Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU đầy khó khăn của nước Pháp

Thứ Ba, 08/07/2008, 16:15
Từ ngày 1/7/2008, nước Pháp đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu  Âu (EU) trong 6 tháng. Một khởi đầu không thuận tiện hứa hẹn những “bất trắc” đang chờ Paris ở phía trước – theo bình luận của CNN.

Việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của EU không chỉ là trách nhiệm của một quốc gia thành viên mà còn là cơ hội để nước Pháp dưới thời ông Sarkozy khẳng định vai trò đầu tàu của mình bằng việc đưa vào vận hành một số chính sách mới mang tính cải cách mạnh mẽ.

Ngoài những ưu tiên hàng đầu không thể thiếu – như việc phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, an ninh năng lượng, vấn đề bảo vệ môi trường, chính sách nhập cư, chính sách nông nghiệp, an ninh và quốc phòng – nước Pháp còn đưa vào việc xây dựng khối Liên minh Địa Trung Hải (MU) do Tổng thống Sarkozy đề xuất và theo đuổi.

Vào ngày 13/7 tới, ông Sarkozy sẽ chủ trì hội nghị đầu tiên quy tụ tất cả các quốc gia quanh vùng Địa Trung Hải để bàn về vấn đề này. Cũng giống như khi mới lên nhậm chức Tổng thống Pháp, lần này ông Sarkozy lại gặp phải khá nhiều thử thách khi áp dụng các chính sách mà ông đề xuất hoặc tham gia soạn thảo.

Chẳng hạn, với việc hình thành MU, chưa biết bao giờ, và liệu khối này có được hình thành hay không, nhưng ngay từ bây giờ, nó đã gây nên sự phản đối từ phía các nước phía Bắc Âu, nhất là Đức.

Bởi vì một MU hoạt động ở ngay rìa phía nam châu lục sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến một số chính sách chung của EU, trong đó có những chương trình, dự án dân sinh, kinh tế hiện đang triển khai ở khu vực Đông Nam  Âu.

Thử thách lớn nhất chính là Hiệp ước Lisbon, đặt ra cho Paris nhiều khó khăn cần giải quyết nhất trong 6 tháng tới. Những khó khăn, trở ngại lớn xung quanh việc phê chuẩn hiệp ước này được dự báo có thể dẫn đến thất bại nặng nề khó tránh khỏi cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU ngắn ngủi của nước Pháp.

Ngay trong ngày đầu tiên “nhậm chức”, nước Pháp đã được chào đón bằng lời tuyên bố không phê chuẩn Hiệp ước Lisbon của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski. Ông Kaczynski cho rằng việc phê chuẩn Hiệp ước Lisbon sẽ “không có ý nghĩa gì sau khi người Ailen đã nói “không””.

Ngày 12/6 vừa qua, người dân Ailen đã bỏ phiếu chống Hiệp ước Lisbon với tỉ lệ 54% trên 46%. Trong khi đó, Chính phủ Anh của Thủ tướng Gordon Brown cũng đang chịu sức ép phải đưa ra trưng cầu dân ý về Hiệp ước Lisbon, và giới quan sát cũng đang tỏ ra khá bi quan về tình hình tại đây.

Cho đến nay mới chỉ có Hungary là nước đầu tiên phê chuẩn hiệp ước này tại Quốc hội. Thực ra thì những khó khăn của việc thông qua Hiệp ước Lisbon có nguyên do từ chính bản thân hiệp ước này.

Tác động từ cuộc trưng cầu dân ý ở Ailen cũng chỉ là một phần. Chủ yếu là những điều khoản được xem là “cải cách” trong hiệp ước này thực ra cũng chẳng khác mấy so với bản Hiến pháp cũ đã bị “khai tử” hồi năm ngoái.

Đáng nói hơn, nhiều nước trong EU hiện nay còn lo ngại chúng có thể đe dọa nghiêm trọng đến tính tự chủ, độc lập vốn được xem là nền tảng của mỗi quốc gia, đã được quy định tại Hiến pháp của quốc gia đó, khiến cho nhiều người lo sợ và nghi ngờ tính công bằng, khả thi của nó. Chính vì thế mà ngay tại những quốc gia vốn được xem là ủng hộ hiệp ước này mạnh mẽ nhất cũng đang “có vấn đề”.

Cộng hòa Séc đã tuyên bố hoãn việc phê chuẩn vô thời hạn; còn Tổng thống Đức Horst Koehler tuyên bố ông sẽ không phê chuẩn Hiệp ước Lisbon chừng nào Tòa án Hiến pháp chưa đưa ra phán quyết cụ thể - mà việc này lại chưa được ấn định thời gian.

Một số nghị sĩ Quốc hội Đức cho biết, Hiệp ước có nguy cơ không được phê chuẩn vì có một số điều khoản làm tổn hại tính độc lập của Quốc hội và trái với Hiến pháp Đức.

Với những khó khăn như thế, rõ ràng 6 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để nước Pháp có thể tìm ra một giải pháp cho bế tắc hiện nay để việc thông qua Hiệp ước Lisbon kịp hoàn tất trước cuộc bầu cử Nghị viện châu  Âu (EP) vào tháng 6/2009.

Chính sách nông nghiệp cũng sẽ là thử thách không nhỏ cho nước Pháp. Vụ “đấu khẩu” giữa Tổng thống Pháp với Ủy viên thương mại của Ủy ban châu Âu Peter Mandelson cũng trong ngày 1/7 xung quanh chính sách nông nghiệp cho thấy mâu thuẫn nội bộ EU đang diễn ra khá gay gắt quanh vấn đề này.

Ông Mandelson đã cáo buộc ông Sarkozy cố tình làm hỏng tiến trình đàm phán của ông (với tư cách đại diện liên minh) với các quốc gia, khu vực khác trên thế giới trong khuôn khổ vòng đàm phán WTO tại Doha về nông nghiệp.

Ông Sarkozy cũng có cái lý của mình khi cho rằng, chính sách bảo hộ nông nghiệp của ông Mandelson sẽ làm giảm 20% xuất khẩu nông sản của EU đồng thời gây khó khăn thêm cho các nước nghèo, đang phát triển trong tình hình giá cả lương thực và nhiên liệu leo thang như hiện nay.

Một nghị sĩ Nghị viện châu Âu nhận định: Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, và Pháp sẽ không thành công trong “cuộc chiến” chống lại nó.

Vào ngày 7/7 tới, Bộ trưởng Di trú Pháp Brice Hortefeux sẽ công bố dự thảo hiệp định chung của EU về di trú. Vấn đề dân nhập cư hiện cũng đang là một “cuộc chiến” gay go của EU, và với nước Pháp thì vấn đề càng trở nên đáng quan tâm hơn.

Dưới thời Tổng thống Sarkozy, nước Pháp đã mạnh tay hơn với dân nhập cư như một biện pháp hạn chế sự xâm nhập của các phần tử khủng bố từ các nước Bắc Phi và Trung Đông.

Nhưng ngay tại nước Pháp, việc áp dụng chính sách tương tự đã gây nên phản ứng gay gắt do đụng chạm đến quyền được cư trú và sinh sống hợp pháp của đại bộ phận dân nhập cư đã sống và làm việc lâu năm tại nước Pháp.

Với hàng loạt thách thức đang chờ đón, nhiều người cho rằng, ông Sarkozy sẽ ptrải qua những “đêm không ngủ” với vai trò Chủ tịch EU của mình. Mặc dù thế, vẫn nhiều quốc gia hy vọng ông vượt qua khó khăn như ông đã từng làm được trên cương vị Tổng thống Pháp

Văn Chương (tổng hợp)
.
.