Nữ thủ tướng đầu tiên của quốc đảo lớn nhất thế giới

Thứ Ba, 14/05/2013, 03:35

Sau khi trở thành vùng đất tự trị trong thành phần Vương quốc Đan Mạch hơn 3 thập niên trước, lần đầu tiên đảo quốc Greenland mới có nữ Thủ tướng, đánh dấu tiến trình tranh đấu cho sự bình đẳng giới đã thắng thế tại đây, cũng như khẳng định vai trò của sắc dân bản địa được nâng cao.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Greenland tháng 3 vừa qua, đảng Siumut cánh tả theo xu hướng dân chủ xã hội đã giành chiến thắng với 42,8% tổng số phiếu, đem đến cho thủ lĩnh của đảng là bà Aleqa Hammond, 48 tuổi, quyền đứng ra thành lập chính phủ mới.

Sinh ngày 23/9/1965 tại thị trấn Narsaq thuộc vùng cực nam Greenland, lớn lên ở thành phố Uummannaq thuộc khu vực miền Trung phát triển nhất của đảo quốc. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Greenland tại thủ đô Nuuk, cũng là cơ sở đào tạo cao học duy nhất trên hòn đảo lớn nhất thế giới vào năm 1993, Aleqa Hammond bắt đầu công tác trong ngành du lịch ở vịnh Disko, cửa ngõ phía tây của Greenland.

Liên tục suốt 10 năm, từ năm 1995 đến 2005, bà A. Hammond lần lượt giữ các chức vụ quan trọng góp phần thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói", vốn là một thế mạnh của nền kinh tế Greenland khuếch trương ra thế giới.

Sự nghiệp chính trị của nữ thủ tướng tương lai chính thức khởi sự chỉ sau 2 năm trở thành công chức nhà nước trong ngành du lịch. Ngay từ giữa năm 1995, cô sinh viên Aleqa vừa ra trường đã được tin tưởng nhận làm cộng tác viên "ruột" cho Phòng Thông tin, trực thuộc Ban thư ký nội các dưới thời cựu Thủ tướng Lars Emil Johansen, cũng là cơ quan tham mưu tổng hợp cung cấp tin tức cho người phát ngôn của Chính phủ.

Tháng 11/2005 bà A. Hammond lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội Greenland trong thành phần nhóm nghị sĩ cánh tả của đảng Siumut, tổ chức chính trị non trẻ mới xuất hiện trên chính trường chưa đầy 2 thập niên trước và liên tục đắc cử từ đó cho đến nay. Rồi chỉ hơn 1 tháng sau, nữ nghị sĩ A. Hammond mới 40 tuổi đã được Thủ tướng L. Johansen bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chính sách gia đình, một cơ quan quản lý trọng yếu dẫn dắt quần thể dân cư Greenland bản địa trong tiến trình hội nhập với thế giới.

Một năm sau, bà A. Hammond lại lần lượt được giao các trọng trách là người đứng đầu Bộ Ngoại giao, rồi Bộ Tài chính là cơ quan quan trọng nhất trong nội các giúp định hình đường lối phát triển mang tính chiến lược của đảo quốc. Nhưng vào cuối năm 2008 nữ Bộ trưởng A. Hammond đã cương quyết từ nhiệm nhằm phản đối nạn thâm thủng ngân sách trầm kha của chính phủ…

Sau khi đảng Siumut thất bại trong cuộc bầu cử dạo năm 2009, thủ lĩnh Hans Enoksen 53 tuổi cũng là vị Thủ tướng vừa thất sủng đã quyết định thoái lui, nhường vai trò Chủ tịch đảng Siumut cho A. Hammond. Dưới sự lãnh đạo của bà, đảng Siumut đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua. Ngoài tiếng Greenland mẹ đẻ và tiếng Đan Mạch ra, tân Thủ tướng Aleqa Hammond còn sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Đức, do bà đã từng có thời gian tu nghiệp cao học ngành Quản trị kinh doanh du lịch ở Montreal (Canada).

Cho dù đã ngấp nghé ngưỡng "ngũ tuần" nhưng Thủ tướng A. Hammond vẫn còn độc thân,  bạn trai hiện thời của bà là ông Tom Ostermann, 53 tuổi, chủ một doanh nghiệp đóng tàu đánh cá. Tuy đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc đảo lớn nhất thế giới, nhưng bà A. Hammond không dọn tới tòa dinh thự bề thế dành cho người đứng đầu nội các, mà vẫn sống trong một ngôi nhà gỗ mộc mạc nhìn ra bến cảng cũ ở thủ đô Nuuk.

Một trong những chính sách vượt trội của chính phủ mới hình thành vừa tròn 1 tháng tuổi, là áp dụng chế độ giáo dục hoàn toàn miễn phí đối với mọi bậc học. Ngoài ra còn chu cấp học bổng, cũng như kinh phí sinh hoạt và đi lại cho bất cứ sinh viên nào muốn theo học tại các trường đại học ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Trong thực tế hầu hết các sinh viên Greenland đều chọn cách sang Đan Mạch du học vì điều kiện ngôn ngữ thuận lợi, bởi tiếng Kalaallisut bản địa cùng với tiếng Đan Mạch là 2 ngôn ngữ song hành chính thức tại Greenland.

Với dân số 56.370 người cùng mật độ 0,025 người/km², quốc đảo Greenland được Liên Hiệp Quốc xếp hạng thứ 230 là nước có mật độ dân cư thưa thớt nhất thế giới. Theo thỏa thuận công nhận sự độc lập của Greenland có hiệu lực kể từ giữa năm 2009, Chính phủ Đan Mạch sẽ giữ lại quyền kiểm soát các lĩnh vực then chốt như đối ngoại, quốc phòng và an ninh.

Đồng thời Copenhagen cũng cung ứng khoản trợ cấp thường niên là 3,4 tỉ krone (DKK), tương đương phân nửa tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Greenland. Tuy nhiên khoản trợ cấp này sẽ giảm dần theo thời gian, khi nền kinh tế của Greenland được củng cố bởi nguồn thu nhập tăng thêm từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Theo các nhà quan sát am hiểu thì tân Thủ tướng A. Hammond đang phải đối mặt với nhiệm vụ nan giải nhất là kiềm chế các công ty "cá mập" nước ngoài, để bảo vệ nguồn lợi tài nguyên nhất là những tài nguyên chiến lược, cũng như giữ gìn môi trường sinh thái cố hữu cho đất nước.

Đảo quốc Greenland rộng lớn với diện tích gấp 4 lần nước Pháp với trữ lượng khoáng sản khổng lồ gồm dầu mỏ, khí đốt, uran, vonfram, nhôm... cũng như nhiều loại đá quý chưa được khai thác, do vậy khó tránh khỏi sự nhòm ngó của các công ty đa quốc gia đầy tiềm lực

Kim Dung (tổng hợp)
.
.