Những Ngoại trưởng có ảnh hưởng trong lịch sử nước Mỹ

Thứ Bảy, 13/08/2005, 07:17

Làm ngoại giao nhưng Thomas Jefferson còn là người đầu tiên đưa giống cừu Merino từ Tây Ban Nha vào Mỹ, bởi ông thấy chất lượng len làm từ lông cừu này tốt hơn.

Người được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh là Thomas Jefferson, ông đã trở thành Tổng thống thứ ba của nước Mỹ với 2 nhiệm kỳ liên tiếp (4/3/1801 - 4/3/1809). Tuy là người khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập và được đánh giá là Tổng thống được yêu thích thứ ba (đứng sau George Washington và Abraham Lincoln), nhưng Thomas Jefferson lại bị coi là một trong những Quốc vụ khanh yếu kém, mặc dù trước đó ông đã từng làm Công sứ tại Pháp 5 năm.

Khi đó, Mỹ chỉ có 2 đại sứ quán và 10 lãnh sự quán ở nước ngoài. Tổng số nhân viên dưới quyền Thomas Jefferson cùng khoản ngân sách của Quốc vụ viện ít không thể tưởng tượng: 5 người và gần 56.600 USD trong năm 1791. Tuy nhiên, Thomas Jefferson là người có công lớn trong việc dựng lên một đội ngũ lãnh đạo ngoại giao giàu kinh nghiệm và phương châm hoạt động của ông vẫn được thực hiện cho đến ngày nay là đại sứ quán chú trọng công tác chính trị, còn lãnh sự quán quan tâm phát triển kinh tế, mậu dịch.

Ngoại trưởng bị châm biếm nhiều nhất

Tuy đắc cử nghị sĩ Quốc hội năm 1890, nhưng Brien lại để mất chiếc ghế này vào năm 1894 và liên tiếp trong 3 đợt tranh cử tổng thống (1896, 1900 và 1908), ông ta đều thất bại, khiến đảng Dân chủ vô cùng thất vọng. Mãi đến khi ông Woodrow Wilson đắc cử Tổng thống (1913), Brien mới được cất nhắc lên làm Quốc vụ khanh.

Trong thời gian làm Quốc vụ khanh, Brien đã thuyết phục được hơn 30 quốc gia ký thông qua điều ước áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế để giải quyết những tranh chấp quốc tế. Nhưng đến năm 1924, Brien lại khởi thảo một đạo luật cấm các bang của Mỹ giảng về thuyết tiến hóa của nhà sinh học nổi tiếng người Anh Charles Robert Darwin (1809-1882). Sự kiện này đã trở thành đề tài châm biếm của giới truyền thông thời bấy giờ.

Ngoại trưởng "đoản mệnh" nhất và ngoại trưởng "trường thọ" nhất

Ngoại trưởng “đoản mệnh” nhất là ông Washburne, người bang Maine, chỉ tại vị được 12 ngày. Trước khi được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh (5/3/1869), ông Washburne từng là thợ in ấn, trợ lý biên tập, thầy giáo, sau đó học luật tại Trường đại học Harvard. Ngay sau khi bãi chức Quốc vụ khanh vì lý do sức khỏe (17/3/1869), Tổng thống Ulysses Grant đã bổ nhiệm ông Washburne làm Công sứ tại Pháp (8 năm).

Còn Ngoại trưởng “trường thọ” nhất là ông Hull - gần 12 năm. Mặc dù sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng Hull đã trở thành luật sư khi chưa tới 20 tuổi và 2 năm sau, ông đã trở thành nghị sĩ của bang Tennessee. Năm 36 tuổi, Hull được bầu làm nghị sĩ Quốc hội và Chủ tịch đảng Dân chủ. Năm 1933, Hull được Tổng thống Franklin Delano Roosevelt bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh.

Trong 12 năm cầm quyền của mình, Tổng thống F.Roosevelt đã trải qua những năm khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ - tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và đương nhiên vai trò, vị thế của Quốc vụ khanh Hull cũng vì thế mà tăng theo. Hull là người có công lớn trong việc tạo dựng bộ khung của tổ chức Liên Hiệp Quốc và chính việc này đã giúp ông nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1945.

Người gốc Do Thái đầu tiên đảm nhiệm chức ngoại trưởng

Tiến sĩ Henry Kissinger, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Ngoại trưởng Mỹ được coi là một trong những người có công lớn nhất trong việc khai thông quan hệ Mỹ - Trung, góp phần thay đổi cục diện thế giới thời bấy giờ.

Ông hiện là cựu Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đang phải đương đầu với pháp đình: ngày 29/3/2004, ông đã bị Tòa án Chile gửi trát hầu tòa mặc dù đã ngoại bát tuần. Henry Kissinger được yêu cầu trả lời về cái chết của Charles Horman, một công dân Mỹ sau cuộc đảo chính tại Chile năm 1973 do tướng Augusto Pinochet đứng đầu.

Henry Kissinger còn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính lật đổ ông Mujib-ur-Rehman, người giành độc lập ở Bangladesh năm 1971. Vai trò của Henry Kissinger được thể hiện rõ nhất trong hai đời tổng thống là Richard Nixon và Gerald Ford.

Người ta nói rằng, Henry Kissinger nhận được sự tin tưởng và trọng dụng của ông Richard Nixon là bởi ông ta có công tiết lộ nhiều thông tin mật nghe được từ Tổng thống Johnson. Nhưng khi nhân viên dưới quyền tiết lộ thông tin cho giới truyền thông, Henry Kissinger đã lập tức yêu cầu Giám đốc FBI Hoover giám sát chặt chẽ, thanh toán ngay những người này. Danh tiếng của Henry Kissinger còn được đánh giá cao hơn một số tổng thống Mỹ mà ông từng phục vụ. Henry Kissinger còn được giới ngoại giao, giới khoa học và giới chính trị Mỹ đánh giá là nhà tư tưởng chiến lược khôn ngoan nhất, để lại nhiều dấu ấn cá nhân nhất.

Hai ngoại trưởng người da màu

Colin Powell là Quốc vụ khanh giữ khá nhiều kỷ lục: là tướng 4 sao, Tổng tham mưu trưởng liên quân, Cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Hai Ngoại trưởng da màu: Colin Powell và Condoleezza Rice.

Người thay thế ông cũng độc đáo không kém: nữ Ngoại trưởng thứ hai (sau bà Madeleine Albright), và là người phụ nữ da màu đầu tiên trong 66 đời ngoại trưởng và cũng từng là nữ Cố vấn an ninh quốc gia da màu đầu tiên. Cách đây không lâu, Condoleezza Rice được tạp chí "Forbes" bình chọn là một trong 10 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà không những là một trong những người tham gia soạn thảo “Học thuyết Bush”, mà còn là người có quan hệ mật thiết với Tổng thống Bush.

Ngoài việc là một chuyên gia về Nga, Condoleezza Rice còn là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, một nghệ sĩ dương cầm, một chuyên gia trượt băng nghệ thuật. Một điểm đáng chú ý nữa là  Condoleezza Rice đã tăng gấp đôi số quốc gia bị liệt vào “trục ma quỷ”. Và có lẽ ít người biết rằng, buổi sinh nhật lần thứ 50 của bà Condoleezza Rice (14/11/1954 - 14/11/2004) lại do David Manning, Đại sứ Anh tại Washington đứng ra tổ chức

Độc Hành (tổng hợp)
.
.