Peru: Cựu Tổng thống Fujimori liệu có bị xét xử?

Thứ Hai, 08/10/2007, 18:15
Rốt cuộc, sau gần 7 năm rời khỏi đất nước Peru về sống tại "quê nhà" Nhật Bản, cựu Tổng thống Alberto Fujimri đã bị dẫn độ về nước hôm 22/9 sau phán quyết của Chánh án Tòa án tối cao Chile trước đó một ngày. Ông được đưa về Peru trên một chuyến bay quân sự và đáp xuống căn cứ quân đội ở quận Surco, Lima, trước khi được đưa về tạm giam trong một trại giam dã chiến của cảnh sát để chờ ngày xét xử.

Việc dẫn độ ông Fujimori từ Chile về Peru xét xử đã chấm dứt chuỗi giằng co ngoại giao giữa 2 nước suốt một năm rưỡi qua kể từ khi ông đặt chân đến Nhật Bản. Việc đó cũng giúp chấm dứt những căng thẳng ngoại giao giữa Peru với Nhật Bản.

Đất nước mặt trời mọc đã đứng ra bảo lãnh sự an toàn cho ông Fujimori với tư cách một công dân của mình (Fujimori mang 2 quốc tịch Peru và Nhật Bản), và trong suốt nhiều năm liền đã từ chối yêu cầu dẫn độ của Chính phủ Peru, kể cả khi Lima cử một phái đoàn quan chức cấp cao sang Tokyo với hy vọng dùng sức ép ngoại giao buộc Tokyo dẫn độ Fujimori về Peru nhưng vẫn không thành công, khiến cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị đóng băng một thời gian.

Tháng 11/2005, Fujimori đã đáp chuyến bay cá nhân từ Nhật đến thủ đô Lima, Chile, và bị lực lượng an ninh nước này bắt giữ ngay sau đó theo yêu cầu của Interpol, ông bị tạm giam đến tháng 5/2006 thì được tại ngoại.

Tháng 1/2006, Fujimori bị Viện Công tố Peru truy tố với 12 tội danh, và Viện Công tố Peru đã yêu cầu Chính phủ Chile dẫn độ ông từ Nhật Bản về Peru để xét xử nhưng bị từ chối.

Ngày 21/9/2007, sau hơn một năm giằng co, cuối cùng Tòa án tối cao Chile đã phán quyết cho dẫn độ Fujimori về Peru với 7 tội danh liên quan đến “lạm dụng nhân quyền” và tham nhũng.

Phiên tòa xét xử ông dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới được dự báo sẽ rất gay cấn, bởi lẽ cho dù không còn nắm quyền lực, nhưng ông Fujimori vẫn nhận được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ dân chúng Peru, trong đó có vài chính đảng đang có ghế trong Quốc hội.

Dư luận Peru hiện đang chia làm 2 phe: một phe ủng hộ và một phe chống lại ông Fujimori. Phe ủng hộ ông hiện còn khá đông. Ít nhất 2 đảng phái ủng hộ ông chiếm số ghế không nhỏ tại Quốc hội, đã tích cực vận động để ông được trở về nước tham gia ứng cử. Tháng 1/2006, Keiko Sofia, con gái ông, đã nộp đơn cho ông.

Năm nay 69 tuổi, xuất thân từ một gia đình người Nhật Bản di cư sang Peru vào năm 1934, Fujimori từng được xem là một người Nhật Bản lãnh đạo đất nước Peru (ông có biệt danh là “El Chino”.

Mặc dù gây tranh cãi về nơi sinh, nhưng sự xuất hiện ngay vào thời điểm đất nước Peru đang khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - chính trị đã giúp cho Fujimori giành được sự ưu ái của đại đa số dân chúng Peru. Đó là ngày ông lên nắm quyền -  28/7/1990, thay thế cho chính quyền Alan Garcia đã bị mất niềm tin nghiêm trọng trong dân chúng.

Có thể nói, ông Fujimori đã đạt được khá nhiều thành quả trong giai đoạn nắm quyền 1990-2000, trong đó thành công lớn nhất chính là việc lập lại hòa bình, ổn định cho đất nước Peru.

Về mặt an ninh, với việc áp dụng chính sách mạnh tay, ông Fujimori đã khống chế được SL lẫn MRTA (hai tổ chức ở cánh tả ở nước này), trong đó việc bắt giữ thủ lĩnh SL Abimael Guzman vào năm 1992 được xem là thành công lớn nhất, tạo bước ngoặt quan trọng nhất dẫn đến sự suy yếu của SL.

Về mặt kinh tế, nhờ áp dụng chính sách “liệu pháp sốc” (còn gọi là “Fujishock”) mà ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Fujimori đã không chỉ chặn đứng được đà tụt dốc của kinh tế Peru, khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô tạo tiền đề cho sự phục hồi tăng trưởng vào giữa thập niên 90 thế kỷ XX, mà còn đưa kinh tế Peru trở lại hòa nhập vào kinh tế thế giới một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, phe chống đối đòi ông phải ra trước vành móng ngựa để trả lời về những vụ thảm sát du kích quân và các nhà hoạt động cánh tả trong những năm ông cầm quyền từ năm 1990 đến 2000.

Trong 7 tội danh mà Viện Công tố nhắm vào ông Fujimori có liên quan đến 2 vụ thảm sát La Cantuta và Barrios Altos làm chết ít nhất 25 thành viên của Phong trào Cách mạng Tupac Amaru (MRTA). Đó là chưa kể việc sử dụng các biệt đội Thần chết để hành quyết hoặc thủ tiêu nhiều thành viên của lực lượng du kích cánh tả Con đường sáng (Sendero Luminoso - SL).

Hầu như tất cả các vụ bắt cóc và thủ tiêu các du kích quân và các nhà hoạt động cánh tả trong giai đoạn ông Fujimori cầm quyền đều thực hiện bởi các Biệt đội Thần chết dưới sự chỉ huy của cựu trùm mật vụ Vladimiro Montesinos.

Khi Montesinos bị bắt vào năm 2000 vì tội tham nhũng và hối lộ, người ta cho rằng Montesinos đã làm “vật tế thần cho Fujimori. Do biết trước kẻ bị sờ gáy tiếp theo sẽ là mình cho nên Fujimori đã âm thầm thu xếp hành trang và lặng lẽ rời khỏi Peru nhân chuyến dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Brunei tháng 11/2000.

Xin nói thêm, tháng 11/2005, khi ông Fujimori vừa đặt chân xuống sân bay Santiago và bị Cơ quan An ninh Chile bắt giam, báo chí đã đặt câu hỏi “vì sao ông Fujimori lại đến Chile để bị bắt?”.

Hẳn ông Fujimori biết rất rõ mình đang bị Interpol phát lệnh truy nã (từ tháng 3/2003) và có thể bị bắt bất cứ lúc nào nếu đi ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Hơn nữa, năm 2001, Tòa án tối cao Peru đã ra lệnh cấm ông Fujimori trở về nước tham gia hoạt động chính trị, và phải bị bắt dẫn giải về nước để xét xử.

Cần lưu ý thêm, tháng 1/2006, con gái ông là Keiko Sofia đã thử đăng ký cho ông tham gia tranh cử tổng thống (diễn ra tháng 4/2006) nhưng đã bị Ủy ban Bầu cử quốc gia từ chối. Trong khi ở Nhật, ông Fujimori thành lập một đảng chính trị là Si Cumplpe (2006).

Sang năm 2007, khi được tại ngoại ở Chile, ông tiếp tục thành lập đảng mới là People's New Party. Từ đó, vài nhà bình luận đã cho rằng, từ chuyến đi cho đến việc bị bắt (và cả việc bị dẫn độ) đều nằm trong kế hoạch “trở về Peru” được tính toán kỹ lưỡng của Fujimori!

Những bước đi tiếp theo trong toàn bộ kế hoạch trở lại chính trường Peru của ông Fujimori sẽ tùy thuộc vào việc phiên tòa xét xử ông sắp tới có diễn ra hay không, hoặc liệu ông có bị kết án hay không và mức án sẽ như thế nào

An Châu (tổng hợp)
.
.