Peru: Tổng thống bị luận tội tham nhũng

Thứ Ba, 17/11/2020, 15:17
Ngày 10-11, Quốc hội Peru đã tổ chức phiên luận tội Tổng thống Martin Vizcarra và phế truất ông. Điều trớ trêu, Tổng thống Vizcarra chính là người đã thúc đẩy rất quyết liệt cuộc chiến chống tham nhũng từ khi nhậm chức đến nay, từng đối đầu với cả Quốc hội và Tòa án Tối cao trong cuộc chiến này.

Phiên hôm 10-11 là lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua, Tổng thống Vizcarra bị Quốc hội Peru luận tội. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 9, với cáo buộc ông có liên quan đến một vụ Chính phủ Peru ký các hợp đồng bất thường với một ca sĩ không tên tuổi. Lần đó, đảng đối lập đã không thành công trong việc luận tội và phế truất ông. Còn lần này, cáo buộc chống lại ông cho rằng ông đã nhận các khoản hối lộ để giúp một số doanh nghiệp giành được các hợp đồng các công trình công cộng béo bở trong thời gian ông làm Thống đốc tỉnh Moquegua. Và Quốc hội đã phế truất ông thành công với tỉ lệ 87 phiếu trên tổng số 130 nghị sĩ, đủ số phiếu theo hiến định.

Năm nay 57 tuổi, ông Martin Vizcarra là Tổng thống Peru không phải qua tranh cử. Từng là một kỹ sư trước khi tham gia chính trị, năm 2006 ông đắc cử Thống đốc tỉnh Moquegua với tư cách ứng viên độc lập, không đảng phái. Có lẽ đó cũng là con đường chính trị của ông suốt từ đó cho đến nay. Ông làm Thống đốc tỉnh Moquegua trong 10 năm, cho đến khi tham gia chính phủ của ông Kucsynski, với tư cách Phó Tổng thống nhưng không phải là người của đảng phái nào.

Tổng thống Martin Vizcarra.

Trong thời gian 2 năm dưới thời Tổng thống Kucsynski, ông Vizcarra cũng trải qua một số chức vụ kiêm nhiệm khác, như Bộ trưởng Giao thông, Đại sứ Peru tại Canada. Khi ông Kucsynski từ chức, ông Vizcarra mặc nhiên lên thay thế theo hiến định, trở thành Tổng thống thứ 67 của Peru.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Vizcarra đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng toàn diện, được giới quan sát đánh giá là canh bạc đầy mạo hiểm, rủi ro. Là một tổng thống không đảng phái, ông Vizcarra hoàn toàn không có được sự hậu thuẫn chính trị cần thiết của các nghị sĩ cùng đảng phái trong Quốc hội như những người khác. Tuy vậy, ông vẫn sẵn sàng lao vào cuộc chiến, dám đứng ra thách thức quyền lực vượt trội của đảng đối lập Popular Force của bà Keiko Fujimori (con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori, hiện đang ngồi tù do dính líu tham nhũng) chiếm đa số và nắm quyền kiểm soát Quốc hội.

Ưu thế ông Vizcarra có được chính là sự phẫn nộ của công chúng quá lớn đối với tình trạng bê bối tham nhũng hoành hành đất nước Peru, trong khi các đảng phái chính trị luôn tìm cách làm hỏng tiến trình cải cách thể chế nhằm kiềm hãm và bài trừ tham nhũng. Sự phẫn nộ của công chúng lên cao trào vào tháng 7-2018 khi một loạt đoạn ghi âm nghe lén các cuộc điện thoại được công bố công khai, trong đó bao gồm các cuộc trao đổi giữa các thẩm phán, những kẻ môi giới quyền lực và các nghi can tội phạm nhằm dàn xếp các vụ án, kể cả các mối liên hệ giữa các đảng phái chính trị với bọn tội phạm có tổ chức.

Với lập trường cứng rắn, không khoan nhượng, ông Vizcarra đưa ra “tối hậu thư” cho Quốc hội phải quay trở lại con đường cải cách, cùng ông đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng hay phải đối mặt với cuộc bầu cử sớm, đồng nghĩa với việc mất thế đa số, mất quyền hành. Ngày 19-9-2018, ông Vizcarra đã kích hoạt một thủ tục hiến định cho phép ông giải tán Quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử mới nếu các thành viên Quốc hội không tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nội các của ông. Ông Vizcarra liên tục công kích các nghị sĩ Quốc hội đã tìm cách “câu giờ” nhằm trì hoãn việc thông qua các đạo luật chống tham nhũng, cải cách chính trị, đặt ra giới hạn nhiệm kỳ đối với các nghị sĩ.

Cuộc giằng co giữa Tổng thống Vizcarra với các nghị sĩ cánh hữu trong Quốc hội trong cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài hơn 1 năm, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất ở Peru trong vòng 20 năm. Đến ngày 30-9-2019, Tổng thống Vizcarra tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại. Kết quả, đảng Popular Force của bà Keiko thảm bại, mất 58 ghế, chỉ còn 15 ghế, đồng thời xuất hiện thêm 2 đảng mới trong Quốc hội là Union for Peru (13 ghế) và Podamos Peru (11 ghế). Các đảng nhỏ, chỉ chiếm vài ghế trong nhiệm kỳ trước bỗng vượt lên trở thành những đảng lớn trong Quốc hội, đó là các chính đảng: Popular Action (25 ghế), Alliance for Progress (22 ghế) và FREPAP (15 ghế).

Cuộc chiến giữa Tổng thống Vizcarra với Quốc hội không chỉ dừng lại đó mà còn lan sang cả hệ thống tư pháp, với việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao làm “trọng tài” cho cuộc chiến chống tham nhũng. Thế nhưng, theo cáo buộc của Tổng thống Vizcarra, ngay cả những vị “cầm cân nảy mực” này cũng không hoàn toàn trong sạch, mà có đến 6 trên 7 vị có mối quan hệ với tội phạm. Và khi chính thức đi vào hoạt động, Quốc hội mới được hình thành sau cuộc bầu cử do ông Vizcarra tạo nên đã quay lại luận tội chính ông với cáo buộc... tham nhũng!?

Việc phế truất Tổng thống Vizcarra được giới phân tích đánh giá là bước đi có phần mạo hiểm của Quốc hội Peru. Thời điểm hiện nay còn 6 tháng nữa mới đến cuộc bầu cử tổng thống và phải thêm 3 tháng sau bầu cử ông Vizcarra hết nhiệm kỳ. Do vậy, Tổng thống Vizcarra đã cảnh báo việc luận tội ông vào thời điểm này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra những bất ổn khó lường cho chính trường. Peru là quốc gia sản xuất kim loại đồng lớn thứ hai thế giới, vì thế nếu xảy ra tình trạng bất ổn về chính trị, an ninh tại nước này sẽ đe dọa gây biến động trên thị trường thế giới, từ đó tạo ra những hệ lụy khác nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chao đảo nghiêm trọng và có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội Manuel Merino, thành viên đảng Popular Action, sẽ thay thế ông Vizcarra tạm nắm quyền hành cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 4-2021 và sẽ trao lại quyền cho vị tổng thống mới vào cuối tháng 7-2021.

An Châu (Tổng hợp)
.
.