Nhật Bản: Lại chuyện “nhỡ miệng” của một Bộ trưởng

Thứ Hai, 12/11/2007, 12:10
Chính phủ Nhật hôm 30/10 đã phải công khai đưa ra lời khiển trách đối với Bộ trưởng Tư pháp Kumio Hatoyama, vì ông đã bất ngờ thừa nhận có những mối tiếp xúc gián tiếp với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Vụ "nhỡ miệng" của vị bộ trưởng này đã bổ sung vào danh sách khá dài những lời tuyên bố bê bối của các quan chức chính quyền, gây ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Nhiều người e ngại, "sự cố" trên rất có thể tác động làm gay gắt thêm những tranh cãi trong Quốc hội Nhật về các hình thức tham gia của Tokyo trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Lời khuyên từ 5 năm về trước

Mọi chuyện bắt đầu từ một cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Tokyo vào ngày 29/10. Bộ trưởng Tư pháp Hatoyama nhận được một câu hỏi thông thường về nguyên nhân của việc siết chặt các quy định nhập cảnh vào Nhật đối với các công dân nước ngoài, theo đó tất cả sẽ buộc phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay.

Quan chức đứng đầu Bộ Tư pháp sau khi giải thích bằng những mối lo ngại về khủng bố, đã quyết định đưa ra một “ví dụ minh chứng” của riêng mình. “Một người bạn của bạn tôi - Bộ trưởng Hatoyama nói - là thành viên của tổ chức Al-Qaeda!”.

Nhân vật được nhắc tới trên - theo giải thích sau đó của ông Hatoyama trước một đám đông phóng viên đang sững người vì ngạc nhiên - đã từng dính líu trực tiếp vào vụ đánh bom sàn nhảy ở hòn đảo nghỉ mát Bali (Indonesia) vào tháng 10/2002, khiến 202 người chết, trong đó phần lớn là khách nước ngoài.

Nhận thấy sự quan tâm và hưng phấn của các phóng viên, vị bộ trưởng này còn tiết lộ thêm, rằng chính người bạn về sau đã bí mật cảnh báo cho ông về những vụ khủng bố sắp tới, đồng thời khuyên ông không nên tới Bali vào thời điểm đó. “Tôi chưa bao giờ gặp gỡ con người này - ông Hatoyama nói tới thành viên Al-Qaeda trên - Tuy nhiên theo tôi được biết, hắn ta đã ra vào Nhật nhiều lần. Mỗi lần lại sử dụng những hộ chiếu khác nhau”.

Ông Hatoyama dường như ngay sau đó đã chợt hiểu ra rằng, mình đã nói quá giới hạn trước các phóng viên. Cũng ngay trong ngày hôm đó, vị bộ trưởng này lại lên tiếng khẳng định, ông ta trước đó không hề biết về những âm mưu đánh bom khủng bố tại Bali.

Hatoyama sau đó cũng làm lơ trước câu hỏi, liệu ông ta có thông báo cho chính quyền Indonesia về những tên khủng bố? Liệu thông tin trên có được chuyển giao cho đồng minh Mỹ, khi đó đang rất tích cực truy lùng Al-Qaeda tại khu vực Đông Nam Á?

“Tôi đã nói sự thật!”

Tokyo đã nhanh chóng có phản ứng về những lời tuyên bố tai hại này. Tổng thư ký nội các Nobutaka Machimura (được coi là nhân vật thứ hai trong chính phủ) đã gọi những lời nói của vị Bộ trưởng Tư pháp là “khinh suất”. “Chuyện này khiến mọi người có thể có ấn tượng sai lầm rằng, Bộ trưởng có quen biết với những tên khủng bố - Machimura phát biểu trong một cuộc họp báo về vấn đề này ở Tokyo - Điều đó đã gây ra chuyện đáng tiếc lớn”.

Thủ tướng Yasuo Fukuda cũng buộc phải công khai phê phán thành viên trong chính phủ của mình. “Vai trò của anh - ông Fukuda nhắc nhở ngay trong khi bắt đầu phiên họp nội các vào ngày 30/10 - chính là đấu tranh chống khủng bố. Chính vì vậy cần phải xử sự sao cho thích hợp”.

Dù phải nhận lỗi trước Thủ tướng về chuyện này, nhưng Bộ trưởng Hatoyama vẫn cố bảo vệ quan điểm riêng của mình. Sau cuộc họp, ông vẫn khẳng định với các phóng viên rằng, “bạn của bạn mình” có quan hệ với Al-Qaeda và đã cảnh báo về những vụ nổ tại Bali. “Tôi đơn giản là đã nói ra sự thật - ông Hatoyama nói - Tôi không nghĩ rằng, chuyện này sẽ ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của quốc tế đối với mình”.

Cùng với một loạt những bê bối về tài chính, chuyện “nhỡ miệng” của một vài quan chức hàng đầu tại Nhật gần đây đã khiến cho uy tín của đảng LDP cầm quyền bị ảnh hưởng. Đáng chú ý nhất trong số này phải kể tới tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các trước đây về “lợi ích” của 2 quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Còn Bộ trưởng Y tế và Lao động lại gọi phụ nữ là “những cái máy đẻ”...

Hậu quả đối với chính sách chống khủng bố của Tokyo

Những phát biểu đầy bất ngờ của Bộ trưởng Tư pháp Kumio Hatoyama về quan hệ với Al-Qaeda được đánh giá là đã đưa nội các của ông Fukuda vào thế khó, nhất là vào đúng thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Sự tham gia của Tokyo vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế đang trở thành một đề tài nóng trong phiên họp tại Quốc hội, nơi phe đối lập đang tìm đủ mọi cách để có thể thay đổií chính phủ liên minh của LDP.

Trước mắt, phe đối lập đã có được thành công đầu tiên bằng việc chấm dứt thời hạn của một đạo luật, theo đó Hải quân Nhật có trách nhiệm cung cấp miễn phí nhiên liệu cho hạm đội quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh.

Theo quyết định này, các tàu chiến của Nhật từ ngày 1/11 sẽ chính thức nhổ neo khỏi biển Arập để trở về nhà, chấm dứt sứ mạng quốc tế của mình. Trong khi đó, phe đối lập cũng tuyên bố, sẽ tìm cách phong tỏa dự luật mới do nội các Fukuda đề xuất nhằm kéo dài thời hạn cung cấp nhiên liệu cho liên quân do Mỹ đứng đầu thêm một năm nữa.

Thay cho cách đóng góp nhiên liệu, đảng Dân chủ đứng đầu phe đối lập lại đề xuất nên gửi quân Nhật trực tiếp tới Afghanistan trong khuôn khổ các chiến dịch do LHQ chuẩn y. Chính phủ của LDP về phần mình lại gọi đề xuất trên là “vi phạm các nguyên tắc hòa bình” trong Hiến pháp của Nhật. Tuy nhiên, sự xuất hiện một vị bộ trưởng “có quan hệ” với Al-Qaeda là cái cớ tuyệt vời để phe đối lập khẳng định, chính phủ “chẳng có tư cách" để giải quyết các vấn đề đấu tranh chống khủng bố.

Cần nói thêm là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Takamashu Moria - mới đây cũng đã bị lên án “không biết chọn bạn”. Trong phiên điều trần hôm 29/10 tại Quốc hội, ông Moria đã thừa nhận không dưới 200 lần đi chơi golf miễn phí nhờ sự tài trợ của một công ty là nhà thầu của Bộ Quốc phòng, cũng như nhận quà từ công ty này. Bản thân ông Moria cũng đang bị nghi ngờ có dính líu tới vụ thủ tiêu nhiều chứng từ tài chính về sự tham gia của Hải quân Nhật trong chiến dịch chống Al-Qaeda

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.