Những nghệ sĩ Hollywood từng làm điệp viên

Thứ Tư, 23/04/2014, 10:15

Vụ việc nhà sản xuất phim Hollywood Arnon Milchan công khai thừa nhận quá khứ làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Mossad của Israel đã khiến dư luận quan tâm trở lại vấn đề gián điệp trong hàng ngũ các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood.

Cary Grant (1904-1986): Điệp viên trong phim ảnh và đời thực

Trong cuộc đời nghệ thuật của diễn viên gạo cội Cary Grant, vai diễn được nhắc đến nhiều nhất chính là một điệp viên chống phát xít trong bộ phim ăn khách “Notorious” (Tai tiếng), do nhà sản xuất phim Alfred Hitchcock sản xuất năm 1946. Câu chuyện trong phim trùng hợp một cách lạ lùng với cuộc sống đời thực của Grant, từ chuyện ông phải học cách phá két sắt lấy cắp tài liệu cho đến việc xâm nhập vào các tổ chức, hội nhóm của gián điệp Đức ở Mexico, Argentina và nhiều nơi khác trong khu vực Mỹ Latinh.

Trong cuộc sống đời thực, Grant đã là một điệp viên chống phát xít từ năm 1938, hợp tác với mạng lưới tình báo Anh ở Mỹ. Đến mùa hè năm 1939, một hội hợp tác Hollywood được thành lập nhằm mục đích làm bình phong cho tình báo Anh, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Anh (MI-6).

Nhiệm vụ của Grant trong hội này là tìm, phát hiện và lật tẩy những người có cảm tình với phát xít hoạt động trong làng phim ảnh Hollywood. Grant liên lạc với tình báo Anh (MI-6) thông qua một đầu mối là kịch tác gia Noel Coward.

Vụ việc đáng nhớ nhất trong cuộc đời điệp viên chống phát xít của Grant chính là việc điều tra, theo dõi và lật tẩy diễn viên người Australia, Errol Flynn. Qua điều tra, Grant biết được Flynn đã bắt đầu theo phát xít từ năm 1933, khi ông ta và một người bạn Đức tên là Hermann Erben cùng đi trên một chuyến tàu từ Đức sang Anh. Khi đến London, Flynn đã công khai viết những bức thư ủng hộ Adolf Hitler.

Rồi, Flynn và Erben tìm cách vượt biên giới từ bang California của Mỹ sang Mexico, nói là để tìm hiểu viết bài báo cho tạp chí Collier về chủ nghĩa phát xít ở Nam Mỹ, nhưng thực chất hai ông đến Mexico City để liên lạc với cộng đồng phát xít ở Mexico.

Sau khi thu thập được chứng cứ về hoạt động của Flynn, Grant làm báo cáo gửi cho cơ quan chức năng và chuyển tên Flynn cho MI-6. Mặc dù biết rằng Flynn đã vi phạm Luật Cấm giao dịch buôn bán với kẻ thù, Grant chờ mãi mà vẫn không thấy chính quyền hay cơ quan tình báo mà mình hợp tác có hành động gì với Flynn. Sau đó, có thông tin tiết lộ rằng Erben, người “bạn” của Flynn đã sang Trung Quốc để điều phối một mạng lưới gián điệp của phát xít ở phương Đông.

Tháng 6/1940, điệp viên Anh William Stephenson (mật danh “Intrepid”, người được cho là nguyên mẫu của James Bond 007) đến New York dưới vỏ bọc là cán bộ kiểm soát hộ chiếu tại Trung tâm Rockefeller. Ngay sau đó, Stephenson tổ chức một mạng lưới điệp viên có mật danh là “BSC” (Điều phối An ninh Anh). BSC là “lá bài chủ” của MI-6 tại Mỹ thực hiện mục tiêu truy lùng các điệp viên và cảm tình viên với phát xít. Grant lại tiếp tục được giao nhiệm vụ. Lần này là điều tra một phụ nữ tên là Barbara Hutton.

Bà Barbara khi đó đang li dị ông chồng người Đức và đang tranh chấp quyền nuôi con. Grant đã chặn thư tín của Barbara và chuyển cho BSC để kiểm tra. Trong quá trình tiếp xúc, hai người yêu nhau và tiến tới hôn nhân, kết thúc luôn “điệp vụ” mà BSC đã giao cho ông.

Greta Garbo (1905-1990): Một “Mata-Hari” bí mật của quân đồng minh

Greta Garbo là nữ minh tinh tài danh người Thụy Điển. Thời Chiến tranh thế giới thứ hai, Greta Garbo đã nổi danh sau khi diễn rất thành công vai nữ vũ công huyền thoại – điệp viên hai mang Mata Hari (1876-1917) cùng nhiều vai diễn khác, trong đó có vai Anna Karenina chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào L.Tolstoy. Bà cũng là một trong số ít diễn viên Hollywood thành công khi chuyển từ phim câm (silent movie) sang phim nói (talkie).

Trọn sự nghiệp điện ảnh bà chỉ đóng 28 phim, nhưng hầu hết là phim hay, rất thành công, đã giúp mang lại cho bà nhiều giải thưởng cao quý. Nhưng có lẽ vai diễn thành công nhất của bà chính là “vai” một nữ điệp viên thực thụ phục vụ cho quân đội Đồng minh trong Thế chiến II.

Bà thực hiện vai trò điệp viên bí mật này thành công đến nỗi các chuyên gia tình báo đều phải thốt lên rằng “chưa từng có ai ở Hollywood giữ bí mật được như Garbo; bà có khả năng giữ bí mật tuyệt đối” - nhận xét của Alexander Korda, nhà sản xuất phim và là một điệp viên cùng với Cary Grant làm việc trong mạng lưới BSC do William Stephenson điều phối.

Giai đoạn đầu Thế chiến II, Greta Garbo được MI-6, thông qua đường dây Alexander Korda, tuyển mộ thực hiện một số phi vụ bí mật. Theo lời kể của David Bret, tác giả cuốn tiểu sử mới nhất về Greta Garbo, tháng 12/1939, Korda tìm gặp Garbo và yêu cầu bà thực hiện phi vụ đầu tiên: thu thập thông tin về triệu phú người Thụy Điển Axel Wenner-Gren, ông chủ sáng chế máy hút bụi hiệu Electrolux.

Thời điểm đó có tin đồn Wenner-Gren là bạn thân của Hermann Goering, nhân vật số 2 của Đức Quốc xã, vì thế Wenner-Gren buộc phải rút lui về ở ẩn trên hòn đảo nhỏ ngoài khơi Nassau thuộc Bahamas.

Tháng 2/1940, Garbo đi đến Palm Beach và thuê phòng khách sạn để hoàn tất kế hoạch của mình, gọi điện cho Wenner-Gren than thở “chán New York”. Wenner-Gren, mời Garbo đến ở cùng vợ chồng ông. Vậy là ngay ngày hôm sau, 17/2/1940, Garbo đáp máy bay đến Nassau, lên chiếc du thuyền sang trọng mang tên Southern Cross cùng với vợ chồng Wenner-Gren và một số vị khách lạ mà bà nghi ngờ là lái buôn vũ khí.

Chuyến du hành dọc miền duyên hải West Indies trên du thuyền Southern Gross đã giúp Garbo gặt hái thành công đầu tiên, thu thập được khá nhiều thông tin, gửi về cho Sir William Stephenson (Intrepid).

Bốn tháng sau, Alexander Korda lại tìm gặp Garbo, với thông tin Wenner-Gren đang trên đường đến Los Angeles trên du thuyền Southern Gross. Thế là Garbo nhanh chóng có mặt tại cầu cảng Los Angeles và đón đoàn khách của Wenner-Gren đưa họ về phòng thu của Hãng phim Paramount, các đặc vụ FBI lặng lẽ theo sau. Nhiệm vụ của Garbo lần này là tiếp tục nghe ngóng, thu thập dấu hiệu về một người bị nghi là điệp viên Đức.

Sau năm 1941, Garbo chấm dứt hẳn sự nghiệp điện ảnh, nhưng vẫn tiếp tục làm điệp viên cho MI-6. Chính giai đoạn này bà làm được nhiều việc hơn. Ngoài MI-6, Garbo còn bí mật hợp tác với Dag Hammarskjold, người sau này trở thành Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Chỉ cần một chuyến trở về thăm quê hương Thụy Điển, bà đã có trong tay danh sách một loạt cái tên thân phát xít và cung cấp nó cho Hammarskjold lẫn MI-6.

Tháng 8/1943, Garbo có cuộc điện thoại khá lâu với Niels Bohr, một nhà vật lý Đan Mạch làm việc ở Stokholm. Bohr khi đó đang bí mật đưa những nhà vật lý Do Thái ra khỏi nước Đức đến những nơi trú ẩn an toàn ở Copenhagen để sau đó tiếp tục di chuyển đến Anh hoặc Mỹ.

Tháng 9/1943, Garbo đến diện kiến Vua Thụy Điển Gustav V và yêu cầu cho Bohr được diện kiến. Vua Gustav V đồng ý, và sau khi nghe Bohr trình bày nguyện vọng, đã đồng ý cấp quy chế tị nạn cho người Do Thái ở Đan Mạch. Các tài liệu lưu trữ cho thấy, sự phối hợp giữa Garbo và Bohr đã giúp giải cứu được hơn 8.000 người Do Thái khỏi chế độ tàn bạo của phát xít Đức.

Sau vụ hợp tác với Bohr, Garbo lui vào ở ẩn, ít hoạt động hơn trước, và cũng từ đó không còn tham gia các hoạt động tình báo cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Ronald Reagan (1911-2004) và “cơn sốt chống cộng”

Chiến tranh thế giới thứ hai đối với Reagan chỉ là một mớ rối rắm, khó hiểu và ông muốn nó sớm kết thúc để thế giới “làm lại từ đầu”(!). Thế nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, thế giới mơ ước của Reagan lại chuyển sang một thế cuộc khác: Chiến tranh lạnh.

Nỗi ám ảnh “Cộng sản” đã khiến Giám đốc FBI khi đó là John Edgar Hoover luôn luôn mang trong lòng nỗi lo sợ rằng Điện Kremlin “đang có âm mưu xâm nhập vào Hollywood và sử dụng ngành công nghiệp điện ảnh làm công cụ thao túng tư tưởng công chúng chống lại nước Mỹ”(!?). Hoover cho mở cuộc điều tra “gián điệp Xôviết” mang mật danh COM PIC (Cộng sản xâm nhập ngành công nghiệp điện ảnh).

Tháng 4/1946, cái tên “Reagan” xuất hiện lần đầu trong một báo cáo của các nhà điều tra COM PIC đối với một tổ chức mang tên Ủy ban Los Angeles về Chính sách Viễn Đông của đảng Dân chủ. Báo cáo nghi vấn ban lãnh đạo tổ chức này “có hoạt động và cảm tình với Cộng sản”.

Tiếp theo, tháng 5/1946, một báo cáo khác cho biết Reagan vừa được bầu vào hội đồng quản trị của tổ chức Ủy ban Công dân độc lập Hollywood vì Nghệ thuật, Khoa học và Nghề nghiệp (HICCASP). Báo cáo lại cho thấy ban lãnh đạo của HICCASP có tới 24 “cộng sản”.

Thực ra, Reagan chính là chỉ điểm được FBI biệt phái thâm nhập vào các tổ chức này để tìm và lập danh sách những người “cộng sản hoặc cảm tình với cộng sản” báo cho FBI xử lý. Reagan bắt đầu hợp tác với FBI ngay từ thời gian đầu Thế chiến II. Năm 1941, Charles Browning, một trong những người bạn của Reagan thời còn trong Hội Sinh viên đại học đã tiến cử Reagan với FBI.

Sau này, trong quyển hồi ký “An American Life” (Một cuộc sống Mỹ) xuất bản năm 1990, Reagan kể, các đặc vụ FBI trong cuộc gặp vào đầu năm 1946 đã “tâm sự” với ông rằng “thông tin điều tra của FBI cho thấy Đảng Cộng sản không chỉ muốn kiểm soát Hollywood mà còn đang cố gắng tác động đến nội dung những bộ phim do một số biên kịch và diễn viên nổi tiếng thực hiện”. Câu chuyện của họ khiến cho Reagan nghĩ rằng “cộng sản” đang tràn ngập khắp nơi.

Thế là Reagan lăn xả vào một cuộc chiến chống Cộng điên cuồng theo chỉ đạo của FBI. Đầu tiên là việc ông gia nhập vào tổ chức HICCASP và gây nên bầu không khí nghi kị lẫn nhau, người này nghi người kia là “cộng sản”. Không khí ngột ngạt này đã khiến HICCASP nhanh chóng tan rã.

Sau HICCASP, Reagan tiếp tục nhận nhiệm vụ xâm nhập vào các  tổ chức như Ủy ban Cựu binh Mỹ ở Hollywood, rồi Hội Diễn viên điện ảnh (SAG) và Hội nghị các nghiệp đoàn phòng thu (SCU). Vẫn với chiêu thức sử dụng tại HICCASP, Reagan tiếp tục đưa ra các tranh luận chống Cộng quyết liệt với các thành viên quản lý các tổ chức này khiến cho họ bực  tức hoặc chán nản từ bỏ tổ chức, để rồi cuối cùng phải giải tán tổ chức

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.