Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ:

Nỗi buồn của Tổng thống Barack Obama

Thứ Hai, 08/11/2010, 22:40
Không nằm ngoài dự báo của các... trung tâm cá độ thế giới, đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc thủ trước đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ hôm 2/11 vừa qua. Với việc mất quyền kiểm soát Hạ viện, chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Obama sẽ ra sao và tương lai chính trị của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ như thế nào?

Sáng ngày 3/11, người dân thủ đô Washington nhìn thấy một trật tự chính trị mới khi thức giấc. Với một trường hợp đảo ngược tình thế ngoạn mục trong bầu cử từ hơn nửa thế kỷ qua, ngày 2/11 đảng Cộng hòa đã giành lại được Hạ viện, bị mất qua hai kỳ bầu cử năm 2006 và 2008, bằng một chiến thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử được cho là tốn kém nhất từ trước tới nay.

Kết quả tối ngày 3/11 cho thấy đảng Cộng hòa đã chiếm được 234 ghế, Dân chủ 180 ghế, trong khi số ghế còn lại chưa được định đoạt. Hạ viện có 435 ghế và đảng nào có 218 trở lên là nắm quyền đa số. Trước bầu cử, Dân chủ chiếm 255 ghế và Cộng hòa 178. Còn lại là 2 ghế trống.

Như vậy, sau ngày 2/11, đảng Cộng hòa tăng thêm được 56 ghế, vượt qua con số 54 ghế mà họ thắng đảng Dân chủ trong cuộc "cách mạng" hồi năm 1994, tái chiếm Hạ viện lần đầu tiên trong 40 năm và đưa dân biểu Newt Gingrich lên làm Chủ tịch Hạ viện. Hơn thế nữa, đảng Cộng hòa đã đưa được một số dân biểu mới vào Hạ viện và loại khỏi viện này một số "cựu binh" đầy quyền lực của đảng Dân chủ, đặc biệt là những người mà chỉ cách đây vài tuần được xem là chắc chắn tái đắc cử, bao gồm dân biểu John Spratt của bang South Carolina, đã ở Hạ viện 28 năm và là Chủ tịch Ủy ban ngân sách, và dân biểu Ike Skelton của Missouri, Chủ tịch Ủy ban quân lực.

Đảng Cộng hòa cũng thắng hơn một chục ghế tại các địa hạt mà Thượng nghị sĩ John McCain từng thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

Có rất nhiều nguyên do dẫn đến thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là nạn thất nghiệp làm hại đảng cầm quyền. Tại các tiểu bang công nghiệp bị thất nghiệp nhiều, đảng Cộng hòa thắng 2 ghế tại Indiana, 5 ghế tại Ohio, 5 ghế tại Pennsylvania, 3 ghế tại Illinois và 2 ghế tại Michigan.

Tại Thượng viện, đảng Dân chủ cũng bị mất ghế, dù tiếp tục giữ quyền kiểm soát. Tổng cộng, đảng Dân chủ còn giữ 51 ghế và đảng Cộng hòa giữ 47 ghế, trong khi hai ghế khác còn chờ kết quả. Trước bầu cử, trong số 100 ghế ở Thượng viện, đảng Dân chủ có 57 ghế, đảng Cộng hòa có 41 ghế. Riêng 2 ghế của đảng Độc lập thường biểu quyết theo phía Dân chủ.

Có thể thấy, kết quả này không khác với dự đoán từ những thời gian cuối cùng trước bầu cử. Trong khi Mỹ còn đang chật vật để thoát khỏi cuộc đại suy thoái, mối quan tâm chính của nhiều cử tri chắc chắn phải là vấn đề kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp theo tính toán chính thức là 9,6% nhưng thực tế có thể tới gần 17%. Tại những tiểu bang có các cuộc tranh cử then chốt, tỉ lệ thất nghiệp còn tệ hơn: Nevada 14,4%, Ohio 10%. Mức tín nhiệm đối với Tổng thống Obama chỉ còn 45% dù chưa hẳn là quá thấp. Mức tín nhiệm đối với Quốc hội xuống dưới 20%.

Trong số gần 100 đơn vị bầu cử được coi là sẽ có tranh chấp quyết liệt, phe Cộng hòa nắm phần thắng gần hết và người ta đã dự đoán là Cộng hòa sẽ chiếm thêm từ 50 đến 90 ghế Hạ viện trong khi họ chỉ cần chiếm thêm 40 ghế là giành được đa số.

John Boehner, người sắp lên làm Chủ tịch Hạ viện.

Về đối nội, chính trường Mỹ có thể bị ách tắc vì đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, nhưng đảng Dân chủ còn đủ mạnh tại Thượng viện và Tổng thống Obama thấy chủ trương cải tạo xã hội của mình bị cử tri bất tín nhiệm. Mặc dù với thế lực rất lớn của Dân chủ, nhưng chính quyền vẫn phải chật vật mới thông qua được đạo luật cải tổ chế độ bảo hiểm y tế.

Trong hoàn cảnh mới, vấn đề nóng nhất được cử tri quan tâm nhất là nạn bội chi ngân sách lại khó có giải pháp. Đảng Cộng hòa chủ trương giảm chi và giảm thuế, đảng Dân chủ thì cố duy trì các khoản chi đã được biểu quyết và chỉ đồng ý với việc giảm thuế đối với thành phần trung lưu. Đôi bên sẽ ở trong thế ngang ngửa với lá phiếu phủ quyết của Tổng thống mà phe Cộng hòa không thể vượt nổi vì không đủ 2/3 số phiếu.

Nhiều nhà quan sát không mấy lạc quan với tình trạng đó và tin rằng việc Mỹ mắc nợ còn tiếp tục dài dài. Tức là sau cuộc bầu cử, nước Mỹ vẫn bị suy yếu. Kịch bản của một cuộc khủng hoảng khác - bùng nổ vào năm 2012 - vẫn có xác suất khá cao vì Quốc hội và hành pháp Mỹ không dám giải quyết vấn đề thật của một quốc gia chi tiêu quá sức. Không dám giải quyết vì từ ngày 3/11, nước Mỹ lại khởi sự tranh cử tổng thống. Trong 15 tháng tới, cho đến vòng sơ bộ tại bang Iowa, các chính trị gia Mỹ ưu tiên nghĩ đến chuyện tranh cử tổng thống và thận trọng bỏ phiếu trong tinh thần đó.

Tổng thống Obama sẽ xoay trở ra sao để không là một "con vịt què" - một thực thể chính trị không đáng kể? Cách xoay trở này sẽ chi phối thế giới nên mới được nhắc tới ở đây.

Hiến pháp Mỹ cho Tổng thống nhiều quyền hạn về đối ngoại, nhưng lại giới hạn thế lực Tổng thống về đối nội qua 4 định chế rất mạnh là lưỡng viện Quốc hội, Tối cao pháp viện và quyền lực tiểu bang. Ông Obama có thể muốn cải tạo xã hội - tái phân lợi tức và bành trướng ảnh hưởng của bộ máy chính quyền - nhưng sẽ bị Quốc hội mới cột tay. Với thế lực suy yếu như vậy, về đối ngoại ông còn có thể làm được gì?

Tổng thống Bill Clinton gặp hoàn cảnh đó sau cuộc bầu cử năm 1994, với đảng Cộng hòa chiếm lại đa số tại Hạ viện sau 40 năm ngồi ghế đối lập. Ông Clinton lập tức xoay chiều, từ bỏ chủ trương thiên tả ban đầu để áp dụng một số chính sách trung dung hơn, kể cả cải tổ chế độ an sinh xã hội. Ông làm phe cực tả thất vọng - và họ trả thù trong vòng sơ bộ năm 2008 khiến nghị sĩ Hillary Clinton bị thua oan uổng - nhưng lá phiếu trung dung và sự chủ quan của Hạ viện Cộng hòa giúp ông đạt thành tích. Để tái đắc cử năm 1996. Nếu gặp tình huống đó sau này, Barack Obama Jr. có là Bill Clinton không, ít ra về đối nội? Nhiều phần thì sẽ là không, như ta có thể thấy qua luận điệu tranh cử của ông Obama trong suốt tháng qua.

Cũng để so sánh, thí dụ thứ 2 là về đối ngoại. Tổng thống Bush bị thúc thủ khi cuộc bầu cử năm 2006 giúp đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội. Dù vậy, đầu năm 2007, ông Bush vẫn quyết định dồn quân đánh tới tại Iraq. Chỉ vì chẳng còn cái lực khi bị Quốc hội cột tay, Tổng thống Bush vẫn có cái thế của một Tổng thống để lấy quyết định liều lĩnh. Mà Quốc hội đầy uy quyền vẫn không dám cắt ngân sách quân sự vì sợ tội cột tay binh sĩ ngoài tiền tuyến. Kết quả thì hồ sơ Iraq có cải thiện và đem lại lợi thế cho chính quyền Obama sau này. Bây giờ, gặp tình huống đó, Barack Obama Jr. có là George W. Bush không? Nhiều phần thì cũng là không.

Sau khi đảng Dân chủ thất cử, ông Obama còn bài bản gì để tồn tại? Ông có thể tiếp tục chủ trương cũ và thủ vai đối lập để tấn công Hạ viện trong tay đảng Cộng hòa là kỳ đà cản mũi như ông Bill Clinton đã làm sau cuộc bầu cử 1994. Nếu tình hình sáng sủa hơn thì đấy là công của ông Obama. Nếu tình hình sa sút đi thì đấy là tội của đảng Cộng hòa. Nhưng hoàn cảnh và nội dung đã khác xưa: ông Obama thực tâm tin vào giải pháp cải tạo theo kiểu cực tả chứ không linh hoạt như Tổng thống Clinton, trong khi dân chúng Mỹ lại quá thất vọng về kinh tế và về nạn chính quyền tăng chi, đi vay để mở rộng tầm can thiệp. Ông cũng khó xuôi theo áp lực của đảng Cộng hòa để đạt thành tích hòa giải hòa hợp vì sẽ bị thành phần cực tả chống đối và gặp đối lập ngay trong đảng Dân chủ.

Nếu không thể mở trận tuyến chống phe Cộng hòa về các vấn đề nội chính, Tổng thống Obama có thể tìm vào Hiến pháp để thấy uy quyền vẫn còn khả quan của hành pháp về đối ngoại. Khi ấy, về đối ngoại, ông Obama có thể làm những gì? Nhớ lại thì trong thời kỳ 1994-1996, ông Clinton không chọn trận thế đối ngoại mà xoay vào đối nội vì thế giới khi ấy không - chưa - có khủng hoảng.

Tổng thống Obama tổ chức họp báo sau khi đảng của ông mất quyền kiểm soát Hạ viện.

Ngày nay, thế giới đang bị khủng hoảng. Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan vẫn còn, các nước Âu-Mỹ vẫn bị các tổ chức khủng bố đe dọa. Cuộc chiến Iraq chưa êm, chiến trường Afghanistan còn nghi ngút khói, Iran vẫn khống chế Trung Đông và cả hai chiến trường kể trên, Pakistan mấp mé khủng hoảng, rồi CHDCND Triều Tiên... Nghĩa là so với ông Clinton thì Tổng thống Obama có khá nhiều cơ hội biểu dương khả năng ổn định toàn cầu của mình trong khi Quốc hội chỉ ngó vào chuyện kinh tế xã hội, như kẻ gọt bút chì giữa cơn hỏa hoạn.

Nhưng, rủi ro lớn vì chuyện thiên hạ không dễ xử lý. Tehran hay Bình Nhưỡng vẫn có thể chơi bạo. Khi kinh tế Mỹ lại chưa sáng sủa, dân Mỹ sẽ thấy Tổng thống chú ý tới quốc tế mà không đạt kết quả gì cho đời sống vẫn u ám của họ. Một rủi ro thứ hai là từ khi tranh cử đến khi chấp chính, ông Obama có chủ trương hòa giải hơn là đối đầu với quốc tế. Nơi duy nhất mà ông tỏ ra cứng cựa - được đảng Cộng hòa ngầm ủng hộ trước sự chống đối của phe cực tả và phản chiến trong đảng Dân chủ - chính là Afghanistan. Ông chỉ còn giải pháp hòa giải với lực lượng Taliban để sớm rút khỏi Afghanistan như đã hứa hẹn. Nhưng khi ấy sẽ bị đảng Cộng hòa kết án là tháo chạy.

Cũng vậy, ông Obama có thể xoay trở với Iran theo ba hướng. Một là mở cuộc chiến không quân nhằm vào các căn cứ chế tạo vũ khí hạt nhân Iran và châm lửa vào dầu khí vì chiến sự sẽ lan rộng tại eo biển Hormuz, với kết quả là kinh tế lập tức đụng đáy lần thứ hai. Hai là hòa giải với Iran và thả nổi cả khu vực Trung Đông cho lãnh đạo Tehran và gây phản ứng hốt hoảng tại các nước Arập Hồi giáo trong vùng, từ Iraq, Arập Xêút tới Ai Cập. Chưa kể Israel. Ông cũng có thể tiếp tục chính sách hiện tại là nói cứ dọa mà không làm gì cả. Lãnh đạo Iran tiếp tục tạo ảnh hưởng tại Iraq qua các nhóm Shiit, tại Liban qua lực lượng Hezbollah, và thậm chí cả Afghanistan. Cả ba giải pháp đều khó như nhau. Nơi an toàn hơn cả cho sự nghiệp chính trị của ông Obama chính là Đông Á.

Trung Quốc là trọng điểm có thể thống nhất hai chuyện đối ngoại và đối nội: hối suất đồng nhân dân tệ ấn định quá thấp khiến dân Mỹ tưởng rằng mình bị mất việc làm vì ngoại thương với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia quan tâm e ngại, từ Ấn Độ đến Nhật Bản, Australia, các nước Đông Nam Á, thậm chí cả Nga, thành viên mới của thượng đỉnh Đông Á. Các quốc gia này đang chờ đợi một vai trò tích cực hơn của Mỹ. Vì vậy, Tổng thống Obama có thể biểu dương thế mạnh với một đối thủ ở xa để chứng tỏ quyền uy vẫn còn của hành pháp và đồng thời tranh thủ hậu thuẫn của phe bảo hộ mậu dịch bên cánh tả - lẫn phe diều hâu bên cánh hữu.

Cái kẹt duy nhất cho ông là nếu có gặt hái thành tích thì đấy là Ngoại trưởng Hillary Clinton. Khi nước Mỹ đang sôi sục với chuyện bầu cử, bà Hillary lẫy lừng vắng mặt và bày tỏ dũng khí ở nơi khác. Mà là nhân vật Dân chủ có uy tín nhất hiện nay. Bà Clinton sẽ làm Ngoại trưởng tới khi nào. Hoặc bao giờ bà Hillary sẽ từ chức để chuẩn bị vòng bầu cử sơ bộ tại Iowa để ra tranh cử tổng thống?

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.