Nóng nghị trường cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ

Thứ Hai, 23/11/2015, 11:45
Những vụ tấn công khủng bố thủ đô Paris nước Pháp gây chấn động thế giới mới đây thật sự đã tác động không nhỏ đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ. Các ứng cử viên đang tập trung thông điệp của họ vào mối đe dọa khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm vào nước Mỹ. Đối với nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa và những người ủng hộ họ, bạo lực khủng bố thể hiện vai trò lãnh đạo chưa đủ mạnh mẽ của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.


Phần lớn các ứng cử viên hàng đầu thuộc đảng Cộng hòa đều có bài phát biểu tại "Hội nghị thượng đỉnh Sunshine" tổ chức tại Rosen Shingle Creek ở Orlando bang Florida hôm 14/11 vừa qua và sau đó mọi người có mặt tại sự kiện được yêu cầu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris vào tối 13/11 gây thương vong cho hàng trăm người dân vô tội. Sang ngày hôm sau, các ứng cử viên đảng Cộng hòa tức tốc thay đổi nội dung những bài diễn văn tranh cử của mình và tập trung vào những vụ tấn công khủng bố ở Paris. Ngoài ra, họ cũng đào sâu vào những sai lầm của đảng Dân chủ cầm quyền hiện nay trong sách lược đối phó với các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS.

Cựu Thống đốc bang Virgnia Jim Gilmore - người giữ chức vụ này trong suốt sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ - phát biểu với báo chí: "Tôi cho rằng những vụ tấn công liên hoàn ở Paris về cơ bản là ngày 11-9 đối với nước Pháp".

John Kasich.

Còn Thống đốc bang Ohio John Kasich tuyên bố: ông nhìn thấy thảm kịch ở Paris là hậu quả của một nước Mỹ đã có vẻ miễn cưỡng với vai trò lãnh đạo. John Kasich kêu gọi Mỹ nhanh chóng tổ chức một kế hoạch đáp trả đồng nhất từ các quốc gia trong Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Rand Paul chỉ trích ứng cử viên tiềm năng Marco Rubio của đảng Cộng hòa khi người này phát ngôn sẽ hợp tác với các thành viên đảng Dân chủ để ngăn cản biện pháp "tăng cường theo dõi" những người muốn bước vào nước Mỹ do ông đề xuất. Rand Paul nói: "Một trong những bài học mà chúng ta học được từ bi kịch ở Paris là chúng ta cần phải hết sức cẩn thận và cảnh giác cao độ đối với những người đến thăm, nhập cư hay đang học tập tại Mỹ".

Nữ ứng cử viên Carly Fiona kết thúc ngày “Hội nghị Sunshine” với bài diễn văn chỉ trích mạnh mẽ chính phủ cầm quyền hiện nay ở Mỹ: "Tôi rất giận dữ bởi vì những vụ giết người, gây thương vong cho người vô tội, mối nguy hiểm và bi kịch mà chúng ta nhìn thấy xảy ra ở Pháp, khắp Trung Đông và quá thường xuyên ở quê hương chúng ta là hậu quả trực tiếp từ các chính sách của chính phủ hiện nay. Người ta không thể lãnh đạo từ phía sau".

Hillary Clinton.

 Mặc dù thảm kịch khủng bố ở Paris có tác động đến lập trường về các vấn đề quốc tế trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ, song gần như mỗi ứng cử viên đảng Cộng hòa vẫn không bỏ qua một bên chính sách về Trung Đông mà họ thường xuyên đề cập đến trong chiến dịch tranh cử suốt nhiều tháng qua - bao gồm cuộc chiến chống IS, sự ủng hộ đối với Israel và sự chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Dĩ nhiên, không có gì ngạc nhiên khi mà những người tham dự “Hội nghị Sunshine” đều nhận thức rằng sự kiện Paris vừa qua thật ra chỉ làm nổi bật lên lần nữa những gì mà họ đã biết về sự nguy hiểm của thế giới hiện nay. Một số người muốn nhân sự kiện khủng bố ở Paris để có lập luận đánh bại ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Carly Fiona.

Giám đốc Ngân hàng Mỹ (Bank of America) Ken Lewis, người ủng hộ ứng cử viên Ted Cruz, lên tiếng: "Tôi nhìn thấy mối đe dọa của IS từ bên ngoài, và tôi nhìn thấy bọn chúng đang cố gắng thâm nhập nước Mỹ. Điều trước tiên là chúng ta cần có người để tin tưởng cho vị trí tổng tư lệnh, và người đó không thể là Hillary Clinton".

Hôm 14/11, 3 ứng cử viên đảng Dân chủ - cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và cựu Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley - cũng bước vào cuộc tranh luận sôi nổi không kém về cuộc khủng bố ở Pháp từ thành phố Des Moines, bang Iowa. Tuy nhiên, không giống như thành viên đảng Cộng hòa, chính khách đảng Dân chủ không dành nhiều thời gian để tranh luận về chính sách đối ngoại - mà thay vào đó là những vấn đề trong nước như sự bất bình đẳng, giáo dục bậc đại học và tội phạm.

Về phần mình, Hillary Clinton có vẻ như không dứt khoát rõ ràng về mối đe dọa từ IS khi bà cho rằng, nước Mỹ cần "trừ tận gốc" IS rồi sau đó nói "đó không là cuộc chiến của nước Mỹ" nhưng "vai trò lãnh đạo của Mỹ là chủ yếu". Dĩ nhiên, một phần thách thức của Hillary Clinton là lập trường chính sách đối ngoại của bà gắn chặt với sự thành công của Obama trong những nỗ lực chống lại mối đe dọa IS.

Từ trái qua: Marco Rubio, Ted Cruz và Donald Trump.

Cựu Thống đốc bang Florida thuộc đảng Cộng hòa Jeb Bush đánh giá trong một cuộc phỏng vấn của CNN: "Đây là cuộc chiến tranh trong thời đại chúng ta, và chúng ta cần tạo ra một chiến lược để đối phó với nó". Jeb Bush cũng lưu ý: nước Mỹ nên dành sự ưu tiên bảo vệ cho những người Syria tị nạn là người Thiên Chúa giáo.

Ted Cruz cũng cùng ý kiến, cho rằng nước Mỹ chỉ nên chấp nhận những người tị nạn Thiên Chúa giáo đồng thời chỉ trích kế hoạch của Obama đồng ý cho "hàng chục ngàn người Hồi giáo Syria tị nạn" là "điên rồ". Ông cũng kêu gọi nước Mỹ sử dụng "sức mạnh không quân áp đảo" ở Syria và cung cấp thêm nhiều vũ khí nữa cho các lực lượng người Kurd.

Tỷ phú ứng cử viên Donald Trump phát biểu trước đám đông cử tri ủng hộ ông rằng "tình huống sẽ khác đi nhiều lắm" nếu như người dân Paris được phép mang súng và khẳng định đề nghị tấn công những mỏ dầu nằm dưới sự kiểm soát của IS trước đây của ông đã được chứng minh là đúng đắn.

Còn Marco Rubio công bố một video trong đó ông mô tả cuộc chiến chống IS là "cuộc xung đột giữa các nền văn minh. Hoặc bọn chúng sẽ chiến thắng hoặc chúng ta chiến thắng".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.