm vào hai nhân vật hàng đầu của DJP - Thủ tướng Yukio Hatoyama và Tổng thư ký Ichiro Ozawa, những người đang bị nghi ngờ có những hành vi trái pháp luật khác nhau liên quan đến các khoản quyên góp chính trị. 

Đương kim Thủ tướng Hatoyama bắt đầu phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ vụ bê bối giả mạo thủ tục về các khoản quyên góp tiền quỹ  cho đảng. Theo phát hiện ban đầu, những khoản tiền lớn hàng triệu USD của mẹ ruột ông Hatoyama (là một trong những người phụ nữ giàu có nhất tại Nhật) đã được "bơm" trái phép vào nguồn quỹ hoạt động của DJP thông qua dạng những khoản tiền đóng góp nhỏ lẻ của rất nhiều cá nhân trong một danh sách giả.

Phía cơ quan kiểm sát từ lâu đã nhìn nhận ra thủ đoạn chính trị trên của DJP và đã bắt tay vào điều tra. Sau khi các thư ký riêng của Thủ tướng bị triệu tập tới thẩm vấn, ông Hatoyama đã phải lên tiếng thanh minh rằng, ông không biết chút gì về "sự hào phóng" trên của mẹ mình. Bản thân các thư ký đã tự đứng ra nhận hết trách nhiệm về mình trong vụ này.

Ngay trong ngày đầu tiên của phiên họp Quốc hội lần này, Thủ tướng Hatoyama đã cam kết trước tất cả các nghị sĩ rằng, "vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa", không còn có chuyện cấn cá gì nữa liên quan đến ông, kể cả từ phía Viện Kiểm sát. Giải pháp cho rắc rối trên là chỉ phải nộp thêm vào ngân sách quốc gia vài triệu USD dưới dạng "tiền thuế quà tặng".

Cũng liên quan đến chuyện tiền quyên góp, nhưng vấn đề đối với Tổng thư ký Ichiro Ozawa xem ra có vẻ nghiêm trọng hơn. Ông Ozawa gặp rắc rối không phải từ các khoản quyên góp của mẹ mình mà là từ một công ty xây dựng. Sự hào phóng đáng ngờ trên chắc chắn không thể liên quan đến tình cảm ruột thịt như vụ của Thủ tướng Hatoyama - nhiều khả năng đó là "phần thưởng" nhờ những tác động giúp nhận được các gói thầu của chính phủ.

Với nhiều bằng chứng rõ ràng thu thập được, cuộc đối đầu giữa Cơ quan kiểm sát và ông Ichiro Ozawa - người được đánh giá là “phù thủy” chính trị tại Nhật với nhiều quyền lực ngầm - dự kiến sẽ có nhiều bất lợi nghiêng về phía  Tổng thư ký DJP.

Hồi tháng 5 năm ngoái, sau một loạt những tiết lộ điều tra công khai,  ông Ozawa đã buộc phải nhường chiếc ghế Chủ tịch DJP cho ông Hatoyama. Không loại trừ khả năng, các công tố viên có thể đưa được Ozawa vào tù tiếp theo 3 thư ký riêng của ông ta trước đây.

Chưa cần bình luận về những diễn biến sắp tới của những vụ bê bối trên, nhưng chỉ qua những gì đã và đang diễn ra có thể nhận thấy, hệ thống đa đảng phái tại Nhật đã nảy sinh và vận động trên một cái nền cực kỳ bất ổn về chính trị. Chẳng hạn như người ta tự hỏi, phía Cơ quan kiểm sát có phải đang dựa vào một thế lực nào đó để công kích chính phủ?

Theo các nhà quan sát, dù chỉ là một bộ phận nằm trong Bộ Tư pháp (trên danh nghĩa nằm dưới quyền điều hành của bộ này) nhưng Viện Kiểm sát đồng thời cũng là đại diện cho một thế lực hùng mạnh khác trên chính trường Nhật - nhóm các chính trị gia có ảnh hưởng theo đường lối quan liêu bảo thủ.

DJP với trò "phá bĩnh" của mình dường như giờ đang phải hứng chịu đòn phản công từ lực lượng này. Kết quả những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, sự suy giảm uy tín của phe dân chủ lại không đi kèm với mức độ gia tăng tỉ lệ ủng hộ cho phe dân chủ tự do.

Trong khoảng "chân không chính trị" mới được hình thành này, đang có nhiều tin đồn về sự chia rẽ trong hàng ngũ của cả hai đảng, dẫn tới khả năng hình thành một lực lượng chính trị mới. Nhưng bức tranh phác thảo mới trên chính trường Nhật chỉ phần nào được định hình rõ nét sau cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 5 tới đây

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.