Những yếu tố hậu thuẫn cho ứng cử viên Macron bứt phá

Thứ Năm, 04/05/2017, 11:10
Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 7-5 sẽ là cuộc đọ sức giữa hai ứng cử viên đại diện cho hai phái chính trị mới, khác hẳn những kỳ bầu cử trước đây. Nỗi sợ hãi những chính sách cực đoan của bà Marine Le Pen đang là nguyên nhân chính khiến cho lá phiếu cử tri đang dồn về phía ông Emmanuel Macron.

Tại trường Đại học Paris Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris, Antoine Guerreiro của Liên đoàn Sinh viên Cộng sản Pháp đang phát những tờ rơi kêu gọi giới sinh viên của trường bỏ phiếu cho ông Macron. Guerreiro nói, điều quan trọng nhất của anh hiện nay là vận động bỏ phiếu chống lại các chính sách cực hữu, để nước Pháp tiếp tục là nước Pháp như hiện nay, ở trong Liên minh châu Âu. Giới sinh viên của Guerreiro chống lại lựa chọn “chống cả hai” hoặc bỏ phiếu trống, phiếu trắng.

Trong giới chính trị, cựu Thị trưởng Paris Betrand Delanoe, người của đảng Xã hội, cho biết sẽ theo quan điểm chung của đảng là bỏ phiếu cho Macron. Đảng Les Republicains của ông Francois Fillon - ứng cử viên bị loại ở vòng 1 - cũng kêu gọi chống lại bà Le Pen. Ngay cả kẻ đối nghịch của Macron, nghị sĩ châu Âu Jose Bové cũng cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Nước Pháp tiến lên (En Marche!) một cách không do dự.

Bové nói ông không còn sự lựa chọn nào khác, vì sự lựa chọn của ông là Jean-Luc Mélenchon đã bị loại, và lá phiếu của ông bây giờ là chống lại ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN).

Nhiều người sẽ bỏ phiếu cho Macron không phải vì chọn lựa Macron mà là để chống lại “chủ nghĩa phát xít mới”.

Năm 2002, lần đầu tiên ứng cử viên của đảng cực hữu FN, ông Jean-Marie Le Pen làm nên lịch sử khi đánh bại ứng cử viên của đảng Xã hội Lionel Jospin ở vòng 1. Kết quả đó gây sốc không chỉ cho giới quan sát chính trị mà ngay chính bản thân ông Le Pen cũng bị sốc. Và ở vòng 2, cử tri đã dồn phiếu bầu cho ông Jacques Chirac. Ngày nay, Marine Le Pen đã tỏ rõ quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khả năng giành chiến thắng của bà cũng không cao. Lý do là các chính sách của bà cũng mang sắc thái cực hữu giống như cha bà khi xưa. Giới chuyên gia nhận định: mặc dù Marine Le Pen đã cố gắng “tẩy rửa” hình ảnh kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái, nhưng nhìn kỹ thì các chính sách của bà “khác về từ ngữ mà nội dung thì giống hệt nhau”.

Việc rút khỏi EU, liên minh vốn bị Mặt trận dân tộc đả phá từ lâu, là chủ trương và mục tiêu phải đạt được của Marine Le Pen. Bà muốn “trưng cầu dân ý về sự phụ thuộc vào EU của nước Pháp”, đó là cam kết hàng đầu trong số 144 điều trong chương trình tranh cử của bà. Ngoài ra bà cũng khẳng định rằng sẽ rời khỏi chính trường nếu không đắc cử.

Còn một cam kết khác nữa là “tái lập đồng tiền quốc gia phù hợp với nền kinh tế, đòn bẩy của tính cạnh tranh Pháp”. Sự quay về với đồng franc là yếu tố chính trong chính sách kinh tế của bà. Còn ông Emmanuel Macron lại nhận định: EU và đồng euro là tương lai của nước Pháp. Không thể nào thiếu vắng lá cờ châu Âu trong những cuộc mít-tinh của ông.

Ứng cử viên này còn đề nghị thành lập “một ngân sách, một Quốc hội và một Bộ Kinh tế Tài chính cho khu vực euro”. Ông hứa sẽ đưa ra những hiến chương dân chủ tại 27 quốc gia thành viên để kết hợp công dân với sức bật châu Âu mới”. Biết rằng sẽ khó có được sự nhất trí về hội tụ xã hội theo như mong muốn, ông hô hào cho “một châu Âu nhiều cấp độ”.

Sự đối kháng của 2 ứng viên về tương lai của nước Pháp trong châu Âu được thể hiện trong cách mà họ quản lý các đường biên giới. Bà Marine Le Pen muốn tái lập chúng hoàn toàn và tách khỏi không gian của Hiệp ước Schengen nhưng vẫn duy trì một cơ cấu xét đến các công nhân ở biên giới. Bà cũng kêu gọi thành lập 6.000 chốt hải quan để canh phòng biên giới nước Pháp.

Ông Macron cũng muốn tuyển thêm 6.000 cảnh sát mới nhưng để... giữ gìn biên giới châu Âu. Ông ủng hộ việc tăng cường không gian Schengen và Frontex, Cơ quan châu Âu đảm trách về đường biên trên bộ và trên biển của EU.

Một câu hỏi được đặt ra là “cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên đã bị loại sẽ bỏ phiếu cho ai trong vòng 2”? Một cuộc thăm dò cử tri bỏ túi cho kết quả 40% sẽ bỏ phiếu cho Macron, trong khi có đến 45% bỏ phiếu trắng và 15% bỏ phiếu cho bà Le Pen. Như vậy có thể thấy rằng, đa số ý kiến cử tri đang ủng hộ ông Macron.

Đa số cử tri Pháp cho biết sẽ bỏ phiếu cho Macron để ngăn chặn Le Pen.

Nhiều người ủng hộ ông Mélenchon cho rằng sẽ bỏ phiếu cho Macron không phải vì chọn lựa Macron mà là để chống lại “chủ nghĩa phát xít mới”. Alexis Corbiere, phát ngôn viên của ông Mélenchon cho biết trong ba sự chọn lựa “bỏ phiếu trắng, không đi bỏ phiếu và bỏ phiếu cho Macron”, cử tri ủng hộ ông Mélenchon có thể chọn cả ba.

Harry Mernas, một nhà vật lý học ủng hộ ông Mélenchon cho biết, “nhờ có ông Mélenchon mà người dân Pháp bắt đầu nghĩ đến một cách khác để thoát khỏi khủng hoảng về nghèo đói, thất nghiệp, tuyệt vọng”. Vấn đề là bỏ phiếu cách nào để duy trì cuộc đấu tranh đó? “Chỉ có thể tiếp tục cuộc đấu tranh chống nghèo đói, thất nghiệp dưới sự lãnh đạo của ông Macron mà thôi” - nhà vật lý học Bernas kết luận.

Trong khi đó, những người ủng hộ đảng Xã hội cho rằng không nên chọn việc không đi bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng, vì như thế làm tăng cao khả năng giành chiến thắng cho bà Le Pen. Cách duy nhất để ngăn chặn “nguy cơ” đến từ đảng cực hữu là bỏ phiếu cho Macron.

Giới phân tích cũng chỉ ra một lý do khác từ bên ngoài có thể khiến bà Le Pen mất phiếu chính là “yếu tố Nga”. Trước khi cuộc bỏ phiếu vòng 1 diễn ra, trên báo chí Pháp đã xuất hiện thông tin về “sự can thiệp của Nga vào bầu cử Pháp”, tương tự như từng xảy ra với cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.

Nhưng khi cuộc bầu cử đã trôi qua, không có thông tin chính thức nào về một “sự can thiệp của Nga” như người ta đồn đoán. Và rồi khi vòng 2 cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra, lại có thông tin về cái gọi là “trục Putin-Trump-Le Pen”. Những thông tin như vừa nêu được tung ra với dụng ý tạo tâm lý chống lại nước Nga, chống Tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn ông Trump thì không nhiều người Pháp thích ông do cái cách ông xã giao, do những phát ngôn gây sốc và các chính sách của ông đang làm cho nhiều đồng minh không hài lòng.

Trong khi đó, bà Le Pen đã thể hiện rõ ràng sự ngưỡng mộ của bà đối với hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Ngày ông Trump giành chiến thắng ở Mỹ, Marine Le Pen là chính khách đầu tiên (và duy nhất) ở Pháp lên tiếng chúc mừng ông. Rồi khi ông Trump làm lễ nhậm chức, Le Pen cũng làm lễ khánh thành tổng hành dinh chiến dịch vận động tranh cử gần Điện Élysée.

Đối với Tổng thống Nga Putin, Le Pen đã thể hiện sự thân thiện còn cụ thể hơn so với ông Trump. Vào tháng 3 vừa qua, Le Pen đã đích thân bay đến Moskva để hội kiến Tổng thống Putin. Ngay sau đó, báo chí đăng tải những phát biểu của Le Pen mang tính “ngưỡng mộ thần tượng Putin”.

Tiếp theo là những thông tin báo chí điều tra về những lần tiếp xúc với Tổng thống Putin trong quá khứ của bà Le Pen. Kiểu thông tin “Le Pen từng gặp Tổng thống Putin” này nghe giống hệt như đợt thông tin vừa rồi ở Mỹ và cuộc điều tra của FBI về mối quan hệ giữa một số quan chức chính quyền Tổng thống Trump với các quan chức Nga, làm như thể có cái gì đó sai trái một cách nghiêm trọng trong các mối quan hệ, các cuộc tiếp xúc với nước Nga. Đây chẳng phải là sự bài xích, kỳ thị đối với nước Nga và Tổng thống Putin đó sao?

Riêng đối với Le Pen, đây còn hơn cả sự kỳ thị. Đây chính là chiêu bài chính trị lợi dụng tâm lý “sợ hãi” của dư luận để gây bất lợi cho bà Le Pen, tạo lợi thế cho Macron. “Nước Nga của Tổng thống Putin có một chính sách đối ngoại nguy hiểm, không ngần ngại vượt qua luật quốc tế” - ông Macron tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Ông cho rằng mình là nạn nhân của một chiến dịch gây mất ổn định từ phía Nga.

Tiếp nối theo Francois Hollande, ông Macron tỏ ra cứng rắn: “Các biện pháp chế tài đã có và rất cần thiết một khi thỏa ước Minsk không được tuân thủ. Chúng ta sẽ tìm cách dỡ bỏ chúng nếu tình hình tại Ukraine trở nên thích hợp”.

Bà Marine Le Pen và ông Nicolas Dupont-Aignan.

Cũng theo chiều hướng mến mộ nước Nga, khi nói về cuộc xung đột Syria bà Le Pen cho rằng, Damascus là một thành lũy chống lại khủng bố. Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà bà không gán trách nhiệm cho Chính phủ Syria vẫn không làm bà thay đổi lập trường.

“Theo tôi, Bashar Al-Assad không phải là nhân vật tệ hại nhất” - bà tuyên bố trong một chuyến viếng thăm Liban vào tháng 2. Quan điểm này lại cũng đối chọi với Macron vì ông cho rằng, Bashar Al-Assad không thể là một nhân tố trong tiến trình hòa bình, lập trường mà Nhà Trắng đã noi theo từ sau vụ tấn công hóa học. Trên đài France 2, ông Macron ủng hộ “một sự can thiệp quốc tế dưới sự chỉ đạo của Liên Hiệp Quốc”.

Tuy nhiên Nga luôn sử dụng quyền phủ quyết đối với các nghị quyết trừng phạt Syria của Hội đồng Bảo an LHQ.

Bà Le Pen tung chiêu mới thu hút lá phiếu cử tri

Diễn biến mới nhất trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp là ứng cử viên Marine Le Pen đã ký thỏa thuận “Liên minh yêu nước và cộng hòa” với người lãnh đạo đảng Nước Pháp đứng lên (DLF), Nicolas Dupont-Aignan, ứng cử viên về thứ sáu trong vòng 1 cuộc bầu cử vừa qua.

Để đạt được liên minh này, Marine Le Pen cam kết sẽ bổ nhiệm ông Dupont-Aignan làm thủ tướng nếu bà chiến thắng. Trong cuộc họp báo ngày 29-4, ông Dupont-Aignan và bà Le Pen nhấn mạnh: đảng Nước Pháp đứng lên và đảng Mặt trận dân tộc (FN) có chung quan điểm hàng đầu là “bảo vệ lợi ích cao nhất của đất nước và người dân Pháp”.

Ngoài ra, cả hai cùng chỉ trích ứng cử viên Emmanuel Macron, người đang giành nhiều lợi thế chỉ là người “tiếp nối chính sách nhạt nhẽo” của Tổng thống Francois Hollande.

Trong thỏa thuận “Liên minh yêu nước và cộng hòa”, lãnh đạo 2 đảng đã thể hiện sự nhượng bộ nhất định của mỗi bên mà báo chí Pháp đánh giá là “những thỏa thuận mang tính thực dụng” như việc đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro, quan điểm vốn được đảng FN coi trọng, không còn là một ưu tiên hàng đầu, một điều kiện tiên quyết.

Theo đó, các chính sách đề xuất sẽ được điều chỉnh để đáp ứng những ưu tiên và thách thức mà Chính phủ Pháp sẽ phải đối mặt ngay lập tức. Tuy vậy, thỏa thuận vẫn chủ trương trục xuất người nhập cư trái phép và đề cao đạo đức chính trị nhằm chống lại xung đột lợi ích.

Giới quan sát chính trị nhận định: Sự điều chỉnh cấp thời này sẽ giúp bà Marine Le Pen thu hút thêm nhiều lá phiếu tại vòng 2. Ứng cử viên Macron đang vận động tranh cử tại Vienna (Áo) cho rằng, đây là “chiêu thức đầy tính toán” của bà Le Pen và ông Dupont-Aignan.

Trong khi đó, một số thành viên của đảng Nước Pháp đứng lên, trong đó có Phó Chủ tịch Dominique Jamet, đã tuyên bố rời bỏ đảng này. Tại thành phố Yerres, tỉnh Essonne, nơi ông Dupont-Aignan làm thị trưởng, gần 300 người thậm chí còn tụ tập bên ngoài tòa thị chính để phản đối quyết định liên minh này.

H.T. (theo Canal Plus)

An Châu - Minh Luân (tổng hợp)
.
.