Những gương mặt nữ nổi tiếng trên chính trường châu Á

Thứ Ba, 12/06/2018, 07:03
Lần đầu tiên trong lịch sử một nữ Thủ tướng Thái Lan đắc cử - đó là bà Yingluck Shinawatra. Sự nắm giữ quyền lực cao nhất trong chính phủ của bà cho thấy rõ hiện tượng phụ nữ đang tiếp tục chinh phục chính trường ở châu Á. Tuy nhiên, có một số nét đặc trưng làm cho những nữ lãnh đạo châu Á nổi bật hơn đối tác của họ ở châu Âu...

Yingluck Shinawatra là em gái của cựu Thủ tướng Thái Lan Taksin Shinawatra - chính khách bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và rơi vào danh sách truy nã quốc tế về tội tham nhũng. Yingluck học ở Mỹ, quản lý doanh nghiệp gia đình trong nhiều năm và bắt đầu bước vào chính trường khi anh trai rời khỏi quyền lực. Bà Yingluck Shinawatra chính thức được vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej phê chuẩn làm thủ tướng đất nước.

Philippines, một quốc gia khác ở Đông Nam Á, cũng có những nữ lãnh đạo. Corazon Aquino - điều hành đất nước từ năm 1986 đến 1992 - là nhân vật nổi bật trở thành truyền thuyết ở Philippines. Corazon Aquino là phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế tổng thống ở châu Á.

Không chỉ là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đất nước, bà còn là người chấm dứt nhiều năm chế độ độc tài của Ferdinand Marcos cũng như đóng cửa những căn cứ quân sự Mỹ trên đất nước Philippines. Corazon Aquino xuất thân từ gia đình giàu sang. Cũng giống như Yingluck Shinawatra, bà Aquino tốt nghiệp đại học ở Mỹ.

Còn Gloria Arroyo là nữ phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Philippines (1998-2001) và nữ tổng thống thứ hai (2001-2010) cai quản đất nước trong 10 năm.

Những gương mặt nữ lãnh đạo cũng không thiếu ở Sri Lanka, đảo quốc ở Ấn Độ Dương, trong đó Sirimavo Bandaranaike gây sự chú ý đặc biệt nhất. Năm 1960, bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới. Là con gái của địa chủ, Sirimavo thành hôn với Solomon Bandaranaike, thủ tướng tương lai của Sri Lanka.

Sau khi chồng bị ám sát năm 1959, Sirimavo tiếp nhận chức vụ lãnh đạo đảng của chồng rồi sau đó là cả đất nước. Sirimavo giữ chức vụ thủ tướng 3 lần và kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng năm 2000. Sirimavo Bandaranaike trải qua 40 năm trên chính trường, được đánh giá là nhà ngoại giao rất tài giỏi. Bà là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với Liên Xô và Trung Quốc.

Sirimavo coi Ấn Độ là đối tác kinh tế chính và xây dựng quan hệ với Pakistan. Còn Chandrika Kumaratunga, con gái của Sirimavo, cũng là một chính khách có tiếng, ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Sri Lanka từ năm 1994 đến 2005. Nhưng Sirimova điều khiển chính phủ trong những năm đầu bà Chandrika giữ chức tổng thống - điều được coi là hãn hữu trên chính trường.

Trường hợp hai người nắm giữ đất nước như thế này duy nhất chỉ xảy ra tại châu Âu năm 2010 ở Phần Lan, dù tổng thống và thủ tướng nước này không có quan hệ thân thích.

Nhưng có lẽ nữ chính khách nổi tiếng nhất châu Á lại là bà Indira Ghandi của Ấn Độ, nữ thủ tướng giữ nhiều nhiệm kỳ. Bà là con gái của Jawaharlal Neru, lãnh đạo đầu tiên của quốc gia Ấn Độ độc lập. Indira Ghandi điều hành đất nước theo hướng chủ nghĩa xã hội và kết thân với Liên Xô. Tuy nhiên, Indira Ghandi không biến Ấn Độ thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa và cũng không đối đầu với phương Tây.

Bà Yingluck Shinawatra; bà Benazir Bhutto và bà Corazon Aquino.

Năm 1984, Indira Ghandi ra lệnh cho quân đội Ấn Độ can thiệp vào cuộc xung đột giữa người theo đạo Huindu và người theo đạo Sikh ở bang Punjab miền bắc Ấn Độ. Trong cuộc chiến này, quân đội Ấn Độ đứng về phía người Hindu. Cuối cùng một người Sikh đánh bom liều chết ám sát Indira Ghandi.

Tổng thống Ấn Độ cũng là một phụ nữ - bà Pratibha Patil. Không giống như các chính khách khác ở châu Á, Patil không là con gái, chị em hay vợ của chính khách cao cấp.

Nữ chính khách nổi tiếng thế giới Benazir Bhutto nắm giữ 2 nhiệm kỳ thủ tướng Pakistan: 1988-1990 và 1993-1996. Bà là phụ nữ đầu tiên trong một quốc gia Hồi giáo có được thành công như thế. Bà tốt nghiệp đại học Havard và Oxford, không mang bất cứ chiếc khăn trùm đầu nào khi còn trẻ.

Mối quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ được cải thiện rất nhiều trong thời gian Bhutto nắm quyền lực. Bà chiến đấu chống lại nạn mù chữ trong nước, song tai tiếng tham nhũng đã hủy hoại sự nghiệp chính trị của bà. Bhutto sống ở nước ngoài từ năm 1998 đến 2007, sau đó trở về Pakistan.

Đảng của Bhutto có mọi cơ hội để giành chiến thắng trong bầu cử ở Pakistan nhưng sau đó một âm mưu khủng bố đã tước đi sinh mạng của bà. Dường như cả thế giới đều tỏ lòng thương tiếc Benazir Bhutto.

Bangladesh có nữ thủ tướng đầu tiên là Hasina Wazed, con gái của tổng thống đầu tiên của đất nước, Sheikh Mujibur Rahman. Tuy nhiên Hasina Wazed (giữ chức thủ tướng từ năm 1996 đến 2001) không được nổi tiếng như Indira Ghandi hay Benazir Bhutto.

Còn nữ tổng thống của Indonesia - quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới - là bà Megawati Sukarnoputri, với nhiệm kỳ 2001-2004. Bà là con gái của tổng thống đầu tiên của đất nước, Ahmed Sukarno. Bà giúp Indonesia hồi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng năm 1997-1998. Cuộc khủng bố đẫm máu ở Bali đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiếng tăm của Megawati Sukarnoputri. Bà thất bại trong cuộc bầu cử năm 2004.

Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quốc gia Hồi giáo tiến bộ nhất. Trong những năm 1993-1995, Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới sự điều hành của Tansu Ciller - con gái của lãnh đạo tỉnh Bilecik. Bà Ciller, tốt nghiệp khoa kinh tế ở Mỹ, nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Những thành tựu của Ciller bao gồm cải cách quân đội. Nhưng cuối cùng bà bị buộc tội tham nhũng.

Tuy không bị ngồi tù, song Ciller buộc phải rời bỏ chính trường năm 2002. Ngoài ra, phụ nữ cũng có vai trò nổi bật trên chính trường một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.