Nhật Bản xúc tiến dự án thành lập cộng đồng Đông Á: "Mua láng giềng gần”?

Thứ Sáu, 09/10/2009, 13:55
Tân Chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh việc thành lập Cộng đồng Đông Á theo mô hình Liên minh châu Âu (EU) theo đúng chủ trương của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) là giảm phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường hợp tác trong khu vực. Việc làm này của Tokyo nhằm mục đích gì? Washington sẽ lo ngại? Liệu các nước Đông Á và khu vực đã sẵn sàng?

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Nhật vừa qua, đảng DPJ của ông Hatoyama đã đề ra mục tiêu trong chương trình hành động: cân bằng hóa ảnh hưởng của Mỹ để Nhật Bản đóng vai trò độc lập hơn trên chính trường quốc tế. Đề án xây dựng một Cộng đồng Đông Á (East Asian Community-EAC) theo kiểu khối EU là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động đó.

Nói là làm. Động thái đầu tiên của DPJ trong việc xúc tiến việc thành lập một EAC là phát biểu của tân Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 9 vừa qua. Kế đến, tại Hội nghị ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tại Thượng Hải, hôm 28/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và đôi bên đồng ý sẽ tiếp tục xúc tiến dự án thành lập một EAC.

Ông Okada bày tỏ hy vọng sáng kiến sẽ giúp định hình thế kỷ XXI là "kỷ nguyên châu Á", trong khi ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc mong muốn việc tạo dựng một cộng đồng như vậy sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực trên các lĩnh vực như năng lượng và môi trường.

Cuộc gặp trên của ngoại trưởng 3 nước là nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/10 tới tại Bắc Kinh. Khi đó, lần đầu tiên tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Ông Hatoyama không phải là vị thủ tướng Nhật Bản đầu tiên nêu ra ý tưởng thành lập EAC, và những gì ông vừa đề nghị cũng không phải là chỉ nhắc lại những đề nghị đã được đưa ra trước đó.

Liên kết Đông Á - bao gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á - vốn đã là một mục tiêu Nhật Bản theo đuổi bằng mọi cách từ rất lâu, đương nhiên với ẩn ý trong đó nước này luôn đóng vai trò then chốt, thậm chí đến mức chi phối và quyết định. Viễn cảnh ấy là mục tiêu đầy tham vọng của Tokyo, cho dù không phải ở thời nào cũng bộc lộ rõ.

Cho tới nay, đã ba lần Nhật Bản cụ thể hóa phần nào ý tưởng đó: với quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa Nhật Bản và ASEAN (JACEP) mà Hiệp định thương mại tự do là một bộ phận, với cam kết của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực cho ASEAN và với chủ trương tăng cường hợp tác tài chính ở Đông Á. Nhưng đề nghị mới đây của ông Hatoyama đi xa hơn cả và rõ nét hơn cả về viễn cảnh mà Nhật Bản phác họa ra và theo đuổi cho Đông Á.

Câu hỏi là phải chăng Nhật Bản đang thực sự theo đuổi một chính sách ngoại giao mới, thân thiện hơn với Trung Quốc và bớt phụ thuộc vào Mỹ? Ngày nay, hàng loạt các quốc gia châu Á đang công nghiệp hóa nhanh chóng và đóng góp vào sự thành bại của nền kinh tế nói riêng cũng như của tương lai Nhật Bản nói chung.

Ví dụ điển hình là Trung Quốc, quốc gia ngày nay là bạn hàng hàng đầu của Nhật Bản. Sự phát triển của Trung Quốc cũng là một cơ hội cho Nhật Bản. Một tầng lớp chính trị gia thuộc đảng DPJ đã ý thức rằng vận mệnh của Nhật Bản tùy thuộc phần lớn vào sự trỗi dậy của Đông Á và Tokyo cần đóng vai trò đầu tàu để thúc đẩy sự hội nhập kinh tế của khu vực.

Một lý do khác ít được đề cập công khai, đó là trong thời gian qua, Mỹ quá chú trọng đến cuộc chiến chống khủng bố. Hệ quả là Tokyo cảm thấy những mối lo của mình không được người đồng minh chia sẻ đúng mức, đặc biệt trước tình hình hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên leo thang. Về an ninh, việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội, theo nhiều nhà phân tích, cũng gây tranh luận tại Nhật Bản về khả năng ứng phó của Tokyo.

Vì những nguyên nhân trên, một trường phái gần gũi với Trung Quốc của Thủ tướng Hatoyama đã nhắc nhở kịch bản hậu Chiến tranh lạnh tại châu Á cũng hao hao giống tình trạng châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bài học rút ra từ EU là khối này đã hình thành và trở nên thịnh vượng, một khi “hai kẻ thù” là Pháp và Đức đã đảo ngược xu thế đối đầu, bắt tay hợp tác để đặt nền tảng cho một cộng đồng chung.

Tuy nhiên, đề án xây dựng một EAC, qua đó để phát huy vai trò của Tokyo, hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất là Washington sẽ ứng xử ra sao, nếu Tokyo thực sự muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ? Ngày nay không ai có thể hình dung Washington sẽ thụ động bật đèn xanh cho Tokyo thoát khỏi quỹ đạo của mình. Liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn Quốc là hai cột trụ trong chiến lược của Washington tại châu Á, nhằm ngăn chặn Trung Quốc và đồng thời, duy trì thế lực của Mỹ.

Trong một cuộc điện đàm hôm 3/9 với Tổng thống Obama, ông Hatoyama trấn an chủ nhân Nhà Trắng rằng, quan hệ Tokyo - Washington tiếp tục là "trục chính, là nền tảng trong chính sách ngoại giao của chính quyền Nhật sắp tới đây".

Sau đó ông Hatoyama cũng đã tiếp Đại sứ Mỹ tại Tokyo nhằm xoa dịu mối quan ngại của Mỹ sau thắng lợi của đảng DPJ. Lý do là đảng này chủ trương một chính sách đối ngoại độc lập hơn đối với Mỹ để chú trọng vào các đối tác châu Á của Tokyo.

Mặt khác, triển vọng Nhật Bản thoát khỏi sự kiềm tỏa của Mỹ, không chỉ khơi dậy nhiều lo ngại tại Mỹ, mà ngay cả tại châu Á, một khu vực chưa quên bóng ma chiến tranh của thế kỷ XX, trong đó đạo quân của Nhật hoàng cũng đã từng hô hào cho một khối thịnh vượng chung.

Điều mà các quan sát viên nêu bật là đề xuất của Nhật Bản về EAC cũng không được phía Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ. Thái độ hoài nghi của Bắc Kinh bắt nguồn từ một thực tế ít ai chối cãi là ngày nào Nhật Bản còn ủy thác an ninh của mình cho Mỹ bảo đảm, thì ngày đó, Tokyo còn bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa và chủ nghĩa quân phiệt sẽ khó lòng mà hồi sinh tại nước này.

Bởi vậy, một nước Nhật không quân đội là điều có lợi cho Trung Quốc. Chả thế mà trong cuộc gặp hôm 28/9, Ngoại trưởng Trung Quốc không đi sâu đề cập tới lịch trình cụ thể cho việc thành lập EAC theo sáng kiến của Nhật.

Lý thuyết cho việc tạo dựng một khuôn khổ hợp tác thích ứng cho an ninh của khu vực Đông Á, biến các nước láng giềng thành bạn hữu, vừa cho phép xua tan nghi kị, vừa không để mối quan hệ vẫn gắn bó với Mỹ ảnh hưởng tới các ưu tiên nghe chừng có vẻ đơn giản.

Nhưng theo các nhà quan sát, tính khả thi của đề án EAC ở thời điểm hiện tại và cả trong thời gian tới bị hạn chế tới mức gần như chỉ có trên... lý thuyết. Các quốc gia Đông Á và khu vực chưa hội tụ đủ điều kiện, và chưa sẵn sàng để có thể hình thành một tổ chức khu vực theo mô hình và định hướng như EU.

Thực tế thì đề nghị của tân Chính phủ Nhật chủ yếu mang ý nghĩa và tác dụng của một thông điệp chính trị: “mua láng giềng gần” nhưng cũng chưa muốn “bán anh em xa

Cộng đồng Đông Á là một cộng đồng kinh tế dự định của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 quốc gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tương lai gần, cộng đồng kinh tế này còn có thể có thêm Đông Timor.

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.