Suy ngẫm từ phiên toà sơ thẩm vụ án "Những ván cờ bạc tỉ" tại Sóc Trăng:

Nước mắt, mảng thân gầy và mái đầu bạc

Thứ Tư, 01/08/2012, 11:40

Đúng như thông báo trước khi nghị án, 14 giờ ngày 16-7, HĐXX TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ "Những ván cờ bạc tỉ". Trước khi tuyên án, có không ít người quan tâm đến phiên tòa đã đoán chính xác được mức án mà Tòa dành cho các bị cáo sau khi Viện kiểm sát đề nghị. Mức án có tương xứng với hành vi mà họ đã gây ra hay không? Có người nói vậy cũng được rồi, có người "kêu" quá nặng bởi các bị cáo đã mất hết tất cả công danh sự nghiệp rồi; nhưng cũng có người nói "nhẹ hều"...

Tôi không quan tâm nhiều về mức án cụ thể dành cho từng bị cáo. Bởi để đi đến kết quả tuyên án thấu tình, đạt lý đã là tâm lực của tập thể nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, trên cơ sở diễn biến thực tế tại phòng xét xử mấy ngày qua. Tôi chỉ quan tâm đến một vài tiểu tiết.

Tiểu tiết đầu tiên là những giọt nước mắt của Sáu Lèo, tức bị cáo Nguyễn Thanh Lèo. Trước khi nói lời sau cùng để nghe mức án Tòa dành cho mình, ông "quan" đánh cờ này đã bật khóc.

Người ta nói dân đỏ đen là dân liều, chơi thua keo này thì bày keo khác, thua cháy túi thì thôi chứ nhất quyết không… than khóc. Dân đỏ đen hay bảo nhau thế này, nếu non bản lĩnh, kém tinh thần, hay mít ướt, không chấp nhận nghiệt ngã bán nhà, bán đất để "cống hiến" những bàn thua đẹp thì nên chọn trò giải trí khác, nhẹ nhàng hơn, như đánh bài cào, hay chọt bida với giao kèo: Bên nào thua, bên đó chung độ… ăn sáng chẳng hạn. Còn nếu đã chấp nhận cái trò cờ gian, bạc lận thì trước mắt chỉ có hai chữ: Thua - Thắng. Thắng thì không được nghỉ. Còn thua thì đánh tiếp. Đánh chừng nào hết thua (tức là thắng) hoặc trắng tay thì mới thôi.

Trước phiên tòa này, đâu ai nói Sáu Lèo không phải là dân đỏ đen thứ thiệt. Bởi nếu không thiệt sao Sáu Lèo dám bỏ ăn, bỏ ngủ, ăn cắp thời giờ công,… để chơi cờ và có những ván lên tới 5 tỉ đồng. Con số nếu quy đổi ra bằng 100 căn nhà tình nghĩa, bằng ngân sách cả năm của ba bốn xã của miền quê Sóc Trăng. Sáu Lèo cũng từng đối mặt với hàng trăm ván cờ mà phần thua thuộc về mình. Thua thì Sáu Lèo chung tiền. Hết tiền thì chung đất, chung nhà hoặc chấp nhận tất cả những phương án mà bên thắng đặt ra.

Sáu Lèo chưa từng khóc. Tới khi bị bắt, cả thời gian điều tra, truy tố rồi chuẩn bị xét xử, Sáu Lèo vẫn tỏ ra mình là một "kiện tướng" cứng rắn dù đánh cờ chỉ… thua và thua. Cho tới khi ra tòa, nước mắt Sáu Lèo mới trào ra. Tôi cho rằng, Sáu Lèo khóc là thật. Nhiều người quan tâm đến phiên tòa cũng nghĩ như tôi.

Người dân Sóc Trăng kể, trước khi bị bắt, Sáu Lèo từng định "lặn" sang tận Campuchia. Thế nhưng nghe "đàn em" của Tân "ròm", tức bị cáo Trần Văn Tân, dọa sẽ giết vợ, giết con nếu Sáu Lèo không trả tiền, lo bỏ trốn, Sáu Lèo đã quay về. Vậy là đâu đó trong tim tưởng rằng chỉ có máu đỏ, đen của Sáu Lèo, vẫn còn chút máu hồng dành cho vợ con mình.

"Tôi là Nguyễn Thanh Lèo. Tôi có tội. Tôi nhận tội. Tôi có lỗi với Đảng, với Nhà nước. Vì thua cờ tôi đã lừa dối gia đình, cha mẹ, anh chị bán hết đất, nhà cửa của họ. Vì việc làm sai trái của tôi mà nhà cửa tan nát, vợ con ly tán, cha mẹ về quê trú ẩn. Trong thời gian ở trại giam tôi đã hối hận về việc làm của mình. Xin quý tòa tuyên trả lại cho họ...".

Cũng trong giọng nghẹn ngào, Sáu Lèo tỏ ra ăn năn cực độ trước vành móng ngựa: "Mười bốn tuổi tôi theo cách mạng, cống hiến trên 30 năm, nay thì mất trắng rồi. Tôi chủ động thành khẩn khai báo, khắc phục một phần thiệt hại. Xin quý tòa xem xét khoan hồng giảm nhẹ hình phạt. Giảm nhẹ để tôi sớm về nhà phụng dưỡng cha mẹ già, hòa nhập cộng đồng".

Các bị cáo (từ trái qua): Đinh Văn Mười, Nguyễn Thanh Lèo và Trần Văn Tân tại phiên tòa sơ thẩm.

Tôi cảm nhận những lời nói nghẹn ngào trên bật ra từ miệng Sáu Lèo không phải chỉ để HĐXX nghe. Sáu Lèo có ý gởi đến cho người thân, anh em, bạn bè và cả cơ quan trước đây của mình đang có mặt trong phòng dự khán lúc đó. Sáu Lèo từng là đảng viên, từng là lãnh đạo Sở, từng là "bề trên" của bao nhiêu cán bộ của ngành Giao thông. Khi sa đà vào trò đỏ đen, với những ván cờ bạc tỉ, hơn ai hết, Sáu Lèo cảm nhận sự quá trớn của mình. Đành rằng trót lỡ mang máu đỏ đen, khi bị thua, dù là đánh dở hơn đối  phương vẫn cứ muốn gỡ, tin vào vận may "đen tình, đỏ bạc". Nhưng vận đỏ đến với Sáu Lèo không nhiều nên dẫn đến chuyện không chỉ mất Đảng, mất chức, đối diện với bản án tù và đặc biệt là những hậu quả nặng nề đối với gia đình mà tự Sáu Lèo kiểm, đếm lại.

Ai cũng có nước mắt. Giá như Sáu Lèo biết khóc, có khi chỉ là khóc trong bụng sau khi con tướng ở những ván cờ đầu tiên của Sáu Lèo bị chiếu bí. Biết dừng lại, biết nghe những lời khuyên đúng hay chí ít cũng là suy nghĩ đúng của chính mình.

Nước mắt của Sáu Lèo lăn ra khóe mắt muộn quá không?

Sáu Lèo ra tòa không thuê luật sư bào chữa cho mình. Có lẽ, Sáu Lèo nghĩ rằng tội mình đã rõ nên chẳng cần gì để bào chữa, để gỡ tội. Theo tôi, Sáu Lèo vẫn còn cơ hội để chứng tỏ sự ăn năn, hối cải của mình. Còn người là còn của. Sáu Lèo sẽ có những ngày tháng để bày tỏ nguyện vọng sớm được tái hòa nhập với cộng đồng, đoàn tụ với vợ, với con. Sáu Lèo vẫn có đủ thời gian để suy ngẫm đầy đủ hơn về canh bạc cuộc đời, về những nước cờ chẳng giống ai: Bỏ tướng để mải mê săn bắt con chốt. Mà rốt cục cũng chẳng bắt được chốt nào. Một sự đánh đổi quá lớn của Sáu Lèo - người mang nhóm máu "ĐĐ" - đỏ đen!

Trong cuộc sát phạt với nhau, Tân là người thắng đậm nhất. Tân thắng đối thủ cùng tuổi, từng là bạn học cùng trường với mình cách nay 32 năm là Sáu Lèo với số tiền đã chung bằng nhà cửa, đất đai và khoản mà Sáu Lèo còn nợ lại cho tới ngày đi cùng xe chở can phạm, lên tổng cộng gần 40 tỉ đồng.

Tiếng là bên thắng chứ Tân có sung sướng gì đâu. Tân vốn đã ròm, vào trại tạm giam càng ròm thêm. Ngày Tân còn là Giám đốc Trung tâm Sát hạch và Cấp phép lái xe hạng 3 (đơn vị thuộc Tp Cần Thơ), đi chiếc Audi, người ta thấy Tân chẳng mấy khi ngó ngàng tới công việc. Mà có ai quản Tân được khi Tân là Giám đốc. Ngày nào cũng như ngày nào, Tân lượn vài vòng thành phố nhỏ hẹp, húp vội tô bún nước lèo rồi tấp vào điểm, có cà phê ngon, thuốc thơm,… sát phạt với Sáu Lèo.

Tiền tỉ có người cả đời mơ cũng chẳng dám nhưng đối với Tân ròm, có khi chỉ vài ba phút, sau khi kết thúc một ván cờ với Sáu Lèo đã có. Tiền đối với Tân dễ có thật. Nhưng Tân quên một điều rằng ấy là tiền bẩn, là phù du, chợt có và cũng dễ chợt đi. Máu đỏ đen đã làm Tân quên cả pháp luật, nhất là khi ông ta dùng cả dân đòi nợ thuê chuyên nghiệp, dùng đủ trò, nhằm gây áp lực cho người nhà kẻ thua - Sáu Lèo.

Tân ròm nhưng liều và "cáo" hơn trong ý nghĩ của Sáu Lèo nhiều lắm. Duy có một điều mà Tân không nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến nhưng không ngờ nó thành sự thật. Đó là khi dồn đối phương vào đường cùng, thì chính Tân chứ chẳng ai khác, phải mang họa vào thân. Người ta nói Tân tham quá, có phần đúng. Tân nghĩ đủ trò để thắng Sáu Lèo nên… ròm. Gặp Tân trước ngày ra tòa, Tân còn thống kê được cả con số lẻ rằng "Sáu Lèo còn nợ tui 20 tỉ và 131 triệu đồng...". Kẻ động não nhớ dai thật. Còn Sáu Lèo tuy thua đến trắng tay nhưng có lẽ ít động não nên người cứ béo tốt, dù đứng sau vành móng ngựa…    

Một tiểu tiết khác mà tôi hết sức chú ý nữa, đó là mái đầu bạc của bị cáo Đinh Văn Mười. Một phần công việc của ông Mười trước khi bị bắt là có quyền kiểm tra, giám sát và xử lý nếu đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới nếu phát hiện vi phạm… trong đó có vi phạm đạo đức, lối sống theo quy định của TW Đảng. Là đảng viên, lại là đảng viên chủ chốt, ông Mười dư hiểu trò đỏ đen là trò bị cấm đối với mình.

Ban đầu, Mười đánh cờ với Sáu Lèo chỉ là giải trí. Nhưng rồi, tự khi nào Mười cũng không nhớ rõ, máu đỏ đen đã trỗi dậy. Sáu Lèo muốn chơi với ông một ván hay chục ván, thâu đêm suốt sáng cũng chiều. Mà mắc gì không chơi khi Sáu Lèo chơi chẳng hay hơn ông, lại vừa là em út, vừa là cán bộ, đảng viên. Chơi không bị lộ, chơi thắng chắc chắn được chung đàng hoàng, ngại gì không chơi. Lương của Mười mỗi tháng lãnh ra không bằng một phần tiền thắng của một ván cờ với Sáu Lèo, sao không ham được. Hơn nữa, không chơi với Sáu Lèo thì Sáu Lèo chơi với người khác, rồi Sáu Lèo thua, rồi chung tiền, chung đất, chung nhà cho người khác, mình bị vuột mất cơ hội, cứ nghĩ đến điều ấy là đầu óc Mười như quên đi tất cả. Có lẽ đã từng nghĩ thế nên Mười chẳng còn nghĩ mình là một "ông UBKT", đường đường là người hay nói, viết ra những điều đúng, chỉ đạo đảng viên tuyệt đối tránh những điều cấm.

Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, chiều 16-7, thay mặt HĐXX, ông Hồ Chí Bửu, Chủ tọa phiên tòa đã đọc bản án, tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Lèo, tức Sáu Lèo 5 năm tù giam vì tội đánh bạc.

Cùng tội danh này, bị cáo Đinh Văn Mười bị phạt 4 năm tù giam. Trần Văn Tân, bị phạt 17 năm 6 tháng vì tội đánh bạc và cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo Ngô Huệ Phấn bị phạt 2 năm tù vì tội gá bạc. Hai bị cáo Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Tuyền mỗi bị cáo bị phạt 12 năm vì tội cưỡng đoạt tài sản.

Dân Sóc Trăng kể, trước khi bị dính vào vụ án "Những ván cờ bạc tỉ" này, tóc ông Mười đen lắm. Mười luôn giữ phong độ của một… "ông UBKT", phong độ của kẻ ra tay là… chỉ biết thắng.

Nhớ lần thắng liên tiếp Sáu Lèo đến ván thứ 5, Sáu Lèo hết tiền, Mười không chơi nữa, đòi phải chung tiền. Chẳng còn đường nào, Sáu Lèo gọi nhờ thuộc cấp mang lại 50 triệu đồng. Và cũng lần sát phạt kéo dài nhiều giờ đồng hồ đó, Mười dằn mặt Sáu Lèo bằng việc từng làm, là liệng bàn cờ xuống đất, bỏ ra về. Sau khi Sáu Lèo lom khom lượm bàn cờ, nhặt từng con cờ, xuống nước năn nỉ "cho em một cơ hội gỡ", Mười không đáp ứng lại như những lần trước mà còn cầm len đào đất, đánh Sáu Lèo bị thương. Mười giải thích với HĐXX chuyện giống như côn đồ này, rằng: "Chuyện đánh cờ, nhiều khi cha con chơi với nhau còn cự lộn chứ nói chi bạn bè".

Những ngày đánh cờ với Sáu Lèo, dù có khi phải "chiều thằng em" từ chiều hôm trước sang sáng hôm sau, bỏ bụng tạm bằng vắt mì tôm, nhưng tóc của Mười vẫn còn đen lắm...

Thế nhưng hôm bị dẫn giải ra tòa, ông Mười nổi bật hẳn so với các bị cáo khác bởi mái đầu bạc trắng. Nhiều người ngạc nhiên khi biết mái đầu đó là của "con bạc" mới 56 tuổi.

Thắng kẻ thua hàng trăm triệu tiền mặt và vé số tương đương số tiền hơn 440 triệu đồng, sao tóc Mười lại bạc? Ai có dự tòa sẽ hiểu ngay. Mười học luật, lại từng là cán bộ của ngành nội chính trước khi về UBKT. Bị bắt vào trại 2 ngày, Mười tự viết bản nhận tội nhưng rồi lại xé, phủ nhận lời tự khai của mình. Khi ra tòa, Mười cho rằng mình bị dụ cung, ép cung, rồi phủ nhận chuyện đánh cờ ăn tiền với Sáu Lèo… Dù bằng chứng rành rành. Chính vì thái độ thiếu thành khẩn, đi kèm với sự suy nghĩ làm thế nào để nhẹ tội, thậm chí trắng án… đã làm cho tóc của Mười ngày càng trắng thêm.

Hôm luật sư bào chữa cho Mười nói rằng "Mười không nhận tiền từ đánh bạc mà chỉ nhận bằng vé số, góp phần ích nước lợi nhà", có người dự khán lắc đầu: "Thôi đề nghị cấp luôn huy chương vì sự nghiệp… đỏ đen nên mới bạc đầu cho ông ấy đi".

Giá như những giọt nước mắt của Sáu Lèo, mảnh thân gầy của Trần Văn Tân và mái đầu bạc của Đinh Văn Mười hiện có là do sự trăn trở lo cho việc công, việc dân giao thì đã đành, nhưng đằng này cả ba đã làm ngược lại tất cả

Binh Huyền
.
.