“Ông trùm sòng bài” Sheldon Adelson: Lách luật và thao túng chính trị

Thứ Ba, 17/06/2014, 06:35

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Tập đoàn kinh doanh sòng bạc và khu nghỉ dưỡng Las Vegas Sands của tỷ phú Sheldon Adelson giải trình về vấn đề vi phạm luật cấm hối lộ quan chức nước ngoài. Kết quả kiểm toán cho thấy tập đoàn này đã vi phạm các quy định kiểm soát nội bộ và kiểm soát sổ sách kế toán, đưa ra khả năng ông trùm sòng bài nổi danh này đã vi phạm luật cấm hối lộ quan chức nước ngoài.

Chưa hết, tỷ phú cờ bạc tại Las Vegas đã tận dụng thiếu sót trong quy định về tài chính trong hoạt động bầu cử để trở thành nhà quyên góp có ảnh hưởng chính trị lớn nhất Mỹ. Không ít chính trị gia đảng Cộng hòa Mỹ đã nhận quá nhiều tiền từ tỷ phú Adelson, khiến đảng này "khó ăn khó nói" và từng bày tỏ lo ngại về nguồn gốc tiền bạc mà "Mạnh thường quân" này đóng góp.

Kinh doanh nhờ… bôi trơn

Theo tờ New York Times, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu Tập đoàn Las Vegas Sands giải trình vì liên quan đến hai vụ. Vụ thứ nhất là đơn kiện của ông Steven C. Jacobs, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Sands China Ltd., công ty con của Tập đoàn Las Vegas Sands ở Trung Quốc. Năm 2010, ông đệ đơn lên tòa án Mỹ kiện tập đoàn sa thải ông là vi phạm hợp đồng. Đơn kiện tố cáo tập đoàn đã giao dịch bất minh với luật sư Leonel Alves và bọn tội phạm có tổ chức ở Đặc khu Macau (Trung Quốc).

Steven Jacobs cho biết, ông bị sa thải vì bất đồng với Sheldon Adelson, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands, về các vấn đề như sau: bị ép phải thay trưởng ban cố vấn Công ty Sands China Ltd. bằng luật sư Leonel Alves, hay bị ép phải hợp tác với các đối tượng chuyên dàn xếp đưa người từ Trung Quốc sang Macau đánh bạc.

Vụ thứ hai là đơn kiện của ông Richard Suen, người trung gian môi giới cho Sheldon Adelson tiếp xúc với các quan chức cao cấp Trung Quốc. Năm 2008, ông kiện tập đoàn không thanh toán thù lao cho ông hàng triệu USD.

Đơn kiện tố cáo Sheldon Adelson đã được Trung Quốc cho phép mở sòng bạc ở Macau vào năm 2001 sau khi tỷ phú này chuyển lời bảo đảm của một nghị sĩ đảng Cộng hòa đến chính quyền Trung Quốc, rằng Quốc hội Mỹ sẽ không tán thành ý kiến phản đối Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Trong vụ này, ông Richard Suen được xử thắng kiện nhưng Tập đoàn Las Vegas Sands đang kháng cáo.

Tập đoàn Las Vegas Sands mở sòng bạc đầu tiên ở Đặc khu Macau vào năm 2004 và nhanh chóng thu hút nhiều con bạc từ đại lục sang. Đến năm 2008, do kinh tế thế giới khủng hoảng, thu nhập từ các sòng bạc của tập đoàn ở Mỹ giảm sút, các sòng bạc ở Macau cũng bớt sôi động vì Trung Quốc hạn chế cấp thị thực đến Macau.

Để thoát cảnh nợ nần và tiếp tục khuếch trương các sòng bạc ở Macau thì cần phải có chính quyền địa phương ở Macau giúp đỡ. Trong khi đó, quan hệ giữa Sheldon Adelson với chính quyền Macau và Trung Quốc đại lục lại không được tốt. Nhân vật có thể hóa giải khó khăn này chính là luật sư Leonel Alves - "người bôi trơn" cho hoạt động của Sheldon Adelson diễn ra được trơn tru tại Macau.

Ở Macau, luật sư Leonel Alves là nhân vật khá nổi tiếng bởi trong giai đoạn chuyển giao Macau từ Bồ Đào Nha sang Trung Quốc, ông này là thành viên hội đồng lập pháp Macau, thành viên Hội đồng cố vấn của trưởng Đặc khu hành chính Macau. Theo một số tài liệu được công bố, công ty luật của Leonel Alves bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Las Vegas Sands từ giữa năm 2008. Ông này được trả mỗi tháng 37.500 USD và 550 USD cho mỗi giờ làm thêm.

Từ đầu năm 2009, Leonel Alves đại diện cho Tập đoàn Las Vegas Sands gặp gỡ chính quyền Macau để gỡ rối công việc làm ăn của tập đoàn. Không lâu sau đó, tập đoàn được chính quyền Macau phê duyệt cho chuyển nhượng bất động sản ở Macau trị giá hàng tỉ USD.

Tỷ phú Sheldon Adelson (trái) từng chi tiền mạnh tay ủng hộ các ứng viên Newt Gingrich hay Mitt Romney trong các chiến dịch tranh cử chống lại đảng Dân chủ.

Tài liệu cho thấy Tập đoàn Las Vegas Sands đã chi hơn 18.000 USD cho luật sư Leonel Alves trong chuyến tháp tùng  Sheldon Adelson đến Bắc Kinh trong 3 ngày cuối năm 2009. Một hóa đơn được công ty luật của ông Leonel Alves gửi cho tập đoàn có ghi khoản chi 25.000 USD tiền chi tiêu ở Bắc Kinh.

Sau đó, luật sư Leonel Alves yêu cầu tập đoàn thanh toán 700.000 USD chi phí làm việc năm 2009. Khoản chi này cao bất thường so với tiền chi cho công tác tư vấn pháp lý.

Cuối cùng tỷ phú Sheldon Adelson vẫn trả đủ, bởi sợ để vuột mất lá bài quan trọng cho hoạt động kinh doanh ở Macau. Luật sư Leonel Alves ngưng làm việc cho Tập đoàn Las Vegas Sands từ tháng 2/2010, tuy nhiên vẫn tiếp tục báo cáo riêng cho ông trùm Sheldon Adelson và làm trung gian chuyển tin từ tỷ phú này cho chính quyền Macau.

Việc Sheldon Adelson mở sòng bạc ở Macau đồng nghĩa với việc phải giao dịch với các băng nhóm, đối tượng chuyên dàn xếp đưa người từ Trung Quốc sang Macau đánh bạc. Đánh bạc bị cấm tại Trung Quốc, vì vậy chuyển tiền từ Trung Quốc sang Macau đánh bạc cũng bị cấm. Để giải quyết vấn đề này, con bạc từ Trung Quốc đại lục sang Macau sẽ vay nóng bằng thẻ tín dụng. Ở phương Tây, hành vi này chẳng khác nào rửa tiền.

Theo nhiều nguồn tin, trong số đối tượng chuyên môi giới con bạc móc nối với Adelson có doanh nhân Hồng Kông Trương Xích Thái. Báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết, Trương Xích Thái là trùm tội phạm có tổ chức và giữ vai trò cung cấp tiền cho dân đánh bạc. Một sòng bạc của Tập đoàn Las Vegas Sands ở Macau đã từng chuyển hàng chục triệu USD qua thẻ tín dụng cho một đối tượng do Trương Xích Thái bảo trợ.

Bên cạnh đó, Adelson còn bị nghi ngờ ra lệnh cho công ty con của Tập đoàn Las Vegas Sands ở Trung Quốc có giao dịch với nhà sản xuất phim nổi tiếng Hồng Kông Hướng Hoa Cường - người giữ vai trò trong băng Sun Yee On, một trong ba băng nhóm của hội Tam hoàng.

Theo một bài báo mới đây trên New York Times, một doanh nhân người Trung Quốc buộc tội Adelson đã lợi dụng ông để mua bất động sản tại Trung Quốc, đồng thời đưa hối lộ để mua lại đội bóng bầu dục Trung Quốc. Ngoài ra, không thể bỏ qua đồn đoán về việc Adelson đã được chấp thuận bằng miệng để dung túng cho hoạt động mại dâm tại các bất động sản thuộc sở hữu của ông ta ở Macau.

Lũng đoạn chính trường

Khi đã ở đỉnh cao của danh vọng, với hệ thống "chân rết" trên toàn thế giới, ông trùm sòng bạc bắt đầu tạo chỗ đứng vững chắc cho mình bằng cách chen chân vào chính trường. Thủ đoạn này là lợi dụng sự hậu thuẫn của những nhân vật chóp bu trong Nhà Trắng nhằm kiếm cơ hội làm ăn.

Mới đây, một thông tin tiết lộ đã gây chấn động dư luận và chính trường nước Mỹ khi báo giới tố tỷ phú này đã lợi dụng thiếu sót trong quy định về tài chính của các hoạt động bầu cử để trở thành nhà quyên góp có ảnh hưởng chính trị lớn nhất nước Mỹ.

Adelson từng "đầu tư" cho một cuộc chơi chính trị với chiến dịch vận động Washington chống Palestine không mệt mỏi. Tháng 10/2007, Sheldon Adelson cùng một nhóm tài trợ chính trị cho đảng Cộng hòa đến Nhà Trắng diện kiến Tổng thống George W. Bush. Họ muốn trình bày quan điểm về Israel trong vấn đề Palestine, ra sức phản đối giải pháp hai nhà nước (tức trao độc lập thật sự cho Palestine).

Hình biếm họa việc trùm sòng bài ông Sheldon Adelson dùng tiền để lũng đoạn chính trường tại Nhà Trắng.

Bày tỏ suy nghĩ với ông Bush, Adelson nói: "Ngoại trưởng Condoleezza Rice đang nhắm đến việc làm đậm vai trò lịch sử của mình chứ không phải cho ông Bush, rằng bà ấy sẽ làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của ông Bush nếu Tổng thống cứ tiếp tục theo đuổi "tiến trình nguy hiểm" này". Ông Bush tỏ ra đồng cảm khi choàng một tay qua vai Adelson.

Nhưng cuộc gặp tại Nhà Trắng còn có một mục đích khác: Adelson muốn lật đổ ghế thủ tướng Israel của Ehud Olmert, dù hai người từng là bạn từ thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Olmert còn là thành viên đảng cứng rắn Likud. Cho rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để duy trì Israel như một quốc gia dân chủ với đa số người Do Thái, Olmert bắt đầu kế hoạch đàm phán với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Về phần mình, Adelson tin rằng, hành động của Olmert là sự phản bội nguyên tắc với truyền thống Do Thái.

Tất nhiên vì vậy mà Sheldon Adelson kịch liệt phản đối hội nghị hòa bình Trung Đông tổ chức tại Annapolis (thủ phủ bang Maryland, Mỹ) cuối tháng 11/2007. Liên minh Do Thái Cộng hòa, một tổ chức mà Adelson cũng mạnh tay tài trợ, tung ra bài viết có đoạn: "Olmert đang theo đuổi hòa bình với Palestine bằng mọi giá, trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm củng cố vị trí của mình trong lịch sử thế giới".

Adelson nói rằng, sở dĩ Olmert hăm hở trong tiến trình đàm phán hòa bình là nhằm lôi kéo sự chú ý khỏi những bê bối cá nhân. Trong đó có cáo buộc tham nhũng.

Sheldon Adelson dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến Israel. Giữa thập niên 90, Adelson thiết lập quan hệ với Benjamin Netanyahu, và đặc biệt thân thiết với Netanyahu trong mùa bầu cử 1996. Nhiều người đồn đoán rằng nếu không nhờ Adelson, Netanyahu khó có thể thắng cử trước ứng cử viên - Thủ tướng Công đảng Shimon Peres lúc bấy giờ.

Không chỉ tham gia chính trị, Adelson cũng luôn có mặt trong xã hội Israel với những thương vụ đầu tư kinh tế. Hiện Sheldon Adelson tài trợ 4,5 triệu USD cho Viện Nghiên cứu chiến lược Adelson tại Jerusalem.

Tại Mỹ, từ tháng 12/2007, uy tín chính trị của Sheldon Adelson ở Washington được nâng thêm một bậc khi ông ta được Tổng thống Bush đưa vào Ủy ban Cố vấn chính phủ về chính sách và thương thuyết mậu dịch. Trong một cuộc gặp tại Florida với Liên minh Do Thái Cộng hòa ít lâu sau đó, Adelson cùng các đồng minh thành lập tổ chức chính trị Freedom's Watch với mục đích ủng hộ phe Cộng hòa trong cuộc chiến giành ghế tổng thống. Đây là đòn trả đũa nhằm vào George Soros, khi nhà tỉ phú này tài trợ mạnh cho đảng Dân chủ nhằm ngăn cản phe Cộng hòa tiếp tục thống trị Nhà Trắng.

Adelson từng hào phóng hỗ trợ Mitt Romney tới gần 100 triệu USD với tham vọng đánh bại ông Barack Obama. Ông Romney từng khẳng định hàng chục lần về việc không liên quan gì đến tỷ phú Adelson bởi ủy ban bầu cử nhận tiền của Adelson hoạt động độc lập với Romney. Nhưng làm sao công chúng tin được khi Sheldon Adelson và vợ luôn ngồi ở vị trí trang trọng trong chiến dịch gây quỹ của Romney ở Jerusalem.

Dưới thời của chính quyền Tổng thống Obama, Sheldon Adelson kiếm được thêm hàng chục tỷ USD, nhiều hơn so với tất cả các tỷ phú khác. Tuy nhiên chính ông ta lại không ủng hộ Tổng thống Obama. Adelson phản đối chính sách phân chia lại của cải trong xã hội Mỹ của chính quyền Obama.

Ông ta khẳng định với phóng viên tờ New York Times: "Tôi không thích đường lối lãnh đạo trong suốt 4 năm qua. Hoạt động chia lại của cải đang diễn ra mạnh mẽ hơn và chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đời sống của người dân. Tôi nhìn thấy nhiều yếu tố khiến nước Mỹ, vốn mang bản chất vĩ đại, hiện giờ lại đang thay đổi theo chiều hướng không mấy tích cực…"

Lê Nam - Trần Quân (theo New York Times)
.
.