Phản ứng quốc tế trước kết quả bầu cử tại Israel

Thứ Sáu, 20/02/2009, 06:30
Bầu cử Quốc hội Israel vừa qua đã không đem lại chiến thắng thuyết phục cho bất cứ đảng phái nào. Tuy nhiên, đây là dịp để phe bảo thủ cực đoan lên ngôi. Giới quan sát quốc tế cho rằng một chính phủ liên minh tại Israel sắp tới là mối lo của cộng đồng quốc tế về tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Theo kết quả chính thức về cuộc bầu cử Quốc hội Israel ngày 10/2 vừa qua, đảng Kadima theo xu hướng trung hữu của Ngoại trưởng Tizpi Livni đã về nhất. Tuy nhiên, đảng này chỉ giành được 28 ghế đại biểu, hơn được vỏn vẹn 1 ghế so với đảng cánh hữu Likud của cựu Thủ tướng Benyamin Netanyahu, về thứ nhì.

Đúng như dự đoán, đảng dân tộc cực đoan Israel Beitanu của ông Avigdor Lieberman trở thành thế lực chính trị thứ ba tại Israel, với 15 nghị sĩ. Riêng Công đảng của ông Ehud Barak bị thảm bại, chỉ được 13 ghế dân biểu, kết quả tồi tệ nhất đối với đảng này từ trước tới nay.

Kết quả trên đã xác nhận đà vươn lên của cánh hữu Israel. Với tư cách là người về đầu trong cuộc bầu cử, bà Tzipi Livni có thể đòi quyền thành lập chính phủ, nhưng đảng Kadima sẽ gặp khó khăn trong việc tìm liên minh thành lập đa số tại Quốc hội.

Ngược lại, ông Benyamin Netanyahu có nhiều hy vọng hơn nếu liên kết được với đảng dân tộc cực đoan Beitanu cũng như với một số đảng Do Thái giáo như đảng Shas hay một vài đảng cực hữu nhỏ khác.

Trước tình hình này, ngày 12/2 vừa qua, hàng loạt các phương tiện truyền thông quốc tế đều tỏ ra lo ngại cho tiến trình hòa bình tại Trung Đông, trong đó dẫn lời phát biểu của một số nguyên thủ và giới phân tích chính trị có uy tín.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mong muốn chính quyền mới của Israel sẽ coi hòa bình là "nỗi ám ảnh" và chỉ có như vậy mới mang lại sự yên bình cho người dân Israel. Và để có được hòa bình, theo ông Sarkozy, là phải có một Nhà nước Palestin.

Ngoại trưởng Pháp, Bernard Kouchner, thì phát biểu rõ hơn: "Cánh hữu đã chiến thắng về mặt số lượng ghế đại biểu trong đợt bầu cử vừa qua. Nhưng Tổng thống Shimon Peres có lẽ sẽ chỉ định bà Tizpi Livni, lãnh đạo đảng Kadima về nhất trong cuộc bầu cử vừa qua, làm thủ tướng".

Israel tấn công vào các mục tiêu tại dải Gaza.

Trưởng đoàn ngoại giao Bỉ, Karel De Gucht, cho biết: "Tôi nghĩ rằng áp lực quốc tế sẽ khiến ông Peres chọn hướng đi này. Sẽ có nhiều cơ hội hơn cho một hiệp ước hòa bình tại Trung Đông nếu bà Livni làm thủ tướng".

Nhà Trắng cũng tỏ ra dứt khoát. Theo một quan chức ngoại giao Mỹ, Washington kiên định theo đuổi một nền hòa bình tại Trung Đông và sự an ninh cho Israel với Chính phủ Do Thái sắp tới.

Nhà cựu hòa giải người Mỹ Aaron David Miller, tác giả cuốn sách về vai trò của Washington trong cuộc chiến Israel - Palestin, không giấu sự bi quan: "Chính quyền Obama sẽ phải đối mặt với tình hình xấu nhất từ cả hai phía. Nếu như trước đây là sự lộn xộn trong mái nhà Palestin, vốn thêm trầm trọng bởi cuộc chiến ở Dải Gaza, thì giờ lại là những bất ổn trong ngôi nhà Israel, nơi mà thủ tướng tương lai sẽ không đủ khả năng để đưa ra những quyết định dứt khoát".

"Người Palestin muốn tin vào tương lai của những vòng đàm phán. Nhưng nay, sự nổi lên của phe cực đoan trong Quốc hội Israel khiến chúng ta không khỏi lo lắng"- Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas phát biểu với báo La Repubblica của Italia.

Nhận định về thắng lợi của phe cực đoan tại Israel, tờ Liberation của Pháp cho đây là lá phiếu của chiến tranh.

Trong bài xã luận, tờ báo nhận thấy hòa bình là kẻ thua thiệt trong cuộc bầu cử này, và đó cũng là thách thức lớn nhất đối với tân Thủ tướng Israel. Tờ Liberation nhận định rằng con đường sẽ còn nhiều chông gai, vì Israel sẽ không còn được hậu thuẫn vô điều kiện của đồng minh Mỹ.

Tờ báo này nhắc lại rằng Tổng thống Mỹ Obama đã cương quyết vãn hồi hòa bình ở Trung Đông, cho nên tân chính quyền Israel sẽ chiụ sức ép của đồng minh. Hơn nữa các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sau các chiến dịch tấn công Dải Gaza, thiện cảm đối với Israel đã có phần giảm sút ở Mỹ và ngay cả trong cộng đồng Do Thái ở đây

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.