Những “bàn tay nhám” trong Nhà Trắng

Thứ Hai, 08/06/2015, 15:20
Nghe kỳ lạ và nực cười nhưng đó là sự thật ở Nhà Trắng. Mặc dù thực khách đều là những nhân vật có tiếng tăm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ những món đồ quý giá trên bàn tiệc không cánh mà bay. Có lẽ ai cũng muốn “bỏ túi riêng” những món đồ xinh đẹp ở Nhà Trắng để làm kỷ niệm!

Mỗi một chi tiết của buổi quốc yến gần đây tại Nhà Trắng chiêu đãi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều được sắp đặt hết sức chu đáo. Từ việc sắp xếp bàn với hoa anh đào và phong lan cho đến chuẩn bị rượu sake thật hoàn hảo để khách nhấm nháp trong nghi thức chúc rượu mở màn.

Nhưng ngay trước khi món tráng miệng được dọn ra, các nhân viên phục vụ bàn có hành động rất lạ thường: họ khéo léo thu lại toàn bộ những chiếc chân đế hình chim đại bàng mạ vàng trên gắn tấm thiếp ghi chỗ ngồi để đề phòng những thực khách “nhám tay”! Nghe kỳ lạ và nực cười nhưng đó là sự thật ở Nhà Trắng. Mặc dù thực khách đều là những nhân vật có tiếng tăm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ những món đồ quý giá trên bàn tiệc không cánh mà bay. Có lẽ ai cũng muốn “bỏ túi riêng” những món đồ xinh đẹp ở Nhà Trắng để làm kỷ niệm!

Chiếc chân đế mạ vàng là một trong những món đồ bị mất cắp thường xuyên ở Nhà Trắng.

Phần lớn những món đồ bị đánh cắp không có giá trị quá lớn: những chiếc khăn bằng vải nhung lông có đóng dấu nổi của Nhà Trắng để trong nhà vệ sinh hay những chiếc thìa được thuê từ chủ khách sạn dành cho những bữa tiệc lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều món đồ quý giá hơn; như những chiếc đế gắn thiếp, thìa bạc nhỏ và những vật trang trí bằng thủy tinh khắc chạm hoa văn treo đung đưa trên đèn đặt trong nhà vệ sinh nữ.

William Bushong, nhà sử học của Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng, cho biết: "Vấn đề này đã có kể từ khi Nhà Trắng mở cửa và Tổng thống John Adams bắt đầu mở tiệc thết đãi mọi người. Sự cám dỗ ở chỗ người ta mong muốn có thứ gì đó làm vật lưu niệm, ghi dấu chút trải nghiệm khi đến Nhà Trắng. Sự cám dỗ này thật là không cưỡng lại được".

Chiến mã Old Witey của tổng thống Zachary Taylor luôn bị khách viếng thăm Nhà Trắng vặt lông đuôi!

Có những trường hợp cho thấy một số vị khách đến Nhà Trắng hết sức trơ trẽn. Các du khách giật lấy lông đuôi con ngựa Old Witey được Tổng thống Zachary Taylor cưỡi từ cuộc chiến tranh Mexico để làm kỷ niệm. Họ mê tín đến nỗi còn kháo nhau về sự may mắn khi sở hữu… cọng lông ngựa này nên tìm cách "vặt" cho đến khi cái đuôi con ngựa đáng thương trơ trụi. Khi chiến tranh kết thúc, Old Witey được thả rong trong Nhà Trắng và du khách càng dễ dàng giật lông đuôi của nó!

Dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln, du khách đến Nhà Trắng còn dùng kéo cắt vải màn cửa và đồ đạc. Thú vui đãi trà cho hàng trăm người cùng một lúc của Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt càng tạo điều kiện cho một số người dễ dàng "di chuyển" đồ đạc Nhà Trắng ra bên ngoài hơn nữa. Henrietta Nesbitt, quản gia Nhà Trắng từ năm 1933 đến 1945, than phiền về "những kẻ săn đồ lưu niệm" đáng buồn phiền và xấu hổ này trong cuốn sách "Nhật ký Nhà Trắng" (xuất bản năm 1948) rằng máy khâu tay của Tổng thống cùng với huy hiệu Mỹ là những món đồ hấp dẫn nhất.

Đôi khi, những người giúp việc trong Nhà Trắng cũng "ngứa tay". Thông minh nhất có lẽ là William H. Cook - vệ sĩ của Tổng thống Lincoln và người này còn tiếp tục làm việc tại Nhà Trắng thêm 40 năm nữa - khi ông "chế tác" những tấm ván sàn trong văn phòng Lincoln trong thời gian tu sửa nơi này năm 1902 thành cả chục chiếc hộp đựng chén bát!

Đồ sứ trong Nhà Trắng được đánh giá là có giá trị nhất, với những món đã qua sử dụng còn đắt hơn những món chưa được dùng đến. Một cuộc điều tra danh sách hàng hóa bán trên trang web đấu giá trực tuyến eBay cho thấy một chiếc tách và đĩa lót tách đã qua sử dụng bằng sứ của Tổng thống Bill Clinton có giá đến 3.750 USD, chén đựng trứng bằng sứ được Tổng thống Lincoln sử dụng có giá 19.999.95 USD! Raleigh DeGeer Amyx, nhà sưu tập và đánh giá đồ đạc của tổng thống, cho biết nguồn cung cấp đồ sứ tổng thống rất hiếm và khó tìm. Ví dụ, Amyx phải mất đến 20 năm mới có được một món đồ sứ của Tổng thống Ronald Reagan từ một người chơi golf chuyên nghiệp.

Phóng viên truyền hình Mỹ Barbara Walters.

Nữ phóng viên truyền hình Mỹ Barbara Walters nổi tiếng vào năm 2012 sau khi "ngứa tay" trộm khăn trong nhà vệ sinh Nhà Trắng đến mức gia đình tổng thống phải gửi cả một "rổ" những món đồ linh tinh từ dinh thự của họ, bao gồm cả một cái thìa, đến cho nhà báo này!

Vài tháng sau, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama nói chuyện trong chương trình "Entertainmetn Tonight" của Đài Truyền hình CBS: "Có lẽ vì quá thích thú khi có mặt ở đây cho nên bà ta cố gắng "thó" vài món từ Nhà Trắng. Barbara, bà có thể lấy bất cứ thứ gì bà muốn, bất cứ khi nào bà cần".

Meryl Streep.

Nữ diễn viên điện ảnh đoạt giải Oscar Meryl Streep cũng là nhân vật tiếng tăm vì nhiều lần "cầm nhầm". Sau khi được vinh danh tại Trung tâm Kennedy năm 2011, Meryl Streep được mời đến thăm Nhà Trắng và nhân dịp này, Meryl không quên bỏ vào túi  một số khăn tay trong nhà vệ sinh. Và khi quay trở lại Nhà Trắng 3 năm sau đó - Meryl được mời sau khi giành được Huy chương Tự do Tổng thống, cô lại tiếp tục thói quen ưa thích.

Nhưng nạn lấy những tấm đế gắn thiệp bằng bạc mạ vàng - bán được hơn 100 USD/cái - trở thành nỗi ám ảnh kinh niên và biến thành vấn đề nghiêm trọng cho gia đình Tổng thống Obama cũng như gia đình những người tiền nhiệm. Nhà buôn đồ cổ Frank Milwee là người thiết kế bản chân đế gắn thiệp đầu tiên vào năm 2003 cho buổi kỷ niệm sự kiện tấn công khủng bố Trung tâm thương mại thế giới ngày 11/9/2001.

Một chiếc đĩa sứ sử dụng trong Nhà Trắng.

Vài năm sau, các trợ lý Phó tổng thống Dick Cheney và Tổng thống George W. Bush tiếp tục đặt Milwee làm các bản chân đế gắn thiệp khác nhau - bản của dinh Phó tổng thống có con chim đại bàng bằng bạc, trong khi ở Cánh Đông là con chim đại bàng mạ vàng theo kiểu liên bang. Đối với những kiểu chân đế gắn thiệp dành cho khách hàng bình thường, Milwee không khắc dòng chữ "Nhà Trắng". Do đó, Milwee bảo các trợ lý khi tiếp tục đặt hàng với ông: "Có lẽ chúng ta sẽ ít bị mất cắp hơn nếu không khắc dòng chữ Nhà Trắng".

Diên San (tổng hợp)
.
.