Park Guen-Hye sẽ trở thành “bà đầm thép” của Hàn Quốc?

Thứ Hai, 30/07/2012, 11:40

Năm 1979, nhà độc tài Park Chung-Hee - Tổng thống của Hàn Quốc bị ám sát. Khi ra đi, ông đã để lại hai tài sản chính trị: một nền kinh tế vững mạnh và hình ảnh một tổng thống với thời gian nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Giờ đây chính trường Hàn Quốc đang gọi tên tài sản thứ ba của cựu Tổng thống, người con gái lớn Park Guen-Hye hiện đang dẫn đầu cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống và có thể sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên ở Hàn Quốc trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 12 tới...

Hổ phụ sinh hổ tử

Sự trở lại đầy hứa hẹn đối với chiếc ghế tổng thống ở nhà Xanh (dịnh thự tổng thống ở Hàn Quốc) của bà Park Geun-hye đã đánh dấu bước thành công đầu tiên của bà trong sự nghiệp chính trị. Lần đầu bà Park bước chân vào vũ đài chính trị là năm 1974, khi đó bà phải thay mẹ trở thành đệ nhất phu nhân của Hàn Quốc sau cái chết của mẹ bà trong vụ ám sát Park Chung-hee không thành ở Triều Tiên.

Vai trò mới này đã buộc bà phải từ bỏ việc học tập tại Paris (Pháp). Trong thời gian ấy bà luôn ủng hộ các chính sách của cha mình và làm tròn trách nhiệm của một đệ nhất phu nhân. Nhưng 5 năm sau đó, đến lượt cha bà bị ám sát, bà rời khỏi vai trò chính trường và dành 18 năm tiếp theo sống ở những nơi hẻo lánh và làm công tác từ thiện cho đến khi đất nước bị chấn động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997.

Từ đây, Park Geun-hye mới chính thức trở lại vũ đài chính trị. Là một phụ nữ độc thân, bà Park hiện 60 tuổi, với bộ quần áo giản dị, kiểu tóc từ thập niên 70, đã trở thành biểu tượng của truyền thống và những giá trị lâu đời của một đế chế cổ. Bà đã nỗ lực để thay đổi một hình ảnh xa cách, từng một thời gắn bà với biệt danh "Công chúa Geun Hye" hoặc "Nàng Bạch Tuyết" để luôn xuất hiện trước công chúng với nụ cười rạng rỡ và sự thân thiện. Người ta đặc biệt ấn tượng khi một chính khách như bà sẵn sàng dành những cái ôm nồng hậu cho cả những người bán rau.

Bà Park Geun-hye đang gây bất ngờ khi lãnh đạo đảng của mình - đảng New Frontier (tạm dịch: Biên giới mới) chiếm đa số ghế trong Quốc hội và đứng đầu các cuộc trưng cầu dân ý trong vòng 11 tuần qua. Trong một cuộc míttinh ở thủ đô Seoul, Park Geun-hye tự nhận là học trò của cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và gọi đường lối của mình là "chủ nghĩa Thatcher của Hàn Quốc". Ở cuộc thăm dò dư luận mới nhất nội bộ đảng Biên giới mới, bà dẫn đầu danh sách ứng cử viên tổng thống của đảng với tỉ lệ ủng hộ 38%, hơn người ở vị trí thứ 2 tới 20%.

Trong cuộc míttinh ở Seoul ngày 9/7 vừa qua, bà Park Geun-hye cam kết "xây dựng một đất nước không ai bị bỏ rơi". Bà nói: "Người dân nước ta nói kinh tế đất nước phát triển mà đời sống của  họ chẳng được cải thiện, hạnh phúc vẫn xa vời. Sự thay đổi mà các bạn mong chờ Park Geun-hye này sẽ biến thành sự thật".

Dưới thời Tổng thống cha Park Chung-hee, kinh tế Hàn Quốc được ưu tiên cho phát triển công nghiệp ôtô, thép, hỗ trợ các tập đoàn gia đình như Samsung, nơi những sản phẩm điện tử chiếm 1/5 GDP cả nước. Để tăng thêm quyền lực cho mình, Park Chung-hee đã thực hiện phương pháp "bàn tay sắt" sửa đổi hiến pháp để có thể sử dụng cực hình, siết chặt công tác kiểm duyệt, hành quyết công khai để trấn áp những kẻ phản quốc và các thành phần đối lập chính trị. Đối với đời sống nhân dân, ông ra lệnh cấm nhạc rock, váy ngắn và tóc dài. Cuộc sống ở thời Park Chung-hee có thể khắc nghiệt. Liệu Park Geun-hye có thể tiếp nối cha mình trở thành một con hổ trên chính trường xứ sở kim chi này?

Bà Park Geun-Hye trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Seoul ngày 10/7.

Cam kết "một đất nước không ai bị bỏ rơi"

Trong hoàn cảnh các nhu cầu hàng hóa ở châu Âu giảm và tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi Hàn Quốc tăng, bà Park đang phải đối mặt với nhiệm vụ xây dựng các chính sách nhằm tăng lương và mở rộng các chế độ phúc lợi xã hội như một chiến lược để chiếm lòng tin của nhân dân trong thời kỳ  suy thoái này.

Lee Nae-young, giáo sư Khoa học chính trị Trường đại học Hàn Quốc tại Seoul cho biết, kế hoạch mấu chốt trong cuộc bầu cử năm nay không phải là tăng số lượng công việc mà là chất lượng việc làm và chất lượng các phúc lợi xã hội. Park Geun-hye đã cho thấy những dấu hiệu bà đang dành nhiều ưu tiên và tập trung vào những đường lối mang định hướng cải thiện các chế độ phúc lợi đối với nền kinh tế. Tốt nghiệp Trường đại học Sogang với chuyên ngành kỹ sư điện tử, cũng một phần trở thành nhân tố khiến bà ủng hộ chính sách phát triển khoa học ứng dụng của cha bà trước kia.

Phát biểu trong lễ đổi tên đảng Quốc gia lớn của mình thành Biên giới mới, bà Park cho biết, nếu muốn đảng của bà chiếm được lòng tin của nhân dân thì các đảng viên phải thay đổi và cần phải làm dịu đi tình hình căng thẳng ở biên giới với CHDCND Triều Tiên. Năm 2002, chính bà Park là người đã gặp cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng để cố xoa dịu những căng thẳng giữa Bắc và Nam Triều Tiên, kêu gọi CHDCND Triều Tiên cải thiện nhân quyền.

Các mối quan hệ giữa hai bên sụp đổ khi Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-park áp dụng lại chính sách "Ánh mặt trời". Trong không khí căng thẳng ấy, 50 người Hàn Quốc đã bị giết hại năm 2010 khi hòn đảo ranh giới bị CHDCND Triều Tiên nã pháo và tàu chiến của Hàn Quốc bị đánh chìm bằng ngư lôi. Tuy nhiên Triều Tiên chối bỏ việc đánh chìm tàu chiến của Hàn Quốc khiến căng thẳng giữa hai bên ngày càng leo thang.

Về vấn đề phúc lợi xã hội, tại một diễn đàn hồi tháng 11/2011, bà Park cho biết Hàn Quốc chưa có một hệ thống hoàn thiện công việc chăm sóc và hỗ trợ những người già, cung cấp các công việc tạm thời hay giúp đỡ những người trẻ thất nghiệp. Trong khi đó, chính phủ lại tăng ngân sách để thi hành các chính sách khác một cách rải rác, như vậy người dân sẽ không thể thấy rõ được những thay đổi. Dù không can thiệp vào các chính sách hiện tại của Tổng thống Lee Myung-park nhưng bà vẫn có thể tác động để giảm bớt các ưu tiên của chính phủ đối với các công ty lớn trong cả nước, nhất là đối với những tập đoàn là trung tâm của các chấn động trong năm qua về những vụ mâu thuẫn nội bộ hay bị cáo buộc liên quan đến nạn tham nhũng.

Theo giáo sư Yang Seung Ham, Trường đại học Yonsei thì điều bà Park cần làm lúc này là phải quyết định xem còn bao xa nữa họ mới chạm tới chính sách phúc lợi xã hội như kế hoạch đề ra. Bà Park có thể lèo lái các chính sách cũ của cha bà trước kia để củng cố các dự án tái tạo việc làm cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự thay đổi như thế có thể xảy ra sau khi Ngân hàng Trung ương cảnh báo những rủi ro phát sinh từ cuộc khủng hoảng tại châu Âu gia tăng.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã giữ lãi suất cho vay cố định 12 tháng cho đến tháng 6 vừa rồi. Xuất khẩu, ngành chiếm tới một nửa GDP của đất nước có nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đã giảm 3 tháng liên tiếp cho tới tháng 5 với các chuyến tàu đi châu Âu đã giảm 16% so với năm ngoái.

Nhà Xanh - dinh thự của Tổng thống Hàn Quốc.

Vượt xa đối thủ

Đối thủ của bà Park lần này là ông trùm phần mềm Ahn Cheol-soo, 50 tuổi, một ứng viên tự do, người có một sự nghiệp rất thành công và là nhà tài trợ của rất nhiều hoạt động từ thiện. Chính vì lý do này, Ahn rất được lòng các cử tri trẻ tuổi.

Người tiếp theo là Moon Jae-in, 59 tuổi, một luật sư của đảng Dân chủ liên minh, ông này từng bị ngồi tù năm 1975 vì tội tham gia các cuộc biểu tình chống lại chế độ của Tổng thống Park Chung-hee.

Hiện tại bà Park đang dẫn đầu các cuộc trưng cầu dân ý với 41,1% so với 19,2% của ông Ahn và 15,1% của ông Moon, số liệu từ cuộc thăm dò 3.750 người hồi cuối tháng 6 vừa qua. Bà Park đã có khoảng thời gian khó khăn khi cố gắng giành chiến thắng trước những cử tri trẻ tuổi, những người không biết đến đế chế một thời mà cha bà gây dựng. Tuy vậy, Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc vừa cho biết, trong báo cáo phân tích cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4 của Quốc hội, các đảng đối lập vẫn có thể chiến thắng do có số lượng người trẻ nhiều hơn.

Người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tháng 12 tới sẽ thay thế Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-park khi nhiệm kỳ 5 năm của ông sẽ chấm dứt vào tháng 2 năm sau. Tổng thống Lee đang phải đối mặt với sự thất vọng của người dân về việc ông không thực hiện được những lời hứa của mình trong cuộc bầu cử năm 2007, khi ông đã đánh bại  bà Park.

Thêm vào đó, sự suy thoái toàn cầu đã làm mức tăng trưởng giảm xuống còn 3,6%/năm vào năm ngoái, chênh lệch thu nhập lại gia tăng, số lượng người trẻ thất nghiệp gần như tăng gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp cả nước và chỉ số chứng khoán chuẩn Kospi đã tụt 10% trong vòng 3 tháng. Mức lãi suất mà Tổng thống Lee Myung Park cho phép đã tăng hơn một nửa từ khi ông nhậm chức, tại cuộc trưng cầu mới đây là 28,6%.

Theo đánh giá, 5 năm qua với những gì ông Lee Myung-park thể hiện đã chỉ cho các cử tri thấy rằng mục tiêu tăng trưởng "thiếu tính khả thi" sẽ không bao giờ được ưu tiên nữa. Các cử tri muốn một người có thể cho họ thấy nền kinh tế không chỉ tăng trưởng mà còn tạo việc làm cho nhiều người hơn nữa cũng với các chế độ phúc lợi xã hội phải được cải thiện. Vừa qua, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã khiêm tốn hơn trong việc đưa ra con số ước tính tăng trưởng xuống còn 3,3% so với 3,7% năm ngoái và thông báo 8,5 tỉ won sẽ được chi trả để hậu thuẫn nền kinh tế. Nhưng những chính sách của Tổng thống Lee Myung-park như bị nghiền nát vào năm ngoái khi các quan chức làm công tác cứu trợ và các luật sư thâm niên đều dính líu vào một chuỗi những scandal tham nhũng. Đây càng trở thành cơ hội cho bà Park tạo một hình ảnh tốt đẹp trong cuộc họp giải quyết khủng hoảng mà bà chủ trì.

Trong lúc đó, bà Park  Geun-hye lấy lại được sự ủng hộ của nhiều cử tri lớn tuổi, những người còn nhớ những ngày huy hoàng dưới sự điều hành của cha bà. Park Geun-hye đã dành cả tuổi thơ và những năm đầu của tuổi trưởng thành ở nhà Xanh và đã hoạt động trong lĩnh vực chính trị hơn 20 năm nay. Không một chính trị gia nào có được những trải nghiệm và được rèn luyện trong một môi trường như thế. Mặc dù bà vẫn chưa tuyên bố vị trí ứng cử viên của mình cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 19/12 tới nhưng theo các quan chức, bà Park sẽ tuyên bố ngôi vị ứng viên của mình trong tháng 7 này.

Một nhà bình luận chính trị có uy tín ở Seoul nhận xét: "Đường lối chính sách của bà Park khác xa Tổng thống Lee Myung-park, chắc chắn sẽ được đông đảo cử tri ủng hộ"

Hoàng Cúc - Hồng Quý (tổng hợp)
.
.