Nhật Bản: Vụ bê bối ngân hàng liên kết làm ăn với yakuza

Chủ Nhật, 08/12/2013, 23:15

Một vụ bê bối khủng khiếp đang nổ ra trong môi trường kinh doanh ngân hàng ở Nhật Bản sau những tiết lộ động trời về việc các ngân hàng lớn nhất nước này cho yakuza cũng như những doanh nghiệp liên kết với tổ chức tội phạm vay tiền. Câu chuyện bắt đầu từ vụ bê bối nhỏ ở Ngân hàng Mizuho đã dẫn đến sự hoài nghi về việc các thể chế tài chính Nhật Bản liên kết làm ăn với mafia nước này.

Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đang tiến hành cuộc thanh tra khẩn cấp đối với 3 ngân hàng lớn nhất nước này, bao gồm tổ chức tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group, để làm sáng tỏ vấn đề cho các tổ chức tội phạm vay tiền.

Trong khi đó, Ngân hàng Mizuho do Yasuhiro Sato làm Chủ tịch cũng nằm trong diện điều tra căng thẳng của Sở Cảnh sát Tokyo với tội vi phạm luật ngân hàng.

Tại Nhật Bản, yakuza xâm lấn vào mọi hoạt động phạm pháp - trải rộng từ buôn lậu ma túy, kinh doanh gái mại dâm, cho vay nặng lãi, kinh doanh cờ bạc cho đến gian lận tài chính - thông qua các công ty bình phong. Hiện nay, ở Nhật Bản có 21 nhóm yakuza với tổng cộng khoảng 63.000 thành viên và mỗi nhóm đều có trụ sở, danh thiếp và logo công ty riêng.

Trong lịch sử, yakuza từng được chính quyền khoan dung, không bị coi là bất hợp pháp và được giám sát chặt chẽ. Nhưng từ năm 2009, Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản bắt đầu thẳng tay đàn áp các nhóm yakuza dẫn đến nhiều vụ bắt giữ do vi phạm luật pháp.

Tuy nhiên, chỉ từ ngày 1/10/2011 mọi hoạt động làm ăn hợp tác với yakuza ở Nhật Bản mới bị coi là bất hợp pháp. Cuộc tranh cãi hiện nay bắt đầu vào ngày 27/9/2013, khi FSA phát lệnh đổi mới kinh doanh đối với Ngân hàng Mizuho lớn thứ 3 ở Nhật Bản và buộc họ ngưng cho yakuza vay tiền.

FSA bắt đầu cuộc thanh tra theo lệ thường đối với Mizuho Bank vào tháng 12/2012 và phát hiện ngân hàng này đã thực hiện 230 cuộc giao dịch tài chính với các thực thể kinh tế liên quan đến yakuza, với tổng số tiền là 200 triệu yen (khoảng 2 triệu USD). Phần lớn các cuộc giao dịch của Mizuho Bank thực hiện thông qua công ty con là Orient Corporation.

Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng ở Nhật Bản bị FSA sờ gáy vì giao dịch với thế giới ngầm. Năm 2004, Citibank Japan bị FSA phạt nặng sau khi phát hiện có nhiều tài khoản của các khách hàng là yakuza cấp cao; và tiếp tục bị phạt lần nữa vào năm 2009 vì vấn đề tương tự. Mizuho Bank cũng có lịch sử dài làm ăn với yakuza.

Năm 1997, cảnh sát bắt giữ một số quan chức cao cấp của Daichi Kangyo Bank (tiền thân của Mixuho Bank) vì tội kinh doanh phi pháp với yakuza. Năm 2006, thêm một quan chức ở Mizuho Bank bị cảnh sát bắt giữ vì tội bán dữ liệu của 1.200 khách hàng cho một công ty bình phong của yakuza.

Theo cuốn sách "Đồng tiền thế giới ngầm" của tác giả Takashi Arimori, năm 2007 FSA yêu cầu Mizuho Bank ngưng cho vay tiền đối với các công ty liên kết với yakuza như là Suruga Corporation - nhà phát triển bất động sản tham gia thị trường chứng khoán Tokyo.

Về sau, Suruga Corporation bị loại khỏi thị trường chứng khoán sau khi cuộc điều tra của cảnh sát phát hiện công ty đã trả trên 100 triệu USD cho một công ty bình phong của yakuza để đuổi những người thuê ra khỏi các căn nhà mà họ muốn sở hữu. Các thành viên Ban giám đốc Suruga bao gồm một cựu sĩ quan cao cấp Đơn vị Kiểm soát tội phạm của Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản và một cựu công tố viên.

Theo điều tra của FSA, Ban lãnh đạo Mizuho Bank biết chuyện cho yakuza vay tiền từ tháng 12/2010 nhưng họ đã không có hành động gì để ngăn cản. Hiện thời, Ban giám đốc Mizuho Bank vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân gì khiến họ không hành động. Cảnh sát Tokyo cũng đang tiếp tục điều tra các khoản tiền cho vay của Mizuho Bank để tìm kiếm những yếu tố mạnh cấu thành tội phạm của ngân hàng này.--PageBreak--

Theo điều tra của cảnh sát, nhiều khoản tiền vay ngân hàng được yakuza dùng để mua ôtô, đặc biệt là các ôtô nước ngoài đắt tiền như là Mercedes Benz hay những chiếc sành điệu nhất của Nhật Bản như Toyota Lexus.

Một sĩ quan cảnh sát giải thích: "Một chiếc ôtô của yakuza giống như bộ mặt của anh ta. Không một ông trùm yakuza nào lái ôtô Honda cả. Chiếc ôtô càng đắt tiền càng tôn lên địa vị xã hội của yakuza".

Một yakuza cấp cao giấu tên tiết lộ: "Mọi người đều biết tôi là ai. Khi tôi đi vay tiền ngân hàng thì điều đó là hợp pháp. Mizuho Bank muốn tôi trả lại số tiền vay ngay lập tức. Nhưng không thể được. Họ có thể lôi tôi ra tòa". Tuy nhiên, một số ôtô sang trọng mua bằng tiền vay ngân hàng được yakuza bán ngay tức thì trong cùng ngày và điều đó cho thấy một phần tiền vay được dùng để tạo ra thu nhập nhanh cho tổ chức tội phạm.

FSA phát lệnh đổi mới kinh doanh đối với Mizuho Bank (ngày 27/9/2013) vài ngày trước ngày kỷ niệm lần thứ 2 các sắc lệnh kiểm soát tội phạm có tổ chức của Nhật Bản được ban bố trên toàn quốc (ngày 1/10/2011). Người ta cho rằng yếu tố thời gian này không là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Mizuho Bank.

Vụ bê bối ngân hàng đã ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới tài chính của Nhật Bản. Sau đó, vào ngày 31/10/2013 Shinsei Bank cũng thừa nhận có giao dịch với các nhóm yakuza. Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản (LIAJ) cũng bắt đầu có kế hoạch sử dụng cơ sở dữ liệu của Cảnh sát Quốc gia để ngăn ngừa trường hợp các công ty bảo hiểm tiếp nhận các khách hàng yakuza.

Hiệp hội Chủ ngân hàng Nhật Bản (JBA) và Hiệp hội Các nhà kinh doanh An ninh Nhật Bản (JSDA) cũng đang có kế hoạch củng cố mối quan hệ với cảnh sát để loại bỏ yakuza ra khỏi các thị trường chính. Cảnh sát cũng nhân tình hình mọi người chú ý đến vụ bê bối của Mizuho Bank để đẩy mạnh các chiến dịch trấn áp tội phạm có tổ chức. Nhưng, vụ bê bối ngân hàng ở Nhật Bản chỉ là bề mặt của tảng băng

Diên San (tổng hợp)
.
.