Nước Mỹ với bài toán khôi phục đồng minh

Thứ Ba, 15/12/2020, 10:02
Việc Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố lựa chọn người phụ tá lâu năm Antony Blinken làm Ngoại trưởng Mỹ đã được các bộ máy chính sách đối ngoại ở châu Á và châu Âu hoan nghênh và cũng được Trung Quốc chào đón một cách thận trọng.

Theo các dự báo, các nhân tố then chốt dẫn đến sự lựa chọn này là các đồng minh, xuất phát từ quan điểm của ông Blinken: Sức mạnh của Mỹ nằm ở khả năng tập hợp đồng minh và đối tác tiến tới một sự nghiệp chung.

Ông Blinken, 58 tuổi, là con trai một người sống sót sau cuộc thảm sát người Do Thái trong Thế chiến II, có niềm tin tưởng sâu sắc vào nhân quyền và có tư tưởng quốc tế tự do. Trong hơn 2 thập niên là quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Clinton và Obama, ông đã xây dựng cho mình hình ảnh một nhà ngoại giao lịch thiệp với niềm tin mạnh mẽ vào tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, vốn là tài sản quý giá trong quan hệ với các đồng minh ở châu Âu và những nơi khác sau thời gian mối quan hệ này diễn biến xấu đi dưới thời ông Donald Trump.

Ông Blinken được cho là một người có tư tưởng quốc tế tự do.

Quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu có lẽ sẽ có nhiều biến đổi với việc ông Blinken giữ vai trò then chốt trong công tác ngoại giao. Ông Blinken đã sống ở Paris khi còn nhỏ và gắn bó chặt chẽ với nơi này. Cha và bác của ông đều là đại sứ Mỹ tại châu Âu. Ông nói tiếng Pháp trôi chảy.

Theo ông Blinken, châu Âu là đối tác của phương sách đầu tiên, chứ không phải cuối cùng, khi đương đầu ví những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đánh giá lại các liên minh này, đầu tiên là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền của ông Biden.

Về phần mình, châu Âu dường như cũng rất hăng hái hợp tác với Mỹ. Thông tin cho hay nhóm điều hành Liên minh châu Âu đang soạn thảo một văn kiện về việc thành lập một liên minh với Mỹ nhằm định hình môi trường pháp lý kỹ thuật số. Tạp chí Financial Times đã trích dẫn từ văn kiện này, nói về sự thống nhất mà Mỹ và EU cần phải gắn kết trong giai đoạn sắp tới.

Theo các nhà phân tích, đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy châu Âu và Mỹ cùng nhau hình thành một mặt trận chung. Những đề cử công khai của ông Biden là tín hiệu rõ ràng đến các đồng minh và đối tác về tư duy của chính quyền mới đối với các vấn đề công nghệ. EU cũng đang phát tín hiệu về sự cởi mở của mình đối với các cuộc thảo luận về các vấn đề đó.

Theo chuyên gia Martijn Rasser thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ mới, Mỹ và EU hẳn vẫn có những lĩnh vực bất đồng như bảo mật và quản lý dữ liệu và thế giới công nghệ lớn nhưng đây không phải là những trở ngại không thể vượt qua.

Ông từng là quan chức cấp cao về chính sách dưới thời ông Obama.

Mỹ và EU cũng bị vướng vào một số tranh chấp thương mại nhưng cựu Đại sứ Mỹ tại EU, ông Anthony Gardner tin tưởng rằng những mâu thuẫn thuế quan theo kiểu "ăn miếng trả miếng" có thể được giải quyết. Trong một cuộc hội thảo trực tuyến được tổ chức bởi nhóm các nghị sĩ EU, ông này phát biểu: "Một "lệnh ngừng bắn" sẽ đem lại cho chúng ta thời gian để giải quyết dứt điểm các vấn đề với hy vọng có thể bắt đầu lại mọi thứ và tập trung vào những vấn đề thực sự quan trọng.

Và những vấn đề thực sự quan trọng đó là Trung Quốc và việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)". Ông này cũng nói thêm rằng hai bên cần cùng nhau điều chỉnh các tiêu chuẩn về công nghệ trong tương lai, bao gồm công nghệ nhận diện khuôn mặt, giám sát bằng hình ảnh và các phương tiện tự hành.

Và những vấn đề này có khả năng sẽ được ông Blinken ưu tiên. Theo ông Blinken, "việc tuân theo chuẩn mực về giá trị của ai trong lĩnh vực công nghệ sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong đời sống người dân trên khắp hành tinh này. Chúng ta phải làm tốt hơn việc dẫn dắt, phối hợp và hợp tác với các nền dân chủ công nghệ khác để đảm bảo rằng chúng ta, chứ không phải ai khác, đặt ra những tiêu chuẩn này".

Giống với châu Á, châu Âu cũng có sự dè dặt nhất định trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Tiến sĩ Constanze Stelzenmueller, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brooklings, nhận xét: "người châu Âu hiện ở trong tình thế hết sức khó khăn khi trông mong vào chính quyền Mỹ hiện tại, vốn đang bị kiềm chế đáng kể về khả năng hành động do những xung đột trong nước. Họ (ý nói châu Âu), đã bị tổn thương sau 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump và muốn đi theo chính quyền như trước đó. Nhưng, họ cũng lo sợ chiến lược kiềm chế hay tách rời của Mỹ sẽ buộc họ phải lựa chọn".

Tranh cãi thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Australia không được châu Âu hay châu Á như Ấn Độ chú ý. Điều này sẽ thúc đẩy tiến trình hướng tới chủ nghĩa đa phương. "Rõ ràng có sự lo ngại và thận trọng đáng kể về các mối quan hệ thương mại thời điểm này. Vì vậy, ngoài quan hệ Mỹ - EU, người ta sẽ chứng kiến sự thúc đẩy tiến trình hướng tới cách tiếp cận đa phương rộng lớn hơn đối với những vấn đề này", ông Rasser nói.

Huy Thắng
.
.