Nữ thẩm phán Tòa án Tối cao đầu tiên của Afghanistan

Thứ Ba, 14/07/2015, 23:00
Ngày 30/6 vừa qua, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chỉ định bà Anisa Rasouli vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao nước này. Bà Anisa tốt nghiệp Khoa Luật và Chính trị Đại học Kabul năm 1986. Đây là động thái chưa từng có khiến giới giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ phẫn nộ. Anisa Rasouli là lãnh đạo Hiệp hội Các nữ thẩm phán Afghanistan và nguyên thẩm phán tòa án vị thành niên.

Tổng thống Ashraf Ghani phát biểu trong cuộc họp các nhà ngoại giao và nhà hoạt động quyền phụ nữ tại Bộ Ngoại giao ở Kabul hôm 30/6: "Tôi hãnh diện để thông báo rằng đây là lần đầu tiên tôi chỉ định một phụ nữ vào Tòa án Tối cao. Việc chỉ định một phụ nữ vào Tòa án Tối cao không làm thay đổi hệ thống tư pháp".

Trong khi đó, Hội đồng các giáo sĩ Hồi giáo Ulema của Afghanistan phản đối quyết liệt quyết định trên của Tổng thống Ghani, cho rằng Hồi giáo hay Luật Sharia không cho phép một phụ nữ chiếm giữ vị trí thẩm phán tối cao.

Người phát ngôn của Hội đồng Attaullah Ludin cho rằng: "Chúng tôi đã bày tỏ lập trường trong một bức thư gửi đến Tổng thống, yêu cầu ông thu hồi lại quyết định bởi vì chưa hề có một nữ thẩm phán trong lịch sử Hồi giáo".

Sự chỉ định, đòi hỏi phải có sự phê chuẩn từ Quốc hội, là một phần trong những nỗ lực của chính quyền thống nhất của Ghani nhằm đưa nhiều phụ nữ hơn vào những vị trí cao từ khi ông và Thủ tướng Abdullah Abdullah nắm giữ quyền lực lãnh đạo Afghanistan hồi tháng 9/2014. Theo quy định của Hiến pháp, các thẩm phán Tóa án Tối cao có nhiệm kỳ 10 năm. Tháng 4 vừa qua, các nhà lập pháp đã phê chuẩn các quyết định bổ nhiệm của Tổng thống Ghani đối với nhiều vị trí trong nội các Afghanistan, trong đó bao gồm 4 phụ nữ.

Việc Tổng thống Ghani chỉ định 2 nữ thống đốc ở tỉnh Ghor và tỉnh Daikundi cũng đã gây chú ý cho các nhà hoạt động nhân quyền. Tổng thống Ghani đã bày tỏ mong muốn với các bộ trưởng bổ nhiệm phụ nữ vào chiếc ghế thứ trưởng. Tuy nhiên, các quyết định sử dụng phụ nữ của Ghani đã gặp phải sự giận dữ của một số học giả Hồi giáo có ảnh hưởng của quốc gia Afghanistan bảo thủ này.

Tổng thống Ashraf Ghani (giữa) và phu nhân Rula cùng với Ngoại trưởng Salahuddin Rabbani trong cuộc họp với các nhà ngoại giao và nhà hoạt động nữ quyền tại Bộ Ngoại giao ở Kabul ngày 30/6/2015.

Vào đầu tháng 6, một nhóm học giả Hồi giáo tụ tập tại thủ đô Kabul để phản đối khả năng Anisa Rasouli chính thức được Quốc hội phê chuẩn vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao nước này. Gần 14 năm sau khi chế độ Taliban sụp đổ, phụ nữ nước này đã có được một số tiến bộ đáng kể với sự xuất hiện của một số nhà lập pháp là nữ giới và nhân viên an ninh là nữ cũng trở nên phổ biến.

Phu nhân Tổng thống Ghaini - bà Rula Ghani - đã  bước ra ngoài ánh sáng trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của chồng hồi năm 2014 và tích cực tham gia các chiến dịch vận động cho quyền phụ nữ kể từ đó. Nhưng các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng, phải còn mất nhiều thời gian nữa phụ nữ Afghanistan mới thực sự được tự do.

Ngày 19/3/2015, một phụ nữ Afghanistan tên là Farkhunda bị một nhóm gồm 49 người dân tấn công tàn bạo mà không qua xét xử vì tội đốt kinh Koran trong khi không có chứng cứ. Vụ việc đã làm bùng phát làn sóng phản đối khắp đất nước đồng thời thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Ghani và chính quyền Mỹ đã lên án mạnh mẽ vụ hành hình dã man này.

Liên quan đến vụ việc, một tòa án ở Kabul đã tuyên án tử hình đối với 4 người đàn ông tham gia cuộc hành hung tập thể đã giết chết người phụ nữ 27 tuổi trước khi ném xác nạn nhân xuống sông Kabul. Tòa án Kabul cũng tuyên án tù 16 năm đối với 8 bị can khác. Trong khi đó, có 14 cảnh sát bị đình chỉ khi có đơn tố cáo họ tham gia vụ tấn công và cố tình không ngăn chặn vụ việc.

Bà Anisa Rasouli.

Trước động thái mới của Tổng thống Ghani, Nhóm ủng hộ quyền chính trị cho phụ nữ Afghanistan (WPRAG) đã lên tiếng hoan nghênh hành động của Chính quyền Thống nhất Quốc gia (NUG) và coi đây là một bước tích cực đi đến việc thể chế hóa các quyền của phụ nữ.

Thành viên nữ trong Tòa án Tối cao là đòi hỏi chính của nhóm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Afghanistan năm 2014. Lúc đó, các ứng cử viên tổng thống đều hứa hẹn sẽ chỉ định một phụ nữ vào vị trí này. Sau khi NUG được thành lập, các thành viên WPRAG vẫn tiếp tục theo đuổi mục đích của nhóm là gia tăng số phụ nữ tham gia vào cơ cấu chính trị của đất nước. Những tổ chức mà WPRAG muốn có mặt phụ nữ bao gồm: cơ quan ngoại giao, vị trí thứ trưởng trong các bộ, tổng giám đốc cơ quan, các ủy ban độc lập và lãnh đạo địa phương.

WPRAG được thành lập từ các phụ nữ nổi tiếng gồm các thành viên trong nghị viện, cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội, các đảng phái chính trị và phụ nữ hoạt động độc lập. Cách đây 4 năm, WPRAG được thành lập với sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ chức phi lợi nhuận Quỹ bầu cử tự do và công bằng Afghanistan (FEFA).

Dưới chế độ Taliban hà khắc trước đây (1996 -2001), phụ nữ bị cấm rời khỏi nhà nếu như không có nam giới đi kèm và thường bị tước đoạt các quyền cơ bản như là giáo dục. Giờ đây, phụ nữ đã được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền Ghani bao gồm các bộ Lao động, Giáo dục, Phòng chống ma túy và các vấn đề vể phụ nữ. Tổng thống Ghani cũng cam kết sẽ đưa thêm nhiều phụ nữ vào vị trí đại sứ và thống đốc trong tương lai.

Bà Anisa Rasouli hứa hẹn sau khi chính thức ngồi vào chiếc ghế thẩm phán Tòa án Tối cao Afghanistan, bà sẽ đưa thêm nhiều phụ nữ vào hệ thống tư pháp đất nước và giải quyết thỏa đáng những vụ án sử dụng bạo lực chống lại phụ nữ cũng như dập tắt nạn tham nhũng trong chính quyền.

Di An (tổng hợp)
.
.