Nhìn lại hai lần đóng cửa của Chính phủ Mỹ

Thứ Năm, 25/01/2018, 19:22
Một đất nước mà “chính phủ đóng cửa”, nôm na là chính phủ ngừng hoạt động, thì sẽ ra sao? Nói là “đóng cửa” nhưng cũng không phải là “đóng hẳn”.

Dù vậy, việc chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ trong nhiều năm qua. Nó thể hiện rõ thêm hàng loạt mâu thuẫn nội bộ bởi các chính sách gây tranh cãi, cuộc đấu đá tranh giành quyền lực giữa hai đảng trong Chính phủ Mỹ ngày càng phức tạp.

Muốn đạt được thỏa thuận thì phải đàm phán, giao kèo!

Một chính phủ muốn duy trì hoạt động được thì cần có tiền, hay còn gọi là ngân sách. Nguồn thu ngân sách do thu thuế hoặc vay nợ mà có. Tất cả được bỏ vào Ngân khố Quốc gia (Treasury). Ở Mỹ, Quốc hội là nơi quyết định một năm chính phủ được tiêu bao nhiêu tiền và tiêu vào việc gì. Quốc hội Mỹ gồm hai viện, Thượng viện và Hạ viện. Ngân sách hằng năm của chính phủ phải được cả hai viện này thông qua rồi tổng thống ký ban hành thì mới bắt đầu giải ngân được. Đây là cơ chế tam quyền phân lập vốn là một trong những trụ cột của thể chế chính trị Mỹ.

Năm ngân sách của Mỹ bắt đầu vào ngày 1-10 và kết thúc vào ngày 30-9 hằng năm. Về nguyên tắc thì trước khi năm ngân sách kết thúc, Quốc hội phải thông qua được ngân sách năm tới, nhưng ở Mỹ có hai chuyện: hoặc là việc thông qua ngân sách năm mới bị chậm lại, hoặc là Quốc hội sẽ thông qua những khoản ngân sách tạm thời để chính phủ hoạt động trong một thời gian ngắn vài tuần hoặc vài tháng.

Suốt từ cuối năm 2016 đến nay, Chính phủ Mỹ đã hoạt động nhờ những khoản ngân sách tạm thời như vậy. Và khoản tạm thời gần nhất đã kết thúc vào nửa đêm ngày 19-1 vừa qua. Vì vậy vào đêm 19-1, Thượng viện Mỹ đã phải làm việc đến tận nửa đêm để cố gắng thông qua một gói ngân sách tạm thời hòng duy trì hoạt động của chính phủ.

Tuy hiện giờ đảng Cộng hòa kiểm soát được cả hai viện của Quốc hội lẫn ghế tổng thống nhưng vì sao vẫn không thông qua được ngân sách? Vấn đề ở chỗ một đạo luật của Quốc hội Mỹ yêu cầu muốn thông qua được ngân sách thì phải có ít nhất 60/100 phiếu ở Thượng viện.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa chỉ có 51 ghế, muốn thông qua thì 51 vị nghị sĩ đó phải thống nhất tuyệt đối và đồng thời phải chèo kéo thêm được 9 “quý” nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập nữa mới được. Do luật định là như vậy nên thường hai đảng lớn của Mỹ phải đàm phán, giao kèo, đổi chác với nhau thì mới thông qua ngân sách.

Lần này do chỉ có 50 thượng nghị sĩ đồng ý thông qua ngân sách nên dự luật này bị ách lại, chính phủ không có ngân sách hoạt động thì sẽ phải đóng cửa. Đến khi nào Quốc hội thỏa hiệp được với nhau về một gói ngân sách mới thì chính phủ mới mở cửa trở lại.

Lần “đóng cửa” gần nhất là vào năm 2013, do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama, Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động trong 21 ngày. Cần lưu ý rằng, vụ “đóng cửa” này chỉ ảnh hưởng tới chính quyền liên bang, không phải cơ quan nào của liên bang cũng bị đóng cửa và có những cơ quan liên bang chỉ bị đóng cửa một phần.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Chuck Schumer (bên trái) và lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell của Thượng viện Mỹ.

Điều quan trọng nữa là gói ngân sách không được thông qua này chỉ bao gồm các khoản chi để duy trì hoạt động bình thường của chính phủ, bao gồm chi lương, đi lại, mua sắm, xây dựng và bảo trì các trụ sở chính quyền liên bang cùng một số khoản chi thường xuyên khác; không bao gồm các khoản tiền hưu trí, phúc lợi xã hội hay tiền trả nợ của chính phủ.

“Tấn công” nhau nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ công chúng

Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang, công nhân, nhân viên trong lĩnh vực quốc phòng, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan quản lý kinh doanh thuộc Chính phủ Mỹ sẽ tạm thời bị cho nghỉ việc và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng không được trả lương. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan kiểm tra thực phẩm, hành pháp liên bang, kiểm tra an ninh sân bay và một số dịch vụ quan trọng khác cũng như các hoạt động quân sự, các chương trình phúc lợi liên bang vẫn tiếp diễn.

Tiêu biểu nhất có thể kể đến Bưu điện Mỹ vốn lấy thu nhập từ hoạt động bưu chính và một số hoạt động kinh doanh riêng. Những người làm việc cho các cơ quan không lấy ngân sách từ chính phủ sẽ vẫn làm việc bình thường. Theo một nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa trong một tuần.

Nguyên nhân chính cho nguy cơ bị “đóng cửa” lần này là những bất đồng về vấn đề nhập cư - xoay quanh Chương trình Hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ (DACA) vốn có từ năm 2012 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama - khiến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không tìm ra giải pháp chung, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.

Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình DACA vào ngày 5-3 năm nay nếu như Quốc hội không hành động để gia hạn, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện và Thương viện đều ra sức phản đối một sửa đổi luật nhằm bảo vệ những người nhập cảnh khi còn nhỏ - hay được gọi dưới cái tên thế hệ Dreamer.

Hồi tháng 9-2017, Tổng thống Trump đã sắp đi đến thỏa thuận ký một khung chương trình với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ là Nancy Pelosi và Charles Schumer, về đổi chương trình DACA để tăng cường an ninh biên giới. Tuy nhiên, dưới sức ép từ những nhà hoạch định chính sách nhập cư cứng rắn, Tổng thống Trump phải lui lại và thêm vào một loạt yêu cầu cho thỏa thuận DACA, bao gồm dành ngân sách xây tường biên giới và thay đổi đáng kể hệ thống nhập cư hợp pháp.

Mâu thuẫn lớn nhất trong việc tìm ra một thỏa thuận chi tiêu ngân sách của Chính phủ Mỹ là bất đồng về chi tiêu quân sự. Đảng Dân chủ tại cả hai viện đều muốn ngân sách chi tiêu quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump phải phù hợp với ngân sách chi tiêu nội địa, nếu vậy chi tiêu nội địa cũng phải tăng.

Cũng như thỏa thuận ngân sách, việc tái khởi động Chương trình Bảo hiểm y tế cho trẻ em (CHIP) cũng bị quá hạn. Quốc hội cho phép chương trình mất hiệu lực trong mùa thu trước khi các nhà lập pháp nhất trí gia hạn thêm 6 năm trong tháng 12. Để lôi kéo các nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu cho dự thảo chi tiêu tạm thời mà không cần đạt thỏa thuận nhập cư, ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đề xuất tái khởi động chương trình CHIP kéo dài 6 năm.

Tuy nhiên hầu hết nghị sĩ đảng Dân chủ không dễ bị “vào tròng”. Họ chỉ trích đảng Cộng hòa tìm cách lợi dụng chương trình CHIP như một công cụ chính trị sau nhiều tháng khăng khăng cắt giảm chi tiêu mà phe Dân chủ phản đối. Bên cạnh đó, đảng Dân chủ cho biết đảng Cộng hòa bắt họ lựa chọn giữa chương trình y tế cho trẻ em và thế hệ người Dreamer.

Cứ thế, đảng Cộng hòa và Nhà Trắng thay nhau “tấn công” bằng luận điểm: Đảng Dân chủ đang “bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp” và sẽ không có thương lượng gì hết trong khi chính phủ còn đóng cửa, vì điều đó chẳng khác nào tạo ra tình huống bắt giữ con tin. Đối với các nhà phân tích, họ không lạ gì chuyện hai phe Dân chủ và Cộng hòa thay phiên công kích nhau để tranh thủ sự ủng hộ từ công chúng vì chuyện “ai thắng ai” sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.

Quang Học (tổng hợp)
.
.