Những chuyến viếng thăm bí mật của giới nguyên thủ quốc gia

Thứ Sáu, 13/05/2016, 14:40
Ngày 21-10-2015, chuyến viếng thăm Moskva của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất ngờ được tiết lộ trên trang nhất nhiều tờ báo. Đây là lần đầu tiên al-Assad rời khỏi Syria kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ vào năm 2011 và chuyến viếng thăm được coi là hành động táo bạo của tổng thống thách thức những thế lực thù địch chống lại ông tại quê nhà đồng thời khẳng định sự ủng hộ ông từ Moskva.

Vì lý do an ninh mà chuyến đi của al-Assad được giữ bí mật cho đến khi ông quay trở về Syria. Nhưng, không chỉ có al-Assad mà các nguyên thủ quốc gia khác cũng từng thực hiện chuyến đi thầm lặng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thường xuyên bay đến Afghanistan - cũng như Thủ tướng Anh Tony Blair viếng thăm Iraq - và những chuyến đi bí mật này đều không được tiết lộ với công chúng. Đầu năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry âm thầm bay đến Somalia, quốc gia bị chiến tranh tàn phá và đang nỗ lực chống lại phe nổi dậy Hồi giáo al-Ahabab.

Tổng thống George W. Bush cùng dự lễ Tạ ơn với binh sĩ Mỹ ở Iraq năm 2003.

Rõ ràng là, những chuyến đi được giữ bí mật tuyệt đối của giới lãnh đạo phương Tây không chỉ vì lý do an ninh mà còn chứa đựng mối lợi ích cá nhân cũng như về mặt chính trị. Ví dụ như chuyến đi của Tổng thống George W. Bush đến thăm binh sĩ Mỹ đóng quân ở Iraq hồi tháng 11 2003 - tức 8 tháng sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ và giữa làn sóng chống đối sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài đang tăng tại Iraq.

Những bức ảnh chụp được tiết lộ sau này cho thấy tổng thống Bush mang đĩa gà tây dự tiệc ngày lễ Tạ ơn cùng với binh sĩ Mỹ. Hành động của Bush được giải thích là nhằm lấy lòng binh sĩ Mỹ đồn trú ở nước ngoài. Mối lo ngại an ninh bắt buộc đội ngũ phóng viên báo chí chỉ được phép thông tin về chuyến đi đến Iraq của Bush sau khi tổng thống trở về Mỹ.

Về sau, giới chức Nhà Trắng tuyên bố nếu bất cứ chi tiết nào bị tiết lộ thì chuyến đi của tổng thống sẽ được hủy bỏ ngay lập tức cho dù ông đang ở trên không.

Đôi khi những chuyến viếng thăm bất ngờ của nguyên thủ quốc gia không được thông báo trước do yêu cầu mang tính đột phá về mặt ngoại giao của chuyến đi. Ví dụ như chuyến đi phá vỡ điều cấm kỵ của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đến Israel năm 1977 dẫn đến bước đột phá về mặt ngoại giao song cũng đồng thời gây ra bi kịch cá nhân cho Sadat.

Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat (giữa) trong chuyến đi đến Israel.

Ngày 20-11-1977, Tổng thống Sadat bay đến Israel mà không có sự thông báo trước và ông được Thủ tướng Menachem Begin đón tiếp. Trong chuyến viếng thăm này, Sadat đọc một bài diễn văn mang tính lịch sử tại Knesset (Quốc hội Israel). Chuyến đi bí mật này của Sadat dẫn đến việc ký kết Hiệp định hòa bình Trại David vào năm 1979 giữa Ai Cập và Israel - thỏa thuận đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Arập trong khu vực.

Hiệp định Trại David sau đó đã mang về giải Nobel hòa bình cho Anwar Sadat lẫn Menachem Begin. Tuy nhiên, chuyến đi bí mật của Tổng thống Ai Cập được tiết lộ về sau đã gây giận dữ cho nhiều người trong thế giới Arập. Cuối cùng, Anwar Sadat phải trả giá bằng tính mạng khi ký kết Hiệp định Trại David và ông bị ám sát năm 1981 bởi các thành viên Hồi giáo trong quân đội của ông.

Đối với một số nhà lãnh đạo khác, tính bí mật được coi là một phần trong hoạt động bình thường của họ. Ví dụ như lãnh đạo quá cố của CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il không bao giờ xác nhận trước về những chuyến viếng thăm ở hải ngoại của ông. Có lẽ, Kim Jong-il lo ngại về an ninh cá nhân cho nên cảm thấy không cần thiết phải công khai về mọi hoạt động đi lại của mình.

Tuy nhiên, chuyến đi đến Trung Quốc bằng tàu hỏa của Kim Jong-il vào năm 2006 cho thấy tính bí mật có thể gây ra thảm họa về mặt giao tiếp với công chúng. Trong 8 ngày ở Trung Quốc, Kim Jong-il được Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào tiếp đãi hết sức nồng hậu và cùng tham quan 2 tỉnh nước này.

Tổng thống Bashar al-Assad bí mật đến Moskva.

Trong thời gian đó, giới truyền thông Trung Quốc nhiều lần từ chối khẳng định về chuyến viếng thăm của Kim Jong-il bất chấp sự hoài nghi dẫn đến chỉ trích kịch liệt của báo chí nước ngoài. Trong khi đó, lãnh đạo Triều Tiên hiện nay là Kim Jong-un dường như có thái độ tránh xa mọi chuyến viếng thăm ở hải ngoại và giao phó việc này cho những cấp phó của ông.

An Di (tổng hợp)
.
.