Nhật-Trung-Mỹ với biến số thời hậu Abe

Thứ Hai, 07/09/2020, 18:35
Ngoại giao là lĩnh vực mà Thủ tướng Shinzo Abe tỏa sáng. Ông là nhà lãnh đạo thực hiện nhiều chuyến công du không biết mệt mỏi để nâng cao vị thế quốc tế, ông đã khéo léo trong xử lý quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Các cặp quan hệ Nhật-Trung, Nhật-Mỹ sẽ như thế nào thời kỳ hậu Abe?

Đã chuyển bại thành thắng

Đối với Trung Quốc, thành tích ngoại giao của ông Abe có phần phức tạp khi trước đó làm xấu đi quan hệ song phương với Bắc Kinh bằng quyết định viếng đền Yasukuni hồi tháng 12-2013 và vấp phải sự phản đối của Mỹ vì hủy hoại sự ổn định của khu vực. Mặc dù vậy, ông Abe đã thận trọng từng bước cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc thông qua chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10-2018 và ký một hiệp định hợp tác với Bắc Kinh liên quan hơn 50 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung được thực hiện tại những nước thứ 3.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trên các thùng hàng viện trợ của Nhật Bản gửi đến Vũ Hán (Trung Quốc) có ghi những câu thơ cổ có ý nghĩa sâu sắc như “Sơn xuyên dị vực, phong nguyệt đồng thiên” (sông núi khác vực, trăng gió cùng trời), “Thanh sơn nhất đạo đồng phong vũ, minh nguyệt hà tằng thị lưỡng hương” (núi xanh một đường dầm mưa gió, trăng sáng một vầng sao lại ở hai thôn)...  khiến dư luận Trung Quốc hết sức ấm lòng, cảm động.

Quan hệ Nhật-Trung-Mỹ đối diện nhiều thách thức trong tương lai.

Về sau, những thùng hàng mà phía Trung Quốc viện trợ Nhật Bản cũng viết câu thơ “Thanh sơn nhất đạo, đồng đảm phong vũ” (núi xanh một đường, cùng chịu gió mưa) để gửi tặng lại. Mặc dù những trao đổi này mang tính chất phi chính phủ nhưng cũng là bằng chứng cho thấy sự ổn định tương đối trong quan hệ chính trị Trung-Nhật thời kỳ Thủ tướng Abe.

Với Mỹ, Thủ tướng Abe cũng thể hiện được sự khéo léo và tinh tế trong hành xử của mình, chính ông đã giải quyết được tính bấp bênh về an ninh và kinh tế của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và mang lại những điểm cộng về ngoại giao. Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Abe ngay lập tức bay đến thành phố New York để trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Trump tại tòa tháp Trump Tower.

Mặc dù Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia, song với các mục tiêu kinh tế và chiến lược, ông Abe đã tiếp tục dẫn dắt hiệp định này và cùng với các nước còn lại đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Ông Abe cũng là một trong số ít các lãnh đạo trên thế giới có được một mối quan hệ cá nhân tích cực với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông nhận được sự tán dương rộng rãi ở trong nước sau khi tránh được việc thực hiện yêu cầu của Trump về chi trả mọi chi phí cho quân đồn trú Mỹ tại Nhật Bản, cũng như tránh được việc đánh thuế ô tô nhập khẩu của Nhật Bản mặc dù hai bên mới chỉ đạt được một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật hồi năm 2019.

Mặc dù hiệp định thương mại Nhật–Mỹ có nhiều khoản thuế cao hơn so với mức tiêu chuẩn đạt được trong TPP, tuy nhiên, điều quan trọng đó là Nhật Bản tránh được xung đột thương mại với đồng minh Mỹ.

Tương lai không êm đềm

Quan hệ Trung-Nhật hay Mỹ-Nhật sẽ chẳng có gì nhiều để thảo luận nếu như Thủ tướng Shinzo Abe không bất ngờ từ chức.

Hiện vẫn chưa rõ tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ áp dụng chính sách gì đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều chắc chắn là so với thời ông Abe, những thách thức mà quan hệ Trung-Nhật phải đối mặt sẽ chỉ tăng chứ không giảm và sẽ có nhiều biến số hơn.

Thủ tướng Abe tạo quan hệ tích cực với ông Trump.

Nhân tố không chắc chắn lớn nhất trong quan hệ Trung-Nhật chính là những thay đổi trong quan hệ Trung-Mỹ. Xét tình hình hiện nay, bất kể Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay ứng cử viên Joe Biden làm Tổng thống Mỹ, Mỹ vẫn sẽ không từ bỏ việc gây sức ép toàn diện đối với Trung Quốc. Là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản về đường hướng chung thực sự không có nhiều lựa chọn, chỉ có thể đứng về phía Mỹ để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đương nhiên, mức độ cụ thể mà Nhật Bản sẽ kiềm chế Trung Quốc liên quan nhiều đến lập trường và lựa chọn của người đứng đầu chính phủ mới. Trước mắt, việc Nhật Bản sẽ có một tân thủ tướng có thể hiện bề ngoài giống như ông Shinzo Abe - cứng rắn với Trung Quốc nhưng thực chất lại hy vọng cải thiện quan hệ Trung-Nhật rất khó đoán định. Ông Abe đã thực hiện nhiều bước đi chiến lược đúng đắn cho đất nước của ông. Tuy nhiên, ông đã rời nhiệm sở mà không biết liệu những nỗ lực của ông cuối cùng có đem lại thành công cho nước Nhật hay không. Đối trọng lại sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức cho Nhật Bản. Những người kế nhiệm ông Abe sẽ cần có cả may mắn và kỹ năng để chèo lái đất nước trước một tương lai khó đoán định.

Với Mỹ, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải “kết thân” với tổng thống nào của nước Mỹ cũng chưa có câu trả lời. Hiện tại, quan hệ Nhật-Mỹ đã được củng cố đẩy đủ và được thể chế hóa. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-8 cho biết, Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi cùng ngày đã điện đàm để đánh giá về mối quan hệ an ninh giữa hai nước, đặc biệt là các nỗ lực nhằm duy trì trật tự dựa trên các quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Ngoại trưởng Pompeo và Ngoại trưởng Motegi đã thảo luận về việc phối hợp các ưu tiên chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có việc duy trì trật tự dựa trên các quy tắc tại khu vực. Hai ngoại trưởng cũng tái khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ-Nhật, cũng như cam kết chung nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh tại khu vực cũng như trên thế giới”. Rất ít nhà phân tích trông đợi sẽ có những thay đổi đáng kể trong quan hệ song phương giữa hai nước đồng minh lâu đời này trước sự ra đi của ông Abe.

Về tầm nhìn ngắn hạn, Nhật Bản vẫn không thể tách khỏi Mỹ. Do vậy, Nhật Bản sẽ còn bị kẹt trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhật Bản phải tự tìm kiếm vị trí tốt nhất trong cạnh tranh Trung-Mỹ, phát huy vai trò bên thứ ba để hưởng lợi từ cả Trung Quốc và Mỹ, qua đó tối đa hóa lợi ích quốc gia. Nếu ông Biden đắc cử, thái độ của ông đối với Trung Quốc cũng sẽ không hề ôn hòa, thậm chí có khả năng làm gia tăng mâu thuẫn Trung-Mỹ.

Trong trường hợp này, ông Biden sẽ không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính, thương mại mới đối với Trung Quốc mà còn yêu cầu các đồng minh như Nhật Bản giữ thái độ tương tự. Tân Thủ tướng Nhật Bản chắc chắn sẽ không thể “nhàn nhã” khi thay thế ông Abe với mục tiêu đưa đất nước Mặt trời mọc tiến về phía trước.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.