Palestine: Đoàn kết hay không đoàn kết?

Thứ Tư, 06/04/2011, 08:45

"Đoàn kết dân tộc" là từ ngữ được nhắc đến nhiều tại vùng lãnh thổ Palestine ở khu Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza. Đó là vì Tổng thống Palestine đã chấp nhận lời mời của lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đến thăm Dải Gaza vào một ngày tới đây để nói chuyện "hàn gắn". Tuy nhiên, bên cạnh đó thì các động thái căng thẳng giữa Hamas và Israel vẫn tiếp tục diễn ra khiến cho khả năng tìm kiếm hòa bình và việc thành lập Nhà nước Palestine trở nên rất mong manh.

Hành động mang tính xây dựng đã được thực hiện: vào ngày 15/3, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đã đưa ra lời mời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến thăm Dải Gaza vào một ngày chưa được xác định, và ngay hôm sau, 16/3, Tổng thống Abbas cũng đã thông báo đồng ý nhận lời mời của ông Haniyeh. Đây được xem là hành động hòa giải đầu tiên kể từ sau khi phong trào Hamas chiếm quyền kiểm soát Gaza từ tháng 6/2007.

Đặc biệt, động thái này lại diễn ra ngay sau cuộc tập hợp biểu tình đông đảo nhất từ vài năm trở lại đây của người Palestine đồng loạt ở Dải Gaza và khu Bờ Tây sông Jordan đòi Chính quyền Palestine ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza xúc tiến việc tái thống nhất người Palestine ở các vùng lãnh thổ lại với nhau để cùng hợp sức đấu tranh cho một Nhà nước Palestine.

Tuy nhiên, việc tái thống nhất giữa 2 phái Palestine vẫn phải tuân thủ một tiến trình nhất định. Trong thông báo của mình được trích dẫn trên tờ Arab News, Tổng thống Abbas kêu gọi Hamas hợp tác để cùng nhau "chấm dứt chương đen tối nhất trong lịch sử". Nhưng ông Abbas cũng cho rằng, bản thân ông không thể giải quyết ngay được các vấn đề liên quan đến hòa giải dân tộc. Đây là những vấn đề hệ trọng và đã từng được bàn thảo nhiều lần trong mấy năm trước đây nhưng đã không đi đến một kết quả như mong đợi.

Theo ông Abbas, Palestine trước hết cần phải thành lập ngay một "chính phủ kỹ trị, độc lập" để thực hiện các khâu chuẩn bị cho các cuộc bầu cử (Tổng thống, Quốc hội, Hội đồng hành chính trung ương). Chính quyền này phải là một sự thống nhất, hòa giải của người Palestine, vì "bầu cử sẽ không thể diễn ra chừng nào Bờ Tây và Dải Gaza còn chưa thể hợp nhất lại với nhau".

Động thái đáp trả bạo lực qua lại giữa Hamas và Israel tiếp tục diễn ra vào ngày 19/3, xe tăng của quân đội Israel tấn công vào Dải Gaza khiến cho 5 sĩ quan thuộc cánh quân sự của Hamas bị thương và 2 người Palestine khác bị bắn chết tại một chốt kiểm soát biên giới Gaza - Israel tối cùng ngày để trả đũa cho việc Hamas bắn đạn pháo vào miền Nam Israel trước đó vài giờ làm 2 người bị thương.

Trước đó nữa, một vụ tấn công bằng dao làm cho 5 người trong một gia đình Do Thái bị giết chết đêm 12/3 ở khu định cư Itamar thuộc Bờ Tây sông Jordan. Những diễn biến trên đây đang khiến cho khả năng hòa giải giữa phong trào Fatah và Hamas trở nên mỏng manh hơn.

Vì sao khi lãnh đạo Hamas Haniyeh vừa mới đưa ra lời mời ông Mahmoud Abbas thăm Dải Gaza thì Hamas lại có hành động gây hấn với Israel? Phải chăng cuộc trả đũa bạo lực giữa Hamas và Israel là nhằm "kiềm hãm những nỗ lực hòa giải" của 2 ông Haniyeh và Abbas?

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh.

Ở một phía, 2 tờ báo của Israel là Haaretz và Jerusalem Post đưa ra nhận định rằng "Hamas muốn đánh lạc hướng công chúng Palestine đối với vấn đề đoàn kết dân tộc" bằng việc bắn pháo gây hấn với Israel. Haaretz lập luận: Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza, việc chấp nhận một tiến trình hòa giải dân tộc, tái thống nhất 2 phái Fatah và Hamas sẽ dẫn đến tổng tuyển cử và khi đó Gaza sẽ không còn hoàn toàn trong tay Hamas nữa.

Vấn đề ở đây là người Palestine "đoàn kết hay không đoàn kết" để cùng nhau hợp lực trong cuộc đấu tranh với người Israel. Nếu đoàn kết lại, người Palestine sẽ có đủ sức mạnh, cuộc đấu tranh với Israel được sự đồng lòng của toàn thể người Palestine, còn nếu tiếp tục phân chia lãnh thổ "rừng nào cọp nấy" thì thế và lực tiếp tục bị phân tán, Palestine vẫn tiếp tục yếu thế trong các cuộc đọ sức chính trị với Israel.

Một điểm mấu chốt gây nên bất hòa giữa 2 phái Hamas và Fatah là liệu có đàm phán hòa bình với Israel hay không và đàm phán như thế nào. Hai phái Palestine từng có nhiều mâu thuẫn trong cách thức giải quyết xung đột với người Israel: Fatah của ông Abbas ngày càng thiên về đàm phán, nhận được sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây, trong khi Hamas vẫn bảo thủ quan điểm "tiêu diệt Israel", không công nhận Nhà nước Do Thái. Vì vậy, giới phân tích cho rằng nếu Fatah và Hamas tái hợp nhất với những mâu thuẫn như cũ thì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiến trình đàm phán hòa bình với Israel.

Trong đàm phán hòa bình giữa người Palestine và Israel, vấn đề xây dựng nhà ở trong các khu định cư Do Thái là một trong những mấu chốt quan trọng nhất và là trở ngại lớn nhất cho tiến trình hòa bình giữa người Palestine và Israel cũng như giữa Israel với khối Arập nói chung. Trong khi người Palestine đang tính chuyện hòa giải dân tộc thì ở Bờ Tây, Israel tiếp tục đẩy mạnh các dự án nhà ở trong các khu định cư.

Theo báo chí Israel, việc xúc tiến các dự án nhà ở này xuất phát từ những vụ bạo lực gần đây, nhất là vụ tấn công một gia đình Do Thái trong khu định cư Itamar làm 5 người chết. Vụ giết người bất ngờ và đầy bí ẩn này được người Israel sử dụng như một cái cớ cho hành động "trả đũa" thường thấy. Không ai biết thủ phạm là ai, nhưng theo thói quen quy chụp trách nhiệm thì cứ hễ có người Do Thái bị giết hoặc bị thương thì là "do người Palestine gây ra"(!?). Bởi thế nên khi thông tin về vụ giết người lan ra đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong những người Do Thái định cư, khiến cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đành chấp nhận phê chuẩn cho phép xây thêm hàng trăm ngôi nhà mới trong các khu định cư ở Bờ Tây.

Như vậy, không hẳn Hamas cố tình phá hỏng tiến trình hòa giải dân tộc của người Palestine, mà còn có cả Israel - vốn luôn muốn nhìn thấy người Palestine tan rã và suy yếu để dễ bề thao túng

Văn Trương (tổng hợp)
.
.