Những cố vấn quyền lực nhất thế giới năm 2019

Thứ Ba, 07/01/2020, 21:20
Tất cả những người nắm quyền lực trên thế giới đều có những cố vấn, luật sư riêng, những phụ tá tin cẩn hoặc những người thầy dìu dắt. Bên cạnh đó còn có cả những người được xem là kẻ giật dây, chuyên gia khắc phục sự cố và những kẻ thao túng đầy tham vọng.

Bước sang năm mới 2020, giới phân tích điểm qua một số gương mặt cố vấn cao cấp của các nhà lãnh đạo đầy quyền lực, có khả năng tạo ra đột biến trên chính trường khắp thế giới, từ Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cho đến các quốc gia châu Phi,...

Vladislav Surkov (Nga) 

Trên danh nghĩa, Surkov là cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin phụ trách vấn đề Đông Ukraine. Nhưng ảnh hưởng của ông này không dừng lại ở đó. Surkov đã đồng hành cùng ông Putin thăng tiến lên nấc thang quyền lực vào năm 1999 và làm Phó Thủ tướng cho đến năm 2013.

Là nhà tư tưởng chính của Điện Kremlin, Surkov chính là người sáng tạo ra thuật ngữ “chủ quyền dân chủ”, nền tảng của học thuyết Putin. Và cũng Surkov chính là người đã sáng lập ra phong trào thanh niên quốc gia mang tên Nashi. Ông được giới nghiên cứu chính trị xem là người cổ xúy mạnh mẽ nhất cho học thuyết Putin ở Nga và cả trên thế giới.

Sibeth Ndiaye (Pháp) 

Ndiaye được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyển dụng để làm mỗi việc là giải thích các chính sách của Chính phủ Pháp, với chức danh người phát ngôn Chính phủ Pháp, hàm Bộ trưởng. Nhưng, từ khi được thăng tiến vào tháng 4-2019, bà đã dần trở thành biểu tượng và là người cổ xúy hàng đầu cho một nước Pháp bao dung, mở rộng vòng tay và hào phóng, vốn là một lời hứa của ông Macron khi đắc cử.

Sinh ra tại Dakar, Senegal, trở thành công dân nhập cư của Pháp được 3 năm, Ndiaye thường xuyên là mục tiêu công kích, chế giễu của giới chính khách cực hữu. Mặc kệ chuyện đó. Với tư cách là người phụ nữ da đen đầu tiên làm người phát ngôn Chính phủ Pháp, Ndiaye còn là gương mặt đại diện của Chính phủ Pháp trong nỗ lực kết nối lại với dân chúng cả nước sau gần một năm nổ ra các cuộc biểu tình phản đối “Áo ghi-lê vàng”.

Ajit Kumar Doval (Ấn Độ) 

Nổi tiếng với biệt danh “James Bond đời thực của Ấn Độ”, Doval là Cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Narendra Modi. Doval đồng thời cũng là phụ tá về an ninh và đối ngoại tin cẩn nhất của ông Modi. Ở một số khu vực, như Kashmir, Punjab và Đông Bắc Ấn Độ, Doval được kiêng nể, tôn sùng nhờ vào khả năng thu thập thông tin tình báo, phản gián cũng như chống khủng bố.

Ông từng là điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc bí mật ở Trung Quốc, Myanmar và Pakistan. Lo ngại có nguy cơ bị nhận diện do tục xiên tai của người Hindu, Doval đã phải làm phẫu thuật xóa lỗ xiên để bảo vệ vỏ bọc bí mật. Doval thường bị chỉ trích vì quan điểm diều hâu với cái gọi là “học thuyết Doval”, đặc biệt là trong vấn đề Kashmir.

Stephen Miller (Mỹ) 

Miller là nhà hoạt động ngoài vùng phủ sóng radar của Nhà Trắng và “thành tích” nổi bật nhất của ông chính là tồn tại qua những đợt “trảm tướng” đình đám của Tổng thống Donald Trump khiến những nhân vật cỡ bự như Steve Bannon hay John Bolton đều bị thổi bay.

Năm nay mới 34 tuổi, vai trò chính của Miller là cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump phụ trách vấn đề người nhập cư và ông ta có vẻ như là người “nói lọt lỗ tai” ông Trump nhất vì cả hai cùng có những thành kiến giống nhau. Ông ta cũng được cho là đã đóng vai trò then chốt trong chính sách cấm người di cư từ các quốc gia Hồi giáo và chương trình xây tường rào biên giới Mỹ-Mexico để ngăn người nhập cư.

Miller bị những người đối lập cáo buộc là kẻ chủ nghĩa thượng đẳng và chủ nghĩa dân tộc da trắng, có quan điểm bài ngoại và chống người nhập cư. Một nhóm thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã lên tiếng yêu cầu ông ta từ chức nhưng Miller vẫn bình chân như vại.

Peter Altmaier (Đức)

Peter Altmaier được mô tả là “người đàn ông quyền lực nhất Berlin” và nếu đúng thế thì đó là vì ông luôn sát cánh bên Thủ tướng Angela Merkel, người phụ nữ quyền lực nhất Berlin. Từ khi bước chân vào Bundestag (Quốc hội Đức) vào năm 1994, Altmaier đã được bầu là trưởng nhóm nghị sĩ đảng CDU, Bộ trưởng Môi trường, Chánh Văn phòng Thủ tướng và hiện là Bộ trưởng Kinh tế. Là người theo đường lối trung dung giống bà Merkel nhưng nhiều người thuộc cánh hữu vẫn xem ông là thành phần tự do, với quan điểm có phần thiên về đảng Xanh.

Altmaier là trợ thủ đắc lực của bà Merkel trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, đồng thời là người giúp bà Merkel duy trì chính sách mở cửa với người Syria di cư.

Khi sự nghiệp chính trị của bà Merkel đang sắp kết thúc, Altmaier tiếp tục thủ vai kẻ giật dây trong hậu trường, cho dù người kế vị bà Merkel có thể là ai.

Ibrahim Kalin (Thổ Nhĩ Kỳ)

Kalin là trưởng nhóm cố vấn và là người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Với nền tảng là một học giả và nhà phân tích của các tổ chức nghiên cứu xã hội, Kalin còn được xem là “bộ não” của Tổng thống Erdogan. Ông Erdogan bị Mỹ và châu Âu xem như một đối tác bốc đồng, hay cãi vã và độc tài độc đoán, kẻ gây tổn thất cho NATO nhiều hơn lợi ích. Vì thế, nhiệm vụ của Kalin là đưa ra một câu chuyện khác hẳn, hấp dẫn hơn và ông đã làm việc đó một cách thành thạo.

Trong một bài báo gần đây đăng trên tờ Bloomberg, Kalin đã chuyển bề trái vấn đề về phía các đối thủ chỉ trích ông Erdogan. Kalin lập luận rằng phương Tây đã không tôn trọng lợi ích quốc gia sống còn của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống “khủng bố Kurd” và tìm kiếm hòa bình ở Syria, trong việc giải quyết vấn đề đảo Síp và trong cuộc thanh trừng “những kẻ chủ mưu đảo chính”

Mohamed Hamden Dagalo (Sudan) 

Mohamed Hamden Dagalo là bộ mặt tàn ác của cuộc cách mạng ở Sudan đồng thời cũng là người có thể gỡ bỏ nó. Được biết với cái tên Hemedti, Dagalo chỉ huy một đơn vị khét tiếng gây khiếp hãi là Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF), là người kế thừa chỉ huy lực lượng dân quân Janjaweed từng gây ra cuộc thảm sát ở Dardur đầu những năm 2000.

Dagalo là nhân vật chủ chốt trong nỗ lực ngăn chặn bạo loạn lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir nhưng rốt cuộc ông này cũng phải từ chức hồi tháng 4-2019. Dagalo và thuộc cấp của mình bị cáo buộc đã gây ra cái chết cho hàng trăm người ở Khartoum vào tháng 6-2019. Vậy mà, trong cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực sau đó, Hemedti lại được giao chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp ở Sudan.

Xuất thân từ gia đình buôn bán lạc đà, với sự ủng hộ của Hoàng gia Saudi Arabia, người ta cho rằng Hemedti đang nuôi tham vọng trở thành Tổng thống Sudan. Nhiều người lo lắng tham vọng khá lộ liễu của Hemedti, cộng với sự yếu đuối, nhu nhược của Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp, tướng Abdel Fattah al-Burhan, có thể sẽ dẫn đến sự đổ vỡ cơ chế chuyển tiếp hiện nay, đẩy Sudan vào hỗn loạn.

Lưu Hạc (Trung Quốc) 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng là trưởng đoàn đàm phán thương mại của nước này trong cuộc thương chiến với Mỹ. Ông xuất thân từ lớp cán bộ cùng thời, là bạn học cùng lớp tại trường trung học 101 ở Bắc Kinh và là bạn thân thiết của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau khi ông Tập lên làm người đứng đầu đất nước thì ông Lưu cũng được thăng tiến thần tốc lên các chức vụ cao cấp. Năm 2017, ông Lưu được bầu vào Bộ Chính trị. Ông Lưu có phong cách khá giống với Chủ tịch Tập: lẳng lặng làm việc, kín tiếng nhưng am hiểu nội tình, vì vậy rất được lòng Chủ tịch Tập.

“Ông ấy rất quan trọng đối với tôi” - Chủ tịch Tập từng nói về ông Lưu như thế. Tuy nhiên, trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện nay, có vẻ như ông Lưu cần phải có thần may mắn ủng hộ để có thể ngăn chặn cuộc chiến tái bùng nổ.

Hiện, cuộc thương chiến đang tạm lắng nhưng 360 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn còn phải chịu mức thuế cao của Mỹ, kinh tế Trung Quốc vẫn bị thiệt hại, do đó sẽ khó lòng tránh khỏi một cuộc thương chiến lần 2.

An Châu (theo The Observer)
.
.