Xung quanh kế hoạch rút một số khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza:

Những nghĩa địa giữa vùng tranh chấp

Thứ Sáu, 01/07/2005, 10:22

Kế hoạch rút một số khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza của Thủ tướng Israel Ariel Sharon đang vấp phải những vấn đề hết sức tế nhị, đặc biệt liên quan tới việc di dời các nghĩa địa vì mỗi nấm mộ ở đây đều ẩn chứa một câu chuyện cảm động.

Nghĩa trang của người định cư Do Thái tại Goush Katif nằm trong khu vực tập hợp phần lớn các khu định cư Do Thái tại Dải Gaza trên vùng đất của Palestine từ thập niên 1970. Nghĩa trang này có từ năm 1986 sau cái chết của một em bé sơ sinh Do Thái bị đột biến gien. Theo quan niệm của người dân địa phương, để có được sự siêu thoát vĩnh hằng, người chết phải được chôn ở đây. Sau đó, những cuộc đụng độ giữa người PalestineIsrael ngày càng tăng khiến số bia mộ trong nghĩa trang này cũng theo đó nhiều lên. Những ai không phải là người Do Thái khi chết sẽ không được chôn tại đây.

Những ngôi mộ xếp thành các hàng thẳng tắp nơi đây là chứng tích cho lịch sử của vùng Goush Katif cũng như các vùng định cư Do Thái khác tại Dải Gaza. Đây là nơi an nghỉ cho cả những người chết vì bệnh tật, vì tai nạn, già yếu lẫn những người bị giết, chẳng hạn như Giáo trưởng Kfar Darom bị ám sát năm 1992, hay một người lính Do Thái 23 tuổi đời đã ngã xuống ở Liban hồi năm 1997, và gần đây nhất là những nạn nhân của phong trào Antifada lần hai. Hiện nghĩa trang này có tổng cộng 48 ngôi mộ, tất cả sẽ bị di dời trong nay mai.

Người Do Thái tại Goush Katif biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ Israel. 

Thời hạn rút một số khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza càng tới gần, chủ đề về việc di dời nghĩa trang này càng được bàn luận nhiều. Ở Goush Katif, vấn đề di dời nói chung ít được người dân bàn thảo nhiều bằng số phận của cái nghĩa trang này. Mặc dù kế hoạch rút các khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza xem ra không thể tránh khỏi, nhưng hàng ngày vẫn có những người đưa thân nhân tới đây an táng.

Mỗi một nấm mồ tại nghĩa trang này đều có một lịch sử riêng của nó. Chẳng hạn, câu chuyện về ngôi mộ của cặp vợ chồng Berebi được người con Abraham kể lại rất cảm động. Giữa thập niên 1950, Abraham cùng gia đình từ Tunissia sang Pháp sinh sống. Khi tới đây, không chịu nổi cuộc sống buồn tẻ tại vùng ngoại ô Paris, năm 1982, Abraham quyết định đến sống cùng những người định cư Do Thái đầu tiên tại Dải Gaza. Bố của Abraham sau đó đã mất tại Pháp. Trong một lần ốm thập tử nhất sinh, Abraham được mẹ từ Pháp sang chăm sóc. Khi Abraham bình phục thì cũng là lúc người mẹ già của anh ra đi vì tuổi cao sức yếu. Bà được Abraham an táng chu đáo tại nghĩa trang của vùng Goush Katif. Vài năm sau đó, vì mong muốn cha mẹ được đoàn tụ, Abraham chuyển hài cốt của cha về Goush Katif để an táng bên cạnh phần mộ của mẹ.

Abraham Berebi kể lại, anh không bao giờ quên những giờ khắc đón nhận hài cốt người cha tại sân bay: “Tôi vừa xúc động, vừa cảm thấy vui mừng. Tôi nói với cha tôi rằng cuối cùng thì ông cũng được về bên mẹ tôi”. Những tưởng rằng đây sẽ là chuyến du lịch cuối cùng của người cha Abraham, không ngờ kế hoạch di dời của chính phủ lần này sẽ khiến phần mộ của cha mẹ anh lại phải phiêu bạt một lần nữa.

Trong giờ phút này, Myriam Gouwi không hề muốn nhắc tới việc di dời phần mộ của con trai bà vì đơn giản là bà sẽ không bao giờ làm việc đó. Bởi đây là nơi an nghỉ cuối cùng của con trai bà - Elkana xấu số - chết vì quân đội Israel. Báo giới Israel cho biết, bà Myriam Gouwi tuyên bố rằng thà bà tự sát ngay bên cạnh phần mộ của con bà còn hơn là phải chuyển nó đi nơi khác. Họ còn dẫn lời bà cho biết: “Kế hoạch dỡ bỏ một số khu định cư Do Thái không những chia rẽ chúng tôi với những người láng giềng Palestine, mà còn cả với những gia đình Do Thái khác. Ông Ariel Sharon làm điều đó chỉ để lấy lòng một người không phải là người Do Thái (ý ám chỉ Tổng thống Mỹ G.W. Bush). Kế hoạch này chỉ khiến người Do Thái chống lại người Do Thái”.

Quân đội Israel cam kết việc di dời sẽ được tiến hành theo đúng luật pháp tôn giáo Do Thái. Tuy nhiên, nhóm phụ trách việc di dời lại cho rằng việc dời các phần mộ người chết là vấn đề nhạy cảm. Phát ngôn viên của SELA, tổ chức kêu gọi người dân hợp tác với chính phủ trong việc di dời các khu định cư Do Thái, cho biết: “Chúng tôi chỉ kêu gọi các gia đình nên hợp tác với quân đội, còn việc di dời các nghĩa trang tại các khu định cư phải do quân đội đảm trách”. Người này cho biết thêm, việc di dời các phần mộ người Do Thái khỏi các khu định cư là rất cần thiết để tránh tình trạng báng bổ người chết. Không ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng, những phần mộ này sẽ không bị phá hủy khi thân nhân của họ không còn sống gần đó nữa.

Một vấn đề khác đang được báo giới Israel đặt ra là sẽ có sự nhầm lẫn giữa các ngôi mộ nếu không có người thân sống bên cạnh và chăm sóc. Và trong thời gian những người định cư chuyển sang sống tạm thời tại một khu vực nào đó trước khi chính phủ có chế độ bồi thường cho họ thì số hài cốt đào từ nghĩa trang ở Goush Katif sẽ chôn ở đâu? Xem ra kế hoạch rút một số khu định cư Do Thái của Chính phủ Ariel Sharon còn lâu mới lấy được lòng dân Israel

Nguyễn Phương (tổng hợp)
.
.