Nước Áo hoài nghi và mối đe dọa cuộc cải cách Âu châu

Thứ Hai, 23/10/2017, 20:34
Các nhà lãnh đạo châu Âu, những người hy vọng sẽ thực hiện các cuộc cải cách sâu rộng đối với Liên minh châu Âu (EU) đã nhận được “cú sốc” khi Đảng Nhân dân (OeVP) của Áo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra hôm 15-8, tiếp sau là Đảng Tự do (FPO) theo đường lối cực hữu với 26,9% và Đảng Dân chủ Xã hội thiên tả đứng thứ 3 với 25%.

Với kết quả này, chắc chắn Chính phủ Áo sẽ có một chính phủ cánh hữu mang tư tưởng hoài nghi châu Âu và không ủng hộ cải cách, một chủ trương vừa được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất nhằm “tái sinh” lục địa già sau nhiều cuộc khủng hoảng.

Với phát biểu: “Áo phải đóng vai trò quan trọng trong EU và chúng ta không chỉ đấu tranh vì châu Âu mà còn phải là thành phần đặc biệt năng động trong châu Âu", giới phân tích cho rằng thủ lĩnh đảng Nhân dân OeVP Sebastian Kurz, 31 tuổi, được dự báo sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ nhất châu Âu và rất có thể liên minh với FPO của ông Heinz để thành lập chính phủ.

Ông Kurz nhấn mạnh trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, OeVP muốn EU dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt đối với Nga và Áo có thể tham gia nhóm Visegrad (gồm CH Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary - gọi tắt là V4) phản đối cách thức EU đối phó với vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Theo một số chuyên gia, chưa chắc liên minh OVP-FPO đã hào hứng với việc cải cách EU, và quan điểm chống nhập cư của họ có thể làm "ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đoàn kết của EU". Cả OeVP và FPO đều thể hiện quan điểm chống nhập cư. Nhà lãnh đạo FPO Strache thậm chí trước đó còn ca ngợi Brexit (nước Anh rời khỏi EU) và nói rằng ông sẽ ủng hộ việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự (Brexit) tại Áo "để xem ý nguyện của người dân".

Các chính sách nói trên sẽ đặt liên minh OePV-FPO vào tình trạng đối đầu với các cuộc cải cách triệt để EU mà nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron - người muốn mở rộng châu Âu cũng như tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhập cư - nêu ra.

Hiện EU đang theo dõi xem liệu những khẩu hiệu vận động này có biến thành hành động hay không, đặc biệt là khi nó đụng chạm đến chính sách nhập cư. Và nếu xảy ra, một loạt cuộc trưng cầu dân ý ở Áo có thể làm chậm lại tiến trình ra quyết định của EU và cản trở tiến bộ ở Brussels.

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh chính phủ mới ở Áo chắc chắn sẽ "không thực sự hào hứng với kế hoạch đầy tham vọng của Emmanuel Macron về một sự hội nhập lớn hơn nữa trong EU". Nếu chính sách người tị nạn của Áo xấu đi đến mức không đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU về việc bảo vệ nhân quyền - như đã xảy ra ở Hungary - và nước này đề ra các chính sách kiểm soát biên giới lâu dài, thì các nguyên tắc và chính sách nói chung của EU sẽ ở trong tình trạng căng thẳng nghiêm trọng.

Người Áo lâu nay vẫn là những người phản đối mạnh mẽ nhất việc mở rộng EU. Nếu sự bài ngoại này được coi là nền tảng để thúc đẩy thái độ chống EU và chống Hồi giáo thì chắc chắn tình hình sẽ xấu đi nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo dự đoán cách tiếp cận của chính phủ sắp tới ở Áo đối với EU chắc chắn sẽ thận trọng, do bản chất của công chúng cũng như giới tinh hoa nước này là "hoài nghi ở mức vừa phải", còn tầng lớp chính trị sẽ muốn duy trì vị thế trung tâm châu Âu của mình - và gần gũi với Đức.

Lãnh đạo đảng bảo thủ (OeVP) Sebastian Kurz, 31 tuổi, lúc vận động tranh cử tại Vienna (Áo).

Nhiều khả năng Áo sẽ đi theo con đường của Slovakia chứ không phải Hungary: không thực sự hào hứng với kế hoạch đầy tham vọng của Emmanuel Macron về việc hội nhập EU hơn nữa, nhưng mong muốn được giữ vị trí số một trong các thành viên EU và đặc biệt là các thành viên của khu vực đồng euro.

Giới phân tích cho rằng OeVP - FPO sẽ là đối tác cứng rắn hơn đối với Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp trong bối cảnh hai đảng này đang nỗ lực thúc đẩy công cuộc cải cách khu vực đồng euro và các chính sách người tị nạn của EU. OeVP ca ngợi Thủ tướng Hungary Viktor Orban vì đã dựng một hàng rào dọc biên giới nước này nhằm ngăn người nhập cư.

FPO thì nói rằng Áo nên gia nhập nhóm Visegrad gồm các nước Đông và Trung Âu - Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia - những nước cùng phản đối hạn ngạch tiếp nhận người di cư mà Berlin và Brussels đưa ra cho EU. Cả OeVP và FPO đều hoài nghi về các bước hướng tới việc hội nhập chặt chẽ hơn nữa khu vực đồng euro, đặc biệt là những thay đổi sẽ làm tập trung quyền lực vào tay Brussels, chẳng hạn như ý tưởng của Macron về việc thành lập một ngân sách và chỉ định một bộ trưởng tài chính cho khu vực đồng euro.

Sau các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp trong năm nay, nhiều người vội vàng tuyên bố làn sóng dân túy cực hữu ở châu Âu đã "chết". Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Đức hồi tháng trước - với việc đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chống nhập cư trúng vào quốc hội - và hiện giờ là cuộc bầu cử ở Áo đã chứng minh ý kiến trên là hoàn toàn sai. Kết quả mà FPO nhận được đã mở đường đưa đảng này bước vào chính phủ.

Kết quả bầu cử ở Áo cũng cho thấy cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2005 đã để lại những vết thương khá sâu trong lòng các cử tri châu Âu, đặc biệt là ở những nước được coi là "tâm điểm" của "cơn bão người tị nạn". Số người xin tị nạn ở Áo đã giảm mạnh trong năm qua. Tuy nhiên, vấn đề người di cư vẫn là một chủ đề nổi bật trong cuộc bầu cử này.

Giới chuyên gia nhận xét: "Cuộc bầu cử ở Đức đã đưa chủ nghĩa dân túy trở lại trung tâm của cuộc tranh luận, còn cuộc bầu cử ở Áo sẽ tiếp sức cho nó".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.