Những thách thức đang chờ đợi Tổng thống Obama

Chủ Nhật, 18/11/2012, 10:35

Công ăn việc làm, bảo hiểm y tế, thâm hụt ngân sách… vị chủ nhân của Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng. Còn đối với ông Mitt Romney, với tính cách khi thì hòa hợp lúc lại cực kỳ bảo thủ, ứng viên đảng Cộng hòa này quả thật là người rất khó xếp loại. Vì thế mà khi đặt bút vào lá phiếu, nhiều cử tri đã gạch tên Mitt Romney chăng?

4 NĂM TỚI ĐỦ LÀM ÔNG OBAMA BẠC TÓC

Tại hội nghị Tampa (Florida) vào tháng 8, phe Cộng hòa đã đặt 2 chiếc đồng hồ lớn trong phòng họp để tính theo thời gian thực món nợ của Mỹ. Từ 2 năm nay mức thâm hụt của Mỹ, hiện đạt đến con số khổng lồ 16.000 tỉ USD, luôn là nỗi ám ảnh của đảng Cộng hòa.

Cuộc chiến nợ công cũng là cuộc chiến của thuế khóa. Trong chương trình hoạt động, Tổng thống Obama hứa sẽ giảm bớt 4.000 tỉ USD nợ trong 4 năm tới bằng cách cắt xén một số chương trình của chính phủ, đồng thời tăng thuế đánh vào các tỉ phú và đầu tư vào những dự án hạ tầng mới. "Tôi không hiểu vì sao những người đi phi cơ riêng lại không thể bỏ thêm một chút nỗ lực" - nhiều lần Tổng thống đã nói thế trong chiến dịch tranh cử.

Nạn thất nghiệp

Từ hơn 2 năm qua, tỉ lệ thất nghiệp của nước Mỹ vẫn vào khoảng 8%, đó như là biểu tượng của một nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục -  sự phục hồi mà Tổng thống Obama từng nhắc đến quá sớm vào năm 2010 cho đến nay vẫn ì ạch. Nhưng dù sao thì trong nhiệm kỳ đầu của mình, cỗ xe của ông Obama đã tạo ra được 5 triệu việc làm.

Y tế

Đây là chương trình lớn của Tổng thống Obama: làm sao để giúp thật nhiều người Mỹ có được sự chăm sóc y tế trong một đất nước mà người ta còn có thể chết do không trả nổi tiền bác sĩ. Mục tiêu này đã đạt được một phần nhờ đạo luật cải cách y tế được Quốc hội thông qua vào tháng 3/2010 và Tối cao Pháp viện phê chuẩn 2 năm sau đó sau một cuộc chiến cam go với phe Cộng hòa.

Đạo luật đã bị cắt xẻ một phần nhưng vẫn còn giữ được xương sống: giúp cho 32 triệu người Mỹ không bảo hiểm y tế (trên tổng số 48,6 triệu người trong tình trạng đó) được chăm sóc nhưng họ buộc phải đóng bảo hiểm nếu không muốn bị nộp phạt, đồng thời tài trợ cho một số bảo hiểm nhẹ. Đạo luật cải cách này sẽ được áp dụng vào năm 2014. Dù sao đi nữa vị Tổng thống tái đắc cử sẽ phải đối mặt với sự bùng nổ chi phí.

Tình trạng nhập cư

Tổng thống Mỹ đã bỏ dở dự án cải cách quy mô nhằm giải quyết tình trạng của 12 triệu người nhập cư lậu và xác định một quy chế rõ rệt cho tương lai. Ông đã cam kết sẽ ưu tiên cho dự án này trong nhiệm kỳ tới. Nhưng trong thời gian này các chính sách chống nhập cư cứng rắn đã khiến ông phải xem lại dự án. Tại Arizona và nhiều bang khác, chính quyền đã đưa ra nhiều đạo luật cho phép cảnh sát kiểm tra theo dáng mặt và giao những người không có giấy tờ cho cơ quan nhập cư.

Các vụ trục xuất đã gia tăng đáng kể, từ 20.000 vụ mỗi tháng dưới thời Tổng thống Bush lên 32.000 vụ trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, một kỷ lục phản ảnh sự cứng rắn về chính sách địa phương. Trong bối cảnh đó, đạo luật Dream Act ra sao? Đạo luật này chấp thuận sự thường trú và có thể nhập tịch Mỹ đối với các thiếu niên vào nước Mỹ lúc còn ít tuổi nhưng đã bị Thượng viện bác bỏ vào năm 2010. Bất bình trước thất bại đó, vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Obama đã ban bố một sắc lệnh ngưng trục xuất thiếu niên và giúp họ có giấy phép làm việc trong 2 năm.

Chính sách đối ngoại

Vấn đề cấp bách nhất là xác định xem liệu Mỹ có thể hành động nhiều hơn tại Syria. Không đến mức can thiệp quân sự nhưng Mỹ có thể trợ giúp phe nổi dậy. Điều này rất quan trọng để thay đổi lập trường của những kẻ "lừng chừng" trong phe nổi dậy và không để vuột mất cơ hội thay đổi chính phủ ở Damascus. Nhưng nguy cơ là một sự vướng mắc mà người Mỹ không thể chấp nhận nữa do quá mệt mỏi bởi các cuộc chiến ở vùng Cận Đông.

Kế đến là vấn đề Iran. Có lẽ Iran chỉ còn vài tháng để có được vũ khí hạt nhân-  theo lời cảnh báo của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông ta đe dọa sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc bầu cử trong nước vào tháng 1/2013 sẽ oanh kích Iran để chặn đứng chương trình hạt nhân của nước này.

Vấn đề Palestine cũng sẽ được sớm đưa ra. Trong tháng này Palestine muốn được quốc tế công nhận, cộng với quy chế là quan sát viên tại Đại hội đồng LHQ. Mỹ chống lại yêu cầu này và đề nghị Palestine nên có những cuộc hội đàm trực tiếp với Israel.

Cũng phức tạp không kém là vấn đề Afghanistan. Hiện vẫn còn 68.000 lính Mỹ tại Afghanistan và 282 người tử trận trong năm nay. Dự tính lính Mỹ sẽ về nước từ đây đến cuối năm 2014. Mối đe dọa khủng bố vẫn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong những buổi thuyết trình hàng ngày về an ninh tại Nhà Trắng, với các ổ phá rối bành trướng tại Yemen, Mali và thậm chí cả trên đất Mỹ.

Tổng thống Barack Obama và gia đình trong giờ phút chiến thắng tại Dinh Thượng viện.

CUỘC SỐNG ĐA DIỆN CỦA MITT ROMNEY

Thầy giảng đạo Mormon

Là cháu và con của các chức sắc Mormon, thoạt tiên Mitt Romney là thầy giảng đạo tại Pháp: 2 năm rưỡi đi gõ cửa từng nhà đã ghi dấu ấn đậm nét lên cuộc đời ông. Sau đó ông giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội Mormon, coi sóc giáo phận Massachusetts một cách cần mẫn dù có 5 người con cùng những trách nhiệm nghề nghiệp.

Giáo hội Mormon rất khắt khe, nghiêm cấm thuốc lá, rượu, trà, càphê, bắt buộc tiết chế trước hôn nhân, không chấp nhận quan hệ đồng tính và sự phá thai (trừ khi bị cưỡng hiếp) và kêu gọi sự nhận nuôi những đứa trẻ ngoài giá thú. Mitt Romney tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc đó.

Người làm ra tiền

Đó là một bức ảnh đen trắng, trong đó người ta thấy 5 thanh niên cắn tiền giữa 2 hàm răng, nhét ở cổ áo và thắt lưng. Đó là áp-phích giới thiệu cho Bain, một quỹ đầu tư chuyên mua lại và tái cơ cấu các xí nghiệp mà Mitt Romney cùng các cộng sự thành lập. Những người ủng hộ tin rằng ông sẽ lèo lái đất nước giống như đã lèo lái Bain.

Nhưng trong một vidEo clip chỉ trích do Newt Gingrich (đối thủ của Mitt Romney trong vòng đầu) thực hiện, ông là một kẻ máu lạnh đã làm mất nhà cửa và việc làm của hàng trăm người dân Mỹ.

Hoàng tử bạch mã của Thế vận hội (TVH)

Trong khi hồ sơ TVH mùa đông 2002 tại Salt Lake City bị lem nhem, Mitt Romney được mời làm cứu tinh. Ông bỏ công việc quản lý Bain để tìm cách vá víu lỗ hổng hàng trăm triệu USD. Mục tiêu là tìm ra những nhà tài trợ mới, cân bằng ngân quỹ và lấy lại niềm tin cho một nhóm người bị nghi ngờ tham nhũng.

Và ông đã thành công. Ông buộc Ủy ban TVH và các khách mời giảm bớt đòi hỏi, cắt xén ngân quỹ trong vận chuyển và chi tiêu nhưng vẫn ưu tiên cho các vận động viên và công trình xây dựng. Chẳng những ông lấy lại được sự tín nhiệm của Ủy ban TVH mà còn chứng tỏ là một doanh nhân tài năng, kết thúc nhiệm vụ với khoản lãi 100 triệu USD. Đó là một kỳ tích đã giúp ông tỏa sáng trong chính trường.

Lá bùa với chữ “Dad”

Là Chủ tịch của Công ty American Motors, ông bố George Romney 3 lần được bầu làm Thống đốc Michigan, sau đó thất cử Tổng thống năm 1968. Đó là khuôn mẫu, tấm gương tuyệt đối của Mitt Romney và ông thường thổ lộ rằng luôn viết từ "Dad" (cha) trên một mảnh giấy rồi đặt trước mặt như một lá bùa may mắn trước mỗi khi trình bày bài diễn văn quan trọng.

Một thống đốc cực tả

Được cha thúc đẩy, Mitt Romney bước vào chính trường năm 1994 bằng cách tranh chức nghị sĩ Massachusetts của Ted Kennedy, "con sư tử tự do", thành trì khó nuốt của phe Dân chủ. Ông đã thực hiện một chiến dịch tranh cử rất "tự do" theo nghĩa Mỹ, nghiêng về cánh tả hơn Ted Kennedy. Ông ủng hộ sự phá thai, quyền của người đồng tính và kiểm soát chặt chẽ vũ khí. Thật trái ngược với Mitt Romney năm 2012.

Điều còn đọng lại trong nhiệm kỳ của ông, đó là sự cải cách hệ thống y tế: ông đã đề ra một sự chăm sóc bao quát cho tất cả các công dân trong bang mà ông buộc phải mua bảo hiểm hoặc phải đóng phạt. Đạo luật này đã tác động rất nhiều cho sự cải cách y tế của Tổng thống Obama.

Một ứng cử viên cực hữu

Từ năm 2008 lúc ứng cử vòng đầu trước đối thủ John McCain, ông đã đặt mình vào vị thế bảo thủ của cánh hữu. Và ông tiếp tục như thế vào năm 2012, ông tỏ ra dè dặt trước chính sách Kế hoạch hóa gia đình, mạnh mẽ phản đối hôn nhân đồng tính và phá thai. Ông cũng ủng hộ sự tăng ngân sách quốc phòng. Người ta vẫn không bất ngờ khi vào cuối chiến dịch tranh cử, Romney nghiêng về phía trung dung, để lại cảm tưởng một ứng viên có thể tuyên bố tất cả rồi nói ngược lại.

Tổng thống Mỹ đóng góp hơn 1 triệu USD cho các quỹ từ thiện

Khoảng 2 năm trước khi trở thành Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thứ 44, Thượng nghị sĩ (TNS) 45 tuổi thuộc đảng Dân chủ của tiểu bang Illinois B. Obama đã là một triệu phú, chủ yếu nhờ vào tiền bản quyền từ 2 đầu sách do ông chấp bút. Chỉ tính riêng trong năm 2006, cuốn "Dreams From My Father" (Những giấc mơ của cha tôi) ấn hành cuối năm 1995 đã mang lại cho tác giả số tiền bản quyền là 147.490 USD; còn với cuốn "The Audacity of Hope" (Hy vọng táo bạo) phát hành giữa tháng 10/2006 là 425.000 USD.

Bước sang năm 2007,  danh tiếng TNS B. Obama thêm nổi trội khi ông chính thức được chọn làm ứng viên tổng thống trong kỳ bầu cử kế tiếp, 2 đầu sách nói trên lập tức được tái bản và trở thành dạng best-seller (bán chạy nhất), cùng số tiền nhuận bút cho cuốn "Dreams From My Father" là 815.971 USD và cuốn "The Audacity of Hope" là 3,28 triệu USD. Vợ chồng Obama đã dùng một phần số tiền này mua cổ phiếu của Quỹ đầu tư Vanguard FTSE Social Index Fund, cũng như mua 2 gói sản phẩm thuộc quỹ phát triển tương lai Bright Directions Age-Based Growth Plans cho 2 cô con gái Malia và Sasha. Tính đến thời điểm lần đầu tiên làm chủ Nhà Trắng, ông B. Obama đã sở hữu số tài sản bao gồm cả cổ phiếu chứng khoán và trái phiếu kho bạc nhà nước là 5,1 triệu USD.

Với khoản hiện kim tương đương 1,4 triệu USD đi kèm giải Nobel Hòa bình được trao cuối năm 2009, B. Obama đã dùng phần lớn số tiền này hiến tặng cho các tổ chức từ thiện khác nhau. Cụ thể là 250.000 USD tặng Hiệp hội hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ; 200.000 USD cho Quỹ Clinton-Bush Haiti Fund của 2 cựu tổng thống Mỹ nhằm tái thiết quốc đảo Haiti sau động đất; 125.000 USD tặng Quỹ tương trợ người da đỏ American Indian College Fund; 125.000 USD thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vùng Appalachia, khu vực trải dài từ phía nam tiểu bang New York tới phía bắc các tiểu bang Alabama, Mississippi và Georgia.

Ngoài ra là 125.000 USD tặng Quỹ Posse chuyên cấp học bổng cho các học sinh giỏi; 125.000 USD cho Quỹ Hispanic Scholarship Fund của sắc dân nói tiếng Tây Ban Nha; 125.000 USD tặng Quỹ United Negro College Fund trợ giúp học sinh da đen; 100.000 USD cho Chương trình sức khỏe AfriCare bao gồm phòng chống HIV/AIDS, phát triển y tế cộng đồng, tài nguyên nước và nông nghiệp của 25 quốc gia châu Phi trong vùng cận Sahara và 100.000 USD khác tặng Viện Nghiên cứu châu Á Central Asia Institute, giúp thúc đẩy sự nghiệp giáo dục cho các trẻ em gái ở Pakistan và Afghanistan.

X.Hiếu (Theo Bloomberg)

Minh Luân (tổng hợp)
.
.