Những “căn phòng” Twitter bí mật ủng hộ Tổng thống D.Trump

Thứ Năm, 24/08/2017, 16:09
Ít ai biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có cả một đội quân tình nguyện, bí mật và trung thành tuyệt đối trên mạng xã hội Twitter, chuyên giúp ông truyền đạt những chính kiến, quan điểm tới cả thế giới.

Những căn phòng bí ẩn

Sau khi dự luật về việc bãi bỏ Obamacare (đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ của Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama) bị đình trệ ở Thượng viện hồi tháng 7, người ta bỗng thấy một trong những tiếng nói phản đối những người “phản bội” đảng Cộng hòa mạnh mẽ nhất và được chia sẻ nhiều nhất trên mạng tới từ một phụ nữ bí ẩn.

Người có tài khoản là ChristieC733 viết trên Twitter: “Ba thượng nghị sĩ Cộng hòa này vừa giết chết RepealFirst Replace Later (Bãi bỏ trước, thay thế sau)”, đồng thời đính tên của các thượng nghị sĩ khiến kế hoạch bãi bỏ Obamacare bị đình trệ cũng như tài khoản chính thức của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa và phe Cộng hòa tại Thượng viện. Dòng tweet của người phụ nữ này được chia sẻ hàng trăm lần chỉ trong một giờ, vượt qua nhiều nhân vật nổi tiếng khác.

Ông Trump có một đội ngũ trung thành bí ẩn trên Twitter.

ChristieC733 có 238.000 người theo dõi, nhiều hơn 100.000 người so với số người theo dõi ông Dan Scavino, giám đốc mạng xã hội của ông Trump và nhiều hơn gấp ba lần so với Richard Spencer (người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng nổi tiếng). Với số người theo dõi lớn như vậy, người ta đoán ChristieC733 là một nhà hoạt động nổi tiếng.

Tuy nhiên, ngoài tư cách thành viên Hiệp hội Súng trường Quốc gia và chủ sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, hồ sơ của ChristieC733 hầu như không có thông tin gì khác về cuộc sống ngoài đời của người phụ nữ này cũng như lý do bà có lượng người theo dõi ấn tượng như vậy.

Christie hiện diện trong một số “phòng” ủng hộ Tổng thống Trump hàng đầu hiện nay. Đây là những không gian riêng trên Twitter cho phép người theo dõi điều phối thông điệp và sau đó tweet lại nhau, từ đó nhân gấp bội ảnh hưởng của thông điệp. Những người trong phòng Twitter này tự gọi họ là “người yêu nước Twitter”. Có người tweet và tweet lại hơn 4.100 lần một thông điệp trong bốn ngày.

Những “căn phòng” ủng hộ Tổng thống Trump được hình thành nhờ chức năng nhắn tin trực tiếp theo nhóm trên Twitter. Chức năng này được giới thiệu từ tháng 1-2015, giai đoạn rục rịch của các chiến dịch tranh cử tổng thống, nhưng không mấy ai chú ý. Nền tảng của chức năng này đặc biệt hữu ích với những phong trào dân túy do ông Trump khuấy động. Họ có thể chỉ trích những nhân vật, tổ chức khác một cách dễ dàng trong 140 ký tự.

Trong những tháng sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump, người ta càng tò mò về mạng lưới mạng xã hội trung thành một cách mạnh mẽ của ông Trump. Lực lượng này tiếp tục giúp ông Trump đắc lực, bất chấp ông không đạt tỷ lệ ủng hộ cao theo khảo sát của các hãng truyền thống.

Các nhà lãnh đạo chính trị khác e ngại khả năng của ông Trump trong việc tạo ra các dòng tin tức, đè bẹp những người chỉ trích trước hàng triệu cử tri vốn có thể coi đó là nguồn tin duy nhất.

Thông tin và quyền riêng tư

Nhiều người cho rằng ảnh hưởng to lớn mà các phòng Twitter này mang lại là nhờ các tài khoản tự động do các nhà lập trình máy tính chuyên nghiệp điều hành, có thể là các điệp viên nước ngoài hoặc nhân vật nào đó trong nước. Tuy nhiên, đó là một giả thuyết bị phóng đại, vì rất nhiều tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hàng chục nghìn dòng tweet mỗi ngày vẫn tiếp tục được phát đi từ một tổ chức của những thường dân.

Ông Gilad Lotan, một nhà khoa học dữ liệu giám sát hoạt động chính trị trên Twitter trong giai đoạn bầu cử, cho biết: “Giả thiết của tôi luôn là các tài khoản này đang hoạt động ở đâu đó”. Ông từng viết về các dấu hiệu cho thấy những người dùng Twitter ủng hộ ông Trump đang phối hợp với nhau.

Ông từ lâu cũng cho rằng các tài khoản tự động không thể nào tạo nên sức ảnh hưởng lớn như vậy trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ xác định được cơ chế hoạt động quan trọng khi phỏng vấn với những “người yêu nước Twitter”. Ông nói: “Họ rõ ràng đang hoạt động ở một số không gian riêng. Không gian này bên trong Twitter là điều rất hợp lý”.

Về mặt thiết kế, rất khó để xác định quy mô và tổ chức chính xác của mạng lưới trực tuyến ủng hộ ông Trump. Khi ông Trump trở thành tổng thống, mạng lưới này tiếp tục phát triển và thậm chí còn phân tách thành các nhóm khác nhau. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của nhóm vẫn là một công cụ mạnh với chính quyền Donald Trump và người ủng hộ, giúp truyền đi thông điệp và giúp định hướng truyền thông.

Những phòng Twitter này chỉ khi được mời mới có thể gia nhập. Chúng có những cái tên như “Patriots United” (Người yêu nước đoàn kết) hay “Trump Train” (Đoàn tàu Trump) cùng nhiều thứ đính kèm theo để theo dõi các dòng tweet của thành viên ngày càng nhiều. Mỗi phòng có thể có tới 50 người.

Bản chất riêng tư của các phòng Twitter này khiến người ta không thể biết có bao nhiêu phòng như vậy đã được hình thành trong thời gian tính tới cuộc bầu cử ngày 8-11-2016 hoặc khi nào phòng mới được hình thành. Một thành viên cho biết đã đóng góp cho các phòng Twitter từ mùa đông năm 2015, còn một số khác cho biết họ gia nhập các phòng trước khi bầu cử sơ bộ bắt đầu.

Phần lớn người tham gia phòng Twitter không phải là người chuyên sử dụng internet. Nhiều người tham gia Twitter hoặc trở lại dùng tài khoản Twitter bị bỏ bẵng từ lâu chỉ để ủng hộ ông Trump. Những người mới này được những người có kinh nghiệm hơn hướng dẫn về xu hướng thông tin và các khai thác người theo dõi.

Từ khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump đã có một lượng lớn người ủng hộ rất trung thành.

Một số người đã tham gia các phòng Twitter để thảo luận tin tức và trút giận về bà Hillary Clinton và phe Dân chủ. Tuy nhiên, mục đích cơ bản của họ là điều phối thông điệp. Brian Fraser, một nhân vật trung tâm trong mạng lưới, quản lý một trong các phòng “Patriots United”, giải thích: “Ý tưởng chung là chia sẻ dòng tweet và tweet lại của những người trong nhóm”. Số người theo dõi các dòng thông tin tăng chóng mặt, từ 13.000 người lên gần 170.000 người hiện nay.

Theo một quản lý phòng Twitter, tweet lại lẫn nhau là quy tắc cơ bản. Một phòng đơn lẻ có thể nhanh chóng lan truyền một dòng tweet tới các thành viên. Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của các phòng Twitter ủng hộ ông Trump là khả năng kết nối với nhau vì một người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều phòng khác nhau. Có người cho biết từng vào tới 20 phòng một lúc. Các phòng này còn cho phép nhân đôi các dòng tweet, tạo ra hàng trăm lần tweet lại chỉ bằng vài cú nhấp chuột.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia không hay biết về sự tồn tại của các căn phòng này. Ông Lotan đã nghiên cứu về vai trò của mạng xã hội trong chính trị và tuyên truyền nhiều năm qua nhưng không biết về các phòng Twitter. Ông chỉ để ý thấy người ủng hộ ông Trump từ tháng 9-2016 đã tích cực tổ chức để thúc đẩy một xu hướng cộng hưởng nào đó. Bằng chứng là họ dùng một từ nào đó cùng một thời điểm.

Sức mạnh của phòng Twitter

Giữa tháng 5, một người tên là Debbie đã tweet về lòng yêu nước của ông Trump: “Khi ông ấy chào bạn... Ông ấy thực sự muốn thế. Tôi chưa bao giờ thấy một tổng thống nào yêu nước như Donald J. Trump. Chúng tôi yêu ông ấy. Tôi ủng hộ tổng thống của tôi”. Cùng dòng tweet là bức ảnh ông Trump chào ban nhạc đang diễu hành tại lễ nhậm chức. Tại thời điểm đó, khoảng 5.500 người đang theo dõi tài khoản của Debbie, một tài khoản mới lập vào tháng 8/2016. Con số này nay đã tăng lên gần 11.000.

Ngay cả chủ đề MAGA (viết tắt khẩu hiệu của ông Trump “Make America Great Again” - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) cũng không thể khiến mọi dòng tweet của ông Trump được chú ý. Tuy nhiên, sau khi Debbie sao chép dòng tweet của ông Trump vào chuỗi thông tin “Trumps WarRoom” (Phòng chiến tranh của Trump) mà bà quản lý lúc đó, dòng tweet đã được chia sẻ gần 1.000 lượt. Hai dòng tweet khác mà Debbie chia sẻ trong phòng này đã được hơn 400 và 200 lượt tweet lại.

Ảnh chụp màn hình các dòng tweet của một thành viên phòng Twitter.

Một ví dụ khác cho thấy sức mạnh của các phòng Twitter. Một người dùng tên là Eagle Wings đã đăng vào “Trumps WarRoom”: “Khi lòng yêu nước đáng kính vĩ đại đang được khôi phục, chúng ta kỷ niệm ngày 4-7 khi biết rằng chúng ta có một tổng thống yêu nước Mỹ và đấu tranh vì chúng ta, những người dân”.

Dòng tweet này của Eagle Wings dù thiếu đính kèm liên quan tới ông Trump nhưng nhờ có hàng chục nghìn người theo dõi mà bà có thể khiến nó được tweet lại hơn 1.000 lần vào Ngày Độc lập.

Các phòng Twitter cho phép thành viên đăng, chia sẻ và theo dõi nhau với một tốc độ và hiệu quả như một cỗ máy. Một ngày có sự kiện quan trọng, một người dùng có thể tweet và tweet lại cả trăm lần là chuyện bình thường.

Tiến sĩ Alan Rosenblatt, một chuyên gia lịch sử vận động chính trị trực tuyến, cho biết các phòng Twitter là xu hướng mới nhất cho thấy người ta tìm cách tận dụng một chức năng thiết kế nhỏ như gửi tin nhắn theo nhóm vì mục đích ủng hộ chính trị.

Những “cư dân” phòng Twitter là những người thực sự tin vào sức mạnh của Twitter trong thúc đẩy hình ảnh cho các chính trị gia và cương lĩnh của họ. Họ có thể giúp các ứng cử viên trong quảng cáo và nhận diện tên tuổi hiệu quả hơn bất kỳ phương tiện nào.

Tuy nhiên, cũng có những thành viên lợi dụng các phòng Twitter để truyền bá tư tưởng phát xít và các tài liệu gây tranh cãi. Ví dụ như người dùng tên Microchip, người có một số tài khoản và bị cấm trên nhiều phòng Twitter mới đây. Người này có mục tiêu là kích động cánh tả và báo chí nói về các cuộc tranh cãi trực tuyến mới nhất mà anh ta đã châm ngòi. Vì có nhiều tuyên bố vô căn cứ, kích động cũng như tuyên bố bài Do Thái mà anh ta đã bị cấm ở nhiều phòng.

Đối với những người như Microchip, hỗn loạn chính là thước đo thành công. Trong khi đó, với những phòng Twitter chính thống, người dùng đang tích cực “xức dầu thánh” hiệu quả cho các ứng cử viên ủng hộ ông Trump trên toàn quốc, đồng thời công kích những người phản bội ông Trump.

Nhật Minh
.
.