Nóng bỏng cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc

Thứ Tư, 06/04/2016, 16:25
Mặc dù phải đến cuối năm 2016, đương kim Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon mới hết nhiệm kỳ nhưng từ 3 tháng nay, 193 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã bắt đầu thực hiện một cuộc chạy đua tìm ứng viên thích hợp cho mình. Cuộc cải tổ của LHQ cũng thực sự bắt đầu khi cơ chế luân phiên châu lục ở vị trí Tổng Thư ký LHQ sẽ không còn mà thay vào đó là một cuộc bỏ phiếu công khai, minh bạch.

Cuộc đua của các châu lục

Theo thông báo từ LHQ, việc bầu người kế nhiệm Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ diễn ra ở khóa họp của Đại hội đồng LHQ vào mùa thu tới. Tuy nhiên, việc tuyển chọn các ứng viên phù hợp cho vị trí này đã được LHQ khởi động từ ngày 15-12-2015.

Trong lịch sử, việc bầu chọn Tổng Thư ký LHQ diễn ra với những cuộc bỏ phiếu công khai nhưng cũng tuân theo những luật lệ bất thành văn và được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, vị trí này sẽ được chia sẻ với 5 nhóm khu vực Tây Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và Caribbea, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi thông qua tiến trình xoay vòng một cách bán chính thức.

Tổng Thư ký LHQ hiện giờ là một người châu Á. Người tiền nhiệm của ông Ban Ki-moon, là Kofia Annan, một người châu Phi. Đến nay, đã có 3 người từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ Latinh và Caribbea làm Tổng Thư ký LHQ. Vì thế, tại cuộc đua lần này, khu vực Mỹ Latinh đang đòi vị trí để cho cân bằng với các khu vực khác.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Trong khi đó, các nước châu Âu lại lên tiếng đòi quyền cử người của họ vì lần cuối cùng một người châu  Âu đảm trách cương vị này là ông Kurt Waldheim, người Áo từ năm 1972-1981. Hiện tại, các nước thành viên LHQ dường như không bất đồng về quan điểm một người châu Âu có thể kế nhiệm ông Ban Ki-moon. Nhưng trong nội bộ các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu và Đông Âu thì lại mâu thuẫn sâu sắc về việc này. Nga đang đòi rằng nhân vật châu Âu kế nhiệm phải là người đến từ các quốc gia Đông Âu nếu không nước này sẽ dùng quyền phủ quyết. Pháp và Anh thì cho rằng vị trí này phải là của  người Tây Âu.

Sự căng thẳng trong nội bộ Hội đồng Bảo an LHQ đã khiến Đại hội đồng LHQ đưa ra một sáng kiến mới về việc bầu chọn Tổng Thư ký LHQ. Sáng kiến này được thực hiện theo nghị quyết mà Đại hội đồng LHQ thông qua hồi tháng 9.

Theo đó, các ứng viên cho vị trí Tổng Thư ký LHQ phải trình sơ yếu lí lịch và công bố tầm nhìn đối với vị trí điều hành LHQ. Toàn bộ 193 quốc gia thành viên LHQ đều nhận được thư mời đề cử ứng viên mà họ thấy phù hợp cho cuộc chạy đua vào vị trí này. Các ứng viên khi được đề cử hoặc tự ứng cử cũng phải có một số tiêu chuẩn như có kinh nghiệm trong quản lý và xử lý các vấn đề quốc tế, có kỹ năng ngoại giao, sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ. Đặc biệt, lần này LHQ nhấn mạnh, các ứng viên có thể là phụ nữ và rằng cũng đã đến lúc người ta trao cho nữ giới quyền điều hành cơ quan quyền lực nhất thế giới.

Ứng cử viên tiềm năng

Như trong thông báo được gửi đi cùng thư ngỏ, Đại Hội đồng LHQ cũng đã quyết định sẽ để các ứng viên chứng tỏ khả năng của mình thông qua các phiên tranh luận. Phiên đầu tiên dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4. Vì thế, đến ngày 31-3, tức ngày cuối cùng của tháng 3, danh sách các ứng viên tiềm năng gần như đã được hoàn thiện. Đại sứ Mỹ đồng thời là Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Mogens Lykketoft đã tuyên bố "Cuộc đua bắt đầu" khi đọc danh sách các ứng viên mà các nước gửi lên.

Cụ thể có 9 ứng viên đang được coi là cân sức cân tài, trong đó nữ giới chiếm một số lượng không nhỏ. Người đầu tiên được nhắc đến là Antonio Guterres, Cao ủy LHQ về người tị nạn nhiệm kỳ 2005-2015. Ông Antonio Guterres từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002. Mười năm qua, hoạt động của ông về người tị nạn trên thế giới đã được LHQ đánh giá cao. Đây là một tổ chức lớn và Antonio Guterres đã chứng minh được tài ngoại giao của mình khi giúp các quốc gia đạt được những thỏa thuận về người tị nạn một cách thích hợp nhất, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tị nạn vẫn đang đeo bám châu Âu và Trung Đông.

Antonio Guterres, Cao ủy LHQ về người tị nạn nhiệm kỳ 2005-2015.

Ứng viên thứ 2 là nữ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Natalia Gherman. Bà này đã có hàng chục năm làm Đại sứ của Moldova tại các quốc gia ở châu Âu. Bà cũng được các thành viên LHQ biết đến khi thúc đẩy chương trình nghị sự về phát triển bền vững gắn liền với nhân quyền và vấn đề bình đẳng giới. Năm 2014, tờ The Guardian của Anh từng bình chọn Natalia Gherman là một trong 7 phụ nữ có vai trò chính trị toàn cầu làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, do những xung đột giữa Moldova và Nga nên nhiều nhà phân tích cho rằng, Natalia Gherman dễ bị nhận phiếu trắng của Nga.

Phó Thủ tướng Moldova Gherman.

Danilo Turk lại là hình mẫu của người cha thời hiện đại ở Slovenia. Năm ngoái, Danilo Turk đã dẫn đầu một chiến dịch kêu gọi bảo vệ nhân quyền ở Yugoslavia. Trước đó, năm 1985, khi mới 33 tuổi, ông là tác giả của bản dự thảo Tuyên bố về quyền phát triển. Danilo Turke từng làm thư ký các vấn đề chính trị cho Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan và sau đó trở về Slovenia làm Tổng thống từ năm 2007-2012.

Ông Danilo Turk.

Một nhân vât khác cũng đến từ Đông Âu là Igor Luksic, cựu Thủ tướng và hiện giờ là Bộ trưởng Ngoại giao của Montenegro. Đây là một chính trị gia trẻ tuổi, chưa đến 40 tuổi, theo tư tưởng hiện đại, ủng hộ phương Tây và ủng hộ việc Montenegro gia nhập tổ chức Bắc Đại Tây Dương. Vì thế, Igor Luksic cũng không được Nga ủng hộ. Ngoài hoạt động chính trị, Igor Luksic còn là một nhà thảo, ông đã sáng tác 3 tập thơ.

Vesna Pusic, Ngoại trưởng Croatia đồng thời là Phó Thủ tướng nước này được đánh giá là một nữ chính trị gia sắc sảo. Tuy nhiên, bà chưa thực sự nổi bật ở khu vực châu Âu nói riêng chứ chưa nói gì đến thế giới. Trong khi đó, đại diện của Macedonia, cựu Ngoại trưởng Srgjan Kerim lại có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại Đại Hội đồng LHQ.

Phó Thủ tướng Croatia V. Pusic.

Thậm chí, trong thời gian làm trưởng đoàn của Macedonia ở LHQ (2007-2008), ông Srgjan Kerim từng giữ vị trí Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ. Srgjan Kerim còn có lợi thế là có thể nói được 9 ngoại ngữ một cách trôi chảy và có mối quan hệ thân thiết với báo giới bởi ông cũng đang sở hữu một công ty truyền thông ở Skpoje.

Xác nhận kế hoạch chạy đua vào vị trí Tổng Thư ký LHQ trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Nova của Bulgaria hồi đầu tháng 1, Giám đốc tổ chức UNESCO Irina Bokova cho biết, bà sẽ là ứng cử viên của Bulgaria và cần sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan, trong đó có các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Cộng đồng ngoại giao Bulgaria và Hiệp hội quốc gia về quan hệ quốc tế hồi giữa tháng 1 cũng công bố tài liệu của họ và gửi chúng tới Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov và Ngoại trưởng Daniel Mitov với lời khẳng định là Giám đốc UNESCO là "cơ hội vàng" để Bulgaria tăng cường tiếng nói chính trị trong các tổ chức trên thế giới.

Các nhà phân tích nhận định, Irina Bokova có mối quan hệ khá thân thiệt với Moscow và lại là một người châu Âu nên khả năng trúng cử sẽ rất cao. Tuy nhiên, Irina Bokova cũng có nhiều đối thủ mạnh như cựu Thủ tướng New Zeland hiện là người đứng đầu chương trình phát triển của LHQ Helen Clark. Đây là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất ở LHQ. Vai trò của bà Helen Clark tại chương trình phát triển của LHQ đã được nói đến rất nhiều và các quốc gia thành viên của Đại Hội đồng LHQ đều yêu mến bà.

Nhân vật cuối cùng được nhắc đến là "người đàn bà thép" của Đức, nữ Thủ tướng Angela Merkel. Dù gặp nhiều sóng gió trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu nhưng bà Angela Merkel vẫn được coi là "thiên thần" của nước Đức. Bà đứng trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong nhiều năm liền và luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các quốc gia trên thế giới từ châu Âu sang châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Vì thế, có nhà phân tích cho rằng, nếu từ bỏ vị trí Thủ tướng Đức, nhiều khả năng, bà Angela Merkel có thể kế vị vị trí của ông Ban Ki-moon.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.