Paraguay sau phiên tòa phế truất Tổng thống

Thứ Năm, 05/07/2012, 17:40

Tổng thống Fernando Lugo của Paraguay là cựu linh mục trở thành vị Tổng thống cánh tả đầu tiên từ 62 năm qua, đã phải rời khỏi chức vụ sau một "phiên tòa phế truất chính trị" trước Thượng viện ngày 22/6 để nhường chỗ cho Phó Tổng thống Federico Franco.

Chính phủ các nước Mỹ Latinh đã lên án việc phế truất này như là "bất hợp pháp", là một vụ đảo chính. Tổng thống Ecuador, Rafael Correa khẳng định rằng Ecuador sẽ không thừa nhận một Tổng thống nào khác. Tại Caracas, Tổng thống Hugo Chavez cho rằng Tổng thống mới là bất hợp pháp và "chính phủ mới vô giá trị, bất hợp pháp". Một tổng thống cánh tả khác là Evo Morales của Bolivia cũng lên án "một vụ đảo chính của Quốc hội" và Bolivia sẽ "không thừa nhận một chính phủ không do dân bầu".

Cùng lúc Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã lên án một cuộc đảo chính không thể chấp nhận được. Trong một cuộc họp báo tại Buenos Aires, bà lấy làm tiếc về "sự tấn công vào các định chế làm sống lại tình trạng mà chúng ta ngỡ đã hoàn toàn lỗi thời tại Nam Mỹ". Ở Santiago, Ngoại trưởng Chile Alfredo Moreno cũng đồng thanh trong  sự lên án khi cho rằng "phiên tòa phế truất Tổng thống Paraguay là quá gấp rút và không hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cần thiết cho thủ tục đó".

Ngày 23/6, Liên minh châu Âu đã bày tỏ mối quan ngại và kêu gọi tôn trọng "nguyện vọng dân chủ" ở Paraguay. Trong một bản tin của Bộ Ngoại giao EU, Ngoại trưởng Catherine Ashton cho biết, đang âu lo theo dõi tình hình chính trị tại Paraguay và ủng hộ nhân dân nước này, đồng thời kêu gọi các bên nên "tôn trọng nguyện vọng dân chủ". Bà cũng ủng hộ quyết định của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ về việc gửi đại diện đến Paraguay.

Sau hôm Tổng thống Fernando Lugo bị phế truất, khoảng 20 nông dân đã tụ tập tại Yacundal cách thủ đô 300km về phía đông để đòi hỏi "công lý và cả đất đai". Họ là thân nhân các nông dân bị thiệt mạng vào ngày 15/6 tại Paraguay trong vụ đụng độ với cảnh sát làm chết 11 người dân và 6 cảnh sát, dẫn đến sự phế truất Tổng thống Fernando Lugo, trong một đất nước mà 80% đất đai nằm trong tay 2% địa chủ.

Martina Paredes, 33 tuổi, đã mất 2 người em trong chiến dịch của cảnh sát nhằm trục xuất vài chục ngườira khỏi một khu đất rộng 2.000 hecta thuộc về một địa chủ địa phương mà họ chiếm giữ. "Chúng tôi cần đất để làm ra cái ăn hàng ngày. Cha tôi có 10 hecta đất và gia đình tôi có 11 người sống trên mảnh đất đó để trồng vừng, ngô, bông vải. Chiếm giữ đất là hy vọng một ngày nào đó có một mảnh đất để xây nhà và trồng trọt" - bà cho biết. Hai người em của bà là lao động công nhật được trả mỗi ngày chưa đến 8 đôla.

Hành động phế truất Tổng thống Lugo phải chăng là đã chấm dứt niềm hy vọng của họ mong được thấy một sự cải cách đất đai tại quốc gia bất bình đẳng nhất trong khu vực ? "Dù sao Tổng thống cũng không có sự hậu thuẫn cần thiết trong Quốc hội để thực hiện lời hứa. Nếu có các biện pháp trả đũa thì chúng sẽ ập xuống đầu những nông dân nghèo" - một nông dân tên là Dario Acosta, 50 tuổi, nhận định.

Julio Colman, 59 tuổi, cựu dân biểu và ủy viên thành phố Curuguaty, tuy thừa nhận rằng, vấn đề đất đai rất phức tạp. Theo ông, chính phủ nên nắm giữ đất đai và không cấp cho nông dân nghèo mà phải bán lại dài hạn để họ có trách nhiệm và phải gia tăng sản xuất. Theo nhà phân tích Francisco Capli, Tổng thống Lugo bị phế truất "khiến nông dân không có đất bị mất đi một đồng minh chiến lược, tuy ông vẫn chưa giải quyết được điều gì trong nhiệm kỳ 4 năm của ông, chủ yếu là do không có sự hậu thuẫn trong Quốc hội".

Trong cuộc họp báo đầu tiên khi lên kế nhiệm, tân Tổng thống Federico Franco thừa nhận rằng, tình thế thật nan giải và hứa sẽ có "những biện pháp mới cho các vấn đề cũ", nhưng không nói rõ là biện pháp gì

M.L. (theo Le Point)
.
.