Những thách thức quan trọng cho tân Tổng thống Afghanistan

Thứ Hai, 21/04/2014, 17:30

Sau ngày bầu cử Tổng thống Afghanistan vòng 1, với số lượng cử tri đi bầu khá đông đúc - 50% - theo Ủy ban bầu cử, và tình hình an ninh tương đối tốt bất chấp những lời đe dọa phá rối của Taliban, cuộc bầu cử đã làm dịu đáng kể không khí chính trị tại nước này.

Tất nhiên vẫn có vài mảng tối trong bức tranh ấy. Trước tiên là thái độ hồ hởi đi bầu chỉ có tại các thành phố lớn, còn tại khu vực nông thôn lại kém phấn khích hơn do không mấy tin tưởng vào chính quyền và nỗi lo ngại sự đe dọa của Taliban. Kế đó là nguy cơ xảy ra sự cố về chính trị hay an ninh trước vòng 2 - có thể diễn ra ngày 28/5.

Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó diễn ra trong ngày 5/4. Đó là một sự trỗi dậy, một sự thay đổi tư duy. Người dân Afghanistan mong muốn cầm lấy vũ khí được trao cho họ, tức lá phiếu, để tái dựng hợp đồng dân chủ đã được đề ra vào cuối năm 2001 nhưng đang có nguy cơ tiêu tan sau những thất vọng từ các “lời hứa gió bay”. Còn bây giờ? Bất luận tân Tổng thống sẽ là ai, những thách thức đang chờ đợi ông ta sẽ rất nặng nề.

Vấn đề sắc tộc là điều cấm kỵ tại Afghanistan, ít ra là khi nói công khai. Rất nhiều giới chức và chính trị gia Afghanistan bực bội vì một số quan sát viên cứ chỉ trích về sự rạn nứt sắc tộc trong nước. Vì thế việc kiểm kê dân số không bao giờ được tái thực hiện từ sau cuộc kiểm tra cuối cùng năm 1979. Bởi vì một sự kiểm kê mới có thể cho thấy những sự chênh lệch có thể gây  bất bình hay ngược lại, phục vụ quyền lợi của nhóm này hay nhóm nọ. Vì thế người ta chỉ có thể ước đoán.

Hiện nay người Pashtun chiếm từ 39 đến 42% dân số, kế đến là người Tadjik (từ 33 đến 38%), người Hazara (từ 8 đến 10%), người Uzbek (từ 6 đến 9%), người Aimak (4%) và người Turmen (2-3%). Tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở Kabul, những phân định về sắc tộc có khuynh hướng giảm đi nhưng vẫn ngấm ngầm. 

Dù sao, phải thừa nhận rằng người Pashtun chiếm đa số trong dân cư. Vấn đề này rất tế nhị vì người Pashtun luôn được xem như là chủ nhân lịch sử của đất nước này. Afghanistan được hình thành như một thực thể chính trị vào năm 1747 dưới thời Ahmed Shah Durrani (người Pachtoun), vị vua đầu tiên của Afghanistan. Từ đó người Pashtun luôn cầm quyền, ngoại trừ 2 lần: lần đầu vào năm 1929 với Vua Habibullah Kalakani (người Tadjik), lần thứ nhì năm 1992-1996 với Burhahuddin Rabbani (Tadjik), người thầy tinh thần của "Con sư tử vùng Panchir" Massoud.

Phụ nữ Afghanistan đi bầu cử ngày 5/4.

Ngoài 2 ngoại lệ đó, người Pashtun luôn làm chủ đất nước dưới mọi chính thể : vương quyền, cộng hòa, hay Taliban. Nhắc lại lịch sử để hiểu vì sao nhiều người Pashtun sẽ khó chấp nhận được nếu người đắc cử Tổng thống sẽ là Abdullah Abdullah. Ông có cha là người Pashtun và mẹ là Tadjik, nhưng lại bị xem như là người Tadjik vì mối liên hệ chính trị với nhóm Rabbani-Massoud.

Hai ứng viên quan trọng khác là Zalmai Rassoul, cựu Ngoại trưởng Afghanistan và Ashraf Ghani, nhà nhân chủng học từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới, cựu Bộ trưởng Tài chính, cả 2 đều là người Pakistan. Nhưng họ thuộc về 2 phân nhóm Pakistan mà sự thù nghịch cố cựu từng ghi dấu ấn trong lịch sử Afghanistan.

Ông Rassoul thuộc tầng lớp vương quyền Durrani. Ông Ghani thuộc nhóm Ghilzai từ lâu bị nhóm Durrani chê bai. Tuy chưa bao giờ rõ rệt nhưng sự kình địch này đôi khi gây căng thẳng giữa 2 nhóm trong chiến dịch tranh cử. Theo thông tấn xã Afghanistan Pajhwok, 2 ông Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah dẫn đầu về số phiếu sơ khởi, ông Zalmai Rassoul đứng thứ 3. Nếu giả thuyết là ông Ghani đắc cử, ông sẽ phải gỡ rối 3 loại căng thẳng sắc tộc.

Trước tiên ông phải xoa dịu lòng căm giận của nhóm Durrani đang kiểm soát chính phủ Hamid Karzai. Kế đến ông phải trấn an người Tadjik. Cuối cùng ông còn phải dẹp bỏ mối lo ngại của người Hazara. Trong nhóm Ghilzai, ông Ghani xuất thân từ cộng đồng Kutchi, bộ tộc du mục từng nhiều lần xung đột về đất đai với người Hazara. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không phải là bất khả vì sự khẳng định chủ nghĩa dân tộc của Afghanistan đi chung với sự hòa nhập nét đa dạng sắc tộc. Tổng thống Karzai đã chứng minh điều đó. Ông luôn thích sự liên kết, vì vậy trong nội các của ông có 2 phó tổng thống là người Tadjik và người Hazara.

Trong chiến dịch tranh cử, cả 3 ứng cử viên Ghani, Abdullah và Rassoul đều đảm bảo rằng nếu đắc cử họ sẽ ký Hiệp ước an ninh Afghanistan - Mỹ năm 2013. Do mâu thuẫn với Mỹ vào cuối nhiệm kỳ nên ông Karzai đã không phê chuẩn hiệp ước quy định sự hiện diện của Mỹ từ đầu năm 2015. Hiệp ước này nhằm thay thế sứ mệnh chiến đấu của quân Mỹ sẽ kết thúc vào cuối năm 2014.

Từ năm 2015, sự hiện diện của Mỹ sẽ từ 8.000 đến 12.000 binh sĩ được triển khai tại 9 căn cứ và có 2 sứ mệnh: hỗ trợ quân đội Afghanistan và mở chiến dịch chống khủng bố nhắm vào Al-Qaeda cùng những phân nhánh của tổ chức này. NATO cũng đang dự tính ký một hiệp ước tương tự với Kabul. Tổng thống Karzai đã không phê chuẩn thỏa ước với lý do còn đòi hỏi thêm một số đảm bảo từ phía Mỹ.

Ông đặt ra 3 yêu cầu. Đầu tiên là Mỹ phải chấm dứt các cuộc hành quân đêm vì ông cho rằng gây quá nhiều thương vong cho dân thường tại những làng mạc. Thứ nhì là Mỹ phải cam kết có mong muốn đàm phán hòa bình với phe nổi dậy Taliban. Quả thật ông Karzai cho rằng, Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa về vấn đề này, chẳng hạn như yêu cầu Pakistan hợp tác hơn nữa trong khi nước này đang chứa chấp các thủ lĩnh nổi dậy trên lãnh thổ.

Cuối cùng là sự trung lập của Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống. Lập trường cứng rắn của Tổng thống Karzai có thể giải thích là do muốn thoát ra khỏi tiếng tăm "con rối của Mỹ" từ khi ông lên nắm quyền nhờ sự can thiệp quân sự của Mỹ lật đỏ chế độ Taliban năm 2001.

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Chicago tháng 5/2012, NATO cam kết sẽ trợ giúp khoảng 4 tỉ USD mỗi năm cho chi phí an ninh của Afghanistan. Về nguyên tắc vấn đề này phải được giải quyết vì Tổng thống Karzai sắp rời khỏi chức vụ. Nhưng vị tân Tổng thống, dù là ai đi nữa, cũng phải tế nhị nghĩ đến sự nhạy cảm của Tổng thống Karzai để không vội vã ký kết hiệp ước. Tuy nhiên thời gian đã cận kề vì sự trì trệ của nền kinh tế Afghanistan khiến chính phủ cần phải nhanh chóng lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và cho vay tín dụng qua sự ký kết thỏa ước đó.

Tổng thống Karzai mong muốn kết thúc nhiệm kỳ bằng một hiệp ước hòa giải với phe Taliban. Thành quả đó sẽ củng cố uy tín là người thống nhất đất nước, do vậy ông đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực. Ông tỏ ra cứng rắn đối với Mỹ và buộc phải trả tự do cho hàng chục tù nhân Taliban bất chấp sự phản đối của Mỹ với hy vọng sẽ lấy được cảm tình của một số thủ lĩnh Taliban.

Từ năm 2010, ông đã thành lập Hội đồng Cao cấp vì hòa bình (HCP) có nhiệm vụ tìm kiếm mọi phương sách. Do có nhiều cựu thành viên Taliban trong hàng ngũ, HCP đã gia tăng những sứ mệnh ngoại giao tại các khu vực nhằm tìm kiếm sự ủng hộ. Thế nhưng chiến dịch đó đã thất bại. Làn sóng khủng bố mới đây tại Kabul đã chứng minh một cách hùng hồn.

Tệ hơn nữa, thái độ hòa hoãn của ông Karzai đối với "những người anh em Taliban" cuối cùng đã khơi lên sự ngờ vực, thậm chí thù ghét trong một bộ phận dân chúng.              

Nhưng ông Karzai không muốn buông tay. Ông cho rằng nguồn căn của sự bế tắc là từ chính quyền Pakistan, họ đã lợi dụng vị thế chứa chấp các thủ lĩnh Taliban để ngăn cản những kẻ này ngồi vào bàn đàm phán. Ông Karzai tin rằng nếu được tự do trong hành động, các thủ lĩnh Taliban sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của ông. Ông tin tưởng vào một số thủ lĩnh trong bộ tham mưu như Mollah Baradar mà ông quen biết.

Sau khi bị bắt vào đầu năm 2010 vì đã liên hệ với các phái viên của ông Karzai mà không thông báo với Cơ quan Tình báo Pakistan, Mollah Baradar được trả tự do vào năm ngoái theo yêu cầu khẩn thiết của Kabul. Hiện ông ta đang bị quản thúc tại gia ở Pakistan. Ông ta là con bài chủ của Karzai trong các nỗ lực hòa giải nhưng lại bị Pakistan kiểm soát gắt gao. Trong những điều kiện đó, vấn đề là lập trường của vị tân Tổng thống sẽ như thế nào đối với việc hòa đàm

Minh Luân (tổng hợp)
.
.