Những chính khách lạm dụng công quỹ bị lọt vào danh sách của WB

Thứ Tư, 11/04/2018, 13:55
Ngân hàng thế giới (WB) có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), vừa cho phổ biến bản danh sách những chính khách hàng đầu nhũng lạm công quỹ nhiều nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Xếp thứ nhất là Tổng thống Indonesia Muhammad Suharto (1921-2008), đã mất vào đầu năm 2008 khi 87 tuổi. Lên cầm quyền qua một cuộc đảo chính tàn khốc, trong 3 thập niên (1967-1998) nhà độc tài này đã “bỏ túi” phi pháp số tiền là 15 tỉ USD và gửi chúng tại các ngân hàng nước ngoài (Áo và Thụy Sĩ).

Tổng thống Indonesia Suharto ở tuổi “xế chiều”.

Đứng thứ hai là Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (1917-1989). Trong 14 năm cầm quyền (1972-1986) Tổng thống F. Marcos đã biển thủ công quỹ tới 10 tỉ USD.

Còn nhà lãnh đạo Liên bang Nam Tư là Tổng thống Slobodan Milosevic (1941-2006), trong 11 năm đương chức (1989-2000) đã kịp “bỏ túi” 1 tỉ USD. Sự lạm dụng công quỹ là một trong những nguyên nhân khiến những người cùng chí hướng với S. Milosevic bất bình, bất ngờ giao nộp ông cho Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại The Hague (Hà Lan) xét xử tội phạm chiến tranh. Nhưng cựu Tổng thống S. Milosevic đã đột tử tại đó khi chưa có phán quyết chính thức.

Tổng thống Philippines F. Marcos.

Khoản tiền tương tự cũng được Tổng thống Mobutu Sese Seko (1930-1997) của  Cộng hòa Zaire (nay là Cộng hòa dân chủ Congo) ở Phi châu biển thủ từ công quỹ. Trong vòng 32 năm cầm quyền (1965-1997) nhà cựu độc tài người da màu này đã “ẵm gọn” 1 tỉ USD.

Trong top 10 danh sách các chính khách chóp bu nhũng lạm hàng đầu hành tinh, ắt phải kể đến cựu Thủ tướng Cộng hòa Ukraine Pavlo Lazarenko được “vinh dự” xếp thứ 8. Chỉ trong 1 năm giữ chức vụ là người lãnh đạo chính phủ bắt đầu từ ngày 28-5-1996 và kết thúc vào ngày 2-7-1997, vị chính khách “trẻ trung đầy tiềm năng” mới 43 tuổi này đã biển thủ tới... 200 triệu USD.

Cựu Tổng thống xứ Zaire M.Seko khi còn tại vị.

Mãi tới năm 2006 sau khi đã nộp đơn xin định cư tại Mỹ, P. Lazarenko mới chịu thừa nhận là “có tham gia rửa tiền”. Lập tức đương sự bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xử phạt số tiền là 10 triệu USD cùng 9 năm quản chế tại gia. Để được tự do đi lại không bị chế độ quản thúc ràng buộc, vị cựu thủ tướng biến chất sẵn lòng bỏ ra khoản tiền thế chân tại ngoại “khủng” tới 65 triệu USD. Lẽ dĩ nhiên số tiền này cũng đâu phải từ mồ hôi nước mắt tự thân P. Lazarenko làm ra được.

Tổng thống Nam Tư S. Milosevic (người ngồi) tại ICJ.
Cựu Thủ tướng Ukraine Lazarenko bên ngôi biệt thự xa xỉ.

Đến giữa năm 2013, chính quyền Hoa Kỳ đã ra quyết định tịch thu ngôi biệt thự trị giá 6,75 triệu USD của P. Lazarenko ở thành phố Novato (tiểu bang California), liên quan đến việc chủ sở hữu từng bị buộc tội rửa tiền trong thập niên trước.

Kim Dung (theo The Observer)
.
.