Ồn ào chuyện Phó Thủ tướng Australia mang hai quốc tịch

Thứ Ba, 22/08/2017, 16:42
Câu chuyện về việc Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce mang hai quốc tịch Australia và New Zealand bỗng dưng trở nên ồn ào, thành một sự cố chính trị nghiêm trọng không chỉ trong nội bộ Australia mà còn “vạ lây” sang láng giềng New Zealand. Vì sao vậy?

Năm nay 50 tuổi, Barnaby Joyce sinh ra và lớn lên ở Australia, đương nhiên là công dân Australia. Joyce được bầu làm Phó Thủ tướng Australia từ ngày 18-2-2016 sau khi ông được bầu làm người đứng đầu đảng Dân tộc, một đối tác trong liên minh cầm quyền Dân tộc Tự do của Thủ tướng Malcolm Turnbull. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông nghiệp, ông từng làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước trong chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott và sau đó là Bộ trưởng Nông nghiệp khi ông Turnbull lên nắm quyền.

Ông Barnaby Joyce.

Câu chuyện hai quốc tịch của Joyce bắt đầu nổ ra vào ngày 14-8-2017. Tại một phiên họp ngày hôm đó, ông Joyce đã thông báo trước Hạ viện Australia rằng ông có thể còn mang quốc tịch New Zealand do gốc gác gia đình. Điều này ngay sau đó đã được xác nhận bởi một website của Chính phủ New Zealand rằng do bố Joyce là người New Zealand, nên ông đương nhiên cũng là người New Zealand. Đây gọi là “công dân theo nguồn gốc gia đình”. Ngay lập tức, các thành viên Hạ viện yêu cầu xem xét tư cách chính trị của Joyce.

Về nguyên tắc, nếu được xác nhận một cách chính thức là công dân New Zealand, ông Joyce sẽ bị cấm tham gia Nghị viện Australia theo quy định tại Phần 44 Hiến pháp Australia. Hiện tại, Joyce đang yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét và đưa ra phán quyết về việc ông có mang quốc tịch New Zealand hay không và liệu ông có đủ tư cách tiếp tục làm nghị sĩ Australia hay không.

Ngày 15-8, Thủ tướng Australia Turnbull đã lên tiếng chỉ trích, cáo buộc Công đảng đối lập ở Australia đã câu kết với Công đảng New Zealand tạo nên vụ việc lùm xùm “hai quốc tịch” nhằm làm suy yếu, thậm chí có thể gây đổ vỡ Chính phủ Australia do liên minh của ông lãnh đạo.

Quả thực thế, nếu tòa án ra phán quyết ông Joyce không còn tư cách nghị sĩ do mang quốc tịch New Zealand, theo quy định của hiến pháp thì ông sẽ phải rút lui khỏi Hạ viện và cũng sẽ phải từ chức Phó Thủ tướng, rút khỏi chính phủ liên hiệp của ông Turnbull. Việc này sẽ gây bất lợi lớn cho liên minh cầm quyền của ông Turnbull.

Trên thực tế, ngay trong ngày 15-8, khi xảy ra vụ việc “hai quốc tịch” của Phó Thủ tướng Joyce, chính phủ của Thủ tướng Turnbull đã thất bại trong một cuộc bỏ phiếu thông qua luật sửa đổi bổ sung luật về môi trường trong nỗ lực bảo vệ Rạn san hô lớn (Great Barrier Reef). Trong không khí ồn ào về vụ việc hai quốc tịch của ông Joyce chưa được ngã ngũ, dư luận còn nghe được câu chuyện tương tự xảy ra trước đó khoảng một tuần, trong đó một nghị sĩ New Zealand cũng bị truy vấn về việc mang hai quốc tịch.

Trong dư luận có người cho rằng có một sự “liên kết” nào đó giữa hai đảng Công đảng của Australia và New Zealand, với mục đích gây bất ổn cho liên minh cầm quyền, mặc dù Công đảng Australia lẫn Chính phủ New Zealand đều đã chính thức lên tiếng bác bỏ sự liên kết này.

Australia và New Zealand là hai quốc gia láng giềng lớn nhất ở châu Đại dương. Giữa hai nước có mối quan hệ cạnh tranh đặc biệt, vừa là đối tác vừa là đối thủ trên nhiều lĩnh vực đời sống, từ kinh tế cho đến văn hóa, thể thao. Mối quan hệ láng giềng Australia và New Zealand đã có lúc thân thiết đến độ, trong thập niên 90 thế kỷ XX, hai nước từng đưa ra đề xuất hợp nhất thành một quốc gia liên bang. Tuy nhiên, mối quan hệ đó hiện nay đang không tốt lắm.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc “hai quốc tịch” của Phó Thủ tướng Joyce, ngày 15-8 Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop tuyên bố “rất khó để tin tưởng chính phủ Công đảng ở New Zealand”. Ngay lập tức, lãnh đạo Công đảng New Zealand Jacinda Ardern cho biết người của Công đảng Australia quả thực có liên hệ với đảng của bà, nhưng khẳng định “chuyện chính trị nội bộ của Australia là do người Australia tự quyết”.

Nghị sĩ Julia Banks .

Bộ trưởng Nội vụ New Zealand cũng bác bỏ hoàn toàn cáo buộc cho rằng Công đảng New Zealand đã châm ngòi gây ra vụ việc của ông Joyce, cho rằng chính truyền thông Australia đã đào sâu câu chuyện và tạo nên cơn sốt chính trị ngay trong nội bộ nước mình.

Chuyện chính khách mang hai quốc tịch không phải là hiếm, mà đang xảy ra rất nhiều. Ngay tại Australia, hiện tại không chỉ Joyce, mà còn ít nhất hai nghị sĩ nữa đang bị xem xét tư cách nghị sĩ do mang hai quốc tịch. Đó là hai nghị sĩ Julia Banks và Anne Sudmalis, cũng thuộc liên minh cầm quyền.

Nghị sĩ Anne Sudmalis.

Bà Banks bị cho là mang hai quốc tịch Australi và Hy Lạp, nhưng đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này. Còn nghị sĩ Sudmalis thì sinh ra tại Anh, có thể cũng mang quốc tịch Anh theo nơi sinh, nhưng bà này hiện cũng đang tiến hành thủ tục “từ bỏ quốc tịch” với Chính phủ Anh. Với những trường hợp hai quốc tịch như thế này, nếu đương sự chủ động làm thủ tục từ bỏ quốc tịch thì mọi chuyện sẽ không còn là vấn đề lớn nữa.

Tuy nhiên, có những trường hợp mang quốc tịch tự nhiên do nguồn gốc gia đình, như trường hợp Phó Thủ tướng Joyce, khi ông tình cờ phát hiện ra mới biết mình còn mang quốc tịch New Zealand thì mọi chuyện có vẻ phức tạp hơn, do có dự dính líu của chính trị và sự giằng co, đấu đá của các đảng phái chính trị đối lập làm cho chuyện nhỏ, tưởng đơn giản hóa ra phức tạp và bị nâng tầm thành “khủng hoảng chính trị” quốc gia, ảnh hưởng cả đến ngoại giao.

An Châu (tổng hợp)
.
.