Pháp: Báo Le Monde nộp đơn kiện tổng thống

Thứ Hai, 27/09/2010, 23:45
Le Monde, một trong những tờ báo hàng đầu của nước Pháp, vừa nộp đơn ra tòa kiện chính quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy vi phạm đạo luật về bảo vệ các nguồn thông tin.

Các phóng viên khẳng định rằng, những quan chức thân cận của Tổng thống đã nghiên cứu rất tỉ mỉ tài liệu điều tra về vụ án Bettencourt-Woerth, xác định ra được một nguồn tin nặc danh trong Bộ Tư pháp, sau đó trừng phạt người này vì đã hợp tác với báo chí bằng việc cách chức và điều chuyển sang một vị trí làm việc kém hơn.

Theo như tuyên bố của Tổng biên tập tờ Le Monde là Sylvia Kaufmann, bằng cách nộp đơn kiện lên tòa án, các nhân viên tòa soạn sẽ kiên quyết đứng ra bảo vệ "nhà nước pháp quyền, cũng như việc tuân thủ luật pháp và tự do báo chí", sẵn sàng theo kiện với điện Elysee cho tới tận Tòa án Strasbourg.

Nguồn gốc sâu xa của vụ kiện đình đám trên bắt nguồn từ một bài báo có nhan đề "Chiến hữu Bettencourt đưa Eric Woerth vào tình thế khó khăn", đăng trên tờ Le Monde vào ngày 18/7 vừa qua. Nội dung bài báo nói về tiến trình điều tra vụ án của người phụ nữ giàu nhất nước Pháp - Liliane Bettencourt, chủ nhân hãng mỹ phẩm nổi tiếng L'Oreal - đang bị cáo buộc cung cấp tài chính trái phép cho chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và cả tội trốn thuế.

Trong vụ bê bối trên còn có sự dính líu của Bộ trưởng Lao động Eric Woerth, người chịu trách nhiệm về tài chính trong chiến dịch tranh cử của đảng UMP cầm quyền. Các điều tra viên khi tác nghiệp đã chú ý tới một chi tiết, theo đó phu nhân của ông Woerth đã làm việc tại Công ty Clymene, một doanh nghiệp có vốn đầu tư của bà Bettencourt.

Trong bài báo trên, phóng viên tờ Le Monde đã đưa ra một thông tin có được từ những nguồn tin giấu tên trong chính quyền, liên quan đến việc cơ quan điều tra đang thẩm vấn cố vấn tài chính của bà Bettencourt là Patrice de Maistre, người đã nhận bà  Woerth vào làm việc.

Ngay hôm thứ Hai đầu tuần (ngày 13/9), tờ Le Monde đã chính thức "tuyên chiến" với bài báo đăng ngay trên trang đầu có nhan đề "Điện Elysee đã vi phạm đạo luật về bảo vệ các nguồn thông tin". Theo dữ liệu các nhà báo có được, việc điều tra vụ Bettencourt-Woerth đã khiến Tổng thống Sarkozy nổi giận.

Cơ quan Cảnh sát quốc gia (DGPN) và Tổng cục Tình báo đối nội (DCRI) được giao nhiệm vụ phải tìm ra nguồn đã tiết lộ những thông tin trên cho báo chí. Kết quả điều tra đã có được những bằng chứng cho thấy, chính cố vấn David Senat của Bộ trưởng Tư pháp Michele Alliot-Marie là người đã cung cấp thông tin này. Rất nhanh chóng, "kẻ phản bội" Senat bị cách chức và điều ra làm việc tại hòn đảo Guyanne thuộc Pháp.

Le Monde khẳng định rằng, Tổng thống Sarkozy đã có truyền thống lợi dụng các cơ quan mật vụ để phục vụ cho những lợi ích chính trị của riêng mình, chứ không phải vì quyền lợi quốc gia. Được biết là DCRI - còn được mệnh danh là "FBI của Pháp" - theo chỉ thị của chính ông Sarkozy đã được thành lập vào năm 2008 trên cơ sở sáp nhập của Cơ quan Tình báo tổng hợp (RG) và Cơ quan Phản gián (DST).

Nếu như RG trước đó chỉ điều tra các vấn đề về chính trị, thì "FBI của Pháp" còn đi xa hơn: vào tháng 4/2010 còn tham gia điều tra những tin đồn về vợ chồng Tổng thống trên danh nghĩa "vì an ninh quốc gia". Le Monde bật mí thêm, Chỉ huy Frederic Pechenard của DGPN là bạn thân thiết của ông Sarkozy, còn lãnh đạo DCRI Bernard Squarcini từng là phụ tá thân cận của đương kim Tổng thống từ năm 2002 ở Bộ Nội vụ.

Giới lãnh đạo tờ Le Monde còn cho rằng, chính quyền đã "áp dụng những biện pháp vi phạm trực tiếp đạo luật bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của nguồn thông tin". "Cho tới giờ, việc điều tra chính thức chưa bắt đầu, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là một vụ vi phạm pháp luật. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào lẽ phải của mình và sẽ đi đến cùng, nếu cần tới cả Tòa án Strasbourg" - Tổng biên tập tờ Le Monde tuyên bố. Bà Kaufmann còn nhấn mạnh thêm rằng, "vụ việc trên đã nhận được sự ủng hộ của xã hội, vì người dân Pháp thấy rõ Le Monde đang đấu tranh vì một nhà nước pháp quyền, vì tinh thần tuân thủ luật pháp và tự do báo chí".

Những hành động trên của chính quyền Sarkozy cũng gây ra phản ứng khá quyết liệt trong cộng đồng báo chí. "Chúng tôi đã bị sốc vì câu chuyện trên! Chính quyền đang vi phạm đạo luật bảo vệ nguồn thông tin của mình, mới được phê chuẩn từ ngày 4/1 năm nay. Những hành động kiểu như vậy làm tổn hại đến sự tự do, tin cậy của thông tin, đến tính đa nguyên luận của các phương tiện truyền thông đại chúng" - Tổng thư ký Dominic Pradalie của Hiệp hội Nhà báo Pháp tuyên bố.

Điện Elysee về phần mình đã kịch liệt bác bỏ những lời cáo buộc của Le Monde. Trong khi đó phía cơ quan cảnh sát lại không che giấu việc đang điều tra vụ rò rỉ thông tin. Các đại diện tại đây giải thích rằng, bất cứ quan chức nào "cũng cần phải tuân thủ bí mật nghề nghiệp và tôn trọng bộ luật về thủ tục hình sự", trong khi nguồn tin của Le Monde đã vi phạm nguyên tắc này.

Dù thế nào, vụ bê bối mới nổ ra trên lại là một đòn nặng nề nữa giáng vào Tổng thống Sarkozy, người trong vài tháng gần đây đã có chỉ số uy tín xuống thấp đến mức kỷ lục. Phe đối lập tất nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội này. Như phát ngôn viên Aurelie Filippetti của đảng Xã hội đã ví vụ "Le Monde chống lại điện Elysee" tương tự như vụ bê bối Watergate tại Mỹ từng khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức trong cay đắng.

Theo ví von của bà Filippetti, vụ bê bối mới này của Pháp có thể đi vào lịch sử với tên gọi "Woerthgate", bắt nguồn từ cái tên của Bộ trưởng Woerth. Đảng Xã hội còn chính thức đòi phải mở cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ những âm mưu nghe trộm tại Bộ Tư pháp, tòa soạn Le Monde, cũng như những tình tiết trong vụ bị cách chức và điều chuyển của David Senat

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.