Nữ Chủ tịch người Hồi giáo đầu tiên trong Nghị viện Đức

Thứ Sáu, 20/05/2016, 17:35
Mới đây, nữ chính khách đảng Xanh Muhterem Aras, 50 tuổi, được bầu vào chức vụ Chủ tịch Nghị viện bang Baden-Wurttemberg miền nam nước Đức và trở thành người Hồi giáo đầu tiên giữ vị trí này trong lịch sử nước Đức. Bà tuyên bố sau chiến thắng: “Hôm nay, chúng ta đã viết nên lịch sử”.

Trường hợp của bà Aras là minh chứng về sự hội nhập thành công ở nước Đức. Bà Aras mô tả chiến thắng của mình với thông điệp về “sự cởi mở, khoan dung và tăng cường hội nhập”.

Muhterem Aras chào đời ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi lên 12 tuổi, bà cùng cha mẹ di cư đến một thị trấn gần thành phố Stuttgart miền nam nước Đức. Bà theo học ngành Kinh tế Đại học Hohenheim trước khi thành lập công ty cố vấn thuế riêng của mình với đội ngũ 12 nhân viên làm nên câu chuyện thành công do tự lập ở Đức.

Aras bắt đầu bước vào chính trường năm 1992, ủng hộ đảng Xanh trong hội đồng địa phương và sau đó dần bước lên vị trí lãnh đạo đảng này trước khi trở thành Chủ tịch Nghị viện bang Baden-Wurttemberg (bang lớn thứ 3 nước Đức) với tuyệt đại đa số phiếu bầu. Cuộc bầu cử diễn ra giữa bầu không khí căng thẳng liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, nhập cư và chủ nghĩa cực đoan ở nước Đức.

Nghị viện bang Baden-Wurttemberg và Muhterem Aras (ảnh nhỏ).

Hôm 10-5-2016, một thanh niên 27 tuổi hét to “Allahu Akbar” (Thánh Alla vĩ đại) trước khi dùng dao tấn công loạn xạ, giết chết 1 người và làm bị thương 3 người khác. Vụ việc xảy ra tại nhà ga Grafing gần thành phố Munich thuộc bang Bavaria miền nam nước Đức và nghi can là công dân Đức nhưng không sinh sống tại nước này. Động cơ tấn công được các nhà điều tra nhận định là có liên quan đến chính trị.

Các thành viên của đảng cực hữu chống nhập cư “Sự thay thế cho nước Đức” (AfD) từ chối tham gia phiên họp đầu tiên với tư cách là Chủ tịch Nghị viện bang Baden-Wurttemberg của bà Muhterem Aras. Vào đầu tháng 5, AfD tuyên bố Hồi giáo không phù hợp với Hiến pháp Đức đồng thời kêu gọi ngăn cấm mặc burqa - trang phục của phụ nữ Hồi giáo che kín người chỉ trừ đôi mắt.

Một cuộc điều tra gần cho thấy khoảng hai phần ba dân số Đức nghĩ Hồi giáo không “thuộc về” đất nước của họ. Kết quả điều tra nêu bật sự thay đổi thái độ của người Đức sau những vụ tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu ở thủ đô Pháp và Bỉ cũng như việc hơn 1,1 triệu người tị nạn tràn vào Đức năm 2015. Khoảng 60% trong số 1.003 người trả lời cuộc điều tra tuyên bố tôn giáo không có chỗ tại Đức, trong khi 34% khác nhấn mạnh rằng “có”.

Nước Đức là nhà của khoảng 4 triệu người Hồi giáo - chiếm 5% dân số nước này. Nhiều người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Đức và trong năm 2015 hàng ngàn người tị nạn đến từ nhiều nước khác như Syria, Iraq và Afghanistan.

An Di (tổng hợp)
.
.