Cháu nội cựu Tổng thống Jimmy Carter tranh cử Thống đốc bang Georgia:

Ông cháu nghịch đường

Thứ Bảy, 09/08/2014, 16:19

Những gia tộc - chính khách lẫy lừng của chính trường Mỹ - từ dòng họ Roosevelts đến Kennedy, gia tộc Bush hay Clinton, từ thế hệ tiền nhân cho đến hậu bối khi bước lên vũ đài chính trị luôn thể hiện quan điểm đồng thuận, ít nhất là trước giới truyền thông và công chúng. Nhưng với gia tộc của vị tổng thống thứ 39, thái độ "đồng thanh tương ứng" có vẻ không được tuân thủ, hoặc có thể người cháu từng lớn lên và trưởng thành trong sự bảo bọc, dìu dắt của ông nội đang tìm cách thoát khỏi cái bóng lớn trùm lên bước đường sự nghiệp của mình.

Qua cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào tháng 7 vừa qua, luật sư - Thượng nghị sĩ Jason Carter, 39 tuổi, cháu nội cựu Tổng thống Jimmy Carter, người được đảng Dân chủ bang Georgia chọn làm ứng viên chính thức tranh cử trong cuộc bầu cử thượng viện vào giữa nhiệm kỳ tháng 11, đồng thời nhắm đến ngôi vị thống đốc bang Georgia, được dư luận nhìn nhận sẽ không có đối thủ nào đáng nể.

Cũng như các ứng viên chức danh tổng thống hoặc thống đốc bang, Jason Cater rất chú trọng và ưu ái giới cử tri là kiều dân người Israel tại Mỹ vì cộng đồng người Israel ở Mỹ là lực lượng có tiếng nói quyết định đường lối kinh tế - chính trị nước Mỹ, nhất là chính sách đối ngoại về Trung Đông.

Cần nhắc lại rằng, người Israel ở Mỹ tuy chỉ chiếm 2,5% dân số nhưng là cộng đồng thành công hơn cả trên hầu hết các mặt của đời sống nước Mỹ, và quan trọng nhất, họ nắm quyền chi phối đời sống kinh tế, văn hóa, đặc biệt là giới truyền thông nước Mỹ. Ảnh hưởng to lớn của cộng đồng người Israel đối với đời sống chính trị Mỹ còn thể hiện ở mức độ tham gia vào các kỳ bầu cử tổng thống và lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Theo thống kê từ giữa thập niên 70 thế kỷ XX trở lại đây, ở các kỳ bầu bán đó, trong khi gần một nửa cử tri Mỹ thờ ơ thì cộng đồng người Israel lại luôn hăng hái, như đợt bầu cử tổng thống cách đây gần 3 năm, tỉ lệ người đi bỏ phiếu đạt tới 90%, cao nhất trong các cộng đồng kiều dân ở Mỹ.

Khi tuyên bố về "mối quan hệ quyền lực" của mình với cộng đồng kiều dân Israel, Thượng nghị sĩ Jason Carter dường như muốn khẳng định thái độ bất đồng với người ông qua câu trả lời phỏng vấn của The New York Times: "Tôi yêu ông tôi nhưng với ông thì không đồng tình".

Cựu tổng thống Jimmy Carter và cháu nội Jason Carter.

Từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2002, được nể phục trong vai trò trung gian hòa giải cho nhiều cuộc xung đột trên thế giới và là người kiến tạo Hiệp ước Trại David được ký kết giữa Ai Cập và Israel hồi năm 1978, nhưng ông Jimmy Carter lại bị cộng đồng người Israel cáo buộc có thái độ "không đứng về phía người Israel".

Lời cáo buộc này xuất phát từ sự việc vào năm 2006, khi ông Jimmy Carter cho xuất bản quyển sách có tựa đề "Palestine - hòa bình không Apartheid" (hàm ý về nạn phân biệt chủng tộc và chính sách thù địch người Palestine). Trong đó, ông đã so sánh việc Israel đối xử với người gốc Arập giống như chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid một thời tồn tại ở Nam Phi. Đây là quyển sách thể hiện rõ ràng nhất tinh thần tích cực tranh đấu cho nhân quyền trên phạm vi ngoài nước Mỹ và xem nhân quyền là tiêu điểm cho chính sách đối ngoại.

Tháng 4/2008, ông Jimmy Carter đi thăm một số nước Trung Đông giữa lúc tình hình chính trị và an ninh tại Trung Đông đang trong giai đoạn căng thẳng. Phát biểu khi đến thành phố Ramallah (Bờ Tây), ông Carter còn khẳng định: Chính phủ Israel đã tìm mọi cách để ngăn cản ông đặt chân tới Dải Gaza, nơi đang bị phe Hamas chiếm đóng. Chính phủ Mỹ và Israel vốn liệt Hamas vào những tổ chức khủng bố và không chấp nhận tổ chức này là một đối tác trong mọi cuộc đàm phán hòa bình.

Để thành lập một Nhà nước Palestine Hồi giáo, Hamas cho rằng không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành cuộc thánh chiến. Do vậy, tổ chức này khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận Nhà nước Israel. Đánh bom liều chết, bắt cóc, ám sát, khủng bố… là một yếu tố mà Hamas coi như vũ khí trong cuộc chiến chống lại Israel. Ngay từ đầu, Washington đã không tán thành chuyến đi này và nhấn mạnh rằng chuyến thăm của cựu Tổng thống Jimmy Carter chỉ là với tư cách cá nhân.

Mặc dù đã tìm cách dọn dẹp cho con đường công danh của cháu nội được "phong quang" bằng lời xin lỗi cử tri gốc Israel vào thời điểm tháng 3/2010 Jason Carter ra tranh cử thượng nghị sĩ thuộc khu vực bầu cử hạt Dekalb của bang Georgia, nơi có số lượng đáng kể cử tri gốc Israel sinh sống nhưng Jason vẫn tuyên bố rằng lá thư xin lỗi của ông mình "hoàn toàn không liên quan đến cuộc vận động tranh cử của tôi" trước luồng chỉ trích ông cháu nhà Carter diễn trò quá vụng.

Để chữa thẹn, cựu Tổng thống Jimmy Carter nói rõ thêm rằng, ông muốn gửi thư xin lỗi vào dịp Lễ hội Ánh sáng (lễ Hanukkah theo lịch Do Thái, thường vào khoảng gần cuối năm) để bày tỏ sự hối tiếc của mình chứ thái độ ăn năn đó chẳng nhằm để lấy điểm cho cháu nội!

"Lần đi đến Dải Gaza gặp các thủ lĩnh phe Hamas nhằm đẩy nhanh tiến trình hòa bình khu vực, Jason từng lịch sự thỉnh cầu tôi: Ở tuổi của ông, tốt nhất là nên ở nhà! Còn trước lần tranh cử thống đốc này, tôi hiểu cháu tôi muốn chứng minh cho những người ở tây nam Georgia (ý nói cộng đồng kiều dân Israel) rằng nó có cách đi riêng, quan điểm riêng của nó" - cựu Tổng thống cười buồn khi trả lời phỏng vấn tại phòng làm việc tại dinh thự mà bà nội và mẹ của Jason Carter đang cùng chung sống. Ông nhìn về phía vợ, nói thêm: "Cậu ấy không màng đến những ý kiến của tôi và có vẻ cũng bớt chăm nom tôi và bà nội nó, Rosalynn".

Tổng thống Jimmy Carter và đệ nhất phu nhân Rosalynn cùng cháu trai Jason Carter bên ngoài nhà trắng, năm 1977.

Luật sư Emmet J. Bondurant, một người bạn lâu năm của cả hai ông cháu chính khách và cũng chính là người đốc thúc ông Jimmy ra lời xin lỗi thì nhận định: Ngài Jimmy Carter luôn tôn trọng những ý kiến của cháu mình, cậu ấy có những kỹ năng chính trị khác với ông nội.

Về phần mình, trong tâm thế của một chính trị gia lão luyện, ông Jimmy Carter hiểu rằng đây là quãng thời gian thử thách cho tình ông cháu, giữa một chính khách đang lên ở tuổi chưa đến 40 và một người xấp xỉ 90 tuổi từ lâu đã về vườn.

Đứa cháu đích tôn mới được 16 tháng tuổi khi ông Jimmy Cater đường hoàng bước vào chiếc ghế tột đỉnh quyền lực của Nhà Trắng. "Ông chúng tôi luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Jason - người chị gái Sarah Cater kể lại - Vào năm cậu ấy lên 10, ông tôi đã mang cậu ấy theo một chuyến đi câu ở Alaska. Kỳ nghỉ đó đối với gia đình thật vui vẻ và đầm ấm làm sao! Jason Cater bắt đầu được ông tôi cho thực hành những bài học đầu tiên về công việc phân tích chính trị của một chính trị gia sau khi cậu ấy tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Duke năm 1997, ông tôi nhận Jason vào Trung tâm Carter, chia cho cậu ấy phần việc với "trách nhiệm nặng nề" là theo dõi các bản tin truyền thanh và báo cáo về kết quả bầu cử chính phủ ở Lybia hoặc những thay đổi trong phương thức đối kháng của người Palestine.

Sau đó, theo lời khuyên của ông, Jason gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Phi. Trong chuyến thăm đất nước này với tư cách một cựu Tổng thống Mỹ, ông tôi đã đưa Jason đi cùng ông đến tư dinh của ngài Nelson Mandela ở Zulu để cậu ấy cùng dự cuộc mạn đàm giữa hai chính khách luôn quan tâm đến vấn đề đấu tranh cho nhân quyền".

Do tầm vóc ảnh hưởng lớn của gia đình, có thể thấy Thượng nghị sĩ Jason Carter chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Trong các buổi diễn thuyết vận động tranh cử, Jason Carter cũng không quên nhắc đến những tấm gương sáng để noi theo là ông nội Jimmy Carter và ông ngoại Beverly Langford, cố Thượng nghị sĩ bang Georgia.

Tuy nhiên, trong website tranh cử của mình, Jason Carter lại  tránh không đề cập quá nhiều về thành tích trước đây của hai bậc tiền bối mà chỉ nhấn mạnh "nghĩa vụ của người con - cháu như tôi là phải phát huy truyền thống vẻ vang của gia tộc. Chiến dịch tranh cử của tôi phải tập trung vào tương lai nước Mỹ mà chúng ta mong muốn thay vì đề cập đến phả hệ với quá khứ vinh quang".

Với phương ngôn này, một Jason Carter tuy chưa có kinh nghiệm của một chính khách lãnh đạo nhưng không hề xa lạ với chính trường có lẽ mỗi khi quay về thăm gia đình ba thế hệ sống cùng, trước khi bước vào ôm hôn ông bà mình sẽ phải để những ý kiến bất đồng và tư tưởng bất phục bên ngoài ngạch cửa

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.